10.06.2015
Từ đầu năm 2014 đến nay, Trung Quốc ra sức bồi đắp
và tái tạo các bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa mà họ chiếm của Việt Nam
vào năm 1988 thành những hòn đảo nhân tạo đủ lớn để làm căn cứ quân sự với hải
cảng và phi trường cho các loại máy bay, kể cả máy bay phản lực. Báo chí Tây
phương xem những hòn đảo nhân tạo này như một vạn lý trường thành bằng cát
Trung Quốc sẽ sử dụng như những căn cứ quân sự nhằm chiếm cứ các hòn đảo còn lại
ở Trường Sa và khống chế toàn bộ Biển Đông. Hầu như ai cũng nhận định giống
nhau: đó là những việc làm nguy hiểm có thể đẩy các tranh chấp trong khu vực
thành những xung đột vũ trang giữa Trung Quốc và các quốc gia liên hệ gồm Việt
Nam, Philippines, Malaysia và Brunei cũng như, sau các quốc gia ấy, là Mỹ và
các đồng minh của Mỹ.
Những nguy hiểm ấy dĩ nhiên là có thật. Tuy nhiên, một
mặt, tôi không mong chiến tranh sẽ bùng nổ, mặt khác, tôi lại cho những việc
xây dựng ấy là điều may mắn cho Việt Nam.
May mắn thứ nhất là chúng thu hút sự quan tâm của quốc
tế trước các âm mưu bành trướng của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Trước, ai cũng biết
Trung Quốc có tham vọng chiếm gần trọn Biển Đông. Họ không hề giấu giếm tham vọng
ấy. Nó được công khai hoá qua con đường 9 đoạn hoặc con đường lưỡi bò mà họ
công bố trước thế giới. Tuy nhiên, người ta vẫn xem lời tuyên bố ấy như những dự
định và với dự định, cuộc chiến chỉ dừng lại phạm vi ngôn ngữ, hay nói cách
khác, những cuộc khẩu chiến. Bây giờ, với việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo,
người ta nhận ra dự định ấy không phải chỉ là một ước mơ. Nó đang được Trung Quốc
biến thành hiện thực và hiện thực ấy khiến cho thế giới không khỏi lo lắng. Hệ
quả đầu tiên là phần lớn các quốc gia thuộc khối ASEAN (trừ Lào và Campuchia) cảm
nhận rõ hơn nguy cơ xâm lấn của Trung Quốc và từ đó, đoàn kết hơn trong nỗ lực
chống lại dã tâm xâm lấn ấy.
May mắn thứ hai là chúng thúc đẩy Mỹ phải chính thức
nhảy vào cuộc tranh chấp trên Biển Đông. Trong mấy tháng vừa qua Mỹ thường
xuyên theo dõi sát sao mọi chuyển biến trong quá trình xây dựng đảo nhân tạo của
Trung Quốc ở Trường Sa. Trong cuộc hội nghị thượng đỉnh về an ninh châu Á –
Thái Bình Dương ở Shangri-la, Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter
phê phán một cách thẳng thắn và gay gắt các hành động khiêu khích của Trung Quốc
trên Biển Đông. Sự phê phán của Mỹ nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của hai quốc gia
đồng minh là Nhật và Úc. Trong chuyến đi thăm Việt Nam ngay sau đó, Bộ trưởng
Ashton Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Phùng Quang Thanh đã ký bản
“Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng” nhằm định hướng cho việc phát
triển quan hệ giữa hai nước trong tình hình mới. Liên quan đến quốc phòng, có
hai sự kiện mới đáng chú ý trong quan hệ song phương ấy: Một là Mỹ sẽ viện trợ
cho Việt Nam 18 triệu Mỹ kim để mua tàu tuần tra cao tốc của Mỹ; và hai là, cả
Bộ trưởng Carter lẫn thượng nghị sĩ John McCain đều hứa hẹn Mỹ có thể sẽ nới lỏng
hơn nữa việc bán vũ khí cho Việt Nam để Việt Nam có thể tự vệ trong các cuộc
tranh chấp trên Biển Đông.
May mắn thứ ba là việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo
tại Trường Sa sẽ làm thức tỉnh giới lãnh đạo Việt Nam. Lâu nay, bất chấp các âm
mưu xâm lấn của Trung Quốc, chính quyền Việt Nam vẫn khăng khăng lặp đi lặp lại
mấy khẩu hiệu dối trá và cũ rích về “4 tốt” (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng
chí tốt, đối tác tốt) và 16 chữ vàng (Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn
định lâu dài, hướng tới tương lai). Năm ngoái, khi Trung Quốc cho giàn khoan Hải
Dương 981 vào thềm lục địa Việt Nam, có lẽ chính quyền Việt Nam phần nào đã thức
tỉnh. Từ đó, việc lặp lại các khẩu hiệu trên có chiều hướng giảm dần. Nhưng dù
sao việc mang giàn khoan vào thềm lục địa Việt Nam cũng ít nguy hiểm hơn việc
xây dựng các hòn đảo nhân tạo và quân sự hoá chúng: từ các căn cứ ấy, việc đánh
chiếm các hòn đảo khác ở Trường Sa do Việt Nam làm chủ sẽ trở thành dễ dàng hơn
rất nhiều. Đó là chưa kể đến việc, trên cơ sở sự hiện hữu của các hòn đảo nhân
tạo ấy, Trung Quốc sẽ tuyên bố thành lập vùng nhận diện hàng không trên toàn bộ
Biển Đông.
Khi cho việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo ở Trường
Sa sẽ “thức tỉnh” giới lãnh đạo Việt Nam, tôi có hai hàm ý: Một, trước đó, họ
chưa biết; và hai, họ quan tâm và tha thiết đến việc bảo vệ chủ quyền cũng như
sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Với hàm ý thứ hai, có thể sẽ có một số người
cho là tôi nhẹ dạ: theo họ, trên thực tế, giới cầm quyền Việt Nam đã đầu hàng
hoặc thậm chí, bán đứng Biển Đông cho Trung Quốc. Tôi cố không tin như vậy. Một
số người thì có thể, nhưng rất khó tin cả một tập thể đông đảo đến gần 200 người
trong Ban chấp hành Trung ương đảng đều đang tâm làm việc đó. Tôi nghĩ, sẽ thuyết
phục hơn, nếu chúng ta cho: Một, họ biết nhưng mức độ biết còn hạn chế, chưa thấy
hết toàn cảnh những hiểm hoạ đến từ phương Bắc; hai, họ biết nhưng có ảo tưởng
là cùng chia sẻ lý tưởng xã hội chủ nghĩa, Trung Quốc sẽ nhẹ tay, không đẩy họ vào thế đường cùng; ba,
họ biết nhưng họ theo đuổi sách lược kềm chế và nhân nhượng với hy vọng có đủ
thời gian để tìm liên minh cũng như trang bị thêm khí giới chuẩn bị cho những
chiến tranh mà theo một số quan sát viên quốc tế, “không thể tránh khỏi”.
Thôi thì, rộng lượng, chúng ta thiên về khả năng thứ ba.
Tuy nhiên, sách lược kềm chế và nhân nhượng cũng phải
có giới hạn của chúng: kềm chế và nhân nhượng đến mức nào? Trước, vào năm 2011,
tôi đã đặt ra vấn đề ấy trong bài “Nhịn đến chừng nào?”.
Gần đây, trong bài “Phải ấn định một lằn ranh cho Trung Cộng”, nhà báo Ngô Nhân Dụng cũng đặt ra vấn đề tương tự. Ông viết: “người Việt Nam phải xác định một lằn ranh, nếu Trung Cộng bước qua thì sẽ phản ứng quyết liệt. Một chính phủ Việt Nam biết bảo vệ danh dự và chủ quyền dân tộc không thể để cho Cộng Sản Trung Quốc tiếp tục lấn lướt. Phải xác định trước cả thế giới “lằn ranh” của lòng kiên nhẫn. Nêu rõ những hành động nào của Trung Cộng sẽ được coi là bước qua lằn ranh đó, công bố cho cả vùng Ðông Nam Á và các cường quốc có quyền lợi trong vùng biết rõ. Lằn ranh này được xác định là “bước đường cùng,” tới đó thì nước Việt Nam không thể chịu đựng với lòng nhẫn nhục. Phải báo trước nếu Bắc Kinh bước qua lằn ranh đó thì sẽ sinh chuyện lớn.”
Gần đây, trong bài “Phải ấn định một lằn ranh cho Trung Cộng”, nhà báo Ngô Nhân Dụng cũng đặt ra vấn đề tương tự. Ông viết: “người Việt Nam phải xác định một lằn ranh, nếu Trung Cộng bước qua thì sẽ phản ứng quyết liệt. Một chính phủ Việt Nam biết bảo vệ danh dự và chủ quyền dân tộc không thể để cho Cộng Sản Trung Quốc tiếp tục lấn lướt. Phải xác định trước cả thế giới “lằn ranh” của lòng kiên nhẫn. Nêu rõ những hành động nào của Trung Cộng sẽ được coi là bước qua lằn ranh đó, công bố cho cả vùng Ðông Nam Á và các cường quốc có quyền lợi trong vùng biết rõ. Lằn ranh này được xác định là “bước đường cùng,” tới đó thì nước Việt Nam không thể chịu đựng với lòng nhẫn nhục. Phải báo trước nếu Bắc Kinh bước qua lằn ranh đó thì sẽ sinh chuyện lớn.”
Lâu nay, giới lãnh đạo Việt Nam vẫn lần khân trong
việc công bố những giới hạn của sự kềm chế và nhân nhượng của họ. Sự kiện Trung
Quốc xây dựng các hòn đảo nhân tạo buộc họ phải suy nghĩ đến những điều đó. Hoặc,
nếu họ vẫn có ảo tưởng về lòng tốt của người bạn láng giềng cùng theo chủ nghĩa
xã hội thì họ sẽ thức tỉnh và quay lại lo toan cho chủ quyền và tương lai của đất
nước.
Tôi cho những sự kiện vừa xảy ra là một điều “may mắn”
và chúng ta cần “cám ơn” Trung Quốc là vì thế.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment