13.06.2015
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã hội kiến một
vị tướng hàng đầu của Trung Quốc hôm thứ Năm và nhắc lại lời kêu gọi của Mỹ yêu
cầu Trung Quốc dừng hoạt động bồi đắp cải tạo đất ở Biển Đông, trong khi nhấn mạnh
rằng Ngũ Giác Đài vẫn cam kết mở rộng tiếp xúc quân sự với Trung Quốc.
Trong cuộc gặp gỡ Tướng Phạm Trường Long, Phó chủ tịch
Ủy ban Quân sự Trung ương đầy quyền lực của Trung Quốc, ông Carter nhấn mạnh
cam kết của Mỹ với việc duy trì mối quan hệ có thực chất giữa quân đội hai nước.
Nhắc lại mối lo ngại của Mỹ về căng thẳng ở Biển
Đông, ông Carter kêu gọi Trung Quốc và tất cả các bên tranh chấp ngưng hoạt động
cải tạo đất và ngưng quân sự hóa tranh chấp lãnh thổ tranh chấp, theo đuổi một
giải pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, thông cáo của Ngũ Giác Đài
cho biết.
Trong khi đó thông cáo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc
cho hay ông Phạm đã nói với ông Carter rằng Trung Quốc có quyền xây dựng trên
lãnh thổ của mình và triển khai lực lượng tới đó, và những công trình xây dựng
của Trung Quốc ở Biển Đông chủ yếu là để cải thiện đời sống người dân và để bảo
vệ tốt hơn chủ quyền của họ.
Ông Phạm cũng hối thúc Mỹ ngưng các hoạt động quân sự
ở Biển Đông.
Chuyến thăm của ông Phạm tới Ngũ Giác Đài là một phần
trong chuyến đi kéo dài một tuần đến Mỹ, trong đó có một cuộc hội kiến cố vấn
an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice tại Tòa Bạch Ốc hôm thứ Sáu. Đầu tuần này, ông
Phạm đã đến thăm hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan và các căn cứ quân sự của
Mỹ.
Reuters
------------------------
Người Việt
Friday, June 12, 2015 3:29:20 PM
WASHINGTON
(NV) .- Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ lập lại lời kêu gọi Trung Quốc dừng ngay
việc xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông trong khi cam kết gia tăng các giao
tiếp quân sự với Bắc Kinh.
Hôm Thứ Năm, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter
gặp Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Fan Changlong (Phạm Trường Long)
tại Ngũ Giác Đài trong chuyến thăm viếng được giới bình luận chú ý nhiều trong
bối cảnh Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo ở khu vực quần đảo Trường Sa.
Theo thông tấn Reuters, lập lại những quan ngại của
Hoa Kỳ về tình hình an ninh ổn định ở Biển Đông, ông Carter yêu cầu Trung Quốc
và các nước đang tranh chấp dừng ngay các hoạt động làm đảo nhân tạo ở đó. Đồng
thời, không quân sự hóa khu vực tranh chấp và giải quyết các tranh chấp bằng
các biện pháp hòa bình theo thông lệ quốc tế.
Ông Carter cũng xác nhận lại những thỏa thuận mà Hoa
Kỳ đạt được với Trung Quốc từ Tháng 9 năm ngoái nhằm giảm thiểu những nguy cơ
tai nạn khi máy bay quân sự của hai bên bay gần nhau, theo bản tin của Ngũ Giác
Đài.
Không lùi bước trước những đòi hỏi của Mỹ, Phạm Trường
Long nói với ông Carter rằng những gì Trung Quốc đang làm tại vùng biển Trường
Sa là “hợp pháp” vừa là để “nâng điều kiện sống” cũng như “bảo vệ chủ quyền tốt
hơn”. Ông này nói Trung Quốc có quyền “xây dựng và điều động lực lượng
quân sự” ở lãnh thổ của mình.
Trong một bản tin trên Tân Hoa Xã tường thuật cuộc gặp
mặt nói trên, ông Phạm Trường Long đòi Hoa Kỳ giảm thiểu các hoạt động quân sự
trên Biển Đông. Điều này chứng tỏ hướng đề nghị xuống thang căng thẳng tại khu
vực Biển Đông không được Bắc Kinh đáp ứng.
Cuộc thăm viếng nước Mỹ của phái đoàn ông Phạm Trường
Long bao gồm thăm viếng một số căn cứ quân sự, họp với Bộ trưởng Quốc phòng Ash
Carter và Cố vấn An ninh của Tòa bạch Ốc Susan Rice.
Phó đại sứ Trung Quốc ở Washington DC cho
hay một phần chuyến thăm viếng của phái đoàn Phạm Trường Long là chuẩn bị cho
chuyến thăm viếng nước Mỹ của chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 9 tới đây.
Các tin tức gần đây cho thấy Trung Quốc vẫn hối hả
xây dựng các cơ sở, dinh thự trên 7 bãi đá ngầm tại Trường Sa gồm cả phi trường
đài 3km cho những phi cơ quân sự cỡ lớn. Phi cơ tuần thám của Hoa Kỳ đã nhìn thấy
hai khẩu đại bác tự hành mà Trung Quốc đã mang đến một đảo nhân tạo rất gần với
một đảo nhỏ của Việt Nam.
Ngày Thứ Sáu 12/6/2015, một tờ báo điện tử ở
Malaysia có một bài bình luận với ý định thăm dò ý kiến là bây giờ đã đến lúc đổi
tên “Biển Nam Trung Hoa” thành “Biển Đông Nam Á” hay chưa.
Việt Nam gọi là Biển Đông, Philippines gọi là biển
Tây Philippines. Nếu đổi tên quốc tế thành “Biển Đông Nam Á” thì nó là một cái
tên “trung lập” vì nằm giữa nhiều nước ở khu vực, thay vò gọi là “Biển phía nam
nước Trung Hoa” như thói quen từ mấy chục năm qua.
Với sức mạnh quân sự ngày một hùng mạnh từ các số tiền
khổng lồ hàng năm đầu tư sản xuất máy bay, máy bay không người lái, chiến hạm,
hỏa tiễn và các phương tiện chiến tranh khác, sức mạnh quân sự của Trung Quốc
ngày càng bỏ xa các nước nhỏ phía nam mà người ta có thể nhìn thấy qua các hành
động của họ trên Biển Đông.
Việt Nam tuyên bố chủ quyền ở các vùng Trung Quốc
đang làm đảo nhân tạo ở Trường Sa nhưng chỉ phản đối suông. Philippines phản ứng
mạnh bạo hơn Việt Nam nhưng cũng chỉ dừng lại ở một vài chuyến bay thám thính
và kiện tụng tại tòa án quốc tế mà người ta biết Bắc Kinh coi như không
có. (TN)
-----------------------------------
.
No comments:
Post a Comment