Saturday, June 13, 2015

Báo và blog và… (Nguyễn Chính)





Nguyễn Chính
Posted on June 10, 2015 by editor — 0 Comments

Vâng! thưa quý bạn đọc, ngay trên mạng có những trang web của … và của …, đọc cũng “chán bỏ mẹ”. Những gì họ đưa lên mạng vẫn “con mẹ hàng lươn” ấy cả, chả khác báo giấy tý nào. Không tin xin cứ thử vào qua … cho biết.

DCVOnline | Từ khi ra đời, nghề báo đã được xã hội công nhận là một trong các nghề cao quí, vì báo chí chính là món ăn tinh thần của mọi người. Xã hội càng văn minh, món ăn tinh thần càng quan trọng. Người làm báo, ngoài khả năng chuyên môn còn cần đến kiến thức, lòng can đảm và nhất là lương tâm. Ngày nay ở các xã hội tự do, báo chí đóng vai trò then chốt trong việc thông tin, góp phần theo dõi cũng như phát giác và ngăn chận các tệ nạn trong xã hội. Tuy vậy trong các chế độ độc tài, nhất là độc tài cộng sản, báo chí trở thành công cụ tuyên truyền của kẻ cầm quyền. Người làm báo, để tồn tại trong xã hội đó, dù muốn dù không, đã trở thành những kẻ bồi bút.

Báo giới Việt Nam trong nước cũng không ngoại lệ. Hai chữ “lề phải” tự nó đã nói lên tình trạng thiếu tự do của người làm báo. Tuy vậy vẫn còn nhiều người có lương tâm, vì yêu nghề hay vì cái nghiệp, vẫn bám lấy nghề báo. Họ đã trăn trở, thậm chí cảm thấy nhục nhã với những dòng chữ mình đọc được hay viết ra, nhưng đành câm nín vì không còn phương tiện nào để giải bày cùng độc giả. Phát minh internet kéo theo hệ thống “báo mạng”, blogs là cứu tinh cho những người muốn nói, muốn viết sự thật. Ký giả Nguyễn Chính là một trong những người đó. Bài viết “Báo và blog và…” của ông phản ảnh tâm tư của một người làm báo trong “rọ” khi tiếp xúc với “báo mạng”. Với nhiều người như ông, đó là đôi cánh thần giúp thoát khỏi cái lồng chật hẹp để bay vào bầu trời tự do, nơi sẵn sàng đón nhận những đứa con tình thần trung thực của họ. DCVOnline xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của Nguyễn Chính và cám ơn tác giả.

*

Vâng! xin được nói ngay: và … Bầu Trời. Bởi không có một người cầm bút nào, dù viết văn hay viết báo ở bất cứ xứ sở nào, sống trong bất cứ thể chế chính trị nào, phát xít, độc tài hay dân chủ, lúc nào và ở đâu, trong dày đặc màn đêm tối đen của bạo lực cường quyền, hay rạng rỡ bình minh của bác ái, nhân quyền, dân chủ … lại không coi bầu trời – môi trường sáng tạo – là vấn đề sinh tử đối với những đứa con tinh thần của mình.

Trong đó, bạn đọc là yếu tố đặc biệt quan trọng quyết định sự tồn tại và phát triển của một tờ báo. Vì vậy, sau khi đọc bài Báo và … Blog theo nối kết của diendan.org tôi muốn cùng bạn đọc và đồng nghiệp Trương Duy Nhất trở lại mẩu chuyện có thật mà tôi đã ghi lại trong sổ tay phóng viên từ 15 năm trước. Bây giờ chỉ việc chép lại.

Đầu năm 1994, tôi được Báo Đại Đoàn kết cử đi dự lớp bồi dưỡng về bút ký, phóng sự, tại Trường Viết văn Nguyễn Du – Hội Nhà Văn Việt Nam. Lớp học tập trung nhiều cây bút của các tỉnh thành và các báo trong cả nước. Suốt thời gian khoá học ngắn ngủi, tôi không bỏ sót buổi nào, chăm chỉ nghe giảng, chăm chỉ ghi chép. Giờ thảo luận, các học viên ai cũng phát biểu rất sôi nổi về những vấn đề các thầy đưa ra trong bài giảng. Ai cũng thấy thích thú và hấp dẫn với các buổi lên lớp của các nhà văn như: Tô Hoài; Ngô Ngọc Bội; Nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Mạnh v.v. Sau khoá học, các học viên đều được nhà trường cấp chứng chỉ.

Khi lớp học sắp kết thúc. Báo Nhân Dân tổ chức buổi giao lưu với các học viên tại tòa soạn 71 Hàng Trống, Hà Nội. Cả hội trường rất vui vẻ. Có quýt, có bia hơi giải khát. Tổng Biên tập, nhà báo Hữu Thọ nhanh nhẹn từ ngoài bước vào, đến thẳng micro. Ông nói: “Chiều nay, Quốc hội vẫn làm việc, nhưng thảo luận ở tổ, tôi tranh thủ về ngay để lắng nghe các đồng chí góp ý, xây dựng cho tờ báo Đảng. Nào! xin mời các đồng chí, mình là người nhà cả, xin cứ thẳng thắn, tự nhiên.” Cả hội trường im lặng mất mấy phút. Sau đó, là ý kiến phát biểu của mấy nhà báo. Trên bàn chủ nhà ngồi, tôi thấy Tổng Biên tập Hữu Thọ và ông Đinh Thế Huynh, Chủ tịch Hội đồng khoa học của báo Nhân Dân, cùng một số người khác lắng nghe rất chăm chú. Bỗng ông Hữu Thọ gõ gõ vào micro rồi nêu ý kiến thật chân thành:

“Thôi! tôi có ý thế này. Chúng ta là những người làm báo, nhất là hôm nay báo Nhân Dân lại vui mừng được lắng nghe các đồng nghiệp từ các tỉnh, các địa phương góp ý, xin cứ chỉ ra những cái còn bất cập. Chứ ta ngồi với nhau thế này, rồi tôi khen anh, anh khen tôi thì cũng không vui lắm…”

Tôi ngồi ở hàng ghế dưới cùng, vốn định ngồi im, không ý kiến gì. Nhưng nghe Tổng Biên tập Hữu Thọ nói vậy, lại được mấy đồng nghiệp ngồi cạnh khuyến khích, tôi liền cầm micro xin phát biểu. Sau mấy lời phi lộ xã giao, tôi thưa với báo Nhân Dân như sau:

Trong các năm 1987 – 1989 tôi cũng thường có bài được đăng trên báo Nhân Dân ở trang 3, mục xây dựng Đảng. Hôm nay, đồng chí Tổng Biên tập đã yêu cầu cứ nói thẳng, thì tôi cũng xin được nêu hai vấn đề, mà tôi đã cố gắng, thận trọng tìm hiểu, thậm chí còn làm các trắc nghiệm nhỏ nữa về báo Nhân Dân. Kết quả là, thứ nhất báo Nhân Dân chuyên bắt con gà chết (cả hội trường ồ lên). Ông Hữu Thọ gõ gõ vào micro đề nghị mọi người trật tự để tôi nói tiếp. Tôi đưa ra chứng cứ là, hầu như các vụ án lớn, nhỏ xảy ra, chỉ khi các cơ quan tòa án, kiểm sát, công an, thanh tra … đã kết luận rồi, mới thấy báo Nhân Dân đưa tin, viết bài. Vậy là tính phát hiện kém. Đã phát hiện kém thì làm sao dự báo được? Vì phản ánh chỉ là chức năng thấp nhất của báo chí. Cả hội trường lặng im. Được ông Hữu Thọ khuyến khích, tôi tiếp tục nêu, vấn đề thứ hai là, nhân dân không đọc báo Nhân Dân.

Tôi vừa dứt lời, hội trường như ong vỡ tổ. Ông Hữu Thọ chưa phản ứng gì, nhưng chủ tịch Hội đồng khoa học Đinh Thế Huynh đứng phắt dậy, gần như hơi mất bình tĩnh, giọng ông khàn khàn:

“Nói thế là không được. Xin hỏi anh Nguyễn Chính, đó là nhân dân nào? Cũng xin nói để anh Nguyễn Chính và các đồng chí ở đây biết thêm, là hiện nay số phát hành lẻ của báo Nhân Dân ở riêng Hà Nội đã là gần 5.000 tờ …”

Vốn trực tính, tôi liền cắt lời ông Đinh Thế Huynh:

“Thưa anh Đinh Thế Huynh, tôi đang nói chưa xong, anh cắt ngang lời tôi như vậy là không tiện lắm. Chúng ta còn có thể tranh luận. Là chủ tịch Hội đồng khoa học một tờ báo lớn của Đảng, tưởng anh cũng cần nghe ý kiến phản biện chứ.”

Ông Đinh Thế Huynh liền hạ giọng “vâng! xin mời anh Nguyễn Chính tiếp tục.” Tôi liền nói một hơi

“Anh Đinh Thế Huynh có hỏi, nhân dân nào? Tôi xin hỏi lại anh là nhân dân nào vậy? Chẳng lẽ lại phân ra các loại nhân dân? Còn với con số gần 5000 tờ báo phát hành lẻ tại Hà Nội mà anh Đinh Thế Huynh đưa ra, tôi xin nhân lên 10 lần, thậm chí 50 lần, so với mấy triệu dân Thủ đô, theo tôi đó là con số rất đáng phải suy ngẫm…”

Mải đăng đàn, khi nhìn lên tôi không còn thấy ông Hữu Thọ đâu nữa. Có lẽ ông đã vội sang tham gia thảo luận Quốc hội ở tổ rồi …

Hữu Thọ, Hồng Vinh, Đinh Thế Huynh, TBT Nhân Dân, tờ báo ít người đọc nhất Việt Nam

Vâng! Chuyện chỉ có thế. Ông Hữu Thọ sau đó lên nắm chức Trưởng Ban tư tưởng – văn hoá trung ương. Chức Tổng Biên tập tờ báo ít người đọc nhất Việt Nam này, giao lại cho ông Hồng Vinh, rồi tiếp theo là ông Đinh Thế Huynh. Đến nay đã qua 15 năm rồi, nhân sự thì thay đổi như vậy, nhưng còn tờ báo thì vẫn trong tình trạng ế ẩm. Vẫn giữ vững kỷ lục là tờ báo ít người đọc nhất Việt Nam. Nhưng tờ báo này không “chết”, đơn giản chỉ vì là cơ quan ngôn luận của đảng cầm quyền.

Trở lại với nội dung bài Báo và Blog của nhà báo Trương Duy Nhất . Phải nói, loại hình báo giấy truyền thống đã có lịch sử phát triển lâu đời và chắc chắn sẽ còn tiếp tục phát triển trong một thời gian rất dài nữa. Về mặt nhanh, nhậy, kịp thời và khả năng phát tán, quảng bá ở cấp độ toàn cầu v.v. Tất nhiên báo giấy không thể bằng báo mạng được. Nhưng báo giấy lại có ưu thế hơn hẳn về khả năng phổ cập rộng rãi trong bạn đọc ở mọi lúc, mọi nơi, không phụ thuộc vào các thứ: máy móc, điện, thao tác v.v. như “cư dân mạng”. Đó là những chuyện hoàn toàn thuộc lĩnh vực khác. Vấn đề đang cần phải diễn đàn ở đây là, tại sao lại có chuyện “đọc báo giấy chán bỏ mẹ …” như nhận xét của một bạn đọc với nhà báo Trương Duy Nhất? Theo tính toán sơ sơ, riêng báo giấy hiện Việt Nam có khoảng ngót một ngàn tờ báo và tạp chí các loại. Trong đó, hai tờ báo có bạn đọc nhiều nhất là Tuổi Trẻ và Thanh Niên. Còn lại thì lượng phát hành làng nhàng, từ lỗ vốn đến gần lỗ vốn. Ít bạn đọc nhất là hệ thống các tờ báo Đảng với mạng lưới từ báo Nhân Dân đến báo thuộc đảng bộ của tất cả các tỉnh, thành.

“Không ‘thương mại’ thì giữ để chùi đít à?” Nguồn: OntheNet

Có lần, một bạn đọc sau khi nghe tôi rao giảng cái điệp khúc của tuyên giáo “không được thương mại hoá tờ báo”, liền chân thành vỗ vai bảo tôi “ông chỉ được cái nói ngu. Không ‘thương mại’, thì giữ để chùi đít à?” Thời kinh tế thị trường, muốn biết sức khỏe doanh nghiệp chỉ cần lên sàn chứng khoán. Còn với báo giấy, chỉ cần mỗi sáng ra sạp báo là biết ngay “thằng” nào sắp chết, “thằng” nào ốm yếu sắp toi đời. Nhưng không! Có hay không có người đọc, vấn đề cũng chẳng là cái đinh gì. Tất cả vẫn sống, sống nhản nhản. Thế mới lạ, mới sướng chứ? Còn cái sự giống nhau, thì … thôi rồi “Lượm ơi!” Thằng anh cả na ná thằng anh hai. Thằng anh hai na ná chú em út v.v. Cứ thế mà tô, mà vẽ cho đúng, cho trúng định hướng tuyên truyền.

Với bài viết tâm huyết của những cây bút thứ thiệt, thì sau khi đăng chính tác giả đọc lại cũng thấy “chán bỏ mẹ …”, vì đã bị biên tập, đục khoét, mài mòn, chuốt nhẵn đến tròn như hòn bi cho nó dễ lăn, cho khỏi rách việc với mấy “thằng” đâm bị thóc, chọc bị gạo rồi … Nào đã hết, sống trong “bầu trời” như thế đã quen và viết rồi “lách” cũng thành quen, đến mức người ta bảo báo chí là “công cụ…” cũng vui vẻ chấp nhận, chả dám có ý kiến, ý vống gì. Và, như một lẽ tự nhiên, người viết lại tự mình “biên tập” “kiểm duyệt” mình trước, nên bạn đọc đã “chán bỏ mẹ” lại càng “chán bỏ mẹ”. Ngay từ đầu thập niên 1980, vì đọc thấy “chán bỏ mẹ”, nên nhà văn Nguyễn Minh Châu đã phải viết Lời ai điếu cho một thời kỳ văn học. Giống như một người làm thơ khác, khi đọc cũng thấy “ chán bỏ mẹ” nên mới có mấy câu trong bài “Con sẽ hỏi ba”, thế này:

“Bác X, cô Y là nhà văn
sắp già rồi mà chẳng có lấy một vài đầu sách
Sống cùng thời gian
Cái họ viết ra chao ôi là tẻ nhạt
Ông H, chú A là nhà báo, nhà thơ cũng một thời cầm bút
Mà đến giờ chẳng ai còn nhớ được
Một bài báo, một câu thơ mang nhựa sống của đời …”

Phải chua xót mà nhận ra rằng, cái “sợ” và cái hèn nhát của người cầm bút, nhất là người làm báo, nguy hiểm lắm. Rất vô thức, nhưng anh ta sẽ làm “lây nhiễm” cái sợ, cái hèn nhát cho đồng bào mình. Và, như vậy cũng lại thôi rồi Lượm ơi!

Cũng phải chỉ thẳng ra rằng, một vài người từng đã thành danh trong nghề cầm bút, khi về già ngẫm lại mới thấy mình bị chúng nó, hay đứa nào ấy nó lừa. Thôi thì lỡ mang kiếp bợ đỡ, kiếp thằng “bồi”, kiếp … cũng ngậm bồ hòn mà xuống lỗ cho xong. Nhưng vì còn chút tự trọng, nên day dứt đến không nhắm mắt được, khi tự thấy mình là kẻ cầm bút khốn nạn, đã đem chính cái sự “ lừa” ấy, để lừa lại nhân dân mình…

Nhưng, tất cả đã thay đổi, đã khác, khi xuất hiện báo mạng, với bầu trời cao xanh lồng lộng gió địa cầu. Các cây bút thứ thiệt không chịu Sống mòn, chết mòn, hoặc “vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng” nữa. Họ, thi nhau “thò tay viết blog”. Có nhà quản lý nọ bĩu môi “chỉ là nhật ký cá nhân”. Thôi thì nhật ký, tây ký, ta ký gì cũng được, miễn là được tự do về thân thể (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) để bán sức lao động của mình cho tâm huyết, cho đam mê sáng tạo, cho ngôn luận của chính mình, nhằm chia sẻ với cộng đồng. Còn bạn đọc thì thôi rồi, vui quá “Lượm ơi!” Hàng ngày, trên toàn thế giới, những trang Web, trang blog hay, người vào truy cập như nước chảy.

Sắp đến ngày Nhà báo cách mạng Việt Nam (21/6), tôi được một đồng nghiệp trẻ đến thăm, khoe “cháu mới học được bài hát hay lắm”. Tôi hỏi “ hay thế nào, cháu hát thử coi”. Cậu ta liền cất giọng

“Chúng ta là nhà báo Việt Nam, nguyện một lòng trung thành với đảng…”

Tôi nghĩ bụng, thế thì lại thôi rồi “Lượm ơi!” Nhưng tôi vội hỏi ngay “thế cháu có hay vào mạng, có viết blog không?” Cậu ta thản nhiên “dạ không!” Tôi lặng người và thân mật bảo “thế thì vào đi, vào đi mà ráng đọc, ráng học, mà rèn tay viết, không thì lại ‘toi’ đời như bố mày đấy con ạ!” “Đọc báo chán bỏ mẹ…”

Vâng! thưa quý bạn đọc, ngay trên mạng có những trang web của … và của … , đọc cũng “chán bỏ mẹ”. Những gì họ đưa lên mạng vẫn “con mẹ hàng lươn” ấy cả, chả khác báo giấy tý nào. Không tin xin cứ thử vào qua … cho biết. Vì thế mà cũng chẳng nên đặt vấn đề buồn hay vui, như nhà báo Trương Duy Nhất nêu ra làm gì. Với tôi, ở cái tuổi áp lục tuần, vào mạng còn rất ngập ngoạng, nhưng vẫn cứ là xin khấu đầu bái phục cái “thằng” intenet, đã cho tôi được sống những phút giây thật sự sướng khoái, trong bầu trời sáng tạo bốn bề lộng gió của các đồng nghiệp người Việt mình ở khắp chân trời, góc biển.

Nha Trang

Nguyễn Chính


Nguồn: Blog 1 Người Việt. DCVOnline biên tập và minh hoạ.





No comments: