Friday, September 10, 2010

VỤ LẤP MỘ, XỚI MỘ Ở Thôn LA DƯƠNG, Quận HÀ ĐÔNG, HÀ NỘI

Sau lấp mộ là xới mộ : Quá nhiều chuyện “động trời” !

Tác giả: Hoàng Hường

Bài đã được xuất bản.: 08/09/2010 00:00 GMT+7

http://tuanvietnam.net/2010-09-07-sau-lap-mo-la-xoi-mo-qua-nhieu-chuyen-dong-troi-

Người dân phản ánh, những thùng mỳ đựng hài cốt đã bị chính quyền sở tại phi tang, nên đến nay họ vẫn không biết tìm thân nhân ở nơi nào (?)

.

Vụ 'xới mồ mả' có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật

Vụ xới mộ: 'Dàn kịch' để chống đối chính quyền?

Vụ lấp mộ: Chính quyền có "vẽ đường cho hươu chạy"?

Đổ phế thải lấp mộ: Khi đạo đức bị nhấn xuống bùn

.

Sau khi Tuần Việt Nam đưa tin về vụ lấp mộ và cày ủi nghĩa trang tại phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội, chúng tôi nhận được phản ánh của nhiều người dân tiết lộ thêm các vụ việc "động trời" xung quanh vấn đề này.

.

Ngày 3/9, người dân thông báo vừa tìm thấy thêm một cái tiểu trong đó còn hài cốt bị lật lên ở nghĩa trang Đường Mía. Hiện phần tiểu này được người dân tạm che lại chờ chính quyền xử lý và giám định ADN. (Trước đó, khi ra nghĩa trang thực địa hiện trường, phóng viên từng được người dân cảnh báo: "Cẩn thận có khi dẫm phải các mảnh xương còn sót lại")

.

Những tường thuật kinh hoàng

Các tài liệu, biên bản, ảnh và băng ghi hình tại buổi giải phóng mặt bằng nghĩa trang La Dương (còn gọi là Tha ma Giải Phướn), thuộc địa bàn thôn La Dương, phường Dương Nội, quận Hà Đông. Sự việc như sau:

.Ngày 9/3/2010, nhiều người dân Dương Nội bất ngờ khi thấy một đoàn xe ủi, dưới sự điều hành của lãnh đạo phường Dương Nội, do ông Lê Khánh Đồng, Chủ tịch phường trực tiếp chỉ huy, đang cày ủi cánh đồng thuộc thôn La Dương, trong đó có nghĩa trang Tha ma Giải Phướn - như người dân mô tả - chôn vài trăm ngôi mộ từ những năm 1945 trở lại đây, trong đó có những mộ chôn tập thể nhiều người, có mộ mới hung táng, có cả mộ các trẻ em xấu số.

Vào thời điểm đó, tháng 3/2010, cánh đồng lúa đang thì con gái cùng nhiều hoa màu, và hầu hết các ngôi mộ bị san ủi hoàn toàn.

Trong Đơn khiếu nại khẩn cấp của người dân Dương Nội gửi UBND TP Hà Nội có ghi rõ: "Tại khu vực cưỡng chế có rất nhiều ngôi mộ, có những ngôi chôn đã lâu, nhưng cũng có ngôi chôn cách đó vài tháng. Trước khi chính quyền cưỡng chế các gia đình có mồ mả tại bãi Tha ma Giải Phướn có đề nghị với chính quyền cho di chuyển mồ mả trước khi chính quyền cho máy móc san ủi, nhưng họ không chấp nhận.

Sau đó chính quyền chỉ đạo cho hàng đoàn máy ủi, máy xúc cày xới hết sạch cánh đồng lúa và cả các ngôi mộ. Một cảnh tượng thật thương tâm đã diễn ra trước mắt mọi người là những mảnh xương người, mảnh tiểu, mảnh ván thiên đã bị vỡ nhào lộn trong bùn đất. Bây giờ các gia đình bị san ủi mồ mả không còn phân biệt được vị trí các ngôi mộ. Sau khi sự việc xảy ra chúng tôi đã nhặt một số mảnh xương người, mảnh tiểu, mảnh ván thiên đã mục đựng trong thùng mỳ tôm.

.

Đến ngày 15/3/2010 tất cả các gia đình có mồ mả bị san ủi đến Công an phường Dương Nội để đề nghị xem xét nhưng không ai tiếp. 16 giờ chiều ngày 17/3/2010 các gia đình lên văn phòng Hợp tác xã Nông nghiệp La Dương (nơi để các thùng mỳ tôm chứa xương cốt) hỏi thì các ông trả lời phải xuống hỏi Ủy ban, còn hỏi đến việc tang chứng vật chứng thì các ông trả lời là bên Công an phường đã mang đi chôn (?)".
.
Bà Nguyễn Thị Thoa, một người dân cho biết: Khoảng 9giờ ngày 9/3/2010 được tin quận Hà Đông tổ chức cưỡng chế phá lúa và mồ mả. Tôi chạy ra thấy một đoàn máy ủi tại bãi Tha ma Giải Phướn. Tôi có đề nghị người lái máy ủi dừng lại, nếu không sẽ báo chính quyền can thiệp. Nhưng người này vẫn tiếp tục ủi. Sau đó tôi chạy đến gặp ông Lê Khánh Đồng, Chủ tịch UBND phường Dương Nội đang đứng chỉ đạo cuộc cưỡng chế, đề nghị ông Đồng cho dừng ngay lại không được san ủi tiếp. Ông Đồng không nghe và hô tự vệ bắt hết những người này lại. Gia đình tôi bị ủi phá 3 ngôi mộ gồm 2 ngôi của con và một cháu ngoại. Con tôi đã quỳ xuống xin ông Đồng.

.

Chị Nguyễn Thị Thùy cho hay: gia đình chị có hai ngôi mộ, 1 của con, 1 của cháu. "Con tôi mới chôn ngày 8/5/2009 tính đến ngày giải phóng mặt bằng và bị san ủi, con tôi mới chôn được gần 10 tháng.: Khi tôi và bố tôi ra, bố tôi bảo họ rằng để mai gia đình xin được chuyển. Chồng tôi bức xúc đã nói nặng lời và bị công an bắt, nhân dân kéo lại không được. Chồng tôi bị bắt vì tội gây rối và bị phạt 1 triệu đồng.

Đây mới chỉ là hai trường hợp đại diện cho các gia đình bị san ủi mồ mả.

.

Nghe chuyện, người viết sửng sốt không tin đó là sự thực. Tuy nhiên, với đoạn băng ghi hình, sấp đơn từ, biên bản, ảnh, cuộc thực địa tại các nghĩa trang cho thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc.

Theo người dân phản ánh, những thùng mỳ đựng hài cốt đã bị chính quyền sở tại phi tang, nên đến nay người dân vẫn không biết tìm thân nhân ở nơi nào.

.

Có chuyện 'tiền trảm hậu tấu'?

Nghịch lý là sự việc diễn ra ngày 9/3/2010, vậy mà đến ngày 27/3/2010 tổ trưởng dân phố mới cho họp xóm để thông báo về việc di chuyển mồ mả (!) UBND phường Dương Nội đề nghị nhân dân di chuyển mồ mả về nghĩa trang 3 thôn và thông báo về việc UBND quận Hà Đông đưa ra dự thảo xây dựng góp ý kiến vào việc chi trả đất dịch vụ cho dân và triển khai thu tiền hạ tầng để gắp thăm bốc phiếu giá đất.

Nội dung biên bản cuộc họp (ngày 27/3) ghi: "Về việc di chuyển mồ mả, bà con trong xóm không đồng ý di chuyển. Đề nghị ông Lê Khánh Đồng về khu Tha ma Giải Phướn tìm trả lại hài cốt để trả lại cho dân. Về dự thảo cấp đất dịch vụ cho dân: Bà con không nhất trí. Chính quyền trả tiền cho dân theo Nghị định 84CP mà lại không cho họp dân, tự áp giá, tự kiểm kê, không họp bàn dân chủ, không thỏa thuận giá cả. Bà con chưa lấy tiền chính quyền đã ủi toàn bộ cánh đồng lúa đang xanh".

.

