Wednesday, September 8, 2010

VIỆN VIỆT HỌC Giới Thiệu Tác Phẩm "HỆ THỐNG HÓA CHỮ QUỐC NGỮ VIỆT NAM"

GS Nguyễn Xuân Hợp và nỗ lực ‘Hệ Thống Hóa Chữ Quốc Ngữ VN’

Nguyên Huy/Người Việt

Tuesday, September 07, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=118642&z=3

Chiều hôm Chủ Nhật, 5 tháng 9 vừa qua, Giáo Sư Nguyễn Xuân Hợp đã dành hơn 2 tiếng rưỡi đồng hồ để trình bày tác phẩm rất công phu của ông là “Hệ Thống Hóa chữ Quốc Ngữ VN” tại Viện Việt Học, Nam California.

Giới thiệu về tác giả, ban tổ chức của Viện Việt Học cho biết ông sanh năm 1943, cựu sinh viên Luật Khoa Saigon, cựu sĩ quan QLVNCH, hiện định cư tại Connecticut từ năm 1993.

.

Tác giả Nguyễn Xuân Hợp đang trình bày về hệ thống hóa chữ quốc ngữ VN.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/118642-big_DP-090810-QuocNgu%201aa.jpg

.

Trước khoảng 50 đồng hương các giới tha thiết đến ngôn ngữ VN đến tham dự, tác giả Nguyễn Xuân Hợp đã mở đầu khái quát rằng: “Chữ quốc ngữ mà chúng ta đang sử dụng là một loại chữ dễ học và dễ sử dụng.” Công việc hệ thống hóa chữ quốc ngữ của ông là “dựa vào âm thanh để phân tích và tổng hợp chữ, phân loại chữ và đặt ra các nguyên tắc sử dụng cho phù hợp với cách thức đang sử dụng chữ quốc ngữ.” Vẫn theo tác giả thì trong chữ quốc ngữ VN có những chữ không theo nguyên tắc nào và tác giả sách đã xếp vào loại biệt lệ.

Cuốn sách “Hệ Thống Hóa Chữ Quốc Ngữ VN” của Nguyễn Xuân Hợp dầy trên 200 trang khổ lớn, trình bày rất công phu về các lãnh vực, đặc tính của chữ quốc ngữ, về thành phần của chữ, về phụ âm và nguyên âm với những phần nguyên âm đơn và nguyên âm ghép, phụ âm đơn và phụ âm ghép trong đó có nguyên âm ghép đóng và mở. Ngoài ra còn những phần định nghĩa và phân loại chữ và vần.

Trong tác phẩm mới này, tác giả đã phân tích nhiều chi tiết mà ít có, hay chưa có nhà ngôn ngữ học nào đề cập đến. Chẳng hạn như phần vị trí của các dấu trong chữ quốc ngữ VN là điều mà chúng ta thường không lưu ý và chỉ “theo thói quen mà đặt dấu sao cho cân bằng,” thì tác giả phân tích ra thấy có thể đặt thành quy luật sau khi đã dựa vào âm thanh của các nguyên âm chủ của chữ. Trong phần phân tích này, tác giả cho thấy mỗi chữ trong quốc ngữ VN đều có một âm thanh chủ. Thí dụ như chữ “tiên,” chữ này có hai nguyên âm i và ê. Ta phát âm chữ “tin” rồi phát âm chữ “tên.” Ta sẽ thấy âm “tin” gần âm “tiên” hơn âm “tên” nên khi gặp các chữ “tiền,” “tiến,” “tiễn,” “tiện” thì dấu sắc huyền hỏi ngã nặng sẽ đặt ở trên dưới vị trí chữ i. Ðây là một ghi nhận mới so với thói quen chúng ta thường dùng là đặt dấu trên chữ e.

.

Phu nhân của tác giả Nguyễn Xuân Hợp đang phụ chồng giới thiệu công trình “Hệ Thống Hóa Chữ Quốc Ngữ VN” của chồng.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/118642-big_DP-090810-QuocNgu%202aa.jpg

.

Trong những phần khác, tác giả cũng rất công phu nghiên cứu về cách phát âm trong chữ quốc ngữ VN. Nguyên âm thì phát âm thế nào và phụ âm thì phát âm ra sao. Và bằng những hình vẽ vị thế cái lưỡi trong miệng, tác giả đã mô tả được sự phát âm khá chính xác.

Về chữ i và y, trước đây có một vài học giả chủ trương thay thế y bằng i, tác giả phân tích qua cách phát âm thấy có sự sai biệt. Khi phát âm i và y thì vị trí môi và mép có khác nhau. Phát âm i, môi không nhăn. Trái lại phát âm y vì phải kéo dài nên mép môi phải nhăn. Tác giả cho rằng “Chữ quốc ngữ là chữ ghi âm, 'i' và 'y' dùng để ghi những âm thanh khác nhau của tiếng Việt, nên không thể cho là i=y, hoặc i thay thế cho y được.” Cũng vậy cho các vần khác như z không thể thay thế cho 'gi' hay d, k không thể thay thế cho 'c' trong hai chữ “cách mệnh.”...

.

Trở về nguyên ủy chữ quốc ngữ, chúng ta đều biết rằng chữ quốc ngữ được tạo thành bởi những mẫu tự La Tinh do các giáo sĩ Tây phương đến nước ta từ thế kỷ 16 truyền đạo. Ðể dễ dàng cho việc truyền đạo của họ, các giáo sĩ đã dùng cách thức ghi âm tiếng nói của người VN để truyền bá đạo giáo. Về sau các học giả, trí thức VN thấy đó là thứ chữ tiện dụng để phổ biến văn hóa tư tưởng nên đã dùng, và theo thời gian, chữ quốc ngữ VN đã được thay đổi, bổ túc, chuẩn hóa để thành thứ chữ mà chúng ta đang sử dụng. Nếu như các giáo sĩ từng ghi âm tiếng nói của người Vệt mà còn sống đến ngày nay thì khi đọc chữ quốc ngữ VN hiện tại cũng sẽ rất ngạc nhiên vì sao thấy nó phong phú quá.

Mới chỉ qua gần 5 thế kỷ, chữ quốc ngữ VN trong dạng phôi thai nay đã là thứ “sinh ngữ” rất phong phú có thể diễn tả được bất cứ trong lãnh vực nào, từ khoa học nhân văn cho đến khoa học tâm linh, thần bí. Tuy nhiên, chữ quốc ngữ VN vẫn còn đang trên đường phát triển vì nó là một sinh ngữ của nhân loại, nhất là khi người Việt sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, đã có mặt khắp nơi trên thế giới và nơi nào người Việt cũng ghi đậm được sự có mặt của mình qua những đóng góp tích cực vào sự phát triển của nơi mình sinh sống.

.

Những công trình như của tác giả Nguyễn Xuân Hợp quả là một đóng góp to lớn vào nền văn học VN.

Quý độc giả muốn có cuốn sách này để nghiên cứu hay dậy tiếng Việt cho con em, bạn hữu thuộc các dân tộc khác có thể liên lạc với tác giả qua điện thoại (203) 502-1817, (203) 243-6171 (Cell), hoặc email về hopxuannguyen@yahoo.com . Cũng có thể gửi thư về địa chỉ số 45 Court D, Unit 301, Bridgeport, CT 06610. Giá sách chỉ có 20 Mỹ kim.

.

.

Thuyết Trình: Hệ Thống Hóa Chữ Quốc Ngữ Việt Nam (Sep 5, 2010) (viethoc.com)

-----------------------------------------

.

Thuyết Trình Tại Virginia (Oct 16-17, 2010)

posted Aug 25, 2010 10:16 PM by Doãn-Vượng Nguyễn [updated Aug 25, 2010 10:40 PM ]

http://www.viethoc.com/Home/sinh-hoat/thuyettrinhtaivirginiaoct16-172010

Viện Việt-Học (CA, USA) trân trọng kính mời các quí vị đồng hương, các thày cô giáo dạy Việt ngữ, các bậc phụ huynh, ông bà đến tham dự hai buổi thuyết trình của

GIÁO SƯ TRẦN NGỌC NINH

nguyên Viện trưởng Viện Việt-Học, California.

nguyên Tổng trưởng Văn hoá Giáo dục dưới thời Việt Nam Cộng Hòa.

nguyên Giáo sư Đại học Y khoa và Đại học Vạn Hạnh, Sài-gòn.

với hai đề tài:

.

TIẾNG TA MÀ TA KHÔNG BIẾT
Diễn giả: Gs Trần Ngọc Ninh
.
PHƯƠNG PHÁP MỚI DẠY ĐỌC CHỮ VIỆT CHO TRẺ EM
Diễn giả: Gs Trần Ngọc Ninh
Với sự cộng tác của Cô Thụy Minh Hồng (trưởng ban chương trình Việt ngữ thí điểm)
.
từ 2:00 đến 5:00 giờ chiều, Thứ Bảy, 16 tháng 10 năm 2010
tại NOVA, Annandale Campus, Ernst Community Center, Forum room
8333 Little River Turnpike, Annandale, VA 22003-3796 ● Phone: 703-323-3159
(
Thiệp Mời)

.

THƠ TRONG TRUYỆN KIỀU
Diễn giả: Gs Trần Ngọc Ninh
.
từ 2:00 đến 5:00 giờ chiều, Chủ Nhật, 17 tháng 10 năm 2010
tại NOVA, Annandale Campus, Ernst Community Center, Forum room
8333 Little River Turnpike, Annandale, VA 22003-3796 ● Phone: 703-323-3159
(
Thiệp Mời)

.

Sự hiện diện của quí vị là một vinh dự và khích lệ cho Viện Việt-Học nói riêng và sự nghiệp bảo tồn, truyền bá và phát huy văn hoá Việt nam ở hải ngoại nói chung.

Trân trọng kính mời
Viện Việt-Học, CA. USA
www.viethoc.com

.

.

.

No comments: