Bùi
Xuân Bách và Nguyệt Cầm dịch
Cập nhật lần cuối 08/06/2015
Vài
lời giới thiệu về tác giả
Bào Đồng, sinh năm 1932, nguyên Trung ương Uỷ viên
khoá XIII, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban cải cách thể chế kinh tế quốc gia,
nguyên Thư ký chính trị kiêm Chánh văn phòng của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản
Trung Quốc Triệu Tử Dương.
Bị bắt ngày 28 tháng 5 năm1989, ngay trước vụ đàn áp
sinh viên ở Thiên An Môn, mãi đến 1992 mới được đưa ra xử và bị kết án 7 năm tù
giam. Ông bị biệt giam tại Tần Thành giam ngục, nhà tù duy nhất thuộc quản lý của
Bộ Công an, nơi giam giữ các yếu nhân, cho đến hết thời hạn, ngày 27 tháng 5
năm 1996. Ông đã giúp vào việc xuất bản và viết lời giới thiệu cho cuốn “Tù
nhân của nhà nước - Nhật ký bí mật của Thủ tướng Triệu Tử Dương” (bản gốc tiếng
Hán có tên là Cải cách lịch trình - 改革歷程).
Người
dịch
---------------------------
Trong cả tháng qua, tôi bị cấm trả lời phỏng vấn, và
do đó tôi dành bài viết này kỷ niệm hai mươi sáu năm ngày trấn áp mồng 4 tháng
Sáu năm 1989, khi chính quyền đè bẹp mọi bất đồng chính kiến trong các thành phố
trên cả nước.
Một tin nổi bật trong những ngày này là chiến dịch
chống tham nhũng của Đảng Cộng sản. Trong ba năm kể từ Đại hội Đảng XVIII, cái
Đại hội đã dựng nên thế hệ lãnh đạo Trung Quốc hiện nay, Chính phủ đã kêu gọi
các quan chức “đả hổ, diệt ruồi” – một ẩn dụ nhắm tới mọi loại tham nhũng, lớn
và nhỏ.
Trong khi Chính phủ, từng thời kỳ, cũng có trấn áp
việc ăn hối lộ, đút lót, nhưng chưa từng có chiến dịch chống tham nhũng nào lên
tới mức độ này. Song điều đó không có nghĩa là không có tham nhũng.
Thực ra, trong suốt hai thập niên từ sau cuộc Tuần
du Hoa Nam (“Nam tuần giảng thoại” - “南巡讲话”) năm 1992 nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình – khi đã bán chính thức về hưu,
ông ta đi xuống Quảng Đông để đẩy mạnh việc giải phóng kinh tế một cách quyết
liệt - các quan chức của Đảng Cộng sản ở mọi tầng bậc đều lặng lẽ làm giàu.
Khoan dung với tham nhũng, quả thật, là một phần của những gì Đặng đã phóng
tay.
Đặng, lãnh tụ tối cao từ 1978 cho đến khi chết năm
1997, ngày nay được tôn sùng như một anh hùng. Và, cũng giống như Mao Trạch
Đông trước ông ta và Tập Cận Bình sau ông ta, Đặng đang được Đảng trưng ra như
một nhà lý luận chính trị. Tuy nhiên, chẳng
hề có cái gì là Lý luận Đặng Tiểu Bình, cũng như không hề có cái Lý luận Tần
Thuỷ hoàng.
Giống như Tần Thuỷ hoàng, vị hoàng đế đầu tiên đã
xây dựng chế độ trung ương tập quyền của Trung Quốc, Đặng sử dụng vũ lực, chứ
không phải lý luận. Ông ta sử dụng quyền lực mà Mao đã giành được cho Đảng Cộng
sản, làm đòn bẩy đưa Trung Quốc đi theo con đường mới của ông ta “con đường Đặng
Tiểu Bình” – tới vực thẳm tham nhũng.
Song có một điểm khác biệt. Chỉ còn có ít người ngày
hôm nay ca tụng việc Tần Thuỷ hoàng “phần thư khanh nho” (焚書坑儒 – đốt sách, chôn nhà nho),
nhưng khói từ những nén nhang được đốt lên để ngợi ca “con đường Đặng Tiểu
Bình”, tiếp tục bay tới tận thiên đình.
Tập trung chú ý vào việc tham nhũng tràn lan ở Trung
Quốc ngày hôm nay mà quên đi vai trò của Đặng, thì cũng chả khác gì chuyện đổ tội
cho “Bè lũ bốn tên” về việc phá hoại ầm ĩ thời Cách mạng Văn hoá (1966-1976) mà
tảng lờ vai trò của Mao.
Hãy
để một số người làm giàu trước đã
Câu nói nổi tiếng của Đặng là, để khai phóng kinh tế,
Đảng cần phải “để cho một số người làm giàu trước”. Đó là một trong những chính
sách sáng tạo nhất mà một lãnh tụ Đảng Cộng sản đã chủ trương, trong khi nó mâu
thuẫn trực tiếp với mục đích thành lập Đảng.
Thời Đặng đi tuần du phương Nam đó, tôi còn trong
tù, sau khi bị thanh trừng năm 1989 cùng với sếp của mình, nguyên Thủ tướng và
Tổng Bí thư Đảng Triệu Tử Dương.
Thoạt tiên, khi tôi đọc những văn bản được công bố
công khai, tôi quả thật không hiểu, ông ta nhắm tới mục tiêu gì. Cái điều gây ấn
tượng sâu sắc chính là giọng điệu cứng rắn của ông ta, được minh họa bằng ba
dòng, và được trích dẫn khắp mọi nơi: “Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ đi vào
ngõ cụt! Ai không tán thành cải cách, hãy từ chức đi! Một số người sẽ làm giàu
trước!”
Mặc dù giọng điệu của Đặng cứng rắn, nhưng những nét
đại cương và cả thực chất chính sách của ông ta thì lại không rõ ràng. Ai sẽ là
những người đó, những người làm giàu trước?
Đặng có thể ám chỉ những người mà lẽ ra Đảng Cộng sản
phải đại diện: “liên minh Công Nông”. Hoặc, có lẽ, những giai cấp mà chỉ gần
đây mới được Đảng phục hồi: “địa chủ, phú nông, phản cách mạng, phần tử xấu, phần
tử hữu khuynh”. Ông ta có thể, thậm chí, nói tới tầng lớp trí thức, với hiểu biết
và những kỹ năng công nghệ của họ. Song câu trả lời đúng không nằm trong những
câu trên. Những người làm giàu trước hoá ra là các đảng viên và gia đình, cùng
các cộng sự gần gũi của họ.
Câu hỏi “ai sẽ phải làm giàu trước” chẳng phải là trừu
tượng. Đặng chắc chắn hiểu rất rõ điều đó – cũng như câu ngạn ngữ - tòa nhà sát
mép nước sẽ nhận được ánh trăng đầu tiên. Nói cách khác, có những nhóm người nhất
định sẽ ở vào vị trí tốt nhất để tận dụng những cơ hội mới.
Trong cái xã hội hậu 1989, quyền lực của Đảng đã chặn
đứng mọi bất đồng xã hội, cải cách chính trị bị bóp nghẹt và các tổ chức có thể
có ảnh hưởng mạnh đều bị cấm đoán gây rối ren, viễn cảnh cho một người dân thường
lao vào biển cả kinh doanh là không sáng sủa. Chưa nói tới chuyện giàu có, họ
đã may mắn nếu không bị chết đuối. Thử nghĩ tới tầng lớp nông dân rộng lớn, những
người bị pháp luật cấm di chuyển vào thành phố (do những yêu cầu về hộ khẩu,
chúng giới hạn các gia đình chuyển địa điểm sinh sống từ tỉnh của họ, nếu không
được phép), hoặc đội quân công nhân bị các doanh nghiệp nhà nước giãn thợ. Đó
chính là kết quả cuộc cải cách kinh tế của Đặng.
Thành quả cuối cùng trong cuộc cách mạng của Đặng là
ai có quyền lực lớn sẽ giàu to, ai có quyền lực nhỏ sẽ giàu ít, và những người
không có quyền lực sẽ vẫn sống trong nghèo đói.
Kinh
doanh ở Trung Quốc như thế nào
Trong cuộc tuần du phương Nam, Đặng đã đặt ra câu khẩu
hiệu nổi tiếng nhất của ông ta: “Mèo trắng, mèo đen không quan trọng, miễn
là bắt được chuột, đó là con mèo tốt”. Việc Đặng ủng hộ nền kinh tế thị trường
đã dấy lên một làn sóng các hoạt động kinh doanh quét qua khắp nước Trung Hoa
và xa cả ra ngoài biên giới của nó. Cái biển kinh doanh này của Trung Quốc là
khác biệt bởi vì Đảng kiểm soát tất cả mọi chuyện. Để có hiệu lực, nó điều hành
một số lớn những bãi cạn, mà những người đang bơi trên biển phải đi qua. Dưới bề
mặt là những con sóng nguy hiểm.
Trong những biển dữ đó, nếu anh không trả giá cho
quyền được kinh doanh, anh có thể sẽ phải đối mặt với sự can thiệp của các quan
chức Đảng. Các doanh nghiệp nhà nước cũng gây khó khăn cho việc kinh doanh của
anh. Các quan chức Trung Quốc quả là có tài năng thực sự trong việc gây khó dễ
cho quần chúng.
Trong câu chuyện về sự lớn mạnh của Trung Quốc, những
anh hùng không được ngợi ca chính là những “con mèo tốt” của Đặng.
Họ phải trả cho ai? Nói trừu tượng thì là cơ quan Đảng,
và cụ thể là các quan chức Đảng – từ nguyên Uỷ viên Ban thường vụ Bộ Chính trị Châu
Vĩnh Khang suốt cho tới các cán bộ huyện, xã.
Những dòng chảy ngầm của nền kinh tế thị trường, vốn
đã bị chôn vùi trong nhiều thập kỷ, nay nó phun trào ra từng chút, từng chút một
và làm ngập những con đê xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế thị trường giờ được hợp
nhất với nhà nước-đảng trị, mà trong quá trình đó nó mất đi những đặc điểm của
sự chọn lựa và cạnh tranh thực sự tự do. Thay vào đó, thị trường sẽ phải tuân
thủ lợi ích của những cán bộ cao cấp trong Đảng. Từ những vốn mạo hiểm (venture
capital) tới chứng khoán mới lên sàn, từ ký hợp đồng tới kiểm tra chất lượng sản
phẩm, đó là cách mọi việc được sắp xếp. Không có ngoại lệ.
Quan chức trong Đảng là cơ thể của đảng. Trật tự
kinh tế mới đồng nghĩa với việc phải chi trả cho các dịch vụ của cơ thể này. Các
doanh nhân chung tay với quan chức để thúc đẩy Tổng sản phẩm nội địa (GDP). Đây
không những là một giải pháp tốt cho những người làm kinh doanh, mà còn tạo cơ
hội cho giới quan chức ghi dấu ấn về thành tích công tác. Trong nghĩa rộng hơn,
nó thúc đẩy sự phát triển của nhà nước-đảng trị.
Cơ chế thị trường bị bóp méo này phá huỷ sinh kế,
lãng phí tài nguyên thiên nhiên, tàn phá môi trường và đe dọa sẽ gây ra nhiều
tai ương cho các thế hệ tương lai. Nhưng các ưu tiên chính trị buộc người ta phải
quên đi những thiệt hại thứ phát đó.
Những ưu tiên này được thể hiện qua các khẩu hiệu
như, “phải nhìn tổng thể”, “chú ý đến toàn cục”, “tiểu đạo lý phục tùng đại đạo
lý” (nghĩa là hy sinh các nguyên tắc nhỏ hơn cho các nguyên tắc lớn hơn) và “ngạnh
đạo lý áp đảo nhuyễn đạo lý” (nghĩa là các ưu tiên chủ yếu sẽ áp đảo các ưu
tiên thứ yếu). Thay vì thừa nhận là họ đang thực hiện điều mà các nhà kinh tế gọi
là thu tô – bòn rút một phần của cải vào túi họ, thay vì làm ra của cải – các
quan chức thích tưởng tượng là họ đang trung thành với đường lối của đảng “làm
những việc lớn.”
Ở Trung Quốc, nếu bạn muốn “làm những việc lớn,” bạn
cần mua rất nhiều chỗ dựa. Bạn phải trả tiền cho quan chức ở chức vụ cao đến mức
nào tùy thuộc vào việc bạn dự định sẽ gây dựng ảnh hưởng ở cấp làng, cấp huyện,
tỉnh hay thậm chí cấp quốc gia. Các quan chức của đảng, dù ở những cấp thấp nhất,
cũng có thể quyết định cho phép ai thành công và thịnh vượng trong lãnh địa của
họ.
Một khi lợi ích của họ được bảo đảm, một quan chức sẽ
trở thành một cổ đông, người sẽ bật đèn xanh cho công việc của bạn. Chừng nào
mà ông ta còn kiếm chác được, thì việc một dự án sẽ làm lợi hay gây hại cho
công chúng chẳng nghĩa lý gì. Chủ đầu tư có thể yên tâm là quan chức đó sẽ chi
phối những “năng lượng tích cực” để dẹp bỏ mọi trở ngại. Mô hình hợp tác kiểu
này có thể chẳng làm gì để bảo vệ môi trường, thoả mãn nhu cầu nội địa hay thúc
đẩy tính liêm chính công, nhưng rõ ràng là nó giúp gia tăng Tổng sản phẩm nội địa
(GDP).
Đã hơn 65 năm kể từ khi Trung Quốc có được một nền dân
chủ, bất kỳ hình thức nào. Tính chính danh của nhà nước- đảng trị ngày hôm nay
phải dựa vào các con số thống kê về tăng trưởng kinh tế. Đối với các quan chức,
không có bằng chứng thành tích nào rực rỡ hơn thế. Tham nhũng và phát triển nắm
tay nhau cùng tiến.
Mao Trạch Đông quốc hữu hoá tài sản cá nhân. Đặng Tiểu
Bình chuyển giao tài sản quốc gia, với cái giá rất hời, chủ yếu mang tính tượng
trưng, vào tay giới tinh hoa của đảng. Kết quả là hiện nay, “các thái tử” – hậu
duệ của thế hệ cách mạng sáng lập đảng, kiểm soát phần lớn của cải ở Trung Quốc.
Công chúng có nhận biết những sự việc này, nhưng phần
lớn đảng viên các cấp chỉ giữ im lặng. Họ hiểu điều gì đang xảy ra, và biết rằng
họ chẳng có lựa chọn nào khác ngoài việc làm đúng theo chính sách ấy. Đây là mục
đích của chuyến Tuần du Hoa Nam, để bảo đảm sự ổn định trong toàn đảng khi đường
lối mới được thi hành.
Di sản
của sự kiện 1989
Vào ngày mùng 4 tháng Sáu năm 1989, Đặng Tiểu Bình hạ
lệnh cho Nhân dân Giải phóng quân sử dụng vũ lực đàn áp một số đông những sinh
viên đấu tranh ôn hòa – tại Quảng trường Thiên An Môn và các thành phố khác
trên khắp Trung Quốc - những người kêu gọi chấm dứt tham nhũng và đẩy mạnh tiến
độ cải cách.
Chấn thương mùng 4 tháng Sáu là một cuộc đổi đời.
Trong tình trạng không ai dám lên tiếng, thì tất cả mọi người đều mất quyền được
nói, tất cả mọi người đều mất quyền được định hình cải cách, và tất cả mọi người
đều bị xô đẩy theo dòng. Kết quả là mục đích cải cách của thập niên 1980 đã bị
phá huỷ đến tận gốc. Công cuộc tự do hoá kinh tế do đảng lãnh đạo lẽ ra nhằm cởi
trói cho cả giai cấp công nhân và chủ doanh nghiệp, giải phóng năng lượng cho họ,
tạo điều kiện kinh doanh sinh lợi và chia sẻ lợi nhuận. Nhưng sau cuộc bể dâu
1989, lợi nhuận và tài nguyên đã được phân chia theo quyền lực.
Qua hành động của mình vào ngày mùng 4 tháng Sáu, Đặng
Tiểu Bình đã vạch ra những đường ranh giới mới để định nghĩa kẻ địch. Đảng sẽ bảo
vệ cho tham nhũng, và bất kỳ ai chống lại tham nhũng do đảng đỡ đầu, sẽ trở
thành kẻ tử thù của cả đảng và quân đội.
Tiếp theo Đại hội Đảng lần thứ XVIII, phong trào “đả
hổ diệt ruồi” như một chuỗi sấm sét nổ khắp Trung Quốc. Công cuộc thanh trừng
tham nhũng có vẻ như là một sự kiện mở ra kỷ nguyên mới, nhưng có lẽ tác dụng
to lớn nhất của nó là việc mở mắt cho người dân. Lá cờ đỏ của Trung Quốc, nhuộm
đẫm máu bao liệt sĩ, đã trở thành nơi trú ẩn của kẻ ác và cách hành xử xấu xa.
Hàng quân đoàn quan chức tham nhũng bị vạch mặt có thể chỉ là phần nổi của tảng
băng trôi, nhưng những bộc lộ này cũng đã đủ làm lu mờ tất cả các ví dụ về tham
nhũng từng thấy ở Trung Quốc hay nước ngoài. Không có cách nào có thể tiếp tục
che giấu sự tham nhũng toàn thể từ trên xuống dưới này, và không có cơ hội nào
có thể xoá bỏ những thông tin về tham nhũng trong tâm trí người dân.
Việc đảng chiến đấu chống tham nhũng được trình bày
là để phục vụ lợi ích công chúng, nhưng nếu các công dân độc lập – thành viên của
các tổ chức xã hội dân sự, cũng tham gia vào cuộc chiến ấy, thì việc đó lại trở
thành phạm tội.
Cũng như thời 1989, các phong trào quần chúng chiến
đấu chống tham nhũng bị đàn áp thẳng tay. Những người dân bị ngược đãi và ức hiếp
ở Trung Quốc không được nhận bồi thường theo luật pháp, dù qua hệ thống tòa án
hay khiếu tố với chính quyền trung ương. Quả thật, những người đã tố cáo tham
nhũng thường bị đưa ra xét xử hoặc bỏ tù. Các giá trị phổ quát như minh bạch và
trách nhiệm bị bôi nhọ là công cụ do những kẻ thù địch ở nước ngoài sử dụng để
gây rối. Trong khi đó, quyền lực can thiệp vô hạn của đảng chỉ có tăng lên, vì
nó đã chiếm dụng những khái niệm như pháp quyền, công nghệ và toàn cầu hoá.
Liệu nhà nước- đảng trị có thực tâm chống tham
nhũng, thậm chí đến mức mạo hiểm cả sự tồn vong của đảng? Như nhiều người từng
nói, điều này thì chỉ có giới lãnh đạo chóp bu mới biết được.
Tôi muốn nói hai điều. Thứ nhất, chừng nào Trung Quốc
còn tiếp tục đi theo con đường mà Đặng Tiểu Bình đã vạch ra, nó sẽ không giải
quyết triệt để được nạn tham nhũng. “Đả hổ diệt ruồi” không phải là phương thuốc
cứu chữa từ gốc đến ngọn; thậm chí còn không giảm nhẹ được những triệu chứng nặng
nhất. Hổ còn ngao du khắp chốn, và ruồi còn che kín mặt trời: có thể tấn công cả
trăm, hoặc cả ngàn trong số chúng, nhưng điều đó sẽ không thay đổi được bản chất
của con đường tham nhũng. Nhưng tôi vẫn lạc quan, vì nếu giới lãnh đạo Trung Quốc
quyết tâm từ bỏ con đường Đặng Tiểu Bình, thì vẫn có hy vọng.
Thứ hai, lại đến mốc tưởng niệm sự kiện mùng 4 tháng
Sáu. Nhiều người đang mong chờ các nhà lãnh đạo của đảng tự nguyện thừa nhận sự
bất công và phạm pháp của việc giết chóc. Đây cũng là hy vọng của tôi. Nhưng
tôi không lạc quan, vì đến tận giờ, không có nhiều dấu hiệu cho thấy điều này sẽ
xảy ra. Liệu một ngày nào đó điều ấy có thể xảy ra hay không trong tương lai,
thì tôi chịu không nói được.
Bào
Đồng/ Bùi Xuân Bách và Nguyệt Cầm
Nguồn: New York Times 3.6.2015 (có cả bản tiếng Trung)
No comments:
Post a Comment