Theo đó thì đến thời điểm dân được thông báo về việc di dời mồ mả và dự thảo thỏa thuận về việc đền bù đất đai họ bị thu hồi (theo biên bản làm việc của thanh tra TP Hà Nội, đây là khu đất nằm trong dự án Xây dựng khu đô thị mới Lê Trọng Tấn) thì chính quyền địa phương đã thực hiện vụ giải phóng mặt bằng trước đó nửa tháng.

.

Trong buổi làm việc với phóng viên VietNamNet ngày 4/9, người dân Dương Nội chua xót: "Trong phút chốc, tất cả hài cốt người thân giờ không biết lưu lạc nơi nào".

Chị Cấn Thị Thêu, người chủ đơn đại diện hơn 300 hộ dân bị thu hồi đất dự án chia sẻ: "Với chính sách đền bù thế này, khác gì chúng tôi trở lại cảnh chết đói. Khi thu hồi đất, chính quyền bồi thường cho chúng tôi 201.600đồng/m2, giá trị một m2 đất chỉ bằng 10 bát phở bình dân trên thị trường hiện nay, mà thu hồi vĩnh viễn. Thử hỏi những người nông dân chúng tôi sẽ sống thế nào? Mà khi thu hồi, cũng không ai cho chúng tôi được thỏa thuận, thương lượng. Họ tự áp giá, rồi tự định ngày giải phóng mặt bằng khi chưa thỏa thuận, chưa trả tiền cho dân, thậm chí chưa thông báo để dân di dời mồ mả. Liệu đó có phải là cách làm đúng đạo lý và pháp luật?"

Theo quan sát của phóng viên, cả ba nghĩa trang (Đồng Trưa, Đường Mía, La Dương) thuộc địa bàn phường Dương Nội đều nằm ở vị trí sát cạnh hoặc gần con đường mới mở Lê Trọng Tấn. La Dương (Tha ma Giải phướn) và Đường Mía nằm trong dự án tái định cư, đang chờ được xây chung cư cao tầng.

Nghĩa trang Đồng Trưa ngay sát đường Lê Trọng Tấn hứa hẹn trở thành khu đất 'kim cương' bị đổ phế thải hết lần này đến lần khác. Nghĩa trang Đường Mía bị 'ủi nhầm' như bài trước nêu, , nghĩa trang La Dương 'tiền trảm hậu tấu'.


Ông Nguyễn Tài Chung, người dân bị mất mộ ở Đường Mía cho biết, cứ sau mỗi lần như thế, thay vì giải quyết triệt để, truy tìm thủ phạm, người dân lại được chính quyền 'động viên' chuyển mộ đến nơi khác. Mức đền bù di chuyển được "mặc cả như mớ rau, nhà nào ghê hơn được trả nhiều, nhà nào hiền lành được trả ít" - nguyên văn câu của ông Chung. Trên thực tế đã có nhiều gia đình chuyển mộ đi nơi khác.

-------------------

.

Ngày 17-8-2010, sau khi tiếp xúc với một số người dân ở Dương Nội, Hà Đông bức xúc phản ánh vụ việc nêu trên, Báo Việt Nam Net đã có công văn số 492/CV- VNN kính gửi Chủ tịch UBND Tp Hà Nội nêu rõ việc người dân bị thu hồi vĩnh viễn gần 100% đất nông nghiệp mà không được họp bàn dân chủ, không được đóng góp ý kiến vào phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng như quy định tại Nghị định số 84/2007/ NĐ- CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ. Không có hướng đào tạo ngành nghề nhằm bảo đảm cuộc sống, trong khi tiền bồi thường chỉ có 201.600 đ/ m2, tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp chỉ có 30.000 đ/m2 đất.
Báo VNN cũng đề nghị ông Chủ tịch UBND t/p HN xem xét, cho biết kết qủa giải quyết trong thời hạn luật định để trả lời bạn đọc theo quy định của Luật Báo chí và Luật Khiếu nại , tố cáo. Rất tiếc, đến thời điểm này, báo VNN cũng vẫn chưa nhận được hồi âm.

Bài sau: Chính quyền lên tiếng về việc xới mộ

.

.

.

No comments: