Sunday, September 5, 2010

VĂN HỌC MIỀN NAM QUA MỘT BỘ "VĂN HỌC SỬ" TRONG NƯỚC

Văn học Miền Nam qua một bộ "văn học sử" của trong nước

Nguyễn Vy Khanh

Chủ nhật, ngày 05 tháng chín năm 2010

http://www.talawas.org/2010/09/nguyen-vy-khanh-van-hoc-mien-nam-qua.html

Miền Nam đây là Việt Nam Cộng Hòa và nền văn học của những năm 1954-1975. Văn hóa và nền văn học của Miền Nam sau những cuộc thanh lọc, bắt bớ và cấm đoán, vẫn tiếp tục bị những bất thường và quái gở của một thế giới văn hoá, biên tập cố tình làm cho sai lạc. Ai cũng biết sau ngày cưỡng chiếm miền Nam 30-4-1975, văn học và văn hóa Việt Nam Cộng Hòa đã bị cấm đoán, phủ nhận như thế nào qua nhiều đợt tấn công, dàn cảnh. Nay, đã 35 năm sau, chiến thuật đó vẫn còn ở một nước Việt Nam hô hào cái gọi là 'cởi mở', 'kinh tế thị trường'. Mới đây, chúng tôi được đọc bộ Văn học Việt Nam nơi miền đất mới trên 4 ngàn trang gồm 4 tập của soạn giả Nguyễn Q. Thắng (NXB Văn Học, Hà Nội). Miền Đất Mới ở đây được soạn giả bao gồm Miền Nam Lục tỉnh và Miền Nam Cộng Hòa; và trong các tập 3 và 4 chủ yếu vẫn là những cây viết của Đảng Cộng Sản Việt Nam gồm nằm vùng, ly khai, tập kết, gởi vô Nam hoặc những cây viết từng có mặt thời Việt Nam Cộng Hòa nhưng sau này sinh hoạt với các hội và báo chí của Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt Nguyễn Q. Thắng đã xen vào đó những nhà văn của Miền Nam 1954-1975, nhưng vì ông có thể nói hãy còn tuân theo một “chính sách” hay “chỉ thị” nào đó, do đó chưa thể là một bộ văn học sử đúng nghĩa – nghĩa là ghi nhận, tổng kết và phê phán các tác giả và tác phẩm như đã xuất hiện và sinh hoạt một thời.

Những phê phán, nhận xét có thể có những chủ đích chính trị:

1. Cố tình nêu sai danh tính các nhà văn Việt Nam Cộng Hòa: Ngoại trừ trong một số trích (nguyên) văn, toàn bộ sách của Nguyễn Q. Thắng không nêu đích danh các nhà văn qua các bút hiệu đã dùng, đã quen với người đọc và đã đi vào văn học sử như Mai Thảo, Nhã Ca, Dương Nghiễm Mậu, Võ Phiến, mà lại dùng tên thật (tên khai sanh) của họ để làm tiêu đề cũng như đánh giá. Mai Thảo trở thành Nguyễn Đăng Sinh (tập 3, tr. 1233, trong khi tên thực thật của Mai Thảo là Nguyễn Ðăng Quý) với chú thích rằng phần này được làm để thông tin về sinh hoạt báo chí và thơ tự do. Nhã Ca lúc được gọi là Thu Vân, lúc lại là Trần Thị Thu Vân. Võ Phiến thành Đoàn Thế Nhơn, Trùng Dương có lúc là Trùng Dương Nguyễn Thị Thái, v.v…

Nhà văn học sử khi viết về các tác giả văn học đều phải ghi bút hiệu là chính, chỉ ở những phần tiểu sử mới nhắc đến tên thật, hoặc giả tác giả đó dùng tên thật để sinh hoạt văn học nghệ thuật thì mới ghi tên thật: Giáo sư Nguyễn Văn Trung có các bút hiệu Hoàng Thái Linh, Phan Mai, nhưng các bút hiệu này chỉ được sử dụng hạn chế và khi xuất bản tác phẩm, tên thật của ông được ghi thì nhà viết văn học đương nhiên phải dùng tên thật của ông. Nguyên Sa ngược lại là một nhà thơ khi ký Nguyên Sa, và khi viết sách giáo khoa triết học (Descartes nhìn từ phương Đông, Luận lý học, Luận Triết học, v.v…) thì ký Trần Bích Lan (riêng cuốn Một bông hồng cho văn nghệ ký Trần Bích Lan khi nhà Trình Bày xuất bản năm 1967; khi ra hải ngoại NXB Đời của ông tái bản thì ký Nguyên Sa); do đó khi viết về nhà thơ Nguyên Sa, người ta có thể nói đến những sách giáo khoa mà ông là tác giả, dĩ nhiên là không thể ngược lại, viết về ”nhà thơ Trần Bích Lan” vì không hề có nhà thơ Trần Bích Lan dù Nguyên Sa và Trần Bích Lan là một người.

- Lê Vĩnh Hòa được ghi trong tiểu sử là “em ruột văn sĩ Đoàn Thế Nhơn...” (tập 4, tr. 270 – từ đây các chú thích đều trích từ tập 4) - thay vì Võ Phiến!

- Về hai nhà văn Y Uyên và Doãn Dân, ông Nguyễn Q. Thắng chỉ ghi năm mất của Doãn Dân; còn Y Uyên thì “mất năm 1969 đang độ tài hoa nẩy nở”(tr. 827) nhưng không ghi rõ chết vì đạn pháo của ai (Việt Cộng!) trong khi các tay văn nghệ nằm vùng ở Miền Nam vô bưng chết thì được ghi lý do chết: Lê Vĩnh Hòa thì “hi sinh trong một trận chống càn tại Long Mĩ, Xẻo Giá...” (tr. 270); Trần Triệu Luật thì “hi sinh trên đường công tác ở Tây Ninh (cùng nơi cùng ngày với) Trần Quang Long”. Trần Triệu Luật được đề cao trong một mục từ riêng (51- TTL, nhà văn chiến sĩ) cũng như Trần Quang Long (42- TQL với thi đề 'nghiêng nón'”!

- Về Luân Hoán thì một chi tiết trong tiểu sử nếu không được nhắc đến vẫn còn hơn là ghi như Nguyễn Q. Thắng: “Những năm 60 ông (LH) bị động viên vào quân trường Thủ Đức một thời gian rồi trở về đời sống dân sự” vì phải thêm rằng sau Thủ Đức, nhà thơ Luân Hoán ra chiến trường và bị đạn pháo “quân thù” làm mất một chân!

- Hay khi viết về nhà văn Lê Tất Điều “Sau năm 1975 ông (LTĐ) định cư (?) ở Hoa Kì và nghe đâu vẫn có tác-phẩm in ở nước ngoài” - một nhà nghiên cứu, tác giả của bao bộ sách hàng vạn trang, mà chỉ biết “nghe đâu”!

- Cũng vì nghe đâu nên mới viết về nhà văn “Hồ Trường An, dược sĩ, nhà văn” (mục từ 32): “Từ năm 1977 định cư ở Pháp. Chưa có tác phẩm in thành sách, nhưng có nhiều truyện ngắn trên các tạp chí ở Sài Gòn trước năm 1975”.

- Còn gọi Viên Linh là “hoàng đế”, “nhà độc tài” văn học, như mục đề 28 về nhà văn Viên Linh, là hơi… quá, dù có thể cốt ý bênh cô Phương Thảo tức Vũ Hạnh. Thiển nghĩ với văn học Miền Nam thời 1954-1975, Viên Linh vừa là một nhà thơ, nhà văn vừa là một chủ biên tạp chí (Thời Tập) có công, dĩ nhiên không phải công kiểu Vũ Hạnh!

2. Những thiếu sót, sai lầm có chủ đích:

Trong phần về giáo sư Nguyễn Văn Trung (tập 4, trang 7-54), mở đầu Chương 8-Các Văn Gia Hiện Đại, Nguyễn Q. Thắng ghi rằng giáo sư Trung còn có bút hiệu Nguyễn Nam Châu. Thực ra, Nguyễn Nam Châu (bút danh Hoài Kim Yến) là một giáo sư đại học Huế những năm cuối thập niên 1950, viết nhiều bài trên tạp chí Đại Học và là tác giả những cuốn Sứ mệnh văn nghệNhững nhà văn hóa mới (1958). Sau này ông Nguyễn Nam Châu trở về Bỉ làm giáo sư đại học và không lâu trước khi mất đã xuất bản một tập sách nhìn lại chủ nghĩa Marx. Nguyễn Q. Thắng còn ghi thời trước 1975, giáo sư Nguyễn Văn Trung sinh hoạt trong một số lực lượng, hội đoàn “dưới sự chỉ đạo trực tiếp, có lúc gián tiếp của lực lượng cách mạng nội thành” mà không dẫn chứng bằng cớ, dễ khiến hiểu lầm và trong trường hợp này sai lầm rất nghiêm trọng. Trong phần trích văn tác giả Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Q. Thắng trích lại một phần Chương 5 – “Văn-học trong vòng tay chính trị” của hồi ký Những chặng đường đã qua của giáo sư Trung, nhưng trong phần tiểu sử nhắc việc Phạm Công Thiện phê bình các tác phẩm của gs Trung, mà Nguyễn Q. Thắng lại không ghi nhận những 'feedback' về việc ấy mà giáo sư Trung đã ghi lại trong cùng tập hồi ký đã kể; hơn nữa nếu quan sát đã thấy bài phê bình của Phạm Công Thiện đã không xuất hiện trong các lần tái bản tập Hố thẳm tư tưởng, nhưng lại được một nhóm Phật tử ở Huế in lại thành tập in mỏng Phê bình luận án tiến sĩ triết học của Nguyễn Văn Trung năm 1973.

Giáo sư Nguyễn Văn Trung đã viết trong hồi ký của ông:

“Sau đảo chánh 01/11/1963, ông Phạm Công Thiện xuất bản cuốn Hố thẳm tư tưởng, dành một chương phê phán luận án tiến sĩ của tôi với một thái độ khinh bỉ, trịch thượng, mạt sát thậm tệ. Cuốn sách bán chạy, dư luận bàn tán sôi nổi vụ “ông Phạm Công Thiện phê phán ông Nguyễn Văn Trung”, chờ đợi tôi lên tiếng đối đáp; nhưng cho đến nay tôi vẫn giữ im lặng, không có một lời nói công khai nào. (…) Tôi và ông Thiện gặp nhau ở tòa báo Bách Khoa với sự chứng kiến của anh Lê Ngộ Châu. Trong bữa gặp gỡ đó, ông Thiện thú nhận với tôi đại ý như sau: Tôi viết bài phê bình anh để thỏa mãn những uất ức bất mãn của giới Phật giáo coi anh là tiêu biểu cho trí thức Việt Nam nói chung và trí thức Công Giáo nói riêng. Tôi xin hứa với anh sẽ bỏ bài đó trong lần tái bản sách sắp tới. Ông Phạm công Thiện đã giữ lời hứa.” (Chương IV-. Ông Phạm Công Thiện).

3. Những đánh giá và xếp loại vô nghĩa, lỗi thời:

Đây là trường hợp các nhà văn nữ Miền Nam thời ấy Túy Hồng, Trùng Dương, Nguyễn Thị Thụy Vũ, kể cả Nhã Ca, đều bị Nguyễn Q. Thắng gán cho nhãn hiệu 'vô sỉ'. Theo ông, các nhà văn này mà ông gộp chung là “những người cùng nhóm là một thứ 'vô sỉ' (cynique) trong văn chương. Nghĩa là họ đem những cái không đáng phô trương ra quảng diễn không chút e dè (Nguyễn Thị Thụy Vũ tr.455, Trùng Dương tr.872, Nguyễn Thị Hoàng tr.629,…)”. Nguyễn Q. Thắng thêm rằng Nguyễn Thị Thụy Vũ làm công việc này “khá nhiệt tình trên từng trang văn”, còn tác phẩm nhà văn Trùng Dương “đều được dựng nên bởi nhân sinh quan và thế giới quan một cách “hiện sinh”, buông xả và gần như vô sỉ” (tr. 872, 873). Nặng nề nhất là với nhà văn Túy Hồng mà Nguyễn Q. Thắng cho rằng cùng với các nhà văn nữ kia “từng gây nên hiện tượng văn học có tính nhục cảm dồn nén thể xác của các cô gái lỡ thì... (một cách) tiêu biểu nhất” (tr. 538). Đây là thứ ngôn ngữ của Vũ Hạnh và Tin Văn (do Nguyễn Ngọc Lương, Trần Bạch Đằng chi phối, điều khiển)!

