Friday, June 19, 2015

Cách Mạng Mùa Thu: Óan thù chồng chất! (Đoàn Thanh Liêm)





03:45:am 15/06/15

Năm 2015 này đánh dấu 70 năm kể từ Việt nam giành lại được nền tự chủ độc lập thóat khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp sau biến cố đảo chính vào ngày 9 Tháng Ba, 1945 (1945 – 2015). Nhưng đến ngày 19 Tháng Tám năm đó, thì người Việt Minh Cộng Sản lại tổ chức một “cuộc cướp chính quyền” và tuyên bố ngày đó là khởi sự cho “Cách Mạng Mùa Thu” ở nước ta – theo khuôn khổ “Cách Mạng Tháng Mười” của Liên Xô bắt đầu vào năm 1917.
Sau 70 năm, thời gian đã đủ nguôi ngoai lắng đọng để cho người Việt chúng ta có thể bình tâm luận định về biến cố lịch sử đày dãy những tang thương thống khổ – với biết bao nhiêu máu và nước mắt của hàng triệu người lương dân vô tội đã đổ ra tại khắp nơi trên quê hương đất nước mình.

Nói chung, thì cũng chỉ vì cái chủ trương cuồng tín quá khích gọi là “bạo lực cách mạng”, “chuyên chính vô sản” mà người cộng sản du nhập từ Liên Xô và Trung Cộng vào đất nước ta ngay từ năm 1945, nên mới xảy ra bao nhiêu cuộc thảm sát hàng lọat những người quốc gia yêu nước mà người cộng sản gán cho đủ các thứ nhãn hiệu xấu xa như : “ quân ngụy”, “việt gian”, “phản quốc”, “phản động”, “lưu manh”,“tay sai ngọai bang” v.v… Để rồi họ ra tay truy lùng, trừ diệt khủng bố cực kỳ dã man tàn bạo, không mảy may xót xa thương tiếc đối với người anh em cùng một nòi giống da vàng máu đỏ như chính mình.

Bài viết này nhằm ghi lại những cuộc thảm sát rùng rợn đó và tìm hiểu nguồn gốc sâu xa của những hành vi cực kỳ tàn ác man rợ do người cộng sản cố tình gây ra ngay kể từ lúc họ mới nắm được chính quyền trong tay kể từ năm 1945 cho đến ngày nay. Xin trình bày một số vụ thảm sát điển hình theo thứ tự thời gian xảy ra lần lượt tại khắp các miền Trung, Nam, Bắc.

I- Những cuộc khủng bố tàn sát man rợ do người cộng sản gây ra tại khắp các nơi trong nước.

1-Vụ thảm sát tín đồ Cao Đài tại Quảng Ngãi Tháng Tám và Tháng Chín, 1945

Ngay sau khi Việt Minh Cộng Sản chiếm được chính quyền trong tay vào Tháng Tám, 1945, thì tại nhiều làng xã thuộc các huyện Bình Sơn, Đức Phổ, Mộ Đức, Nghĩa Hành trong tỉnh Quảng Ngãi đã đồng lọat xảy ra các cuộc tàn sát tập thể (mass killing) tổng cộng lên đến gần 3,000 tín đồ Cao Đài. Có vùng người dân “bị giết hết cả già trẻ lớn bé mà mồ chôn tập thể cùng khắp các miền quê…” Sự việc này đã được Giáo Hữu Ngọc Sách Thanh tại Hoa Kỳ trình bày chi tiết trước Ủy Hội Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc gần đây vào Tháng Tư, 1999.
Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài có bảng liệt kê danh tánh các nạn nhân lên đến con số 2,791 người. Và trong tài liệu nghiên cứu có nhan đề là “Colonial Caodaists” do sử gia Janet Hoskins biên sọan, thì cũng ghi nhận con số 2,791 nạn nhân này. Danh sách này cũng được ghi nơi Đài Tưởng Niệm thiết lập từ năm 1956 tại Quảng Ngãi – mà sau năm 1975 chính quyền cộng sản đã cho triệt hạ phá bỏ hết tất cả mọi dấu tích đi.

Người đồ tể khét tiếng trong vụ thảm sát này có tên là Đặng Bửu sau này giữ chức vụ hiệu trưởng Trường Chính Trị Nguyễn Ái Quốc ở Hà nội.

So với cuộc thảm sát tại Huế hồi Tết Mậu Thân 1968, thì cuộc tàn sát này tại Quảng Ngãi năm 1945 cũng thật là khủng khiếp ghê rợn không kém – nhưng mà nó lại ít được công chúng ở miền Nam trước năm 1975 biết đến. Nhưng có dấu hiệu lạc quan là gần đây giới học giả quốc tế cũng đã có điều kiện tìm hiểu nhiều về vụ thảm sát năm 1945 này.
Nhân tiện, cũng xin ghi thêm là nhà ái quốc Tạ Thu Thâu cũng đã bị Cộng Sản giết hại tại Quảng Ngãi hồi mùa thu năm 1945, vào lúc ông trên đường trở lại miền Nam sau cuộc viếng thăm miền Bắc vài tháng trước đó.

2-Những vụ khủng bố tiêu diệt người quốc gia yêu nước tại miền Nam trong thời gian từ 1945 đến 1947.

Tại miền Nam vào năm 1945, thì tuy không có vụ tàn sáp tập thể có quy mô lớn như tại Quảng Ngãi, nhưng lại có vô số những cuộc ám sát khủng bố giết hại những người quốc gia yêu nước do cán bộ cộng sản theo khunh hướng Đệ Tam Quốc Tế gây ra. Và tổng số các nạn nhân bị giết hại trong các năm 1945, 1946 và 1947 có thể lên đến hàng nhiều ngàn người.

Cụ thể là những nhân vật trí thức có tên tuổi thuộc khuynh hướng Đệ Tứ Quốc Tế (thường được gọi là Trotskystes) thì đều bị giết hại như: Trần Văn Thạch, Hồ Văn Ngà, Phan Văn Hùm v.v… Còn phải kể đến những vị lãnh đạo chính trị nổi tiếng cũng đều bị Cộng Sản chém giết, điển hình như nhân sĩ Bùi Quang Chiêu, vợ chồng bác sĩ Hồ Vĩnh Ký và Nguyễn Thị Sương, luật sư Dương Văn Giáo. v.v…

Tệ hại nhất là vụ sát hại Giáo Chủ Hùynh Phú Sổ người sáng lập Phật Giáo Hòa Hảo ở miền đồng băng sông Mekong – do người Cộng Sản thực hiện vào Tháng Tư, 1947. Sự việc động trời này đã gây ra mối hận thù dai dẳng kinh khiếp cho hàng triệu tín đồ Hòa Hảo tại khắp miền Nam.

Đối với các tín đồ Cao Đài tại miền Đông Nam Bộ cũng vậy, cán bộ Cộng Sản cũng ra tay tàn sát đến cả hàng ngàn nạn nhân nữa.

Chỉ riêng có một ngày 13 Tháng Mười, 1947, thì đã có đến con số 300 nạn nhân bị Việt Minh Cộng Sản ra tay sát hại tại khu vực Hóc Môn, Thủ Đức chỉ cách thành phố Sài Gòn có chừng vài chục cây số mà thôi.

Người chủ chốt phát động các cuộc tàn sát này chính là Tướng Nguyễn Bình (tên thật là Nguyễn Phương Thảo) do Trung Ương ở Hà Nội phái vào miền Nam để phụ trách điều hành guồng máy chính trị và quân sự tại đây.

3-Những vụ sát hại các thành viên ưu tú của các đảng Đại Việt, Duy Dân và Quốc Dân Đảng ở miền Bắc.

Tại miền Bắc, thì các đảng phái quốc gia như Đại Việt, Duy Dân, Quốc Dân Đảng đều lần lượt bị người Cộng Sản dùng mọi thủ đọan tàn bạo thâm độc mà tiêu diệt cho bằng hết. Điển hình là các lãnh tụ nổi danh như Trương Tử Anh của Đại Việt, Lý Đông A của Duy Dân và vô số những đảng viên ưu tú khác của Quốc Dân Đảng cũng đều bị ám hại bằng cách thủ tiêu hay giam giữ ngặt nghèo trong các trại tù đến nỗi phải bỏ xác nơi xa xôi hẻo lánh – mà thân nhân không hề được thông báo để lo việc ma chay chôn cất và cúng giỗ. Có thể nói tổng số nạn nhân bị sát hại như vậy ở miền Bắc trong thời gian từ năm 1945 đến 1954 phải lên đến con số nhiều ngàn người.

Xin ghi lại vài trường hợp bị bắt giam rồi bị sát hại rất thương tâm của mấy nhân vật rất nổi tiếng như sau:

A-Nhà văn Khái Hưng.
Khái Hưng là một nhà văn nổi tiếng từ thập niên 1930 trong Nhóm Tự Lực Văn Đòan do nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam khởi xướng. Vào năm 1940, Khái Hưng và họa sĩ Nguyễn Gia Trí bị thực dân Pháp bắt đi an trí tại vùng quê xa Hà nội. Năm 1947, ông đang ở nhà nhạc phụ trong huyện Trực Ninh, Nam Định, thì bị công an Việt Minh đến bắt đi và sát hại rồi vất xác xuống dòng sông Ninh Cơ chỗ gần bến đò Cựa Gà.

B-Bộ trưởng Chu Bá Phượng.
Ông Chu Bá Phượng sinh năm 1908 tại Bắc Giang là một kỹ sư đã từng tham gia vào công trình thiết lập đường xe lửa Đông Dương vào hồi thập niên 1930. Ông còn là một người trong thành phần lãnh đạo nòng cốt của Quốc Dân Đảng. Năm 1946, ông Chu Bá Phượng giữ chức bộ trưởng Kinh Tế trong Chính Phủ Liên Hiệp trong đó có ông Hồ Chí Minh làm chủ tịch, ông Nguyễn Hải Thần làm phó chủ tịch, ông Nguyễn Tường Tam làm bộ trưởng Ngọai Giao. Cuối năm 1946, vì các nhân vật quốc gia như Bảo Đại, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam đều đào thóat ra nước ngòai, nên chỉ còn có một mình ông Chu Bá Phượng bị kẹt lại và phải đi theo văn phòng chính phủ di tản lên chiến khu ở Việt Bắc.
Không bao lâu sau, ông Phượng bị đem đi quản chế ngặt nghèo tại vùng Hà Giang, Sơn La. Và từ cuối năm 1960, thì gia đình ông ở Hà Nội không hề nhận được bất kỳ tin tức nào của ông nữa. Mấy chục năm sau vào đầu thập niên 1990, con cháu mới nhờ người sử dụng ngọai cảm mà tìm được hài cốt của ông tại nơi rừng núi hoang vắng vùng Việt Bắc giáp giới với Trung Quốc và cải táng đem về quê nhà ở miền xuôi.

Giám đốc công an ở miền Bắc thời đó chính là ông Lê Giản, ông này phải chịu trách nhiệm nghiêm trọng về các cuộc đàn áp và giết chóc này.

II-Tìm hiểu nguyên do tại sao người cộng sản lại gây ra những vụ tàn sát với quy mô rộng lớn khủng khiếp như thế?

Trước khi đi sâu vào vấn đề, ta cần phải tĩnh trí để nhận định tình hình xã hội chính trị thực tế ở nước ta vào thời kỳ trước năm 1945 đại khái như thế này:

1-Không hề có sự ân óan thù hận nào giữa người cộng sản với người không Cộng Sản cả. Bởi lẽ vào lúc đó, tất cả hai nhóm đều là những người yêu nước và cùng hành động giống nhau là chống thực dân Pháp. Như vậy là tất cả đều ở cùng chung một phe để đối nghịch chống lại cái ách đô hộ của người Pháp để cùng dành lại nền độc lập tự chủ cho người Việt Nam. Và cả hai nhóm đều bị chính quyền Pháp đàn áp, bị bắt giam chung với nhau trong cùng một nhà tù nữa. Vì cùng có tinh thần yêu nước như nhau, lại cùng là nạn nhân khốn khổ vì sự tàn ác của đế quốc thực dân, cho nên giữa người cộng sản và không cộng sản lúc đó lại có sự thương yêu đùm bọc liên đới gắn bó chặt chẽ với nhau nữa.

Điều này khác hẳn với hai phe Quốc Gia và Cộng Sản ở bên Trung Quốc, vì hai phe đánh phá giành giật, giết chóc lẫn nhau suốt trong mấy chục năm kể từ cuối thập niên 1920 cho đến năm 1949, thì phe Cộng Sản do Mao Trạch Đông lãnh đạo mới tòan thắng và buộc phe Quốc Dân Đảng do Tưởng Giới Thạch đứng đầu phải rút lui qua đảo Đài Loan. Từ đó mà phe Cộng Sản thắng trận phát động chiến dịch trả thù những người thua trận nào mà còn bị kẹt lại ở nội địa Trung Quốc. Tình trạng này chỉ xảy ra tại Việt Nam năm 1975 sau khi quân đội Cộng Sản từ miền Bắc xâm chiếm được tòan thể lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa.

2-Ấy thế mà tại sao vào năm 1945, khi có chính quyền nắm trong tay được rồi, thì người Cộng Sản lại ra tay tận diệt người quốc gia một cách tàn bạo man rợ đến thế?
Câu trả lời cho vấn nạn này có thể thật ngắn gọn như sau: Đó là do họ áp dụng triệt để cái chủ trương “Bạo Lực Cách Mạng” (the Revolutionary Violence) mà họ học tập được từ Trung Ương Đệ Tam Quốc Tế Comintern do Liên Xô lãnh đạo.

Ngay từ thập niên 1920 cho đến năm 1945, thì đã có đến hàng trăm cán bộ cao cấp của đảng Cộng Sản Việt Nam được đào tạo rất bài bản tại Trường Đông Phương tại Moscow do Comintern điều hành. Tại đây, họ được học rất kỹ về kỹ thuật gọi là “agitprop = agitation – propaganda” – tức là tổ chức vận động quần chúng, tuyên truyền và đặc biệt về phương thức gây bạo lọan để tạo thời cơ cướp chính quyền. Họ cũng học được kỹ thuật xây dựng guồng máy công an mật vụ theo mô hình của Liên Xô để kềm kẹp dân chúng một khi họ đã nắm giữ được chính quyền.

Nói vắn tắt là Cộng Sản Việt Nam được Comintern đào tạo hương dẫn rất kỹ về mọi thủ đọan tinh vi để thiết lập được một chế độ độc tài chuyên chính vô sản (proletarian dictatorship). Do đó mà họ đã không từ bỏ bất kỳ một thủ đọan tàn ác vô nhân đạo nào – miễn sao đạt được mục đích tối hậu của đảng Cộng Sản là nắm vững được chính quyền trong gọng kềm sắt thép của mình.

Trái lại, các đảng phái quốc gia khác, thì không hề có được sự huấn luyện đào tạo hay sự yểm trợ vật chất tinh thần nào từ phía ngọai quốc tương tự như của Comintern cấp phát dồi dào cho đảng cộng sản Việt Nam.

Do đó mà từ năm 1945, Cộng Sản đã mặc sức tung hòanh ở Việt Nam với đủ mọi thứ đòn phép thâm độc và quỷ quyệt để vô hiệu hóa và tiêu diệt được mọi sức đối kháng của các đảng phái quốc gia hay của các tổ chức tôn giáo.

III-Tóm lược

Ta có thể tóm lược bài viết này bằng mấy nét chính yếu như sau:

1-Trước năm 1945, những người yêu nước dù là Cộng Sản hay không Cộng Sản, thì đều cùng theo đuổi một mục tiêu là đánh đổ chế độ thực dân Pháp để giành lại nền độc lập cho Việt Nam.

Thế nhưng, từ khi người Cộng Sản nắm giữ được quyền hành trong tay, thì ngay tức khắc họ ra tay tiêu diệt những người yêu nước khác để dành độc quyền riêng cho mình trong mọi lãnh vực chính trị, kinh tế cũng như văn hóa tinh thần. Đó là một thứ độc tài chuyên chế tòan trị (totalitarian dictatorship).

Hâu quả tai hại trầm trọng nhất của chủ trương này là đã phá hoại tận gốc rễ cái nền nếp nhân bản, nhân ái truyền thống của dân tộc Việt Nam chúng ta.

2-Dĩ nhiên là trong cái xã hội do thực dân, phong kiến tạo lập ra, thì có đầy rẫy những bất công áp bức. Nhưng vì người Cộng Sản đã cuồng tín du nhập cái chủ trương “hận thù giai cấp”, “bạo lực cách mạng” của Liên Xô và Trung Quốc vào đất nước ta, cho nên mới gây ra không biết bao nhiêu tang thương khổ nhục chết chóc cho tòan thể dân tộc ròng rã suốt 70 năm qua.

Như cha ông chúng ta từ xưa vẫn cảnh báo rằng “Lấy óan báo óan, óan ấy chập chùng”. Thì rõ ràng từ năm 1945 đến nay, đảng Cộng Sản đã liên tiếp gây ra biết bao nhiêu điều oan trái, khốn khổ cho cả hàng mấy chục triêu gia đình lương dân vô tội. Đó là một cái tội tày đình mà “Trời không dung, Đất không tha” cho người Cộng Sản vẫn còn cực kỳ ngoan cố mãi được.

3-Bài viết này là một lời nhắc nhở cho giới lãnh đạo chóp bu Cộng Sản ở Hà Nội phải biết phục thiện và thành khẩn công khai nhận lỗi của mình trước tòan thể dân tộc và dám có can đảm nói lên sự xám hối ăn năn về các tội ác man rợ kinh khủng như thế.

Có làm được như vậy, thì họ mới xứng đáng đón nhận được sự khoan dung tha thứ của đại khối dân tộc Việt Nam vậy./

Westminster California, Tháng Sáu 2015
© Đoàn Thanh Liêm
© Đàn Chim Việt
——————————————————-

Tài liệu tham khảo

Bài viết này được xây dựng trên những chứng từ của một số gia đình nạn nhân bị cộng sản sát hại với sự tham khảo từ một số bài nghiên cứu nghiêm túc mới đây của các chuyên gia sử học quốc tế. Cụ thể xin được trưng dẫn ra như sau đây :

1-Nhiều thư của ông Chu Bá Phượng viết về cho con vào cuối thập niên 1950 lúc ông bị quản chế tại Việt bắc. Búc thư sau cùng viết vào cuối năm 1960, sau đó thì biệt tăm luôn.

2-Thông tin do gia đình cụ Lê Quang Sách cung cấp. Cụ Sách năm nay đã 88 tuổi, cụ là người thóat chết trong vụ thảm sát gần 3,000 tín đồ Cao Đài tại Quảng Ngãi vào Tháng Tám và Tháng Chín, 1945.

3-Về các tư liệu lấy từ Internet, thì đặc biệt có các tài liệu sau đây:

A-Vụ tàn sát tín đồ Cao Đài tại Quảng Ngãi vào Tháng Tám và Tháng Chín, 1945 (tiếng Việt). Do tổ chức của Giáo Hội Cao Đài phổ biến trên Trang Nhà “Hành Trình về Chân Lí Đạo” vào ngày 21/3/2015.

B-“Caught between Propaganda and History” by Shawn McHale, 2014. Tài liệu dài 10 trang là bài Điểm sách về cuốn “Lịch sử Nam bộ Kháng chiến” được đăng trong Tủ sách “Cold War International History Project”

C-“Autopsy of a Massacre” – “On a Political Purge in the Early Days of the Indochina War” (Nam Bộ 1947) by Francois Guillemot, 2010. Tài liệu này dài 40 trang là một bài nghiên cứu rất công phu về sự khủng bố và tàn sát vì lí do chính trị ở miền Nam được đăng trong European Journal of Asian Studies.

D-“The Viet Minh Elimination of National Parties and Groups (1945-47)” by Human Rights Watch, April 23, 2013. Tài liệu dài 17 trang viết chi tiết về việc Việt minh tiêu diệt các đảng phái chính trị tại miền Nam trong giai đọan 1945 – 1947./






No comments: