Minh Anh - RFI
Đăng ngày 06-06-2015
Kể từ
khi tư pháp Mỹ phanh phui các vụ tham nhũng trong Liên đoàn Bóng đá Thế giới
FIFA, những ngày gần đây liên tiếp có nhiều tiếng nói chỉ trích tổ chức thể
thao đầy quyền lực. FIFA – một Watergate kiểu Thụy Sĩ, tham nhũng FIFA hay là đối
đầu Nga-Mỹ, Blatter có thật sự được lòng các danh thủ, FIFA - một đế chế mafia
là nhận định chung của một số báo Anh, Nga và Mêhicô về vụ tai tiếng này. Tuần
san Courrier International số ra cho ngày 04-10/06/2015 có lược dịch lại dưới một
tiêu đề chung « Bóng đá : FIFA cũng có Watergate ».
Nhật báo Anh quốc The Guardian không ngần ngại ví vụ
tai tiếng tại FIFA như là vụ Watergate của Mỹ năm 1972, khiến cựu Tổng thống Mỹ
Richard Nixon sau hai năm cầm quyền trong nhiệm kỳ 2 phải từ chức. Tờ báo nhắc
lại vào năm đó, nhật báo Mỹ Washington Post sau nhiều tháng điều tra tỉ mỉ đã
cho đăng một loạt bài tiết lộ kênh tài chính và những âm mưu thủ đoạn của Tổng
thống đương nhiệm lúc bấy giờ để nghe lén đối thủ đảng Dân chủ trong quá trình
tranh cử Tổng thống năm 1972.
Tờ báo cho rằng, căn cứ vào tình hình thực tế và mức
độ tham nhũng triền miên, không còn gì có thể ngăn cản mọi người xem cơ chế đó
như là một « quốc gia côn đồ ». Và cũng như «nhiều quốc gia
côn đồ khác, tổ chức này cũng có không ít những đồng minh đáng kể ».
Điển hình, trong tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên án các hành động
của FBI Mỹ xem đấy như là một hành động can thiệp nội bộ nước khác, đồng thời
gây áp lực chống lại việc trao quyền đăng cai Cúp bóng đá Thế giới 2018 của
Nga.
Chống
tham nhũng tại FIFA : Vở kịch dàn dựng để chống lại Matxcơva ?
Về điểm này, bán nguyệt san Gazeta của Nga ngoài việc
lo ngại liệu Matxcơva có bị tước quyền tổ chức World Cup 2018, còn cảnh báo rằng
sự việc có thể không những chạm đến lòng tự hào dân tộc của người dân Nga mà
còn làm ảnh hưởng xấu đến quan hệ giữa Nga với Phương Tây.
« Một cú dàn dựng chống lại Matxcơva ? »
tờ báo tự hỏi. Trong con mắt người dân Nga, Cúp bóng đá Thế giới được tổ chức
ngay trên chính lãnh thổ của họ không chỉ là một sự kiện thể thao, mà còn mang
cả tính chất chính trị. Để vận động cho việc tranh quyền đăng cai, chính quyền
Nga đã phải chuẩn bị và đầu tư rất nhiều cho cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ cho sự
kiện.
Do đó, nếu như Matxcơva không được tổ chức sự kiện
thể thao lớn nhất hành tinh này, điều đó sẽ làm cho hàng triệu con tim Nga tan
vỡ. Không những thế, quan hệ giữa Nga với Phương Tây vốn đã rất nhạy cảm sẽ còn
trở nên băng giá hơn. Nhất là trong trường hợp nhiều quan chức Nga sẽ bị truy tố.
Và như vậy, trong con mắt của người dân Nga, Hoa Kỳ là người đã cướp đi của họ
một giấc mơ dân tộc. Đổi lại, tại Phương Tây, kể từ giờ nước Nga sẽ bị đánh đồng
với một « đế chế của điều xấu xa », nổi tiếng đánh xúc xắc
gian lận, đút lót và sử dụng vũ lực.
Cuối cùng, ngoài việc quan hệ song phương Nga – Mỹ xấu
đi, việc hủy quyền tổ chức World Cup của Nga có lẽ sẽ còn tước đi của nhiều
thành phố Nga những nguồn tài trợ như dự kiến để phát triển cơ sở hạ tầng. Đồng
thời cả nước cũng không thể tận dụng được cơ hội này để chứng tỏ với thế giới
trong ngày trọng đại đó mà còn có lẽ bị cô lập hơn bao giờ hết.
FIFA
: Một đế chế mafia
Báo chí Mêhicô có vẻ nặng lời hơn cho rằng « FIFA
: Một đế chế mafia ». Bởi vì từ nhiều thập niên nay, không ai dám động
đến các nhà lãnh đạo liên đoàn.
Đó là lẽ đương nhiên, vì có liên quan đến vấn đề tiền
bạc. Thu nhập hàng năm của FIFA trên 2 tỉ đô-la, chưa kể những khoản phụ khác,
cho phép tổ chức này phát triển mạng lưới ủng hộ viên nhằm đảm bảo sự thăng tiến
của các nhà lãnh đạo trung thành nhất.
Vì đó là một cơ chế độc lập trên cả tầm quốc gia,
nên FIFA chẳng cần gì phải thanh minh với một cấp xét xử cao nhất nào hết. Nhờ
thế là các nhà lãnh đạo có thể hành động mà không cần lo sợ bị trừng phạt. Chỉ
cần có được sự ủng của đa số quốc gia thành viên (209 nước tổng cộng). Ông
Blatter có thể tại vị được là nhờ sự ủng hộ rộng rãi của các Liên đoàn Châu Mỹ
La-tinh, Châu Phi và Châu Á.
Biển
Đông: Báo Trung Quốc lên lớp Hoa Kỳ
Biển Đông chủ đề khẩu chiến giữa Mỹ và Trung Quốc.
Washington nhiều lần lên án Bắc Kinh gây bất ổn trong khu vực và làm cho các quốc
gia láng giềng quan ngại. Trước những chỉ trích gay gắt từ phía Mỹ, tờ Nhân dân
Nhật báo – cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc đã có bài
phản bác của ông Hua Yisheng, chuyên gia về các vấn đề quốc tế tại Bắc Kinh. Tuần
san Courrier International lược dịch lại dưới tiêu đề « Quốc phòng : Bắc
Kinh vững như bàn thạch ».
Ông Hua Yisheng đưa ra năm lập luận cho rằng Hoa Kỳ
cần phải xem lại các nguyên tắc căn bản. Thứ nhất, Hoa Kỳ không có chút quyền
nhòm ngó đến vấn đề Biển Đông. Họ không thể có một yêu sách nào và cũng không
có điều gì để là nói đến. Chuyện Bắc Kinh cải tạo các đảo thuộc chủ quyền không
có gì đáng chỉ trích, hơn nữa những cơ sở đó dùng cho mục đích cứu hộ và dự báo
thảm họa thiên nhiên. Nói tóm lại phục vụ cho an toàn hàng hải.
Thứ hai, về mặt đạo đức, Hoa Kỳ lấy quyền gì mà chỉ
trích Trung Quốc. Họ viện dẫn « tự do lưu thông » chẳng vì lý do gì quan trọng.
Cái tự do đó chẳng qua chỉ là cái cớ để cho sự đi lại các tàu chiến của Mỹ. Đối
với tác giả bài viết, Hoa Kỳ đã có thái độ « nhất bên trọng, nhất bên
khinh » khi một mặt chỉ trích Trung Quốc có « hành động khiêu
khích », nhưng mặt khác lại nhắm mắt làm ngơ trước hành động gây hấn
và khiêu khích của đồng minh.
Thứ ba, tác giả cho rằng Washington đã quá ảo tưởng
khi nghĩ rằng có thể « bao vây » được Trung Quốc trên Biển
Đông như ủng hộ Philippines, thúc giục Nhật Bản can thiệp nhiều hơn hay khoa
chân múa tay để nhận được sự ủng hộ của các nước Đông Nam Á. Thế nhưng mọi mưu
toan đó chẳng thu được mấy thành công do bởi các quốc gia trong khu vực chỉ
khao khát có hòa bình, ổn định và nghi ngờ sự leo thang căng thẳng.
Thứ tư, Hoa Kỳ sẽ không thể nào làm lay chuyển được
ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, một vấn đề không thể
nào thương lượng được. Mỹ đã lầm đường khi cố buộc Trung Quốc ngưng các công
trình xây dựng trên các đảo. Lập trường của Bắc Kinh rất rõ ràng : quyết tâm bảo
vệ chủ quyền và lãnh thổ « vững như bàn thạch ».
Cuối cùng, Washington khó có thể tránh né được trách
nhiệm của mình trong những lộn xộn gần đây trên Biển Đông. Tác giả nhắc lại rằng
chính Hoa Kỳ mới là kẻ cố tình gây bất ổn. Trước hành động đó, Trung Quốc luôn
giữ thái độ bình tĩnh, nhún nhường và bám chặt theo luật quốc tế, đồng thời
cũng nhận thức được mối đe dọa và luôn trong tinh thần chuẩn bị đối phó với
nguy hiểm.
Cuối bài viết, tác giả còn đưa ra là lời khuyên là nếu
Hoa Kỳ thật sự mong muốn có sự ổn định và hòa bình tại Châu Á Thái Bình Dương,
họ nên hiểu rõ các ý định chính trị và chiến lược của Trung Quốc. Và nhất là
cũng không nên quên một số nguyên tắc cơ bản khi có hành động khinh xuất.
Deustch
Thelekom : Bạn bè dọ thám lẫn nhau
Nhiều tài liệu nội bộ tại Deustch Telekom, trong suốt
giai đoạn 2005-2008, Deustch Telekom của Đức - tập đoàn viễn thông hàng đầu của
Châu Âu đã lén theo dõi các dòng thông tin do đồng nghiệp Pháp (France Telecom)
quản lý, trung chuyển qua Đức, theo như lệnh của cơ quan tình báo Đức.
Về chủ đề này, nhật báo Le Monde giải thích là sự hợp
tác trong lãnh vực tình báo giữa Đức và Mỹ được ghi lại trong một « hợp
đồng », theo đó phía Đức « cam kết theo dõi các dòng dữ liệu
thông tin lưu hành bất kể đó là cáp mạng của ai, chẳng hạn như là Pháp, trung
chuyển qua lãnh thổ của Đức ». Kể từ năm 2005, toàn bộ dòng thông tin
bị chặn lại đã được chuyển về trung tâm nghe lén đặt tại vùng Bavière, trong một
căn cứ quân sự. Tại đây, các nhân viên tình báo Đức làm việc « cùng với
đối tác Mỹ ».
Câu hỏi đặt ra : Vụ tình báo mạng này nhắm vào những
« mục tiêu » nào của Pháp ? Theo nhật báo, nhà phân phối mạng
Orange (Pháp) có lẽ sẽ có các phương tiện kỹ thuật để biết được điều đó.
Bosnia
: Giáo hoàng Phanxico theo chân Gioan Phaolo
Chuyến công du Bosnia là chủ đề chính của nhật báo
Công giáo La Croix ngày cuối tuần. Cuộc chiến Nam Tư cũ đã trôi qua từ hai mươi
năm nay, nhưng « Tại Sarajevo, vết thương vẫn chưa hàn gắn »,
theo như hàng tít nhận định trên trang nhất. Do đó, chuyến đi Bosnia lần này vừa
để kỷ niệm 20 năm thỏa thuận Dayton, nhưng cũng vừa để kêu gọi một sự hòa giải
dân tộc.
Khẩu hiệu của chuyến công du lần này là « Nguyện
cầu hòa bình cho các bạn ». Khẩu hiệu đó cho thấy rõ tham vọng của
Ngài : « Ủng hộ sống chung hòa bình giữa các cộng đồng từ lâu đối kháng
lẫn nhau ». Đó cũng là « một sự ủng hộ tinh thần cho cộng đồng
thiểu số công giáo, những người cảm thấy như là bị trừng phạt và bị lãng
quên », La Croix nhận định.
Còn đối với nhật báo Le Figaro, chuyến đi Bosnia của
Đức Giáo Hoàng Phanxico không chỉ đơn thuần là để hàn gắn vết thương chiến
tranh như cố Giáo hoàng Gioan Phaolo đệ nhị đã từng làm cách đây 18 năm. Đó còn
là những vết thương « gần như vô hình, xơ cứng » giữa ba cộng
đồng : Serbia Chính thống giáo, Croatia Công giáo, và Bosnia Hồi giáo, đang cố
sống chung trong một đất nước chỉ có 4 triệu dân.
Liban
: Tôi tớ đa năng nhưng cấm yêu
Về thông tin xã hội, tạp chí tuần M của báo Le Monde
quan tâm đến thân phận tôi đòi của những người phụ nữ nước ngoài làm giúp việc
nhà tại Liban. Tờ báo đề tựa « Làm đủ thứ việc, trừ tình yêu ».
Tại Liban, các cô giúp việc đa phần là người nước
ngoài phải làm đủ thứ việc từ việc nhà cửa cho đến trông trẻ. Đã là thân phận
tôi tớ, chịu nhiều thiệt thòi, làm việc cực nhọc, lương bổng ít oi, bị bóc lột
thậm tệ, nhưng đến quyền cơ bản nhất, riêng tư nhất cũng không được hưởng :
tình yêu và hôn nhân.
Kể từ giờ các cô hầu bị cấm kết hôn hay có quan hệ
yêu đương ở trong nước. Bộ Tư pháp Liban ban hành một thông tri buộc các gia
đình chủ giám sát chặt chẽ các mối quan hệ của người giúp việc. Quy định mới
ban hành có liên quan đến 250.000 phụ nữ, đến từ các quốc gia Châu Phi hay Châu
Á.
Các tổ chức đấu tranh đòi quyền cho những người lao
động nhập cư nhận định : « Đây rõ là một biểu hiện của hiện tượng bài
ngoại tại Liban. Dòng người Syria di tản ồ ạt đã đánh thức tính nhạy cảm về sự
hiện diện của người nước ngoài. Người cũng muốn khai thác họ, nhưng lại không
muốn những người này xây dựng một cuộc sống ở đây ».
Bộ
não con người : Những khám phá kỳ diệu
Lãnh vực khoa học là chủ đề chính trên tuần san
L’Express. « Những điều kỳ diệu của bộ não » là hàng tít ấn tượng
trên trang nhất. Tờ báo dành hẳn mười trang để bàn về chủ đề này. Một cuộc cách
mạng khoa học trong những năm gần đây. Các nhà khoa học liên tục có những khám
phá về tính phức tạp vô tận của não bộ chúng ta. Không đơn thuần là một cơ quan
cố định, chất xám con người liên tục bị biến đổi và được tái tạo. Những khám
phá mới đó cũng mở ra nhiều hứa hẹn tuyệt vời trong ngành giải phẫu nhưng cũng
đề ra nhiều tranh cãi đạo đức : Chúng ta có thể thay đổi các nơ-ron của chúng
ta đến tận đâu ?
No comments:
Post a Comment