Moscow – St. Petersburg Với tốc độ 250 km mỗi giờ, tàu cao tốc xuyên qua những thôn làng nước Nga
07/09/2010
http://boxitvn.blogspot.com/2010/09/moscow-st-petersburg-voi-toc-o-250-km.html
.
Nước Nga rất hãnh diện về con tàu cao tốc theo kiểu lắp ráp của Đức – nhưng kỹ thuật tối tân siêu tốc này lại gây nguy hiểm đến tính mạng của những dân cư dọc theo tuyến đường
.
Con tàu cao tốc ICE [InterCityExpress] Nga phóng đến 250 km mỗi giờ giữa
‘Sapsan’, con ưng thiên di, như người Nga đã đặt tên cho con tàu cao tốc này, di chuyển từ tháng 12.2009 giữa hai thành phố lớn nọ. Chưa đầy 4 tiếng đồng hồ nó chạy được xấp xỉ 700 km. Chiếc Velaro Rus, như tên thật của chiếc xe lửa này, là một phiên bản được thích ứng theo hệ thống đường ray xe lửa khổ lớn của Nga – được Siemens sáng chế và lắp ráp.
“Chiếc ‘Sapsan’ biểu trưng cho những gì tối tân và tiên tiến”, ông Vladimir Jakunin, Cục trưởng Cục đường sắt Nga đã nói như vậy. Nhưng người ta lại tiết kiệm, không hiện đại hóa các trạm xe lửa trong những thôn làng ven tuyến đường sắt và những giao điểm giao thông với đường bộ, dẫn đến nhiều hậu quả tai hại, như mục phóng sự truyền hình của báo Tấm Gương phản ánh, được phát sóng vào tối chủ nhật trên kênh RTL (bài phóng sự này đã phát sóng với nhan đề Khủng bố ở Nga: Căm phẫn tàu lửa kỹ thuật tân tiến Đức – ghi chú của người dịch).
“Ở đây lúc nào người ta cũng sống trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”, bà Rita, một dân cư trong làng ven đường ray nói thế. Từ 10 năm nay bà ta qua lại đường ray không hề có vấn đề gì. Nhưng mới đây con tàu cao tốc xuýt nữa “thộp” phải bà. Tuy trên sân ga rú lên một hồi tín hiệu báo động inh tai – nhưng thường thì cả nửa giờ con tàu mới chạy ngang qua. Khi nào và từ hướng nào con ‘Sapsan’ hiện ra thì không ai biết rõ. Một bảng lịch trình tàu chính xác cũng không có.
Cả những nơi có hệ thống hàng rào chắn ngang đường ray thì con tàu cao tốc này cũng mang đến nhiều vấn đề. Vì hệ thống cần đảm bảo để con tàu lao về phía trước mà không phải giảm tốc độ khi phóng ngang qua nơi dân cư, nên những người lái xe đường bộ phải chấp nhận chờ đến 4 tiếng đồng hồ trước những giao điểm với đường sắt – tuyệt nhiện không có ngoại lệ nào, kể cả xe cứu hộ hoặc xe cứu hoả. Một cư dân kể lại rằng một người đàn ông lúc đó đang hấp hối vì phải chờ xe lửa chạy qua nên đã chết vì không đến nhà thương kịp. Một ngôi nhà đã bị cháy rụi vì đoàn cứu hoả phải chờ bên cạnh đường ray.
Theo qui định, chỗ nào không có hàng rào chắn đường ray thì được những nhân viên cục đường sắt mặc áo màu cam canh gác lối qua lại. Nhưng theo lời một người kể lại, thường thì cả ngày họ chỉ vác mặt đến vỏn vẹn một lần, trong khi đó một ngày con tàu qua lại có đến 12 lần.
Không phải khi nào chuyện cũng xảy ra một cách “hú hồn hú vía” như trong trường hợp của bà Rita. Vào tháng Tư con ‘Sapsan’ đã “thộp” phải cậu bé 15 tuổi Aljoscha Bogdanowa trong lúc cậu ta trên đường về nhà. Mẹ cậu, bà Ludmilla Bogdanowa không nhận được một cắc bạc tiền bồi thường nào cho cái chết của đứa con mình. Công tố đoàn của Bộ Giao thông Saint Peterburg nói rằng người điều khiển con tàu đã rú còi đúng theo qui định.
Không gì được phép chặn đứng con tàu đến từ tương lai. Việc đưa những chiếc tàu Đức vào hoạt động ở Nga được xem là dự án thương mại thành công nhất trong năm. Một lượt đi ở toa hạng nhất giá 120 euro – trong đó gồm có phục vụ nước uống và một bữa ăn nóng như trên máy bay. Ai ngồi ở đó thì ít hay biết gì đến những vấn đề về thiếu sự hiện đại hóa cần thiết dọc theo tuyến đường.
Nhưng dọc đường người ta ngày càng nghe những tiếng nổ bên ngoài. Dân làng bắt đầu tự bảo vệ mình, chống lại con ưng thiên di hiện đại. Bằng những cục đá như là trái phá.
Q.N. dịch
Nguồn: http://www.spiegel.de/reise/aktuell/0,1518,713981,00.html [05.09.2010]
Người dịch gửi trực tiếp cho BVN.
.
.
.
No comments:
Post a Comment