Việt Nam nên làm gì nếu Trung Quốc gây hấn quân sự trên Biển Đông?
Nguyễn Khánh Nam
Thứ Năm, 16/09/2010
.
1. Liệu Trung Quốc có tiến hành gây hấn quân sự chống lại Việt Nam trên Biển Đông?
Trong thời gian qua, sự tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa Việt Nam với Trung Quốc nói riêng và giữa ASEAN với Trung Quốc nói chung đã trở nên nóng bỏng và gay gắt hơn bao giờ hết, đặc biệt là từ sau tuyên bố chính thức của Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton về lập trường của Chính phủ Mỹ đối với vấn đề Biển Đông. Theo đó, Chính phủ Mỹ coi cuộc tranh chấp hiện nay về chủ quyền của các nước trên Biển Đông có liên quan đến lợi ích quốc gia của Mỹ và khẳng định việc tranh chấp này cần được giải quyết bằng thương lượng hoà bình (song phương và đa phương), đồng thời yêu cầu phải đảm bảo lưu thông hàng hải, cả dân sự và quân sự trên vùng biển quốc tế tại khu vực Biển Đông.
Lời tuyên bố này của Mỹ bị Bắc Kinh coi là sự thách thức và xâm phạm trực tiếp tới cái gọi là “lợi ích cốt lõi” và “chủ quyền không thể tranh cãi” của Trung Quốc trên Biển Đông (mà Trung Quốc gọi là biển Nam Trung Hoa), và là sự mở đầu cho việc đa phương hóa các tranh chấp trên Biển Đông. Mặc dù rất căm giận Mỹ nhưng Trung Quốc vẫn chưa dám công khai chỉ trích và đối đầu với Mỹ một cách toàn diện, mà thay vào đó Trung Quốc chĩa mùi dùi công kích vào Việt Nam, chỉ trích và thậm chí là lăng mạ Việt Nam với cáo buộc Việt Nam đang tìm cách đa phương hóa các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông thông qua việc lôi kéo Mỹ vào các cuộc tranh chấp để bao vây và kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Điều này được thể hiện qua những lời phát biểu với hàm ý đe dọa và những ngôn từ đầy tính xúc phạm nhằm vào Việt Nam của một số tướng lĩnh và quan chức Trung Quốc, được đăng công khai trên các tờ báo chính thống của nước này.
Mặc dù Bắc Kinh có thái độ hung hăng về phát ngôn như vậy nhưng khi đánh giá về những diễn biến tiếp theo có thể xảy ra trên Biển Đông thì hầu hết các chuyên gia đều nhận định trong tương lai gần Trung Quốc chưa dám phát động một cuộc chiến tranh quy mô nhằm vào Việt Nam vì nhiều lý do.
Đó là vì Trung Quốc vẫn còn phải e ngại những phản ứng của Mỹ và thế giới nếu Trung Quốc tấn công Việt Nam. Đó có thể là hành động quân sự trả đũa của Mỹ trong vấn đề Đài Loan, là những lệnh cấm vận về kinh tế và quân sự của HĐBA Liên Hợp Quốc. Nhưng quan trọng hơn đó là Bắc Kinh sợ rằng sau cuộc chiến này Mỹ sẽ có cái cớ hợp tình hợp lý để can dự ngày ngày sâu hơn vào khu vực Đông Nam Á, đó là cái cớ bảo vệ an ninh, chủ quyền lãnh thổ cho các ASEAN trước sự bành trướng của Trung Quốc, rối tiến tới thiết lập một vành đai bao vây và kiềm chế Trung Quốc với sự tham gia đồng lòng của cả ASEAN mà trong đó Việt Nam sẽ là một thành viên chủ chốt. Nếu những điều đó xảy ra thì giấc mộng bá quyền và siêu cường của Trung Quốc sẽ tan vỡ như bong bóng xà phòng. Trung Nam Hải quá hiểu điều đó nên họ sẽ kiềm chế trong hành động, trước mắt sẽ chưa dám tiến hành phiêu lưu quân sự tấn công Việt Nam.
Tuy nhiên, với những cái đầu nóng của giới tướng lĩnh cùng óc nham hiểm của giới lãnh đạo Bắc Kinh thì không ai dám chắc họ sẽ không nghĩ ra những quỷ kế gì để gài bẫy Việt Nam nhằm có cái cớ để tiến hành tấn công răn đe Việt Nam thông qua các cuộc đụng độ quân sự cục bộ trên Biển Đông. Đó có thể không phải là hành động quân sự quy mô lớn nhằm chiếm đóng thêm các đảo hiện đang do chúng ta đang quản lý (như trong cuộc hải chiến năm 1988) mà sẽ là những cuộc đụng độ nhỏ và bất ngờ trên biển. Các cuộc đụng độ như vậy sẽ bị Trung Quốc dàn xếp sao cho người nổ sung gây chiến trước là phía Việt Nam để họ có cái cớ trả đũa quân sự mà không lo bị thế giới phản đối. Từ những cuộc đụng độ như vậy tùy theo diễn biến tình hình và phản ứng của cộng đồng quốc tế (mà chủ yếu là từ Mỹ), Bắc Kinh sẽ điều chỉnh chiến thuật và quy mô cuộc xung đột. Đó là một kịch bản hoàn toàn có thể xảy ra mà chúng ta phải lường trước để có các đối sách phù hợp. Cảnh giác trước Trung Quốc không bao giờ là thừa. Đó là bài học xương máu mà ông cha ta đã đúc kết từ ngàn xưa.
.
2. Vì sao Trung Quốc có thể gây hấn quân sự với Việt Nam trên Biển Đông
Theo tôi có mấy lý do sau có thể khiến Trung Quốc quyết định gây hấn quân sự với Việt Nam trên Biển Đông.
Thứ nhất, Việt Nam là nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc sâu sắc và gay góc nhất, không chỉ trên Biển Đông mà là cả trên đất liền. Với Trung Quốc thì Việt Nam là hòn đá ngáng đường khó vượt qua nhất trên con đường bành trướng xuống phía nam của Bắc Kinh. Thông qua những cuộc đụng độ quân sự trên Biển Đông, Trung Quốc mưu đồ bẻ gẫy ý chí phản kháng của giới lãnh đạo nước ta, buộc chúng ta phải chấp nhận đàm phán song phương trên thế yếu với họ về chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông.
Thứ hai, Trung Quốc nhận định trong số các nước ASEAN có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông thì Việt Nam là nước dễ bị tổn thương nhất, đồng thời cũng là nước mà ít có khả năng Mỹ sẽ can thiệp và giúp đỡ trong trường hợp xảy ra đụng độ quân sự với Trung Quốc. Đó là vì mối quan hệ nhạy cảm về chế độ chính trị giữa hai nước, là vì ưu thế tuyệt đối cả về kinh tế, quân sự, ngoại giao của Trung Quốc trước Việt Nam. Ngoài ra, không như Philippin hay Indonexia, Việt Nam chưa phải là đối tác chiến lược, là đồng minh của Mỹ nên khả năng Mỹ can thiệp trực tiếp để hỗ trợ Việt Nam là gần như không có.
Thứ ba, hiện Trung Quốc đã vượt Nhật để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và đang trên con đường hướng tới địa vị siêu cường sánh ngang cùng Mỹ. Trong khi đó, nước Mỹ lại đang suy yếu do bị sa lầy tại Iraq và Afganishtan, cũng như đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế chưa có hồi kết. Những điều này càng củng cố thêm sự tự tin của Bắc Kinh về sức mạnh của bản thân, bao gồm cả sức mạnh cứng (quân sự) lẫn sức mạnh mềm (kinh tế, ngoại giao). Một cuộc chiến tranh hạn chế chống Việt Nam như cuộc chiến tranh 1979 sẽ là liều thuốc thử, là sự chứng tỏ sức mạnh thực sự của Bắc Kinh trước thế giới. Ngoài ra, cuộc chiến này cũng sẽ là đòn thăm dò phản ứng của Mỹ đối với các hành động quân sự của Trung Quốc trong trường hợp Bắc Kinh có những hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn trong tương lai.
Thứ tư, có thể nói Trung Quốc đã chuẩn bị dư luận trong nước họ từ rất lâu cho một cuộc chiến chống lại Việt Nam. Không chỉ các tướng lĩnh, quan chức nhà nước mà ngay cả cộng đồng mạng – đại diện cho một bộ phận lớn giới trẻ và trí thức Trung Quốc trong một cuộc thăm dò trên mạng cũng ủng hộ chính sách sử dụng vũ lực trên Biển Đông của chính phủ. Một khi đã được dân chúng ủng hộ thì giới lãnh đạo Bắc Kinh sẽ càng quyết tâm thực hiện các mưu đồ và tham vọng của họ.
.
3. Đối sách của Việt Nam trước các thủ đoạn gây hấn quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông
Theo tôi trong thời gian tới Trung Quốc có thể sẽ tăng cường thực hiện các hành động gây hấn, khiêu khích quân sự trên Biển Đông như:
- Tiếp tục ngăn cản các tập đoàn dầu khí nước ngoài tham gia thămdò và khai thác dầu khí cùng Việt Nam trên Biển Đông.
- Tăng cường khảo sát, đầu tư cơ sở hạ tầng và khẳng định chủ quyền tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng.
- Đặc biệt là Trung Quốc sẽ tăng cường hoạt động của các tầu tuần tra trên biển, ngăn cấm và bắt bớ trái phép ngư dân Việt Nam. Cùng với đó sẽ là những hành động khiêu khích quân sự đối với hải quân nước ta với cường độ và tần suất ngày càng tăng dần mà mục đích là để dụ ta rơi vào bẫy, làm cho ta nổ súng trước nhằm tạo ra cái cớ cho những cuộc đụng độ bất chợt trên biển giữa hải quân 2 nước. Từ những cuộc đụng độ bất chợt như vậy, tùy theo tình hình diễn biến và phản ứng của thế giới (chủ yếu là phản ứng của Mỹ) mà Bắc Kinh sẽ quyết định có mở rộng quy mô xung đột quân sự chống lại Việt Nam trên Biển Đông hay không.
Chính vì vậy để có thể đối phó hiệu quả với những âm mưu gây hấn trên Biển Đông của Trung Quốc, theo tôi Việt Nam chúng ta nên áp dụng các biện pháp sau:
Thứ nhất, khi xảy ra hành động khiêu khích của Trung Quốc thì hải quân chúng ta cần hết sức kiềm chế, hành động cần kiên quyết nhưng vẫn phải hết sức mềm mỏng và bình tĩnh. Chủ quyền lãnh thổ đất nước, sinh mạng và tài sản của ngư dân thì vẫn phải cương quyết bảo vệ đến cùng nhưng tuyệt đối không được trúng kế khiêu khích của đối phương mà nổ súng trước. Khi sự việc xảy ra, chúng ta nên tìm cách ghi lại toàn bộ sự việc, ghi lại toàn bộ hành động của cả 2 phía để có bằng chứng hữu hiệu đập tan luận điệu vu cáo của đối phương cũng như để chứng minh ai mới là người cố tình gây căng thẳng và khơi mào cuộc chiến.
Thứ hai, chúng ta nên chủ động tháo ngòi nổ xung đột với Trung Quốc bằng những hoạt động ngoại giao mềm mỏng và khôn khéo. Chúng ta cần tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán không liên kết với nước thứ ba để chống Trung Quốc, chủ động đề xuất các cơ chế để giảm thiểu nguy cơ xảy ra xung đột quân sự bất ngờ giữa 2 nước, đặc biệt là trên Biển Đông. Nhưng mặt khác, chúng ta vẫn phải tăng cường quan hệ mọi mặt với Mỹ và các nước ASEAN (cả về an ninh, quốc phòng) nhằm tránh tình trạng bị cô lập và góp phần tăng cường an ninh, năng lực quân sự bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Thứ ba, đó là cần tăng cường mọi mặt nội lực và nguyên khí của đất nước, cả về kinh tế, chính trị và quân sự, ngoại giao. Điều quan trọng là phải mở rộng và phát huy dân chủ, thực hiện hòa hợp và hòa giải dân tộc nhằm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng lạc hậu, trì trệ hiện nay, tiến tới các nấc phát triển cao hơn trong tương lai. Chỉ khi nào đất nước ta thực sự phát triển; xã hội ta thực sự có công bằng, dân chủ; dân tộc ta thật sự đoàn kết một lòng vì sự nghiệp chung thì khi đó chúng ta mới thực sự có được nền hòa bình lâu dài và bền vững với Trung Quốc.
.
.
.
No comments:
Post a Comment