Anh Vũ, thông tín viên RFA
2015-06-18
2015-06-18
Sau tám năm chờ đợi,
chiều thứ Ba 25/11 vừa qua thêm 39 người Việt cư trú bất hợp pháp tại Thái Lan
đã đặt chân xuống phi trường quốc tế Vancouver của Canada. Đây là đợt thứ nhì.
Đợt đầu tiên với 28 người đã tới Vancouver hôm 13 tháng 11, 2014. RFA
Từ khi VN tiến hành cải cách về kinh tế vào năm
1986, cho dù nền kinh tế đã phần nào phát triển. Tuy vậy trước việc chính quyền
VN tiếp tục, bóp nghẹt các quyền tự do dân chủ và tôn giáo, thì đến nay vẫn có
một làn sóng ngầm không ít những người đấu tranh tìm đường trốn khỏi VN để xin
tỵ nạn vì lý do chính trị và tôn giáo.
Cuộc sống hiện nay của họ ra sao và những người này
còn sẽ tiếp tục đấu tranh hay không?
Trong bài thứ nhất, Anh Vũ sẽ giới thiệu về chặng dừng
chân đầu tiên của những người tỵ nạn này ở Thái lan và Campuchia.
…Buộc phải rời bỏ quê
hương
Sau khi chiến tranh VN kết thúc, do sự sai lầm trong
các chính sách chính trị và kinh tế của nhà cầm quyền cộng sản, đã dẫn đến một làn
sóng người VN lên đến gần một triệu người bỏ nước ra đi để tìm kiếm cơ hội tỵ nạn
ở nước ngoài.
Từ năm 1986, đảng CSVN phải thực hiện một cuộc cải
cách kinh tế để thoát ra khỏi bờ vực phá sản. Đời sống kinh tế trong nước có
khá hơn, cũng như sau đó các trại tỵ nạn của người Việt ở nhiều nơi trên thế giới
bị đóng cửa, các nước không còn muốn nhận thuyền nhân nữa; khi đó cuộc khủng hoảng
người tị nạn Việt nam tưởng như đã chấm dứt.
Tuy vậy ít người biết rằng từ đó đến nay, vẫn còn một
làn sóng người Việt nam tị nạn chính trị mới. Nhiều người trong số họ buộc phải
bỏ nước ra đi, mà các nước trong khu vực Đông Nam Á là chặng dừng chân đầu tiên
của họ.
Theo số liệu thống kê, hiện tại ở Thái lan đang có
khoảng 950 người tỵ nạn, tương tự ở Campuchia cũng có đến gần 200 người.
Nói về lý do khiến bản thân phải chạy sang Campuchia
để tỵ nạn, ông Hồ Văn Chỉnh cho chúng tôi biết:
“Trước đây tôi ở tỉnh Vĩnh long, tôi đã bị chính quyền
VN bắt cóc từ Campuchia đưa về VN bỏ tù. Sau khi tôi vượt ngục và trốn sang đây
thì tôi bị kết án vắng mặt 17 năm, vì liên quan đến việc đấu tranh đòi quyền tự
do dân chủ và đòi đa nguyên, đa đảng.”
Anh
Hoàng Đức Ái một nhà tranh đấu ở Nghệ An bị truy đuổi nên buộc
phải bỏ nước ra đi đến Thái lan, anh nói:
“Lý do tôi phải đến Thái lan tỵ nạn là do tôi là 1
trong 8 người ở Nghệ An đã rải truyền đơn tẩy chay cuộc bầu cử Quốc hội.”
Thân phận tỵ nạn này còn dành cho những người sắc tộc
H’mông, vì bị chính quyền đàn áp buộc họ phải từ bỏ tôn giáo mà họ tin theo. Một
thầy truyền đạo người H’mông đang tỵ nạn ở Thái lan, yêu cầu được dấu danh
tính cho chúng tôi biết. Ông nói:
“Quê quán của tôi ở VN là ở Lào cai, vì lý do ở VN
tôi là một lãnh đạo tôn giáo, đã đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo cũng như
tranh đấu chống việc chính quyền cướp đất của cộng đồng người H’mông chúng
tôi.”
Khó khăn nơi “đất
khách quê người”
Những khó khăn của những người bỏ nước ra đi tìm đường
tỵ nạn ở nước ngoài khó mà kể hết, vì đối với họ tất cả đều mới lạ. Nói về những
khó khăn hiện nay, anh Hoàng Đức Ái ghi nhận:
“Khó khăn thứ nhất là về công việc, mình không có việc
làm. Thứ 2 là chính quyền Thái lan họ không cho mình nhập cư, nên nếu mình ra
ngoài làm việc thì sợ họ bắt, vì nếu bị họ bắt thì chắc chắn sẽ nguy hiểm. Thứ
3 là vấn đề ngôn ngữ, vì không có ngôn ngữ thì rất khó khăn cho mình.”
Thầy
truyền đạo người H’mông tiếp lời:
“Ở Thái lan này thì cuộc sống nói chung cũng có nhiều
cái khó khăn lắm, một là mình phải cố gắng đi kiếm việc làm, song vì mình là
người sống bất hợp pháp nên người thuê mình làm họ ép giá rất là thấp. Cũng vì
Thái lan họ không ký cái Công ước Quốc tế năm 1951 để bảo vệ người tỵ nạn, vì
thế chúng tôi sang lánh nạn ở đây thì sự nguy hiểm luôn thường trực 24/24.”
Những khó khăn thì chồng chất như vậy, song việc có
được Cao ủy tỵ nạn LHQ (UNHCR) cứu xét để cấp quy chế tỵ nạn cho những người tỵ
nạn hay không thì là cả một vấn đề lớn và cũng hết sức khó khăn. Anh Hoàng Đức
Ái khẳng định:
“Hiện tại, tình hình những người tỵ nạn ở Trung Đông
hay những người tỵ nạn ở VN cũng rất là nhiều, mà Cao ủy (tỵ nạn) ở đây thì làm
việc hết sức chậm trễ. Cho nên các hồ sơ tỵ nạn sau này càng lâu hơn vì số người
tỵ nạn ngày càng đông. Như lịch phỏng vấn của tôi cũng đã dời lại 2-3 lần, bây
giờ cũng đã hết 1 năm rồi.”
Một gia đình dân tộc
theo đạo Tin Lành, từ vùng Tây Nguyên chạy sang Thái Lan xin tị nạn năm 2010.
Sau đó gia đình của anh Siu A Nem và 7 người con khi đến Canada tháng 7 năm
2014 (RFA)
Kể cả những trường hợp đã được chấp nhận cho hưởng
quy chế tỵ nạn ở Campuchia, song quyết định đó cũng không có hiệu lực. Từ đó dẫn
đến tình cảnh những người này vẫn phải sống một cuộc đời vô tổ quốc từ nhiều
năm nay. Từ Campuchia, ông Hồ Văn Chỉnh nói với chúng tôi:
“Sau khi UN rút quân thì họ giao tôi lại cho phía
Capuchia và họ cấp cho tôi một cái giấy do Phó Thủ tướng ký, nhưng cái giấy này
không có hiệu lực gì hết. Bây giờ thì họ khong công nhận, mà họ chỉ công nhận
giấy nhập tịch thôi. Do đó hiện tại cuộc sống của chúng tôi cũng hết sức khó
khăn và ở Campuchia bây giờ chúng tôi không có tương lai gì hết.”
Tuy nhiên, ở miền đất mới đa số những người tỵ nạn vẫn
không từ bỏ công việc đấu tranh của mình, họ vẫn tiếp tục tham gia công việc đấu
tranh trong điều kiện có thể. Anh Hoàng Đức Ái bày tỏ:
“Đối với những người tỵ nạn như tôi hay một số người
bạn ở đây, hàng ngày vẫn theo dõi tình hình ở VN để tiếp tục đồng hành đấu
tranh với những người đấu tranh trong nước. Đặc biệt là đối với các bạn trẻ, bằng
những bài viết trên các trang blog.”
Thầy
truyền đạo người H’mông cho chúng tôi biết hiện tại số
người H’mông tỵ nạn về vấn đề tôn giáo ở Thái lan có khoảng 350 người và ông vẫn
tiếp tục đấu tranh để bảo vệ quyền lợi cho bà con sắc tộc H’mông ở trong nước.
Ông nói:
“Tôi vẫn tiếp tục hoạt động về niềm tin tôn giáo ở
đây. Trước tình hình cộng sản VN đã ngăn cấm không cho đồng bào hoạt động tôn
giáo tự do theo ý muốn của người dân thì tôi cũng tìm hiểu các thông tin về vấn
đề này để viết các báo cáo để cho các tổ chức Nhân quyền biết, để lên tiếng bảo
vệ đồng bào H’mông của chúng tôi.”
Về nguyện vọng chung của những người tỵ nạn hầu như
cũng giống nhau, tất cả đều mong nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng người Việt
nam ở khắp nơi trên thế giới và mong muốn nhanh chóng được đi định cư ở nước thứ
3. Ông Hồ Văn Chỉnh cho biết:
“Bây giờ cộng đồng thế giới hãy lên tiếng để giúp
chúng tôi được đi định cư ở nước thứ 3, vì chỉ có thế chúng tôi mới có tương
lai cho con cái sau này. Cho đến giờ tôi đã tỵ nạn ở đây 15 năm rồi, mà họ
không cho chúng tôi nhập tịch gì hết. Chẳng biết tương lai của chúng tôi sẽ ra
sao nữa.”
Được biết không phải chỉ có ở các nước Đông Nam Á,
nhất là Thái lan mới có những người VN tỵ nạn về các lý do chính trị và tôn
giáo. Tại một số quốc gia thuộc các châu lục khác hiện nay cũng có người tỵ nạn
Việt Nam.
Trong bài sau, mời quý vị đón nghe phần tường trình
của thông tín viên Tường An từ Paris, về cuộc sống của những người tỵ nạn đến từ
VN ở Âu châu và Úc châu.
*
*
Tường An, thông tín viên RFA, Paris
2015-06-23
2015-06-23
Nhà văn Dương Thu
Hương hiện ở Pháp vẫn tiếp tục dùng ngòi bút của mình để đấu tranh. File
photo
Sau khi chiến tranh VN kết thúc, đã có một làn sóng
đông đảo người VN lên đến gần một triệu người bỏ nước ra đi để tìm kiếm cơ hội
tỵ nạn ở nước ngoài vì các lý do chính trị và kinh tế. Và từ khi VN tiến hành cải
cách về kinh tế vào năm 1986, cho dù nền kinh tế đã phần nào phát triển, tuy vậy
sau gần 30 năm, trước việc chính quyền VN độc đoán và bóp nghẹt các quyền tự do
dân chủ, thì hiện tại vẫn có một làn sóng ngầm của không ít những người VN tìm
đường trốn khỏi VN để xin tỵ nạn vì lý do chính trị hoặc vì những lý do khác.
Vậy, họ ra đi vì lý do gì, cuộc sống hiện nay của họ
ra sao và họ sẽ tiếp tục đấu tranh hay không?
Trong bài thứ nhất, Anh Vũ đã giới thiệu
về chặng dừng chân đầu tiên của những người tỵ nạn này ở Thái lan và Campuchia.
Trong bài này, Tường An sẽ gửi đến quý thính giả tâm tình của những người đã chọn
Âu Châu và Úc làm nơi chốn định cư.
Cuộc đào thoát bằng thuyền để trốn khỏi chế độ độc
tài Cộng sản 40 năm trước, nay vẫn tiếp diễn, với một hình thức khác, bằng những
con đường khác. Nếu như những người tị nạn ở Thái Lan đa số vượt thoát bằng đường
bộ qua ngã Campuchia thì Ở Âu Châu, người tị nạn chỉ có một con đường duy nhất
bằng ngã hàng không.
Âu Châu
Cách đây 2 năm dư luận trong và ngoài nước xôn xao
khi ông Đặng Xương Hùng, nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Thuỵ sĩ đã tuyến
bố xin tị nạn chính trị ngày 18/10/2013 tại phi trường Charles de Gaulle của
Pháp. Lý do mà ông Đăng Xương Hùng quyết định từ bỏ Việt Nam là do bất
mãn với chế độ Cộng sản, khi thấy nhà cầm quyền vẫn cương quyết bỏ ngoài tai những
kiến nghị sửa đổi Hiến pháp, trưng cầu dân ý cho phù hợp với xu thế phát
triển mạnh mẽ của xã hội và của thế giới của nhiều đảng viên cũng như những người
quan tâm đến đất nước. Trước những góp ý đó, đảng cộng sản Việt nam vẫn kiến
quyết giữ điều 4 Hiến Pháp, kiên trì chủ nghĩ Mac-Lê, tư tưởng Hồ Chí Minh. Do
vậy, ông Đặng Xương Hùng quyết định dứt khoát với 26 năm tuổi đảng để phản đối
lại chính sách của một nhà cầm quyền, mà theo ông, đang đưa đất nước đến
1 tương lai vô định, ông nói :
« Tôi là người
trong cuộc, thuộc chính quyền và được hưởng những lợi ích của chính quyền ban
cho, do đó trong tôi luôn luôn nuôi một hy vọng một ngày nào đó, đảng Cộng sản
Việt Nam cũng sẽ thay đổi thôi. Thế mà những năm tháng kéo dài, tôi hết thất vọng
này đến thất vọng khác thì tôi mới thấy rằng đảng Cộng sản không hề muốn thay đổi,
đảng Cộng sản Việt Nam vẫn quyết tâm giữ điều 4, họ vẫn muốn nắm quyền lực, nắm
độc quyền của đảng Cộng sản Việt Nam để chi phối toàn bộ đất nước cũng như dân
tộc Việt Nam, do đó tôi đã quyết định ly khai và quyết định xin tị nạn »
Ông Đặng Xương Hùng
nguyên là Tổng lãnh sự Việt Nam tại Thuỵ Sĩ nhiệm kỳ 2008-2012
Một người đối kháng khác cũng rất nổi tiếng với những
bài viết vạch trần chế độ Cộng sản là nhà văn Dương Thu Hương. Năm 1994
bà đã từ chối cơ hội để xin tị nạn chính trị. Đến Pháp lần thứ nhì, năm 2006 bà
bắt buộc phải ở lại Pháp trong một hoàn cảnh ngẫu nhiên. Nhà văn đối kháng
Dương Thu Hương cho biết đã phải ở lại Pháp trong hoàn cảnh nào :
« Tôi không phải
là người tị nạn như những người tị nạn bình thường khác. Năm 1994, khi chính phủ
Mitterrand tồn tại, bà Danielle Mitterrand có đề nghị tôi ở lại tị nạn chính trị
dưới sự bảo trợ và giúp đỡ của nước Pháp, lúc đó tôi có cảm ơn bà, nhưng mà tôi
phải quay về. Cái nhóm của tôi toàn những người già thôi, tôi 50 tuổi vẫn được
coi là trẻ nhất. Nhưng năm 2006 thì đã có một nhóm người khác trẻ hơn tôi nhiều
lãnh đạo cuộc đấu tranh.Và vì vậy, tôi chủ ý đi ra nước ngoài để lao động cái
phần của riêng tôi : văn học và một cuốn sách viết về lịch sử chiến tranh.
Tôi không có dự định ở lại Pháp, nhưng năm 2007, trong một cuộc đi chơi ở
Marseille tôi đã bị cướp giật hết giấy tờ. Sứ quán Việt Nam tìm thấy một cơ hội
tuyệt vời để trả thù tôi nên dứt khoát không cấp lại visa và 3 năm trời tôi sống
ở Paris như một con gián ngày, không dám đi đâu vì ở trong tình trạng không giấy
tờ, sans papier. Mãi đến 2010, tôi mới lấy được một cái giấy của người
lao động. Vì lý do đó, hoàn toàn do những sự ngẫu nhiên mà tôi ở lại nước
Pháp »
Úc Châu
Xa hơn nữa, tại miền Nam Bán Cầu, một lớp sóng thuyền
nhân mới cũng đã vượt thoát khỏi Việt Nam để tìm tự do. Từ Sydney, Úc
châu. Anh Nguyễn Mười cho biết lý do anh phải rời khỏi Việt
Nam :
« Từ năm
1999-2000 em là phụ tá cho Cha Lý, khi Cha bị bắt em cũng có nhiều rắc rối với
chính quyền, họ thường xuyên canh trước nhà của em, họ cản trở mọi công việc của
em, nên em không thể sống được, nên em phải tìm cách rời Việt Nam để em đi vượt
biên »
Do tinh hình kinh tế khó khăn chung của thế giới,
các quốc gia không còn mở rộng vòng tay đón nhận người tị nạn như 40 năm về trước.
Đối diện với những thủ tục hành chánh nhiêu khê là trở ngại lớn nhất trên con
đường hội nhập của những người tị nạn sau này.
Nguyên là Tổng lãnh sự Việt Nam tại Thuỵ Sĩ nhiệm kỳ
2008-2012, Sau khi chấm dút nhiệm kỳ ông Đặng Xương Hùng về nước, 1 năm
sau, ông trở lại Âu châu, chính thức xin tị nạn tại Thuỵ Sĩ ngày 28/10/2013.
Gia đình ông đã có giấy cư trú. Cũng như bao hoàn cảnh tị nạn khác, gia đình
ông cũng quen dần với cuộc sống nhập cư. Mặc dù với ít nhiều khó khăn trong buổi
giao thời, ông vẫn từ chối nhận trợ cấp xã hội để không trở thành một gánh nặng
cho chính quyền Thuỵ Sĩ, ông kể tiếp :
« Hiện nay thì
vợ tôi đang đi làm. Còn tôi thì với cái kiến thức cũng như trình độ của mình,
trong một chừng mực nào đó, thì tôi cũng chưa có một công viêc tương đối phù hợ
với vị trí của mình. Dẫu sao thì tôi cũng ở ngay tại nơi mà tôi từng làm lãnh sự
do đó tôi cũng vẫn còn lưỡng lự trong việc chọn công việc. Tôi cũng đang nghĩ
trong vấn đề phải đào tạo lại để tìm được một công việc của tôi »
Với
nhà văn Dương Thu Hương thì sự thay đổi không quá lớn
lao, công việc hàng ngày của bà vẫn là sử dụng ngòi bút cho văn chương và góp
phần vào sự thay đổi chế độ, bà nói :
« Công việc viết
lách tôi cho đó là một phần ích kỷ của tôi, bởi vì nó không liên quan gì
vào cuộc tranh đấu của tôi cả, cho nên tôi cũng viết với đầy háo hức nhưng cũng
đầy mặc cảm trong khi đó thì các đồng chí của tôi phải đấu tranh. Tuy nhiên,
văn chương nó là cái hướng thoát cho tâm hồn đau khổ của tôi và cũng là niềm
sung sướng nữa, bỡi vì nếu thành công thì nó cũng là một phần thưởng mà tôi cảm
thấy xứng đáng. Tôi không viết hàng ngày, bỡi vì hàng ngày tôi cũng còn phải viết
báo và làm những chuyện khác. Từ khi tôi ở đây thì trung bình cứ 3 năm tôi ra một
quyển sách. Thế thôi ! đơn giản… »
Từ Việt Nam đi đường bộ đến Lào, vượt biên giới qua
Thái Lan, từ Thái Lan dùng thuyền đến Christmas island ngày 28/10/2012 sau đó
vào trại định cư ở Darwin và giờ đây tạm cư ở Sydney. Sau gần 3 năm trên nước
Úc, tương lai anh Nguyễn Mười cũng như phần lớn những người tị nạn khác
vẫn còn bấp bênh do chính sách cứng rắn của chính quyền đương nhiệm. Anh cho biết :
« Tình trạng của
tụi em giờ cũng nằm trong sự chờ đợi thôi chứ tụi em cũng chưa biết như thế
nào. Hồ sơ của em thì hiện tại cũng chưa được phép nộp giấy tờ để xin tị nạn và
họ cũng chẳng có cho tụi em đi làm, chỉ cấp visa tạm thời 1 năm rồi họ xét tiếp »
Hầu hết những người tị nạn này đã ra đi vì không chấp
nhận chế độ Cộng sản, ra đi để có thể tiếp tục cuộc đấu tranh ở một không gian
khác. Nhưng, có những người hoàn toàn im lặng sau khi đã ổn định cuộc sống,
có những người vẫn tiếp tục đấu tranh.
Ông
Đặng Xương Hùng tuyên bố trước các cơ quan tị nạn, vai trò mới của
ông sẽ là cầu nối giữa người dân Việt Nam và Quốc tế để xé tan bức màn bưng bít
thông tin của Cộng sản Việt Nam, ông nói :
« Sự cai trị của
đảng Cộng sản Việt Nam có những hình thái hết sức đặc biệt mà quốc tế
cũng cần phải lưu ý, đó là sự bưng bít giữa trong và ngoài. Người nước
ngoài không biết tình hình đang diễn ra trong nước ra sao ? nhân dân Việt
Nam đang sống như thế nào ? Cũng như là người dân Việt Nam không biết được
những gì đang xảy ra ở thế giới văn minh bên ngoài. Tuy có những cải thiện
nhưng nó cũng vẫn còn rất là hạn chế. Do đó tôi cũng nói với họ là tôi sẽ làm cầu
nối giữa bên trong và bên ngoài, cho nên tôi đã tham gia những tổ chức mà có những
tiêu chí đưa tình hình Việt Nam cho thế giới bên ngoài biết và đấu tranh để phấn
đấu cho một nước Việt Nam có bầu cử tự do, có dân chủ , có nhân quyền, có văn
minh để hoà nhập với cộng đồng quốc tế »
Từ Pháp, nhà văn Dương Thu Hương vẫn tiếp tục
dùng ngòi bút của mình để đấu tranh, và dù ở cách Việt Nam gần nửa vòng trái đất,
bà vẫn còn nguyện vẹn một trái tim cho quê hương cũng như vẫn còn gắn kết chặt
chẽ với những đồng đội trong nước , bà nói :
« Tôi luôn
luôn là người trung thành với nhóm của tôi. Là nhóm chủ trương chiến đấu đến
cùng với chế độ Cộng sản, nhưng vì tôi già hơn các cậu ấy nên tôi được quyền ra
nước ngoài để làm một phần việc của tôi là văn chương. Thế nhưng mà khi tôi
chưa chết và chưa lẫn lộn quá thì tôi vẫn tiếp tục giúp đỡ cho những đàn em và
đồng chí của tôi. Có một thời gian tôi đã gác bút, bỡi vì có một sự nhầm lẫn
trong một bài báo năm 2010. Nhưng sau đó, những người đàn em của tôi đã yêu cầu
tôi phải quay lại chiến đấu cùng với họ, thì tôi lại lấy lại ngòi bút của tôi
dưới cái tên Sơn Diệu Mai. Và bây giờ tôi nhận thấy rằng không thể từ bỏ
cuộc tranh đấu để (mặc) cho các đồng đội của mình được. Các cậu có việc của các
cậu ấy, tôi có việc của tôi »
Dù vẫn còn rất hoang mang về số phận của mình trên
miền đất mới, anh Nguyễn Mười cũng tiếp tục cuộc đấu tranh cho những tù
nhân lương tâm khác bằng hình thức biểu tình hay ký kiến nghị mà giờ đây anh
không còn phải sợ bất cứ một đe doạ nào. Anh cho biết :
« Từ lúc em đặt
chân đến Úc đây, em được tự do ra ngoài thì những lúc biểu tình trên Canberra,
vận động chữ ký , không chỉ riêng gì Cha Lý mà những người tù nhân lương tâm
khác như Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, anh Dũng ở Nghệ An…em vẫn tham gia trong
những chương trình vận động để áp lực nhà nước Việt Nam để họ thả những người đấu
tranh cho Tự do Dân chủ cho Việt Nam »
Cuộc đổi đời nào không có những khó khăn ban đầu
? Việc chọn một đất nước không phải là quê hương của mình để có cơ hội tiếp tục
cuộc đấu tranh, với nhiều người không phải là một chọn lựa dễ dàng.
Qua hai bài vừa qua, Anh Vũ và Tường An đã tường
trình câu chuyện của những người tị nạn ở Á Châu, Âu châu và Úc châu. Trong phần
cuối của loạt bài này, phóng viên Kính Hoà sẽ tường trình về con người và cuộc
sống của những người tị nạn chính trị ở Hoa Kỳ và Canada.
*
*
Kính Hòa, phóng viên RFA
2015-06-23
2015-06-23
Công an, côn đồ đàn
áp giáo dân, tu sĩ giáo xứ Thái Hà và giáo dân của giáo phận Hà Nội biểu tình tại
thành phố Hà Nội hôm 18/11/2011, để đòi hỏi nhà nước giải quyết quyền lợi chính
đáng. File photo
Từ khi VN tiến hành cải cách về kinh tế vào năm
1986, cho dù nền kinh tế đã phần nào phát triển. Tuy vậy trước việc chính quyền
VN tiếp tục, bóp nghẹt các quyền tự do dân chủ và tôn giáo, thì đến nay vẫn có
một làn sóng ngầm không ít những người đấu tranh tìm đường trốn khỏi VN để xin
tỵ nạn vì lý do chính trị và tôn giáo.
Trong phần một và hai thông tín viên Anh Vũ tại
Bangkok và Tường An từ Paris đã đến với các bạn câu chuyện nơi dừng chân Thái
Lan và những người tị nạn tại châu Âu và Úc. Trong phần cuối này là câu chuyện
tại Bắc Mỹ của Kính Hòa từ Washington.
Triệt đường sống
Năm 2008 xảy ra vụ án Thái Hà, trong đó có việc
tranh chấp tài sản đất đai giữa giáo hội công giáo và chính quyền Việt nam. Luật
sư Lê Trần Luật là người đại diện cho Giáo hội công giáo. Sau phiên tòa, cơ
quan an ninh đã gặp ông Luật và khuyên ông không nên theo đuổi những vụ án
chính trị. Sau đó ông Luật bị cho là đã lợi dụng phiên tòa để tuyên truyền chống
phá nhà nước.
Người ta đã tước bằng luật sư của ông Luật, và ông
thường xuyên bị cơ quan công an mời làm việc. Theo ông nhớ lại thì trong khoảng
thời gian 7 năm ông phải gặp cơ quan an ninh đến hơn 300 lần. Khi bị buộc phải
chấm dứt hành nghề luật sư và cũng không tìm được việc làm nào khác, ông Luật
lâm vào tình trạng rất khốn khó.
Khi biết được tình trạng này, cơ quan ngoại giao Hoa
Kỳ đề nghị rằng ông có thể xin đi tị nạn chính trị. Đứng trước tương lai không
sáng sửa của gia đình và bản thân ông Luật chấp nhận xin đi cứ trú chính trị tại
Mỹ.
Năm 2007 blogger Uyên Vũ và những người đồng
chí hướng sáng lập câu lạc bộ nhà báo tự do với mong muốn cổ võ cho tự do ngôn
luận. Lặp tức ông và những người khác rơi vào tầm ngắm của cơ quan an ninh. Cuộc
sống của hai vợ chồng blogger Uyên Vũ cũng bắt đầu rơi vào tình trạng như luật
sư Lê Trần Luật. Ông Vũ kể lại:
“Chúng tôi gặp vô vàn khó khăn, tôi bị áp lực đến
nỗi phải bỏ việc, ông giám đốc bị hăm dọa và không dám cho tôi tiếp tục làm việc
nữa. Tôi cố gắng tìm một công việc nhưng không tìm được một công việc nào khác.
Gia đình của chúng tôi là cha mẹ, anh chị thì cũng nhận những lời đe dọa của
công an.”
Ông Uyên Vũ không còn con đường nào khác là quyết định
xin đi tị nạn chính trị. Sau nhiều khó khăn ngăn trở từ phía nhà nước Việt nam
ông đến Hoa Kỳ vào năm 2014 và hiện sống tại San Diego, California.
Luật sư Lê Trần Luật
(trái) và blogger Uyên Vũ
Chuyện ra đi của ông Luật cũng không được dễ dàng.
Cơ quan an ninh tìm nhiều biện pháp để xóa bỏ một hình ảnh tù chính trị và họ
thường xuyên tuyên bố rằng ở Việt nam không có đàn áp chính trị. Ông Luật kể lại:
“Họ nói là nếu mà tôi muốn đi Mỹ thì họ sẽ tạo điều
kiện cho tôi đi, bằng cách là họ cấp hộ chiếu và để tôi lên sân bay thoãi mái,
với điều kiện là tôi muốn đi Mỹ chứ không phải tôi bị đàn áp về mặt chính trị.”
Ông Luật từ chối điều này. Cuối cùng thì cơ quan an
ninh Việt nam cũng cấp hộ chiếu và để gia đình ông lên đường sang Mỹ với lời nhắn
gửi là đừng hoạt động gì ảnh hưởng tới hình ảnh của nhà nước Việt nam nếu muốn
trở lại Việt nam sau này.
Để đối phó với những người mang quan điểm chính trị
khác biệt, nhà cầm quyền Việt nam đã huy động một bộ máy an ninh khổng lồ. Ông
Luật kể lại câu chuyện cơ quan an ninh điều tra nhân thân ông:
“Có những chuyện lâu rồi trong cuộc đời mình cách 10
hay 15 năm gì đó, mình đã quên, mà họ nhắc lại, chứng tỏ họ tìm hiểu về mình rất
kỹ, họ có thể về cả quê nội quê ngoại của mình, để tìm hiểu cái động cơ mục
đích, cũng như lý lịch của mình. Họ có thể bỏ ra hàng giờ hàng ngày để tiếp cận
với bạn bè cũ, hồi học tiểu học, trung học của mình để tìm hiểu về cá tính, sở
thích của mình.”
Ông Luật hiện sống tại thành phố Portland, tiểu bang
Oregon.
Vượt biên
Có những người tị nạn chính trị khác không thể lên
máy bay từ Việt nam, họ phải chọn con đường vượt biên trái phép sang Campuchia,
rồi Thái Lan, rồi từ đây họ được chấp nhận qui chế tị nạn để sang Bắc Mỹ.
Anh
Đặng Chí Hùng hiện sống tại Toronto, Canada là một trong số những
người như vậy. Anh Hùng sinh ra trong một gia đình cả cha mẹ đều là đảng viên cộng
sản. Tuy vậy anh có một nguyên nhân khá lý thú đã thúc đẩy anh trở thành một
nhân vật bất đồng chính kiến với chế độ cộng sản. Điều này nằm ngay trong những
thông tin tuyên truyền về sự vĩ đại của ông Hồ Chí Minh, và sự phủ nhận nền âm
nhạc của miền Nam Việt nam trước năm 1975. Anh Hùng đặt ra câu hỏi là tại sao một
nhân vật như vậy lại được hết lời ca ngợi, và một nền âm nhạc như vậy lại bị chế
độ hắt hủi.
Nhưng sự kiện quan trọng làm cho anh Hùng có một quyết
định chính trị chống lại chủ nghĩa cộng sản là những cuộc biểu tình chống Trung
quốc xâm lược bị đàn áp. Anh kể lại:
“Khi Mỹ chuẩn bị đánh Iraq thì cộng sản Việt nam
bắt bọn tôi phải xuống đường đi biểu tình chống Mỹ, nếu không đi biểu tình chống
Mỹ thì sẽ trừ hạnh kiểm. Thật là kỳ lạ là tại sao Iraq thì lại biểu tình, còn
người dân Việt nam mình bị Tàu giết thì không được đi biểu tình.”
Một người tù chính trị trẻ tuổi khác là anh
Trương Quốc Huy. Anh Huy bị bắt giam sáu năm vì những bài viết bày tỏ chính
kiến chính trị, cũng như tố cáo sự nhũng lạm của các quan chức địa phương. Anh
kể lại hoàn cảnh của mình sau khi ra tù vào năm 2011:
“Tôi ra khỏi tù thì họ không cấp giấy chứng minh
nhân dân cho tôi, luôn kềm kẹp phía trước nhà tôi. Tôi không đi làm được vì
không có giấy tờ, họ kéo dài cái tình trạng đó rất lâu. Mà khi ra tù thì tôi
cũng cần phải sinh sống.”
Anh Trương Quốc Huy, cũng như anh Đặng Chí Hùng đã
chọn con đường đào thoát sang Thái Lan. Ở đây họ bị chính quyền Thái bắt giam
theo yêu cầu từ phía Việt nam. Ngoài ra Hà nội cũng yêu cầu Thái Lan trục xuất
họ về Việt nam. Tuy nhiên với sự giúp đỡ của các tổ chức nhân quyền cũng như là
Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc, chính quyền Thái lan đã phải cân nhắc và cuối
cùng trả tự do cho họ để lên đường đi tị nạn chính trị.
Anh Đặng Chí Hùng
ngày đến Canada
Cuộc sống và quê
hương
Cuộc sống của những người tị nạn chính trị mới tại Bắc
Mỹ được nhìn nhận với những góc độ vui buồn khác nhau. Anh Trương Quốc Huy, ông
Uyên Vũ thấy rằng mình hòa hợp với cuộc sống mới khá dễ dàng. Một người tị nạn
chính trị trẻ tuổi là anh Nguyễn Xuân Thủy, đến Mỹ tháng 6/2015 cũng bằng
con đường vượt biên sang Thái Lan kể với chúng tôi ấn tượng của anh về cuộc sống
mới từ Houston:
“Nó làm cho mình có cảm giác rằng tự do và khoáng
đạt. Con người mình không bị để ý bị xoi mói nhiều, không bị đàn áp, tất nhiên
là không bị công an đến nhà (cười.) Cảm thấy rất thoãi mái ở bên này.”
Luật
sư Lê Trần Luật hiện đang làm việc tại một nhà máy ở Portland nói rằng:
“Anh cứ tưởng tượng khi một người tị nạn đến Hoa
kỳ hay bất cứ một đất nước nào, thì họ giống như người mới sinh ra, tức là công
việc làm thì không có, xe cộ thì không biết đi, đường sá cũng không biết, ngôn
ngữ không nói được, cũng không nghe được.”
Tuy nhiên cái nhìn của họ về quê hương đã bỏ lại sau
lưng khá giống nhau. Ông Uyên Vũ nói rằng không biết bao giờ ông mới trở
về Việt nam trong căn cước của một người tị nạn chính trị, nhưng khoảng thời
gian hơn nửa thế kỷ ở Việt nam làm ông cứ mang hình ảnh Việt nam trong tâm khảm
ngay trong cuộc sống hiện nay tại miền Nam California.
Anh
Trương Quốc Huy rất xúc động khi được hỏi về Việt nam:
“Cái điều bất hạnh nhất là khi chúng ta không còn
được sống trên quê hương chúng ta, nơi chôn nhao cắt rốn của mình. Quê hương nó
luôn nằm trong lòng của mình, thành ra khi ình sống bên này thì điều kiện có thể
tốt hơn khá hơn, nhưng nó không bao giờ bằng đất nước của mình quê hương của
mình hết.”
Họ đều mong muốn sẽ quay về.
Anh
Nguyễn Xuân Thủy, hiện đang chuẩn bị học đại học tại Texas nói:
“Mình không thể quay mặt đi được, mình không thể
làm ngơ được, cái đó là cái nghĩa vụ, cái trách nhiệm tôi nghĩ là của tôi. Tôi
chắc chắn là sẽ quay về, được như thế nào thì tùy ở sức lực của mình.”
Anh
Đặng Chí Hùng thì nói là anh không phải là một nhà hoạt động
chính trị, anh sẽ tìm kiếm một nghề để kiếm sống, nhưng hoạt động nhằm thay đổi
Việt nam là một hoạt động đương nhiên mà mọi người như anh phải làm.
Còn cựu luật sư Lê Trần Luật nói khi kết thúc
cuộc trao đổi với chúng tôi rằng ông mong về Việt nam càng sớm càng tốt. Ông
mong rằng Việt nam phải đổi thay để có thể đón tất cả những người tị nạn chính
trị trở về với đất mẹ.
No comments:
Post a Comment