Hoàng Xuân
Nhà
báo tự do, gửi cho BBC từ Sài Gòn
14 tháng 6 2015
Cách
đây mười mấy năm, có hôm tôi đi về tối thấy trên góc phố Hàng Bột (nay là đường
Tôn Đức Thắng) đoạn cắt với phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội, ngay trên lề đường
sáng trưng nhang đèn, người đông đen khấn vái xì xụp.
Hỏi thì biết đoạn ấy ngày xưa gọi là miếu hai cô, thờ
hai cô gái nghe đồn là lao đầu vào xe điện chết hồi đầu thế kỷ 20. Đến tận năm
ngoái, thành phố cho rước bát hương vào đền thờ và phá bục thờ ở lề đường đi,
quây rào và cho người túc trực ở đó, dân vẫn đến cúng vái.
Bây giờ, không quá lời khi nói niềm tin của người Việt
là tin búa xua. Xưa, cái thời y học chưa phát triển, ông bà nói "có bệnh
thì vái mười phương", cầu may trúng phương nào nhờ phương ấy.
Giờ, căn bệnh trong tâm của người Việt cũng rất nặng.
Nó xuất phát từ thực trạng xã hội bất an, pháp luật không nghiêm minh tạo nên một
đời sống quá nhiều bất trắc. Từ khi còn trong thai đến khi xuôi tay, người Việt
luôn nơm nớp.
Bệnh viện quá tải và hay "nhầm", thực phẩm
bẩn, môi trường ô nhiễm, tai nạn giao thông cao nhất nhì thế giới, bạo lực
trong xã hội tăng, thậm chí có một câu truyền miệng nghe có vẻ khoa trương
nhưng hoàn toàn chính xác "sáng bước ra cửa, tối về đến nhà mới yên tâm
mình còn sống".
Không biết tin vào đâu, kể cả vào những hệ thống xã
hội sinh ra với mục đích bảo vệ người dân, trong khi nhu cầu được trấn an lên rất
cao, vậy thì phải tin ở thánh thần. Cả xã hội nháo nhác đi tìm niềm tin, bấu
víu được đâu tin nấy. Tưởng như bây giờ, bất cứ cái gì cũng là thần thánh tiềm
năng cả.
Một con rắn dạn dĩ ở Hà Giang, một hòn đá hình dạng
khác lạ ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội, một cái cây mọc tán lá hiếm thấy... ngay lập
tức, một đám đông từ xa lắc mò tới, vái lạy.
Thậm chí mua xe hơi cũng phải có bài cúng bài bản, gồm
cả đồ chay lẫn đồ mặn và nhất thiết không được thiếu bộ quần áo tế thay người
lái, tùy giới tính chủ nhân mà mua đồ nam hay nữ.
Trên một diễn đàn lớn dành cho phụ nữ, có người bán
xe kể về một người mua:
"Khi đi xem xe
bác ấy phải đi kèm 2 người hạp tuổi hạp mạng, đi đúng 12h trưa. Rồi do thủ tục
chuyển vùng bị trục trặc nên bác ấy không lấy xe được đúng theo ngày giờ chỉ đạo
của vợ. Thế là vẫn đến đúng ngày giờ ấy bác sắm sửa lễ vật trái cây nhang đèn,
mượn chìa khóa xe nổ máy, hướng về phía Bắc mà khấn". Cũng chỉ để cầu bình an.
Người nghèo vái cục đá, tán cây, con rắn nước. Người
giàu đến những nơi thờ phượng ngày càng to lớn và xa hoa. Cái sau phải to lớn
hơn, tốn nhiều tiền hơn cái trước. Hết chùa Bái Đính nghìn tỷ đến Văn Miếu thờ
Khổng Tử xây hết trên 300 tỷ đồng ở tỉnh Vĩnh Phúc.
Ngay cả Phật giáo
Ngay cả Phật giáo vốn lấy sự đơn sơ làm nguyên lý tu
tập thì bây giờ chùa cũng rực rỡ sang trọng.
Năm 2011, chùa Sùng Đức, quận Thủ Đức TP. Hồ Chí
Minh có bốn pho tượng Phật bằng ngọc bích nguyên khối, mỗi pho khoảng 60 kg, mặt
tượng dát vàng, phần áo phật cẩn gần 2.000 viên kim cương nhân tạo.
Thì năm sau, Đại hội Phật giáo Việt Nam hoan hỉ báo
tin trong thời gian diễn ra đại hội sẽ trưng bày bức tượng Phật hoàng Trần Nhân
Tông cũng từ một khối ngọc bích nặng 4, 5 tấn nhập về từ Canada, phần đầu cũng
thếp vàng toàn bộ, tạo tác xong còn trên 2 tấn. Dường như tượng càng to, càng đắt
tiền thì chùa càng được tiếng là giàu phật tính, danh tiếng nhà chùa càng vang
xa.
Ngày xưa, khi Thái tử Tất Đạt Đa rũ bỏ ngôi báu và đời
sống tột đỉnh cao sang để khổ tu nhằm khuyên mọi người không thiên danh lợi,
Ngài chắc không hình dung nổi ngày nay rất nhiều nhà chùa Việt Nam đã trở thành
một thứ cung điện còn xa hoa hơn nhiều lần.
Con đường chánh niệm đã bị rời xa. Bản thân không ít
những người tu hành mê lầm nên không đảm đương được vai trò hướng dẫn niềm tin
cho cộng đồng được nữa. Bù lại, những "tôn giáo" mới đẻ ra với đủ thứ
quái dạng.
Có "đạo" xui người ta mua đồ cúng tốn hết
vài chục triệu, mua cả con heo quay rồi đào hố chôn tất, không được ăn miếng
nào. Đồ dùng trong nhà phải dỡ ra bán sạch, lấy tiền góp cho đạo chủ. Không được
làm việc.
Có "đạo" bắt người mẹ đẻ dùng kim và dùi
nóng chích vào đứa con mới mấy tháng tuổi của mình đến thủng lỗ to trên người,
chỉ vì nó hay khóc, "có ma nhập vào người". Vậy mà vẫn có nhiều người
tin theo, chính quyền dẹp lên dẹp xuống nhiều lần không dứt.
Tại chùa Vân Tiêu, Yên Tử (Quảng Ninh) nơi Phật
hoàng Trần Nhân Tông tu tập, người ta từng đặt cúng hai chiếc lộc bình trên có
đôi câu thơ tả cảnh ân ái theo điến tích tình dục nổi tiếng của Trung Hoa:
“Nhất chi hồng diễm lộ ngưng hương/Vu sơn vân vũ uổng
đoạn trường” (“Một nhành hồng thắm móc ngưng hương/Chuyện mây mưa ở Vu Sơn vốn
đoạn trường” - Tiến sĩ Trần Trọng Dương, Viện nghiên cứu Hán Nôm dịch nghĩa).
"Phật hoàng ngồi ở đỉnh Vân Tiêu chơi cánh diều.
Cụ chơi diều chứ chơi gì những cái Vu Sơn Vu Giáp ấy!"-ông Dương nói.
Niềm tin hời hợt
Nhưng mặc dù bề ngoài có vẻ cuồng nhiệt, thực ra niềm
tin vào thần thánh ở Việt Nam là niềm tin hời hợt và nông cạn. Nói đúng hơn, những
người sắm lễ hậu đi van vái vé số rơi vào đầu, đối thủ bị triệt hạ hay được phù
hộ thăng chức... cũng y như đi hối lộ. Họ mặc cả, đi đêm với thánh thần và sẵn
sàng ngoảy đi tìm thần thánh khác linh thiêng hơn, hoặc khi sự cầu mong của
mình không được đáp ứng.
Nhiều người nhận xét Việt Nam đang ở 'thời mạt
pháp'. Ngay những việc tốt nho nhỏ thường ngày cũng bị nghi ngờ và ném đá. Hai
chữ "niềm tin" xuất hiện khắp nơi trên báo chí, diễn đàn xã hội và cả
những nghị quyết của Đảng theo nghĩa phải làm gì để tìm lại nó.
Nhưng ai làm, và làm như thế nào?
Từ nhiều năm nay, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam
luôn luôn được vận động làm theo 'tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh'.
Nhưng tấm gương này xa quá. Người ta thấy việc hạch
sách bắt chẹt và tham nhũng ở các tấm gương - cũng là đảng viên- gần hơn rất
nhiều: từ cô nhân viên làm giấy tờ ở phường, thuế, cảnh sát giao thông, hải
quan sân bay đến những người có quyền cấp phép kinh doanh, làm dự án, cho đến
những cấp cao hơn thế.
Cũng có người bị phát hiện và trừng phạt, nhưng dân
gian Việt Nam có câu an ủi "Trời kêu ai nấy dạ", việc 'các đồng chí bị
lộ' xem ra chỉ do xui xẻo chứ không phải là hậu quả tất yếu của hành vi sai
trái lẽ ra phải bị pháp luật trừng trị.
Còn các 'đồng chí chưa bị lộ' thì ai cũng giàu lên cực
nhanh, vậy việc gì phải kiêng khem cho khổ?
Thôi thì trong thời hỗn quân hỗn quan, mình cứ đụng
đâu lạy đó, cho lành!
Bài viết thể hiện lối hành văn và quan điểm riêng của
tác giả, nhà báo tự do, cộng tác viên của nhiều tờ báo trong nước, hiện đang
sinh sống ở Sài Gòn.
Tin liên quan
------------------------------------
ĐẠO HỒ CHÍ MINH
.
.
10-6-2013
.
10-6-2013
.
23-5-2013
No comments:
Post a Comment