Thursday, September 2, 2010

VỤ "NHÂN VĂN-GIAI PHẨM" TỪ GÓC NHÌN MỘT TRÀO LƯU TƯ TƯỞNG DÂN CHỦ ... [2]

VỤ “NHÂN VĂN – GIAI PHẨM” TỪ GÓC NHÌN MỘT TRÀO LƯU TƯ TƯỞNG DÂN CHỦ … [2]

LÊ HOÀI NGUYÊN

6:37 chiều ngày 13/08/2010

http://nguyentrongtao.org/v%e1%bb%a5-nhan-van-%e2%80%93-giai-ph%e1%ba%a9m-t%e1%bb%ab-goc-nhin-2.xml

.

NTT: Nhà văn Lê Hoài Nguyên tên thật là Thái Kế Toại, nguyên Đại tá công an, công tác tại A25 (chuyên theo dõi văn nghệ sĩ và văn hóa) đã gửi tới NTT.ORG một chuyên luận dài về Nhân Văn Giai Phẩm. Các bạn hãy đọc nó như đọc một “góc nhìn” về sự thật.

----------------------------

VỤ NHÂN VĂN – GIAI PHẨM TỪ GÓC NHÌN MỘT TRÀO LƯU TƯ TƯỞNG DÂN CHỦ, MỘT CUỘC CÁCH MẠNG VĂN HỌC KHÔNG THÀNH

LÊ HOÀI NGUYÊN

.

III- DIỄN BIẾN VỤ NVGP

1- Biên niên sự kiện

Năm 1953:

- Luật Cải cách ruộng đất được ban hành

- Stalin qua đời.

- Ngày 17- 6 biểu tình tại Cộng hòa dân chủ Đức. B. Brecht và J. R Becher phê phán chính sách văn nghệ chuyên chính của Đảng và nhà nước.

- Trần Dần bị phê bình giảng sai chính sách văn nghệ của Đảng trong khóa đào tạo cán bộ văn công do ông phụ trách.

Năm 1954:

- Chiến thắng Điện Biên Phủ. Cải cách ruộng đất.

- Hiệp định Giơ ne vơ. Chính phủ Việt Nam Cộng hòa thành lập tại Sài Gòn.

- 700.000 ngàn người miền Bắc di cư vào Nam trong đó có nhiều trí thức văn nghệ sĩ có tên tuổi. Đó là một cuộc lựa chọn-nhận đường, phân hóa có ý nghĩa lịch sử với đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, còn có ý nghĩa văn học lâu dài. Vũ Khắc Khoan viết các truyện ngắn Thần Tháp Rùa, Trương Chi, Thiên Thai, Người Đẹp Trong Tranh với chủ đề về sự phân vân của trí thức Hà Nội đi tìm một căn bản tư tưởng.

- Tháng 7 Hồ Phong công bố thư ngỏ gửi BCHTƯĐCSTQ phê phán năm lưỡi dao đâm vào óc các nhà văn cách mạng.

- 10- 10 Chính phủ kháng chiến tiếp quản Hà Nội

- Trần Dần và Đỗ Nhuận, Hoàng Xuân Tùy được cử đi Trung Quốc viết lời bình cho phim tài liệu về Điện Biên Phủ. Đến 12- 12 trở về Hà Nội.

Năm 1955:

- Tháng 1 Hồ Phong công khai tự phê bình, đến tháng 5 thì bị bắt và bị kết án cải tạo

- 63 nhà văn Hung Ga Ri lên tiếng phản đối chế độ độc quyền.

- Trần Dần, Tử Phác cùng Hoàng Cầm Lê Đạt tổ chứcThảo luận phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu.

- Tháng 4 Trần Dần cùng Đỗ Nhuận, Hoàng Tích Linh, Tử Phác, Hoàng Cầm, Trúc Lâm… đệ trình Dự thảo đề nghị cho một chính sách văn hóa lên Tổng cục chính trị yêu cầu tự do sáng tác, trả quyền lãnh đạo văn nghệ về tay văn nghệ sĩ, thủ tiêu hệ thống chính trị viên trong các đoàn văn công quân đội, sửa đổi chính sách văn nghệ trong quân đội.

- Bị phê bình Trần Dần viết đơn xin ra khỏi Đảng, xin giải ngũ đồng thời quyết định kết hôn với bà Bùi Thị Khuê gia đình Thiên chúa giáo di cư bất chấp sự phản đối của quân đội.

- Trần Dần bị giam tại doanh trại từ 13- 6 đến 14- 9 để kiểm thảo, sau đó tham gia cải cách ruộng đất đợt 5 tại Bắc Ninh.

- Ngày 2- 9- 1955 tuần báo Trăm Hoa do Nguyễn Mạnh Phác làm Chủ nhiệm ra số I , báo tồn tại đến tháng 5 – 1956. Báo này có đăng 3 bài phê bình tập thơ Ngôi sao của Xuân Diệu.

- Mãi đến 20- 9- 1955 Chính phủ mới thành lập Bộ Văn hóa trên cơ sở Bộ Tuyên truyền.

Năm 1956:

- Tháng 1 Hoàng Cầm, Lê Đạt chủ trương xuất bản sách dạng tạp chí Giai Phẩm Mùa Xuân với các tác phẩm: Làm thơ và Mới – Gửi Vũ, Mỗi ngày mỗi lớn- Gửi kế hoạch nhà nước 1956 của Lê Đạt, Mùa xuân đến rồi đây, Thơ qua đài phát thanh của Hoàng Cầm, Anh có nghe thấy không của Văn Cao, Nhất định thắng, Lão Rồng của Trần Dần, Thi sĩ và công nhân của Phùng Quán, Hoa đào vẫn nở của Nguyễn Sáng, Sổ tay của Sỹ Ngọc và sự cộng tác của Tô Vũ…

- Ngay lập tức GPMX bị tịch thu.

- Lê Đạt bị gọi lên Ban Tuyên huấn kiểm điểm.

- Hội Văn nghệ tổ chức Hội nghị phê bình bài thơ Nhất định thắng của Trần Dần với 150 văn nghệ sĩ tham dự. Trần Dần bị kết án là đồ đệ của Hồ Phong, mất lập trường giai cấp, đi ngược lại đường lối văn nghệ của Đảng.

- Trần Dần và Tử Phác bị giam ba tháng tại Hỏa Lò Hà Nội. Trần Dần dùng dao lam cứa cổ tự tử, được tướng Nguyễn Chí Thanh can thiệp thả hai người.

- Hoài Thanh viết bài Vạch trần tính chất phản động trong bài thơ Nhất định thắng của Trần Dần đăng trên báo Văn Nghệ số 110 ra ngày 7- 3- 1956.

- Ngày 24- 2- 1956 Đại hội XX ĐCSLX công bố các tội ác của Stalin. Chủ tịch Hội nhà văn Liên Xô Pha đê ép tự sát. Liên Xô phục hồi danh dự cho các văn nghệ sĩ bị kết án và bị giết dưới thời Stalin. Văn nghệ Liên Xô gọi thời kỳ này là luồng gió ấm, sinh ra một thế hệ văn nghệ sĩ tài năng xuất sắc như Paxtecnhac, Xônjenitsin, Ép tu senko, Tru khơ rai, Bôn đa suc, Vôznêxenxky, Rôtdextvenxky, Aimatôp…với các tác phẩm như Bác sĩ Jivago, Đàn sếu bay qua, Hai người lính, Người thứ 41, Không thể sống bằng bánh mì, Ngày của binh nhất Ivan…

- Dư luận văn nghệ sĩ bất bình về việc trao Giải thưởng văn nghệ 1954- 1955. Một số nhà văn cho là chấm giải theo bè phái, những người trong Ban giám khảo tự chấm giải cho mình, nhiều tác phẩm chưa xứng đáng với giải, trong đó có tác phẩm của Tố Hữu, Xuân Diệu, Hoài Thanh, nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Trần Kim Trắc, Hồ Khải Đại…Có nhiều tác phẩm có tiếng vang rộng rãi trong kháng chiến không được giải.

- Vấn đề sai lầm CCRĐ đang được đặt ra, trở thành bức xúc lớn của xã hội, nhất là làm sôi sục ở nông thôn.

- Ngày 26- 5 Mao Trạch Đông phát động phong trào Trăm hoa đua nở trăm nhà đua tiếng.

- Ngày 28- 6 các cuộc biểu tình ở Ba Lan.

- Tại Việt Nam ĐCS ngả theo khuynh hướng nới rộng tự do. Nguyễn Hữu Đang lúc đó là Biên tập của tạp chí Văn Nghệ được giao tổ chức lớp học dân chủ 18 ngày của Hội Văn nghệ. Văn nghệ sĩ chỉ trích gay gắt đường lối lãnh đạo văn nghệ của Đảng. Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi thừa nhận những sai lầm nghiêm trọng và hứa hẹn sửa chữa. Hoài Thanh viết bài nhận lỗi tả khuynh trong phê bình Trần Dần. Sau đó đến tháng 10 Thường vụ Hội Văn Nghệ Việt Nam ra thông báo nhận sai lầm trong việc phê bình bài thơ Nhất định thắng.

- Tháng 7- 1956 kết thúc CCRĐ.

- Tháng 9 Hội nghị lần thứ 10 BCHTƯ bàn về sửa chữa sai lầm trong CCRĐ, nhấn mạnh việc tăng cường mở rộng tự do dân chủ cho nhân dân. Trường Chinh từ chức Tổng bí thư ĐCSVN. Kỷ luật Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, Hồ Viết Thắng…Võ Nguyên Giáp thay mặt Hồ Chí Minh xin lỗi nhân dân về sai lầm trong CCRĐ.

- Ngày 29- 8 Giai phẩm Mùa thu tập I ra đời với các bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ của Phan Khôi, Tỉnh giấc chiêm bao của Nguyễn Bính, Tiếng sáo tiền kiếp của Trần Duy, Nhật ký đêm hè của Huy Phương, Bức thư gửi một người bạn cũ của Trần Lê Văn…

- Ngày 15- 9 báo Nhân Văn ra số 1 do Phan Khôi làm Chủ nhiệm, Trần Duy làm Thư ký tòa soạn, Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Cầm, Lê Đạt làm Biên tập. Có bài Phỏng vấn Nguyễn Mạnh Tường về vấn đề nỗ lực mở rộng tự do và dân chủ, Nhân câu chuyện mấy người tự tử của Lê Đạt, Con người Trần Dần của Hoàng Cầm, Chống bè phái trong văn nghệ của Trần Công, tranh minh họa của Nguyễn Sáng.

- Báo Nhân Văn 15 ngày một kỳ ra tiếp số 2 vào ngày 30- 9- 1956 với các bài Phỏng vấn Đào Duy Anh về mở rộng tự do dân chủ, Phấn đấu cho Trăn hoa đua nở của Trần Duy, Trả lời Nguyễn Chương và báo Nhân dân của Nguyễn Hữu Đang…

- Giai phẩm Mùa thu tập II với các bài Bệnh sùng bái cá nhân của Trương Tửu, Ông bình vôi của Phan Khôi, Những người khổng lồ của Trần Duy, Chống tham ô lãng phí của Phùng Quán…

- Tập thơ Cửa Biển xuất bản có các trường ca Tiếng hát quan họ của Hoàng Cầm, Những người trên cửa biển của Văn Cao, Cách mạng Tháng Tám của Trần Dần và các bài thơ Máy, Đụng long mạch, Cha tôi … của Lê Đạt .

- Ngày 8- 10 tái bản Giai phẩm Mùa xuân.

- Ngày 15- 10 Báo Nhân Văn ra số 3. Kỷ niệm ngày Vũ Trọng Phụng mất và các bài Nỗ lực phát triển tự do dân chủ của Trần Đức Thảo, Phỏng vấn bác sĩ Đặng Văn Ngữ về mở rộng tự do và dân chủ…

- Tướng Nguyễn Sơn người bạn của văn nghệ sĩ kháng chiến Khu Bốn qua đời.

- Ngày 20- 10 báo Trăm Hoa bộ mới do nhà thơ Nguyễn Bính làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút ra số I, phát hành được 11 số, đến tháng 1- 1957 thì đình bản. Trên báo này có bài Vì những sai lầm nghiêm trọng cần phải xét lại toàn bộ Giải thưởng văn học 1954- 1955 của chính Nguyễn Bính, bài bênh vực bài thơ Chiếc lược của Thụy An sáng tác theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch mà các báo không nhận đăng, bài Chúng tôi đề nghị bỏ lệ khai báo trong chính sách quản lý hộ khẩu, Thông báo của Hội nghị TƯ 10 về sai lầm trong CCRĐ, bài Để phát triển chế độ ta, phải bảo đảm cho nhân dân được tham gia quản lý kiểm soát tích cực mọi công việc của nhà nước…

- Ngày 30- 10 Giai Phẩm Mùa Thu tập III với các bài Văn nghệ và chính trị của Trương Tửu, Muốn phát triển học thuật của Đào Duy Anh và bài của Phan Khôi, Phùng Quán, Chu Ngọc, Nguyễn Mạnh Tường…

- Cũng ngày này Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường đọc bài tham luận rất quan trọng Qua những sai lầm trong cải cách ruộng đất xây dựng quan điểm lãnh đạo tại cuộc họp của Trung ương Mặt trận Tổ quốc, Hà Nội.

- Tháng 11 nổ ra bạo loạn của giáo dân Thiên chúa giáo tại Quỳnh Lưu Nghệ An.

- Bạo loạn tại Hung Ga Ri, Chính phủ dân chủ Nagy tuyên bố Hung Ga Ry trung lập. Liên Xô đưa quân vào Hung Ga Ry. Các nhà văn cộng sản có tên tuổi ở Châu Âu Laxness, Sartre, Beauvoir, Vercors… lên tiếng phản đối Liên Xô.

- Tại Sài Gòn, ra đời nhóm văn học Sáng Tạo gồm Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ…

- Ngày 5- 11 báo Nhân Văn số 4 với bài Cần chính quy hơn nữa của Nguyễn Hữu Đang, Thành thật đấu tranh cho dân chủ của Trần Duy, Con ngựa già của chúa Trịnh của Phùng Cung, Những ngày báo hiệu mùa xuân của Văn Cao, Sự thật về vụ xúc phạm thi sĩ Nguyễn Bính và báo Trăm Hoa của Người Quan sát…

- Cũng ngày này xuất hiện thêm tờ Sáng Tạo , báo Điện ảnh- Sân khấu của nhóm Sáng Tạo với Ban biên tập gồm Hoàng Tích Linh, Trần Công, Cao Nhị, Thanh Châu, Nắng Mai Hồng, Trúc Lâm, Phan Vũ, Phan Tại, Nguyễn Đình Phúc, Sỹ Ngọc, Phạm Kỳ Nam, Trung Sơn, Vũ Phạm Từ, Anh Tâm, Lửa Mới, Nguyễn Sáng.

- Ngày 10- 11 Tập san Đất mới tập I – Chuyện sinh viên được NXB Minh Đức xuất bản với bài Phê bình lãnh đạo sinh viên của Q.Ngọc và T.Hồng, các bài của Dương Viết Á, Nguyễn Bao, Bùi Quang Đoài, Thúc Hà, Văn Tâm, Lê Tự Gia, Nguyễn Đức Tiếu.

- Ngày 20- 11 báo Nhân Văn số 5 với các bài Hiến pháp Việt Nam năm 1946 và Hiến pháp Trung Hoa bảo đảm tự do dân chủ thế nào? của Nguyễn Hữu Đang, Bài học Ba Lan và Hung Ga Ri của Lê Đạt kí Người Quan Sát…

- Tháng 12- 1956 Ra mắt Giai Phẩm Mùa Đông tập I với các bài : Tư tưởng tự do của văn nghệ sĩ và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Bôn- sê- vích của Trương Tửu, Nội dung xã hội và hình thức tự do của Trần Đức Thảo và bài của Trần Dần, Hoàng Cầm, Tử Phác, Sĩ Ngọc, Trúc Lâm, Hữu Loan, Trần Công, Nguyễn Mạnh Tường.

- Ngày 24- 1- 1957 Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa I thông qua các Luật về quyền tự do hội họp, Luật về quyền tự do lập hội, Luật quyền tự do báo chí...Đến kỳ họp thứ 7 tháng 9- 1957 lại thông qua Luật về quyền tự do xuất bản… Các luật này một mặt thể hiện tinh thần tự do tư tưởng, văn học nghệ thuật báo chí, thừa nhận tự do báo chí xuất bản tư nhân nhưng mặt khác lại có những điều cấm kỵ để các cơ quan quyền lực dựa vào hành xử với những người muốn đi quá giới hạn của tự do dân chủ.

- Ngày 15- 12- 1956 báo Nhân Văn số 6 đang in bị đình chỉ. Ngày 18- 12 chỉ thị ngừng phát hành báo Nhân Văn và Giai phẩm cùng các ấn phẩm khác của nhóm NVGP, đóng cửa NXB Minh Đức, tịch thu các số báo cũ, cảnh cáo những người còn lưu giữ và phân phối các báo này. Một chiến dịch báo chí đã được tung ra để hạ uy tín các tờ báo và những người trong nhóm NVGP.

- Cuối tháng 12- 1956 Tập san Tự do diễn đàn do NXB Minh Đức phát hành bị cấm. TDDĐ có các bài Qua sai lầm của Cải cách ruộng đất, xây dựng quan điểm lãnh đạo của Nguyễn Mạnh Tường, Tại sao quần chúng nhân dân tha thiết với cuộc đấu tranh văn nghệ? Của Nguyễn Hữu Đang, Nhiệm vụ của văn học không phải là giải thích chính sách của Phan Ngọc, Chú bé làm văn của Trần Dần, Vài ý nghĩ sau khi đọc bài thơ Động Long Mạch của Hoàng Cầm, Sinh hoạt văn hóa của Trương Tửu- Trần Đức Thảo.

Năm 1957:

- Trong dịp Tết 1957 NXB Minh Đức còn xuất bản cuốn Sách Tết coi như tiếp tục của Giai Phẩm với các tác phẩm của Quang Dũng, Trần Lê Văn, Huy Phương, Lê Đại Thanh, Hoàng Tich Linh, Tô Vũ, Tử Phác, Thanh Châu, Hữu Loan, Lưu Quang Thuận, Trần Công, Trần Dần, Hồng Lực, Trần Thịnh, Trúc Lâm, Tạ Hữu Thiện, Lộng Chương, Hoàng Huế, Phan Khôi, Sỹ Ngọc, Cao Nhị, Trần Huyền Trân, Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Khắc Dực, Nguyễn Sáng, Hoàng Cầm.

- Ngày 20 đến 28- 2- 1957 Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ II tại Hà Nội với gần 500 đại biểu. Trường Chinh sau thất bại của CCRĐ đang muốn tìm một sự kiện để lật lại thế cờ trong Đảng, kêu gọi đấu tranh đập nát luận điệu phản động Nhân Văn Giai phẩm. Thành lập Hội Liên hiệp văn học Nghệ thuật Việt Nam. Trong Ban chấp hành vẫn có một số người tham gia, liên quan NVGP như hai Phó Tổng thư ký Văn Cao, Lương Xuân Nhị…Ở nhiều Hội khác các ông Nguyễn Sáng, Nguyễn Văn Tý, Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh, Nguyễn văn Tỵ,…vẫn trúng Ban chấp hành.

- Riêng Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Tô Hoài làm Tổng thư ký. Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh vẫn trúng BCH. Báo Văn cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn ra số I từ 10- 5 do Nguyễn Công Hoan làm Chủ bút, Nguyễn Tuân là Phó Chủ bút, Nguyên Hồng làm Tổng thư ký tòa soạn. Nhà xuất bản Hội Nhà văn cũng được thành lập do Tô Hoài làm Giám đốc, Hoàng Cầm làm Phó Giám đốc.

Như vậy việc đánh NVGP đợt II đã kết thúc nhưng chưa có kết quả khả quan. Tại các Hội VHNT một số người có vai trò tích cực trong NVGP vẫn còn được đồng nghiệp tín nhiệm bầu vào các vị trí cao, bất chấp những tai tiếng họ đã gây ra trên mặt các số Nhân Văn và Giai Phẩm và sức ép từ lời kêu gọi của Trường Chinh. Bản thân Trường Chinh cũng không thể đẩy cao hơn tốc độ cuộc chiến chống NVGP vì ông ta không còn đầy đủ quyền lực như trước nữa. Mặt khác Liên Xô và Trung Quốc sau khi dẹp xong vụ Ba Lan- Hung Ga Ry vẫn chưa tiến đến đỉnh dao động, chưa dứt khoát tiến công vào những văn nghệ sĩ trí thức bị gọi là phái hữu. Bản thân những người NVGP vẫn còn được sự ủng hộ của lãnh đạo báo Văn , họ vẫn có thể tiếp tục đăng các sáng tác mới trên báo này. Vào tháng 7 tháng 8- 1957 khi tạp chí Học Tập, cơ quan ngôn luận của ĐCSVN lên tiếng phê phán báo Văn, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Tô Hoài còn đứng ra tranh luận bảo vệ quan điểm dân chủ của mình.

- Ảnh hưởng của trào lưu NVGP còn lan sang một tờ báo nhà nước vừa ra đời là tờ bán nguyệt san Điện Ảnh, số 1 ra ngày 20- 7- 1957. Trong 10 số đầu báo Điện Ảnh vẫn còn phê phán bệnh công thức sơ lược của phim Liên Xô và Trung Quốc để phải kiểm điểm công khai trong số Tết 1958.

- Ngày 27- 9 báo Văn số 21 in bài Lời mẹ dặn của Phùng Quán.

- Ngày 15- 11 báo Văn số 28 in bài thơ Hãy đi mãi của Trần Dần

- Trong thời gian này tại Trung Quốc, chiến dịch chống phái hữu đã bắt đầu. Nữ nhà văn Đinh Linh người được Giải thưởng văn học Stalin với tiểu thuyết Mùa xuân trên sông Tang Càn bị khai trừ khỏi ĐCSTQ, sau đó bà bị ngồi tù cho tới năm 1975.

- Trong thời gian này Hồ Chí Minh đi thăm Liên Xô, Mông Cổ, CHDCND Triều Tiên có ghé thăm Bắc Kinh chứng kiến và có thể học hỏi các kinh nghiệm tổ chức phong trào đánh phái hữu . Việt Nam cử Tố Hữu, Huy Cận và Hà Xuân Trường sang học tập kinh nghiệm, chính sách của Trung Quốc.

- Các chiến dịch chỉnh huấn văn nghệ diễn ra ở Liên Xô, Ba Lan, CHDC Đức.

- Tại Sài Gòn nhóm trí thức Bách Khoa ra đời.

Năm 1958:

- Ngày 6- 1- 1958 ĐCSVN ra Nghị quyết 30 về việc chấn chỉnh công tác văn nghệ. Nghị quyết này là một điển hình cho tình trạng cực đoan về lãnh đạo văn nghệ của ĐCSVN, sau này nó gần như bị loại bỏ không thấy đưa vào các tập văn kiện lãnh đạo văn hóa văn nghệ của Đảng.

- Ngày 10- 1- 1958 báo Văn số 36 in truyện ngắn Ông Năm Chuột của Phan Khôi. Đây là số báo Văn làm giọt nước tràn ly. Đến số 37 báo bị đình bản. Từ đây kết thúc thời kỳ phát ngôn công khai của nhóm NVGP. Năm 1958 là năm đen tối của họ, đấu tố, kỷ luật, ngồi tù, cải tạo lao động…

- Từ cuối tháng 1 đến cuối tháng 2- 1958 Lớp học đấu tranh tư tưởng lần thứ 1 tại Thái Hà ấp với 272 văn nghệ sĩ đảng viên tham dự.

- Từ 3- 3 đến 14- 4 Lớp học đấu tranh tư tưởng lần 2 cũng tại Thái Hà ấp với 304 cán bộ văn hóa văn nghệ tham dự. Trong khi họp thì ngày 10-4 công an Hà Nội bắt giam Nguyễn Hữu Đang, Thụy AN, Trần Thiếu Bảo…

- Ngày 4- 6 Hội nghị Ban chấp hành Hội Liên hiệp VHNTVN họp tổng kết cuộc đấu tranh chống NVGP. Tố Hữu đọc báo cáo Qua cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại Nhân Văn- Giai Phẩm trên mặt trận văn nghệ (15).

- Ngày 5- 6 Nghị quyết với chữ ký của 800 văn nghệ sĩ hoan nghênh kết quả thắng lợi của cuộc đấu tranh chống NVGP.

- Ngày 2- 7 Ban chấp hành mới của Hội Nhà văn Việt Nam bầu Tổng thư kí mới là Nguyễn Đình Thi. Chủ tịch BCH nguyễn Công Hoan, Phó Chủ tịch Tú Mỡ, Tổng thư ký Tô Hoài chỉ còn là Ủy viên Ban thường vụ. Phó Tổng thư ký Nguyễn Xuân Sanh , Ủy viên thường vụ Nguyên Hồng, Tế Hanh, Đoàn Giỏi chỉ còn là Ủy viên BCH. NXB Hội Nhà văn sáp nhập vào NXB Văn học của Bộ Văn hóa. NXB này cũng bị kết tội đã xuất bản một số tác phẩm bị coi là non yếu về tư tưởng, một số tác phẩm từ trước 1945 thiếu chọn lọc, hoặc xuất bản một số tác phẩm nước ngoài có ý tuyên truyền cho tư tưởng trái với chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa.

- Ngày 7- 7 Thông báo kỷ luật các văn nghệ sĩ đã tham gia NVGP. Hoàng Cầm bị cảnh cáo, khai trừ khỏi BCH HNV, khai trừ 1 năm khỏi HNV. Cho Hoàng Tích Linh rút khỏi BCH. Phan Khôi, Trương Tửu, Thụy An bị khai trừ vĩnh viễn khỏi HNV. Khai trừ trong thời hạn 3 năm đối với Lê Đạt, Trần Dần. Khai trừ 1 năm khỏi HNV đối với Phùng Quán. Cảnh cáo một số người:

- Hội Mỹ thuật cảnh cáo Sĩ Ngọc, cho Sĩ Ngọc và Nguyễn Sáng rút khỏi BCH. Khai trừ Trần Duy khỏi HMT.

- Hội Nhạc sĩ cho Văn Cao, Nguyễn Văn Tý rút khỏi BCH.Khai trừ 3 năm Tử Phác, Đặng Đình Hưng ra khỏi HNS.

- Tại các đợt học tập chỉnh huấn tại các trường Sư phạm và Tổng hợp Hà Nội các Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh, Trương Tửu, Trần Đức Thảo cũng bị đưa ra cho giáo viên và sinh viên đấu tố, bị miễn nhiệm thôi giảng dạy. Ngoài ra còn nhiều người khác cũng chịu kỷ luật như Cao Xuân Hạo, Phan Ngọc, Cao Xuân Huy, …Một số sinh viên cũng bị kỷ luật như Bùi Quang Đoài ( Thái Vũ), Văn Tâm, Phan Kế Hoành, Hà Thúc Chỉ ( Thúc Hà )…

- Một số trí thức là nhân sĩ đã có thái độ ủng hộ NVGP cũng chịu các hình thức đối xử như Vũ Đình Hòe, Đỗ Đức Dục, Hoàng Văn Đức, Đặng văn Ngữ, Nguyễn Tấn Gi Trọng…Ngoài ra tại các địa phương những giáo viên, cán bộ , học sinh có hưởng ứng NVGP mua báo NVGP đều bị xử lý với nhiều hinh thức.

- Trong vòng ba đến bốn tháng các VNS đi cải tạo lao động tại các nhà máy, nông trường, hợp tác xã…Một số người phải cư trú lâu dài tại các địa phương như Hoàng Tố Nguyên, Nguyễn Bính, Hải Bằng, Trần Lê Văn, Nguyễn Khắc Dực…

Năm 1959:

- Tiếp tục các đợt lao động cải tạo

- Phan Khôi từ trần ngày 16 tháng Giêng 1959 thọ 73 tuổi.

- Sau khi báo Văn bị đình bản, báo Văn Học ra đời do Nguyễn Đình Thi làm Chủ nhiệm.

- Nhà xuất bản Hội Nhà văn bị sáp nhập vào Nhà xuất bản Văn Học của Bộ Văn hóa.

- Nhất Linh thành lập nhóm Văn Hóa Ngày Nay ở Sài Gòn.

- Mao Trạch Đông phát động chiến dịch Đại nhảy vọt.

- Pasternak nhà văn xô viết đầu tiên được Giải thưởng văn học Nobel, không được sang Thụy Điển nhận giải.

- Ngày 10- 12- 1959 Tòa án nhân dân Hà Nội khai mạc phiên tòa xử Vụ án gián điệp hoạt động phá hoại hiện hành. Kết quả tuyên án như sau:

Nguyễn Hữu Đang 15 năm tù giam, 5 năm quả chế sau khi ra tù.

Lưu Thị Yến tức Thụy An 15 năm tù giam, 5 năm quản chế sau khi ra tù,

Trần Thiếu Bảo tức Minh Đức 10 năm tù giam, 5 năm quản chế sau khi ra tù.

Phan Tại 6 năm tù giam, 3 năm quản chế.

Lê Nguyên Chí 5 năm tù giam, 3 năm quản chế.

Năm 1960:

– Bắt đầu xung đột hai nước lớn trong phe XHCN Liên Xô và Trung Quốc.

– Đại hội ĐCSVN lần thứ III. Lê Duẩn được bầu làm Tổng bí thư. Trường Chinh chỉ còn phụ trách công tác lý luận và Tạp chí Học Tập.

Năm 1961:

- Phùng Cung bị bắt.

Năm 1968:

- Vụ án xét lại chống Đảng. Bắt giam Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh, Đặng Kim Giang, Trần Minh Việt, Trần Thư, Vũ Thư Hiên, Lê Trọng Nghĩa, Huy Vân…

Năm 1973:

-Thụy An, Nguyễn Hữu Đang ra tù.

– Phùng Cung ra tù.

Năm 1983:

-Hoàng Cầm bị bắt cùng Hoàng Hưng vì việc định đưa tập thơ Về Kinh Bắc ra nước ngoài.

Năm 1986:

- Đại hội ĐCSVN lần thứ VI với đường lối đổi mới, cởi trói cho VHNT.

- Trần Độ được cử làm Trưởng ban Văn hóa văn nghệ trung ương.

- Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh gặp gỡ văn nghệ sĩ, trí thức tiêu biểu, với lời phát biểu nổi tiếng: Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu.

- Nghị quyết 05 Bộ Chính trị ĐCSVN : Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới.

- Công an và các ban ngành liên quan tiến hành làm chính sách cho các đối tượng NVGP. Tác giả viết báo cáo về tình hình các đối tượng NVGP và đề xuất phương hướng giải quyết chế độ chính sách.

- Phục hồi hội tịch cho Trần Duy, Trần Dần, Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh, Lê Đạt, Phùng Quán. Giải quyết chế độ lương hưu cho Nguyễn Hữu Đang, Phùng Cung.

Năm 1987:

- Hoàng Cầm in tập thơ trở lại đầu tiên Mưa Thuận Thành, NXB Văn hóa.

- Phùng Quán in trở lại công khai đầu tiên trên báo Quảng Nam- Đà Nẵng Trường ca Cây Cà.

Năm 1988:

-Văn Cao xuất bản tập thơ Lá, NXB Tác phẩm mới.

- Nguyễn Hữu Đang được chuyển lên Hà Nội, được cấp nhà.

Năm 1991:

- Tháng 4 , BCHTƯ ĐCSVN ra thông báo về hai vụ án NVGP và Xét lại chống Đảng. Quan điểm của Đảng là không thừa nhận sai lầm, vẫn đánh giá hai vụ án như trước đây.

- Trần Dần xuất hiện trở lại với tập thơ Bài thơ Việt Bắc, NXB Hội Nhà văn

- Từ 23-11 đến 10- 12 Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam mở Triển lãm tranh Trần Duy tại Nhà triển lãm tranh 16 Ngô Quyền Hà Nội.

Năm 1992:

– Hoàng Cầm xuất bản kịch thơ Kiều Loan

Năm 1993:

– Hoàng Cầm xuất bản Bên kia sông Đuống, NXB Văn hóa

Năm 1994:

- Lê Đạt xuất bản tác phẩm trở lại đầu tiên Bóng chữ, NXB Hội Nhà văn.

- Hoàng Cầm in được tập thơ Về Kinh Bắc, NXB Văn Học.

-NXB Văn Học in Tuyển tập Văn Cao

-Trần Dần in Tiểu thuyết thơ Cổng Tỉnh, NXB Hội Nhà văn.

Năm 1995:

-Phùng Cung xuất hiện trở lại lần đầu tiên với tập thơ Xem Đêm, NXB Văn hóa – Thông tin.

- NXB Hội Nhà văn in Tuyển tập thơ Phùng Quán.

Năm 1996: Tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho Đặng Văn Ngữ, Cao Xuân Huy, Văn Cao, nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng.

Năm 1997:

- Bắt đầu in lại các tác phẩm cũ trước 1945 của Phan Khôi. Đáng chú ý là Lại Nguyên Ân đã sưu tầm và cho xuất bản Tác phẩm đăng báo hàng năm của Phan Khôi, các tập 1928, 1929, 1930, 1931…

- Bắt đầu in một vài tác phẩm mới của Trần Đức Thảo.

Năm 2000: Trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Ngyễn Bính, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Sỹ Ngọc, Lộng Chương, Nguyễn Văn Tý.

Năm 2001- 2002 :

- NXB hội Nhà văn in Hoàng Cầm Tác phẩm 3 tập.

Năm 2003:

- NXB Văn hóa- Thông tin xuất bản cuốn Nguyễn Bách Khoa- Khoa học văn chương. (NBK là một bút danh của Trương Tửu).

Năm 2007:

- Tặng Giải thưởng Nhà nước cho Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán, Yến Lan, Phạm Kỳ Nam.

-NXB Lao Động xuất bản TRƯƠNG TỬU- Tuyển tập nghiên cứu phê bình 1088 trang khổ 16-24.

Năm 2008:

- Tuyển tập Trần Dần Thơ 492 trang khổ 15-23 được NXB Đà Nẵng xuất bản. Gồm tất cả những bài thơ tiêu biểu của ông, kể cả các bài đã in trong báo NV- GP. Cơ quan chức năng can thiệp, bị công luận phản đối, sau xử phạt vi phạm hành chính.

- Tại Ngày Thơ Việt Nam ở Văn Miếu có Cây Thơ Thanh Tâm Tuyền.

Năm 2009:

- Tuyển tập thơ Lê Đạt Đường Chữ 644 trang khổ 16-24 do NXB Hội Nhà văn in. Cũng gồm tất cả các bài thơ đã in và bị cấm trong thời kỳ NVGP.

Năm 2010:

- Tháng 4 tại Đại hội cơ sở các Chi hội Điện ảnh lực lượng vũ trang các đại biểu Nguyễn Thành Lập, Lê Thi, Thái Kế Toại lên tiếng đề nghị xem xét tới những nghệ sĩ điện ảnh đã tham gia NVGP như Phạm Kỳ Nam, Phan Vũ, Hồng Lực, Trần Công, Trần Thịnh, Cao Nhị, Vũ Phạm Từ, Nắng Mai Hồng…

- Chuẩn bị cho Đại hội lần thứ VIII Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức viết Biên niên sự kiện và Lịch sử Hội bàn đến việc viết về NVGP như thế nào

(còn nữa)

.

.

.

No comments: