Sat, 06/06/2015 - 11:06 — nguyenvubinh
Ngày 05/6 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã dành trọn một
ngày để thảo luận về báo cáo giám sát tình hình oan, sai trong việc áp dụng
pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị
oan trong tố tụng hình sự.
Theo báo cáo giám sát của Ủy
ban thường vụ Quốc hội, trong ba năm qua, cả nước có 71 trường hợp bị hàm oan,
trong đó có 27 trường hợp oan sai thuộc trách nhiệm của Viện Kiểm sát. Theo báo
chí lề đảng, những tiếng nói ngày càng can đảm, thông điệp mà cử tri nhận được
sau các phiên thảo luận báo cáo giám sát nói chung thường chỉ dừng lại ở mức độ
“chúng tôi hiểu vấn đề”. Trong khi cái mà người dân cần ở Quốc hội là thái độ
“chúng tôi giải quyết vấn đề”.
Tuy nhiên, cách đặt vấn đề
về án oan, sai trong báo cáo giám sát của Quốc hội mới chỉ là phần nổi của tảng
băng chìm. Đó hầu như là những vụ án oan, sai rõ mười mươi và sự vào cuộc của
các cơ quan truyền thông, của dư luận. Ví dụ như vụ án oan sai của ông Nguyễn
Thanh Chấn, khi thủ phạm thực sự ra đầu thú, thì mới mặc nhiên ông Chấn bị án,
tù oan. Vậy còn những vụ án mà thủ phạm thực sự không ra đầu thú, nhưng những
chứng cứ vô tội và những chứng cứ ép cung, nhục hình và vô lý như vụ tử tù Nguyễn
Văn Chưởng (người ở huyện Kim Thành, Hải Dương, bị công an Hải Phòng bắt, kết
án tử hình tội giết người), và vụ Hồ Duy Hải ở Long An thì sao?
Vấn đề án oan ở Việt Nam
không thể xem xét đơn giản như vậy được. Án oan ở Việt Nam cần được xem xét dưới
góc độ quyền con người và tương quan với pháp luật nhiều nước trên thế giới. Nếu
những vụ án như mới xảy ra cho hai ông Mai Đình Tân (47 tuổi) và Nguyễn Văn Ly
(43 tuổi) ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, mỗi người bị 15 tháng tù giam vì đã
bức xúc kêu lên: “công an đánh chết người” trong vụ cháu của hai ông là Tu Ngọc
Thạch (15 tuổi) đã bị công an huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa đánh chết chính là một
vụ án oan. Hoặc như vụ việc cô người mẫu kiêm diễn viên Trần Thị Trang (Trang
Trần, Cô Khàn) say rượu xúc phạm công an cũng bị khởi tố thì đó là những vụ việc
không thể chấp nhận được, đó là sự tùy tiện trong pháp luật ở Việt Nam hiện
nay.
Như vậy, xét theo hệ quy
chiếu là quyền con người và so sánh luật pháp tương đương ở các nước, chúng ta
cần phải thừa nhận, án oan sai ở Việt Nam là rất lớn, bắt nguồn từ các quá
trình: xây dựng luật, điều tra, và tố tụng.
Điều đầu tiên, đó là những
quy định, những quy phạm pháp luật trong các tội danh rất mập mờ, không rõ ràng
và sáng tỏ (những yêu cầu dứt khoát về luật pháp là rõ ràng, minh bạch và sáng
tỏ). Chưa hết, hầu như tội danh nào cũng có khung hình phạt kỳ lạ từ 2 đến 6
năm, nghiêm trọng thì tới chung thân, tử hình. Khung hình phạt như vậy chính là
lỗ hổng pháp luật nghiêm trọng để tòa án định đoạt tùy tiện và dẫn tới những án
oan, sai.
Quá trình điều tra cũng là
quá trình dẫn tới những vụ án oan, sai nghiêm trọng. Việc sử dụng các biện pháp
nghiệp vụ điều tra, còn gọi là tra tấn, đánh người là một quy trình quan trọng
của quá trình điều tra. “Treo cánh tiên” là thuật ngữ chỉ thao tác tra tấn của
ngành công an. Đó là, người bị can bị còng số 8 treo vắt lên trên không, chỉ
hai đầu ngón chân cái chạm đất và cán bộ điều tra giữ tư thế của bị can như vậy
để tra tấn, đánh đập và hành hạ. Đã có rất nhiều người nói về hành vi này ở các
vụ án oan, và như vậy, tra tấn là quy trình chung của quá trình điều tra ở tất
cả các địa phương trong cả nước. Chính vì lý do này (áp dụng tra tấn để điều
tra) mà ngành công an và các ngành có liên quan khác kiên quyết phản đối “quyền
im lặng” cũng như việc ghi âm, ghi hình trong quá trình thẩm vấn bị can.
Tố tụng là một quá trình ở
đó các quyền con người, quyền của luật sư bị coi thường và vi phạm nghiêm trọng.
Nếu ai đó đã từng chứng kiến các phiên tòa thì sẽ thấy các thẩm phán thể hiện
uy quyền, áp chế và vi phạm các quyền của bị can, bị cáo cũng như luật sư bào
chữa ra sao. Việc trấn áp trong quá trình tố tụng cũng chính là khía cạnh quan
trọng đẩy người dân vào các mức án hoàn toàn phi lý và oan khuất.
Chúng ta đã biết được, hiện
nay có một đội ngũ dân oan hùng hậu khắp cả nước. Những người dân oan này,
ngoài việc bị mất đất đai, rất nhiều người phản kháng đã bị những án tù đày,
oan ức. Hệ thống pháp luật hình sự của Việt Nam, kết hợp với quá trình điều tra
và tố tụng, đã tạo ra vô số những người bị tù, án oan sai, oan khuất.
Có một câu hỏi đặt ra, là tại
sao nhà cầm quyền cộng sản nói chung, và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam nói
riêng lại cho áp dụng hệ thống pháp luật mập mờ, không rõ ràng, với khung hình
phạt rộng lớn cho nhiều tội danh, đồng thời áp dụng các biện pháp tra tấn trong
điều tra, áp chế trong tố tụng dẫn tới rất nhiều án oan, sai đối với người dân
như vậy? Câu trả lời là, đối với chế độ cộng sản, mục đích là thống trị nhân
dân, họ biết là việc thống trị nhân dân sẽ tạo ra sự phản kháng, họ luôn coi
nhân dân là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất. Chính vì vậy, pháp luật cũng
như sự vận hành pháp luật là nhằm thể hiện uy quyền và ngăn chặn những sự chống
đối, phản kháng. Đối với họ, cư xử với kẻ thù như vậy là đã quá nhân đạo rồi./.
Hà Nội, ngày 06/6/2015
N.V.B
No comments:
Post a Comment