Sunday, September 19, 2010

VIỆT NAM KHÔNG CÒN CƠ HỘI DÙNG GS NGÔ BẢO CHÂU VỚI TƯ CÁCH LÀ NHÀ KHOA HỌC

Việt Nam không còn cơ hội dùng những người như GS Ngô BảO Châu với tư cách các nhà khoa học nữa

GS Pierre Darriulat

19/09/2010 6:52 chiều

http://www.talawas.org/?p=24293

.

Trả lời phỏng vấn Tuổi trẻ Cuối tuần ngày 13/9/2010, GS Pierre Darriulat, nguyên giám đốc khoa học của trung Tâm Nghiên Cứu Hạt Nhân Châu Âu, một trong những nhà vật lý thiên văn hàng đầu thế giới, sống và làm việc tại Việt Nam từ hơn mười năm nay, nói về tình trạng chảy máu chất xám của Việt Nam và sự cần thiết “phải xây dựng một cái gì đó mới mẻ”.

.

Lấy thí dụ về nhà tóan học Ngô Bảo Châu, ông nhận định:

Trường hợp giáo sư Ngô Bảo Châu là một ví dụ. Khi nhìn vào Ngô Bảo Châu, điều thứ nhất tôi thấy là ở VN có rất nhiều người thông minh. Nhưng nói như thế cũng không khác gì nói rằng ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức… có rất nhiều người thông minh. Thứ hai, sau khi Ngô Bảo Châu giành giải Olympic toán quốc tế và sang Châu Âu, có ai biết không? Dường như chúng ta chỉ phát hiện sự tồn tại của anh ấy khi có giải thưởng Fields.

Còn rất nhiều Ngô Bảo Châu như thế đang ở nước ngoài và VN vẫn chưa quan tâm đúng mức. Bây giờ chúng ta mong muốn anh Châu về nước làm việc. Tại sao những người như anh ấy phải quay về VN? Điều ấy được nói ra đã muộn mất 20 năm rồi. Nay VN không còn cơ hội dùng những người như vậy với tư cách các nhà khoa học nữa. VN đã lỡ con tàu đó rồi. Điều có thể là dùng họ làm người cố vấn.

.

Mới đây, chủ trì cuộc họp về việc thành lập Viện Nghiên cứu cấp cao về Toán, ông Nguyễn Thiện Nhân, cựu Bộ trưởng GDĐT nay là Phó Thủ tướng, dự kiến GS NGô Bảo Châu sẽ trở thành Viện trưởng Viện này.

.

------------------------------------------

.

Giáo sư Pierre Darriulat:

Hãy nói với thanh niên: bạn có tương lai ở đây

Thứ Hai, 13/09/2010, 09:53 (GMT+7)

http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/400041/Hay-noi-voi-thanh-nien-ban-co-tuong-lai-o-day.html

TTCT - Chọn VN là nơi gắn bó suốt hơn mười năm qua, giáo sư Pierre Darriulat - một trong những nhà vật lý thiên văn hàng đầu thế giới - chia sẻ cùng TTCT góc nhìn riêng của ông về những gì mà VN đã bỏ lỡ và có thể lấy lại trong việc gầy dựng một nguồn vốn liếng trí thức trẻ.

*

*

Vấn đề của giáo dục đại học VN hiện nay không phải là thiếu ý tưởng mà là không ai lắng nghe và thực hiện những ý tưởng đó. Một điều mà nhiều người đã nhận ra là tình trạng chảy máu chất xám khá trầm trọng, nhiều người trẻ đã trưởng thành và cống hiến phần lớn ở nước ngoài - giáo sư nói.

Hãy nói: “Các bạn có tương lai ở đây!”

- Ở VN, các gia đình thật sự dành cả gia tài để cho con đi du học. Nhiều học sinh giỏi đã chọn con đường đi học ở nước ngoài và rất nhiều người trong số đó chỉ quay lại VN khi nghỉ hưu. Đáng tiếc, chúng ta không làm gì để giải quyết vấn đề này cả. Chúng ta cần nói với thanh niên rằng: “Các bạn có tương lai ở đây. Chúng tôi có kế hoạch X, tầm nhìn Y. Tương lai đó trông chờ ở các bạn”.

Thực tế, VN chưa khiến những người trẻ tuổi tin tưởng rằng đất nước cần họ và sẽ trọng dụng họ. Ít nhất tôi có thể khẳng định như vậy trong lĩnh vực vật lý, chuyên ngành của tôi.

.

* Điều gì đã khiến ông nghĩ vậy?

- Mười một năm qua tôi sống và làm việc ở VN. Khi mới tới, tôi đã nghe nói đến việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân. Từ đó đến nay, VN đã làm gì? Có ai nói với thanh niên rằng trong 10, 20 năm nữa VN sẽ cần những kỹ sư, nhà khoa học trình độ cao? Có ai nói với họ là tương lai của đất nước cần gì cụ thể ở họ không? Không. Thậm chí đến bây giờ, khi dự án này đã đi vào thực hiện thì vẫn vậy.

Rồi trong lĩnh vực vệ tinh, VN vẫn chưa thật sự bắt tay vào xây dựng khoa học vệ tinh hay xây dựng các chính sách vũ trụ. Như vậy làm sao thanh niên có thể biết họ nên trông chờ vào điều gì. (Hay VN có làm vậy nhưng không nói cho thanh niên biết?).

Một ví dụ khác từng khiến tôi bị sốc: ông trưởng khoa vật lý của một trường ĐH ở Hà Nội tự hào nói với tôi rằng sinh viên của ông ấy đi học ở nước ngoài rất nhiều. Tôi ngạc nhiên tại sao một vị trưởng khoa lại có thể nói như vậy. Ông ấy chỉ nên tự hào khi có nhiều sinh viên nước ngoài theo học tại khoa hoặc trường của ông ấy. 11 năm qua, những tư duy như vậy vẫn không thay đổi và không có tiến triển. Tình trạng chảy máu chất xám vì thế vẫn tiếp diễn.

Trường hợp giáo sư Ngô Bảo Châu là một ví dụ. Khi nhìn vào Ngô Bảo Châu, điều thứ nhất tôi thấy là ở VN có rất nhiều người thông minh. Nhưng nói như thế cũng không khác gì nói rằng ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức... có rất nhiều người thông minh. Thứ hai, sau khi Ngô Bảo Châu giành giải Olympic toán quốc tế và sang châu Âu, có ai biết không? Dường như chúng ta chỉ phát hiện sự tồn tại của anh ấy khi có giải thưởng Fields.

Còn rất nhiều Ngô Bảo Châu như thế đang ở nước ngoài và VN vẫn chưa quan tâm đúng mức. Bây giờ chúng ta mong muốn anh Châu về nước làm việc. Tại sao những người như anh ấy phải quay về VN? Điều ấy được nói ra đã muộn mất 20 năm rồi. Nay VN không còn cơ hội dùng những người như vậy với tư cách các nhà khoa học nữa. VN đã lỡ con tàu đó rồi. Điều có thể là dùng họ làm người cố vấn.

.

* Đó là cách nước Pháp đã làm trong trường hợp này?

- Ồ, không chỉ Pháp, nước nào cũng đang làm như thế. Tôi thường gọi đó là “tổ đặc nhiệm” chuyên đưa ra lời khuyên. Một tổ đặc nhiệm như thế thường gồm những người được giới khoa học thế giới công nhận chứ không phải vì họ là con trai của ông X, Y, Z nào đó. Tiêu chí duy nhất là họ đã giành được sự công nhận quốc tế trong khoa học, dù họ đang sống ở VN hay nước ngoài không quan trọng. Một tổ khoảng 15-20 người, gặp nhau vài lần mỗi năm, còn lại là làm việc qua các phương tiện khác.

Tôi có một cô sinh viên làm nghiên cứu tiến sĩ tại Trường ĐH Paris 10 và một trường ĐH ở Hà Nội. Cuối cùng cô ấy có bằng của Trường Paris 10 nhưng không được trường ĐH ở Hà Nội cấp vì hai lý do: thứ nhất do cô ấy thay đổi tên gọi của luận án. Điều này là rất bình thường khi làm nghiên cứu: chúng ta muốn chứng minh hoặc đi tìm một điều gì đó, nhưng quá trình đi tìm có đưa đến kết quả mong đợi từ đầu hay dẫn tới một phát hiện khác là chuyện bình thường. Cô ấy đã thay đổi tên luận án cho phù hợp với quá trình đó.

Lý do thứ hai là trường ĐH trong nước không chấp nhận luận án của cô ấy đứng tên cùng nhiều người khác. Điều này rất nực cười vì trong khoa học không có ai nghiên cứu một mình cả. Cô ấy đã phải thực hiện nhiều nghiên cứu trong một phòng thí nghiệm ở Argentina cùng nhiều đồng nghiệp khác. Ông giám đốc ĐH Hà Nội khi biết điều này rất lấy làm tiếc nhưng nói đó là quy định, không thay đổi được. Với tôi, điều này vô cùng đáng buồn. Tôi dành cả thời gian cho các sinh viên ở đây, nhưng quá khó để có thể thay đổi.

Tôi nói tất cả những điều này không phải để chỉ trích, cũng không phải với tư cách là một người Pháp đến từ một nước phát triển và tới đây nói các bạn nên làm điều này điều kia, mà là của một người đã sống ở VN hơn mười năm và đang cống hiến phần còn lại của cuộc đời tôi cho VN. VN đã mất ba thế hệ khoa học rồi. Điều này cũng do lịch sử chiến tranh đáng buồn và bất công gây ra, nhưng nhắc đi nhắc lại như thế không có ích gì.

Đã đến lúc chúng ta phải xây dựng một cái gì đó mới mẻ.

Có một “mái nhà” chờ đợi những người du học trở về

.

* Điều mới mẻ ấy, đối với VN, có thể là gì?

- Trên thế giới, tất cả các trường ĐH đều dạy sinh viên cách mở rộng trí óc của mình ra thế giới, nhưng ở VN 11 năm qua, tôi thấy chưa ai quan tâm đến lĩnh vực này (trong ĐH). Tôi làm việc trong môi trường tri thức suốt cuộc đời và tôi có điều kiện tiếp xúc với những trường ĐH hàng đầu như Harvard, Oxford... nhưng chưa bao giờ có thể nói chuyện với một ai đó về khoa học đến từ ĐH của VN.

Phần lớn giảng viên ở đây chỉ lên lớp giảng bài và về nhà, thậm chí có người còn không tự viết được giáo án. Tôi nghĩ những giảng viên, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trẻ tuổi cần tập hợp lại để bắt đầu làm việc khoa học thật sự. Cha mẹ họ đã không thể làm bởi hoàn cảnh lịch sử, nếu thế hệ trẻ hôm nay không làm điều đó thì không ai khác sẽ làm.

Tôi tốt nghiệp ĐH Pháp năm 1958, sau đó sang Mỹ lấy bằng tiến sĩ. Lúc đó, nước Pháp nói với tôi: “Chúng tôi cần anh để làm việc x, y, z này... Anh hãy quay trở lại”. Vì thế tôi đã quay về Pháp. VN phải đợi tới khi có giải Fields mới nói ra điều đó. Lẽ ra phải làm như vậy sớm hơn để những người đi du học hiểu là họ có một “mái nhà” chờ đợi họ trở về trong nước. Nếu muốn thay đổi điều đó, các bạn cần một cuộc cải cách.

Tôi có cơ hội gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp cách đây vài năm. Ông cầm tay tôi và nói đại ý rằng: “Hãy tiếp tục chiến đấu. Hãy làm một cuộc cách mạng”. Tôi không bao giờ quên điều đó.

.

* Theo ông, cuộc cách mạng đó cần bắt đầu từ đâu?

- Cộng đồng khoa học trong trường ĐH hãy chào đón những thanh niên đi du học, những Việt kiều trẻ tuổi về làm việc và tôn trọng họ, tôn trọng tri thức của họ.

Tôi rất ngạc nhiên khi biết có giảng viên bị phát hiện là “mượn” bài viết của người khác mà sau đó vẫn tiếp tục làm giảng viên. Làm như vậy không khác nào chúng ta muốn tuyên bố rằng ta không tôn trọng kiến thức và người trí thức. Tôi nói vậy không phải để phán xét mà muốn nêu lên một thực tế là trong cộng đồng khoa học thế giới, lừa dối đồng nghĩa với tự sát. Anh lừa dối một lần và tên anh sẽ không bao giờ được nhắc đến nữa.

Vì thế tôi luôn nói khoa học là trường học tốt, dạy ta kỹ thuật, đạo đức và tinh thần làm việc cùng nhau. VN có tham vọng tiến lên bậc phát triển cao hơn, điều đó không rơi từ trên trời xuống mà phải xuất phát từ sự tôn trọng và học hỏi các giá trị.

------------------------

Các giảng viên ĐH được trả lương quá ít ỏi. Không thể lấy lý do VN là một nước nghèo mà lương của một nhân viên kế toán mới ra trường lại cao hơn lương của một giảng viên ĐH. Vấn đề không chỉ là tiền bạc, mà còn là sự tôn trọng kiến thức, hiểu tầm quan trọng của các hoạt động tri thức. Tại sao chúng ta chỉ hoan nghênh những Việt kiều có nhiều tiền về nước đầu tư mà không hoan nghênh cả những Việt kiều có tầm trí tuệ lớn lao?

Vì thế hãy bắt đầu bằng một mức lương tốt cho các giảng viên ĐH. Giảng viên cần được trả lương đầy đủ để sống một cuộc sống vừa phải, có điều kiện tập trung nghiên cứu, giảng dạy, tự viết giáo án chứ không đơn thuần đọc một quyển sách cho sinh viên chép.

.

HƯƠNG GIANG thực hiện

.

.

.

No comments: