Thursday, June 4, 2015

Âu-Mỹ tréo giò (Nguyễn-Xuân Nghĩa)





Nguyễn-Xuân Nghĩa
Monday, June 01, 2015 2:49:43 PM 

Ukraine và Hy Lạp trong trận đấu trí với liên bang Nga

Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, Âu Châu có hai quốc gia đang bị khủng hoảng kinh tế là Hy Lạp và Ukraine. Hậu quả bất ngờ của vụ khủng hoảng là mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Liên Âu về ưu tiên giải quyết. Lý do là vai trò của liên bang Nga với đòn phép của Vladimir Putin. Ly kỳ!

Hoa Kỳ đang tìm cách rút chân ra khỏi Trung Đông, cố “chuyển trục” về Đông Á để nói chuyện phải quấy với Trung Quốc, nhưng sẽ lại bị kéo vào Âu Châu - như đã từng bị từ một thế kỷ nay. Mọi chuyện có thể tập trung vào hai quốc gia đang bị nguy cơ vỡ nợ.

Hy Lạp là một “con bệnh” của Âu Châu với nền kinh tế suy sụp và không thể trả nợ. Cuộc bầu cử từ đầu năm nay đã đưa lên một tập hợp đa nguyên cực tả với những hứa hẹn mị dân và bất khả thi, trong khi đồng hồ nợ tiếp tục chạy và các chủ nợ không thể nhân nhượng mãi. Số phận Hy Lạp trực tiếp ảnh hưởng đến hệ thống tiền tệ thống nhất của 18 quốc gia cùng sử dụng đồng tiền chung là Euro.

Người cuối cùng, có thẩm quyền quốc tế hơn mọi chủ nợ khác của Hy Lạp tại Âu Châu là tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF. Tuần qua, bà Christine Lagarde phát biểu rằng kịch bản “Grexit” - việc Hy Lạp ra khỏi khối Euro - là điều có thể xảy ra, và nên nghĩ tới.

Nếu đồng Euro bị sứt một góc vì Hy Lạp, tình hình sẽ ra sao, chưa ai dám chắc. Nhưng cả nỗ lực hội nhập Âu Châu trong một chế độ quan thuế thống nhất của liên hiệp Âu Châu gồm 28 nước sẽ rung chuyển, Liên Âu có khi rã từng mảng với sự thắng thế của chủ nghĩa quốc gia cực đoan bên trong một số quốc gia thành viên.

Ukraine là một trường hợp khác.

Chưa hội nhập vào Liên Âu, xứ này không may là nằm ngay tại biên vực giữa các nước Âu Châu và liên bang Nga, bên trong có miền Đông bị cuốn vào sức hút của Nga, và nằm dưới tầm đạn của các lực lượng xưng danh thân Nga, ly khai, hay giải phóng do Tổng Thống Vladimir Putin chủ động yểm trợ. Putin cần Ukraine, Georgia và nhiều xứ Trung Âu và Đông Âu khác trở về quỹ đạo Nga, làm vùng trái độn cho Đế Quốc Nga như dưới thời Xô Viết và trước đó.

Khi dân Ukraine tại miền Tây không đồng ý với quyết định "ngả về Đông" của lãnh tụ Viktor Yanukovych, họ biểu tình phản đối từ cuối năm kia và bị đàn áp, với kết quả là Yanukovych bị lật đổ đầu năm ngoái. Putin bèn đưa quân vào thôn tính bán đảo Crimea và khuynh đảo miền Đông. Vì vậy, kinh tế của Ukraine bị khủng hoảng trong một vụ khủng hoảng rộng lớn hơn giữa Âu Châu và Nga: sản lượng năm nay có thể mất 7,5% và xứ này có thể vỡ nợ, chính quyền non yếu của Tổng Thống Petro Poroshenko tại thủ đô Kyiv mà sụp đổ là cơ hội Putin trông đợi.

Vì kinh tế cũng là chính trị, ngày nay, hai vụ khủng hoảng tại Hy Lạp và Ukraine đang lồng làm một, với sự can dự của Hoa Kỳ.

***
Trung tuần Tháng Năm, Hoa Kỳ đồng ý cho Ukraine vay thêm một tỷ đô la để có thêm khả năng xin hoãn nợ với các chủ nợ là giới đầu tư mua trái phiếu của Ukraine. Cho tới nay, Quỹ IMF đã thông báo viện trợ 17 tỷ rưỡi và Liên Âu hứa hẹn thêm 12 tỷ. So với nhu cầu của mấy năm tới là 40 tỷ đô la thì vẫn còn hụt, mà đây đó đã có những nhóm biểu tình phản đối chính quyền Poroshenko.

Trong khung cảnh đó, hôm Thứ Ba, 26 Tháng Năm, tổng trưởng ngân khố Mỹ là Jack Lew đã lần đầu tiên can dự vào nội tình Âu Châu khi lên tiếng rằng các nước Âu Châu nên cố tìm giải pháp duy trì Hy Lạp trong khối Euro.

Nhìn từ giác độ kinh tế, Hy Lạp chỉ là một nước nhỏ và cạn tiền. Từ giác độ địa dư chính trị, xứ này nằm tại miền Đông Địa Trung Hải, tiếp cận với các điểm nóng Trung Đông như Syria và Libyia, là cửa ngõ giao lưu và xâm nhập của hàng hóa và cả thuyền nhân hay khủng bố đến từ Trung Đông và Bắc Phi. Đã vậy, lãnh thổ Hy Lạp còn là địa bàn cạnh tranh của hai dự án khai thác khí đốt "Turkish Stream" và "Southern Corridor" do liên bang Nga và Liên Âu bảo trợ.

Khi vụ khủng hoảng về nợ nần lên tới cao độ, Putin đã ngỏ ý yểm trợ Hy Lạp. Chính quyền cực tả Syriza vừa được bầu lên tại Athens dùng ngay điều ấy làm lợi thế mặc cả với Liên Âu: không xóa nợ cho em thì em sẽ "ôm cầm thuyền ai." Hy Lạp khăn áo bước qua bên kia, được Nga viện trợ và bán khí với giá rẻ! Còn hơn là ra khỏi khối Euro, phải dùng đồng Drachma thổ tả và mua khí đốt với cái giá lên trời.

Nhìn từ Hoa Kỳ thì sự tình không chỉ có khí đốt hay đồng tiền có giá trị của hàng mã.
Khi Chiến Tranh Lạnh xảy ra từ năm 1949, Hoa Kỳ kéo Hy Lạp vào minh ước Bắc Đại Tây Dương NATO để chặn đường Liên Xô tiến vào Địa Trung Hải. Sau đó, trong nhiều thập niên cho đến khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc, Hoa Kỳ tiếp tục yểm trợ Hy Lạp để ngăn ngừa các tổ chức khủng bố tấn công quyền lợi của Tây phương. Thời nay, Mỹ vẫn muốn Hy Lạp ngả về Tây, không bị loạn và khỏi là hậu cứ của các tổ chức khủng bố cực tả, cực hữu và Hồi Giáo. Trước mắt là không bị liên bang Nga khuynh đảo trong khi đợi chính quyền Putin thấm đòn phong tỏa của khối Âu-Mỹ vì tội tấn công Ukraine.

Cho nên cả ba nước Nga, Hy Lạp và Ukraine đều bị ngập trong sóng gió kinh tế tại Âu Châu. Xứ nào chịu đòn được lâu thì sẽ thắng! Đấy là khung cảnh của những khó khăn và phép trả đũa của Nga khi Chính quyền Putin vừa đưa ra danh sách của 89 nhân vật Âu Châu bị cấm vào Nga.

***

Nhìn từ giác độ Âu Châu, Hy Lạp là bệnh hay lây.
Vẫn biết rằng nếu xứ này có loạn - như mối lo chính đáng của Hoa Kỳ - thì sự ổn định của cả khối Âu Châu sẽ bị đe dọa. Nhưng nếu nhượng bộ Hy Lạp thì giải quyết thế nào với yêu sách tương tự của nhiều xứ mắc nợ khác ở miền Nam? Cứng rắn với Hy Lạp, đến độ chấp nhận kịch bản "Grexit" là trường hợp ít tệ nhất cho Âu Châu. Nếu không, cả hệ thống quan thuế và chính trị của Liên Âu sẽ tan rã.

Đấy là một khác biệt quan điểm giữa Hoa Kỳ và Liên Âu, bên trong là quan điểm của nước Đức.

Về Ukraine, tình hình là một trường hợp lưỡng nan khác. Các nước Tây phương, cả Âu và Mỹ, đều muốn chính quyền Poroshenko tồn tại để chặn đà lũng đoạn của Nga, nhưng với cái giá kinh tế là phải tiếp viện vùng trái độn này. Cái giá ấy có kích thước chiến lược vì nếu chính quyền Kyiv bị khủng hoảng chính trị vì kinh tế, nhiều khu vực biên trấn của Âu Châu sẽ trôi vào sức hút của Nga.

Tổng kết lại, cả hai hồ sơ Hy Lạp và Ukraine đều nói lên sự bất trắc của Âu Châu, mỏm cực Tây của đại lục địa Âu-Á nằm bên liên bang Nga và vùng Trung Đông hỗn loạn.

Từ khi chiến tranh lạnh kết thúc với sự tan rã của Đế Quốc Xô Viết, Trung Đông đã hỗn loạn hơn với cuộc chiến Iraq đầu tiên vào năm 1991. Khi liên bang Nga tái xuất hiện từ mảnh vụn Liên Xô và tìm cách chinh phục lại những vùng đất bị “rơi vào tay địch” là Đông Âu và Trung Âu kể từ năm 2008, Âu Châu lại bị khủng hoảng tài chánh và kinh tế. Chính là vụ khủng hoảng đó đã khuyến khích Vladimir Putin tiến tới, và vào đến Ukraine rồi còn muốn chiêu dụ Hy Lạp.

Trên toàn cảnh và trong trường kỳ, liên bang Nga của Putin thật ra có rất nhiều nhược điểm. Nhưng trước mắt lại có vẻ chiếm thế thượng phong nhờ tình trạng phân hóa của Âu Châu. Hoa Kỳ đang phải quay lại vùng đất nhiễu nhương này là vì tình trạng phân hóa đó.





No comments: