Phạm Chí Dũng
08/06/2015
Trong
lúc chuyến công du Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn bặt tăm sau thời điểm
dự kiến cuối Tháng Năm, vào đầu Tháng Sáu này, bỗng lan truyền một tin đồn ở Việt
Nam về “chuyến đi bị hoãn vô thời hạn”.
Trước đó, đã rậm rịch thông tin về chuyện công đoạn
đón tiếp không hẳn ở phòng bầu dục tại Washington, DC, với ông Trọng bị lùi lại
một thời gian.
Một trong những nguồn đưa tin về “chuyến đi bị hoãn
vô thời hạn” còn bảo đảm rằng độ tin cậy của tin tức này lên đến 90%. Nghĩa là
rất cao, trong bối cảnh chủ đề nội bộ Việt Nam gần giống như một bức tranh siêu
thực xen trường phái dã thú Les Fauves. Thậm chí như bài học của các đại hội đảng
trước đây, những phương án “chốt nhân sự” tưởng như đóng đinh 100% đã bị biến
thái chỉ sau ít thời gian.
Lưu manh chính trị
Nhưng có lẽ trong xã hội, người dân và đặc biệt là giới quan sát thời cuộc, hầu như không còn ngạc nhiên về động thái tin đồn nếu nhìn vào mối tương quan chính trị nội bộ, đặc biệt sau khi hiện ra cơn sóng thần chưa từng có mang tên Chân Dung Quyền Lực vào cuối năm 2014, đầu năm 2015. Một khi cuộc xung đột quyền lực bắt đầu xu thế lao nhanh đến vực thẳm, mọi thông tin thuộc loại nhạy cảm nhất đều có thể được tận dụng để chống phá nhau.
Cũng không quá lạ nếu nhằm hạ thấp “uy tín trên trường
quốc tế” của một bên, phía kia hoàn toàn có thể khuếch tán thủ đoạn lôi nhân
quyền ra làm vật hy sinh. Trong 20 năm “bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ” kể từ
thời điểm năm 1995, đã có không ít minh họa làm chứng cho thủ đoạn bị xem là
lưu manh chính trị này.
Câu chuyện giới dân chủ nhân quyền Việt Nam bị tấn
công hành hung vào Tháng Năm là một minh chứng đương đại điển hình.
Sau 20 năm vất vả để bình thường hóa cái lẽ ra chẳng
có gì quá mất thời gian, những gì mà người Mỹ cần làm và đưa tay với chính quyền
Việt Nam có lẽ đã quá đủ. Tương lai Việt Nam đang được bảo đảm bằng Hiệp Định
TPP, đầu tư nước ngoài từ Mỹ, kể cả vai trò của Hoa Kỳ tại Biển Đông như một đồng
minh quân sự tạm thời với Việt Nam để ngăn chặn cái lưỡi quá dài của Trung Quốc.
Và tất nhiên, như ông Antony Blinken, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, mô tả trong một
cuộc họp báo tại Sài Gòn vào Tháng Năm, tổng thống Mỹ đang trông chờ chuyến
thăm Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng, dù trong quá khứ chưa từng có tiền lệ một Tổng
bí thư đảng, đặc biệt là Đảng Cộng Sản, được lãnh đạo cao nhất của Mỹ tiếp.
Vào cuối Tháng Năm, ngay sau khi dự hội nghị an ninh
quốc phòng Shangri-la, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter còn đến Hà Nội với một
món quà khá đắt giá: một thỏa thuận với Bộ Quốc phòng Việt Nam về sự hỗ trợ của
hải quân Hoa Kỳ ở khu vực Biển Đông.
Hẳn nhiên với bàn tay ấy, nếu phía Việt Nam muốn thỏa
mãn đôi phần cuộc mặc cả trên bàn đàm phán với Hoa Kỳ, điều kiện trao đổi là
không quá khó. Ngay trước mắt chỉ là vấn đề nhân quyền theo lối “tài nguyên tù
nhân chính trị”.
Cà
chua và trứng thối
Như một sự cố ý, vào thời gian gần diễn ra chuyến
công du Mỹ của ông Trọng, hàng loạt hành vi xâm phạm nhân quyền lộ liễu và dã
man đã được một bộ phận trong ngành công an Việt Nam tung ra: Tháng Năm, một số
côn đồ bị nhận mặt là công an giả danh đã hành hung man rợ Blogger Nguyễn Chí
Tuyến tại Hà Nội vào đúng ngày diễn ra đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ, khiến Phụ
tá Ngoại trưởng Mỹ Tom Malinowski phải thốt lên đó là hành động “vô cùng ngu dốt,”
cũng những côn đồ-công an lại đánh thương tích một blogger khác là Đinh Quang
Tuyến tại Sài Gòn vào đúng ngày mà Thứ trưởng Antony Blinken vào thành phố này
họp báo về quan hệ Việt-Mỹ. Ngay cả Giáo sư Nguyễn Huệ Chi chỉ ra phi trường đi
Mỹ thăm gia đình cũng bị thu giữ hộ chiếu và cấm xuất cảnh.
Tất cả đều xảy ra trong và ngay sau cuộc đối thoại
nhân quyền Việt-Mỹ tại Hà Nội. Và như một bài phân tích mới đây, những người bị
hành hung đều phải nhận những cú đánh ghê gớm và vùng mặt là chỗ dễ thấy nhất,
những vụ đánh người đều xảy ra vào ban ngày là thời gian dễ chứng kiến nhất.
Tóm lại, vụ việc hành hung trở nên xáo trộn, gây xúc động mạnh đối với giới đấu
tranh dân chủ và dĩ nhiên không thoát khỏi sự lên án gay gắt từ giới truyền thông
và các tổ chức nhân quyền phương Tây.
Kết quả là dù muốn hay không, Tổng Bí thư Trọng
chính là nạn nhân gián tiếp của chiến dịch đánh người quá bất nhẫn trên. Nếu
chuyến đi Mỹ của ông Trọng diễn ra vào cuối Tháng Năm theo đúng dự kiến, chắc
chắn vị tổng bí thư sắp rời ghế phải tiếp nhận phản ứng không mấy thân mật của
dư luận quốc tế và người dân cùng các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ.
Một chi tiết phản logic mà càng lột tả sự bí ẩn lộ
liễu trong động thái đàn áp bất thường vào Tháng Năm: Giáo Sư Nguyễn Huệ Chi bị
công an thu giữ hộ chiếu và cấm xuất cảnh dù ông chỉ đi Mỹ thăm gia đình, trong
lúc không một ai trong số những người đi dự khóa tập huấn truyền thông ở
Singapore, cũng trong Tháng Năm, với vai trò đồng tổ chức của Đảng Việt Tân, bị
giam hộ chiếu.
Hai vụ việc khác hẳn nhau về ngoại hình như trên lại
có thể bộc lộ hai bản chất hoàn toàn khác biệt: Nếu vụ câu lưu ít giờ đối với
những người trở về từ Singapore có thể được xem là “nhiệm vụ chung” mà chẳng có
gì riêng tư, thì trường hợp Giáo Sư Nguyễn Huệ Chi lại đậm dấu ấn “đánh vào giới
trí thức”.
Là một trong những trí thức có uy tín và có ảnh hưởng
nhất định ở Việt Nam, vụ ông Nguyễn Huệ Chi bị cấm xuất cảnh và thu giữ hộ chiếu
vô cớ đã làm dấy lên làn sóng bất bình trong dư luận trí thức trong nước và hải
ngoại, khiến giới trí thức cảm thấy bị xúc phạm dù chỉ về tâm lý. Hiệu ứng mà
ai đó muốn xảy ra đã xảy ra: Chỉ ít ngày sau sự việc của ông Chi, một bản tuyên
bố phản đối phẫn nộ đã được vài trăm trí thức ký tên gửi cho giới lãnh đạo Việt
Nam và tất nhiên không tránh khỏi các địa chỉ nhân quyền quốc tế.
Trong trường hợp trên, ông Trọng lại một lần nữa
mang tiếng là “trấn áp trí thức tinh hoa,” sau khi đã “đàn áp giới trẻ nhiệt
tâm”.
Khó có thể hình dung khác hơn là đã hiện ra những
hành động cố tình làm cho chuyến đi Mỹ sắp tới của ông Trọng phải làm cho thế
giới phương Tây nổi giận, bị dân Việt hải ngoại và cả người Mỹ ném trứng thối
và cà chua cùng vô số cáo buộc về việc chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền
trầm trọng.
Nhưng không chỉ có thế, ông Trọng và những người
liên quan mật thiết với ông về quyền lực còn phải đối phó với với một mối nguy
tưởng nhỏ mà lớn: Trong thời gian từ đây đến đại hội đảng 12 vào đầu năm 2016
và ứng với những động thái gia tăng quan hệ với phương Tây của phe đảng, giới đấu
tranh dân chủ nhân quyền ở Việt Nam luôn có thể bị một thế lực ngầm hiểm bốc ra
làm vật hy sinh. Hậu quả là không cần biết nội tình phe phái phức tạp đến thế
nào ở Việt Nam, giới thượng nghị sĩ Tây Âu và Hoa Kỳ chỉ thấy quá đủ để tiếp tục
lên án chính thể bảo thủ đến cực đoan này.
Ai đạp
đổ?
Câu tục ngữ “Ăn không được thì đạp đổ” vẫn quá thấm
thía và còn đắc dụng trong không ít thời đương đại. Không phải lần đầu tiên
trong chính trường bếp núc Việt Nam hiện ra dư luận về phe này “chơi” phe kia,
liên quan đến những chuyến công du quan trọng ra ngoại quốc.
Trong thời gian gần đây, có dư luận cho rằng phe đảng
trị của ông Trọng đang chiếm ưu thế khi đại hội đảng cầm quyền lần thứ 12 đang
đến gần. Cứ cho là như thế. Vậy thì phe nào đang thất thế và muốn “đạp đổ” bằng
thủ đoạn lợi dụng một số công an viên để hành hung giới đấu tranh dân chủ?
Là người trong cuộc, hẳn ông Trọng không khờ dại đến
mức không biết gì về hành vi của những thành viên đối lập ngay trong lâu đài
dán gia huy Cộng sản của mình.
Nhưng ông sẽ làm gì đây?
P.C.D
No comments:
Post a Comment