Nhà văn Nhã Ca có lẽ bị nặng nề nhất trong bộ gọi là văn học sử này. Với mục đề “35-Thu Vân, nhà văn dùng tính dục để giải quyết vấn đề” mấy ai nghĩ là Nguyễn Q. Thắng nói về nhà văn Nhã Ca? Ở trang 639, “Thu Vân” biến thành “Trần Thị Thu Vân”, và khi viết về thơ Nhã Ca, không, về nhà thơ Thu Vân chớ, thì ông Nguyễn Q. Thắng viết như sau: “Bà còn là một thi sĩ với những thi đề có giá trị nghệ thuật của mĩ tính thi ca hiện đại có thể nói thơ bà Thu Vân vượt trên văn bà Thu Vân”. Sau đó ông trích bài thơ nổi tiếng của bà nhưng lại cắt mất một phần tựa đề chỉ vì trùng với bút hiệu thật của bà (Nhã Ca!): “Bài… Ca thứ nhất”!

Nhà văn Nhật Tiến khi viết về các nhà văn nữ này đã nhẹ nhàng nhận xét rằng “...những tác phẩm viết táo bạo của giới cầm bút phụ nữ, gây cho độc giả một ấn tượng mới mẻ về những ý tưởng muốn thoát ly cái vỏ phụ nữ Á-đông thuần túy...” (Bách Khoa, 1967). Gần đây, nhà thơ Du Tử Lê thì khẳng định rằng “Nhã Ca, nhà văn nữ nói “không” với dục tính” trong bài viết cùng tựa đề trên tờ Người Việt (CA) số 6-4-2010.

Bộ sách của ông Nguyễn Q. Thắng đã khiến người đọc nhận thấy sự hiện diện quẩn quanh của một chỉ thị nào đó của bộ chính trị!

Cách nhìn của mấy cây viết “phải đạo” như Vũ Hạnh, Lữ Phương, Trần Trọng Đăng Đàn, và nay Nguyễn Q. Thắng đã là một cái nhìn mang tính xã hội, chính trị của một quan niệm macho toàn trị, tức không mang tính văn chương; quan niệm bao cấp này đã lỗi thời và rất bất cập! Gần 10 năm trước, chúng tôi đã có dịp viết về đề tài Tính dục và nữ quyền này:

“Phải đến Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trùng Dương văn chương mới trở thành phương tiện cho nữ quyền và quyền sống. Thật vậy, từ cuối thập niên 1960, người viết nữ đã mạnh bạo đi xa hơn, tự tin hơn và những vấn đề phụ nữ được chính thức trương lên chữ nghĩa. Cái Tôi, nhân vật chính, nội dung, tình cảm, tình yêu, tình dục,... không còn là của riêng những nhà văn thơ phái nam (...) Văn chương dục tính hay có dâm tính lại do người nữ viết hình như hấp dẫn hơn vì cũng hình như có tính tự thuật nhiều hơn. Vì từ nay, người nữ làm chủ con người, tư duy, tình cảm và cuộc đời của họ trong văn chương. Làm người nữ, với văn chương! Simone de Beauvoir trong Le Deuxième Sexe (1949) đã phát động cái ý thức nữ quyền đó khi hô hào "On ne nait pas femme, on le devient". Trong văn chương, trong ngôn ngữ, vì là cái có thực, có sự sống. Như vậy, viết trở thành hành động tự xác định của người phụ nữ, trở thành phát ngôn viên chính thức của con người phụ nữ, tiếng nói chính thức và từ tình dục (…) Không đóng vai luân lý, đạo đức nhưng đối với văn chương dục tính, thiển nghĩ tính văn chương sẽ không ở lâu với những quẩn quanh tình dục không lối thoát. Không bắt buộc phải hướng thượng, nhưng nếu nhân vật, hành động và nội dung của văn chương cứ bị tình dục, thân xác giam hãm tù đày, định nghĩa về văn chương hình như đã bị hãm hiếp một cách tội nghiệp vậy! Đây là chỗ khép lại của nhiều thập niên thử nghiệm kể từ khi nhóm Sáng Tạo đề nghị buông thả và khai phá tình dục trong văn chương...”

Một quan niệm khác mà Nguyễn Q. Thắng hay nói đến và gán cho vài nhà văn, là sadisme. Theo các từ-điển thì sadisme có nghĩa là “thói loạn dâm gây đau” trong y học và một cách tổng quát chỉ những trò, những lối sống và cả bút pháp “chủ khoái lạc bạo tàn”. Bút pháp của nhà văn Duy Lam mà Nguyễn Q. Thắng gọi là “nhà văn của dòng họ” đã được ông gọi là “bút pháp nặng tính sadique của văn chương hiện đại tây phương” (tr. 256). Em ông, nhà văn Thế Uyên thì được xem là “một nhà văn thuộc trường phái sadique như ông tự nhận ‘có lẽ tôi hơi sadique’” (tr. 325). Khuynh hướng này nhà thơ Nguyên Sa ở Miền Nam đã là người đầu tiên sử dụng. Sadisme là một ý niệm, một style, nếu áp dụng vào lãnh vực văn chương thì cũng chẳng có gì tai hại cần phải nhấn mạnh.

4. Bất nhất về thời gian:

Với những nhà văn Việt Nam Cộng Hòa sống sót và thoát rời khỏi nước được, về sau tiếp tục sinh hoạt ở hải ngoại, Nguyễn Q. Thắng dừng tiểu sử họ và ngừng ghi tác phẩm của họ ở mốc 1975, trong khi các nhà văn của Việt Nam cộng sản hay theo Cộng thì lại được tỉ mỉ tiểu sử và tác phẩm đến ngày xuất bản bộ sách (2008-9). Một điểm khác nữa là Nguyễn Q. Thắng thường trích các tác phẩm đã đăng báo hơn là từ văn bản đã xuất bản của các tác phẩm và tác-giả đó. Vậy đây là một tuyển tập văn học qua báo chí hay văn học sử? Võ Phiến trước khi xuất bản các tuyển tập về Văn Học Miền Nam 1954-1975, đã cất công viết một tập Tổng Quan, trong khi bộ sách của Nguyễn Q. Thắng chỉ là một sưu tập và tiểu truyện về các tác giả Miền Nam với những giới thiệu có tính thương mại hơn là đi vào nội dung!

Xem bộ sách của Nguyễn Q. Thắng không khỏi nhớ đến dĩ vãng tàn độc đối với nền văn học của những kẻ sống ở Miền Nam, trong vùng Việt Nam Cộng Hòa bị chiến bại, đã bị 'kẻ thắng' xóa bỏ bằng những nghị định và chiến dịch: Nghị định 20-8-1975 của Lưu Hữu Phước bộ trưởng Thông tin văn hóa của chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam - nghị định cấm lưu hành sách báo xuất bản tại miền Nam trước đó. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV (1976) ghi rõ nhiệm vụ phải "quét sạch ảnh hưởng của tư tưởng và văn hóa thực dân mới" ở miền Nam (Trích từ Văn hóa văn nghệ miền Nam dưới chế độ Mỹ Ngụy (Hà Nội: Văn Hóa, 1977), tr. 8). Tháng 3-1976, từng đoàn từng đoàn cán bộ càn quét tịch thu hết sách báo xuất bản dưới thời chế độ cũ, để đốt, "tẩy". Chiến dịch thanh toán "bọn văn nghệ sĩ phản động" khởi đầu sáng 3-4-1976, hai ngày sau vụ nổ công viên con rùa đường Duy Tân: công an lùng bắt hầu hết văn nghệ sĩ và trí thức. Sau đó là tù đày, cải tạo, và khi nghi bóng nghi gió lại tiếp tục càn quét thu vén sách Việt Nam Cộng Hòa như vào tháng 3-1981, nhà cầm quyền ra hẳn một cuốn danh mục sách và tác giả cấm lưu hành. Những gì không xuất phát từ văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa và chuyên chính vô sản đều phải xóa bỏ, phủ định, vì "mảng" văn học này bị kết án là "đồi trụy hóa con người", "phục vụ xã hội tiêu thụ miền Nam" tức một thứ "văn học phục vụ chính trị phản động", phản cách mạng - những cái nhãn hiệu có thể làm tiêu mạng sống con người! Từ 1975 đến nay có hơn 20 cuốn sách phê phán xuyên tạc nền văn nghệ Việt Nam Cộng Hòa: văn học tay sai cho thực dân mới cũ nhưng đáng sợ như những trái bom! Như vậy, ngay sau khi "chiến thắng", các cán bộ và cả guồng máy liền gấp rút tấn công và thủ tiêu những thành tích văn hóa văn học ở Miền Nam trước khi họ đến.

Gần đây đã có vài cử chỉ có tính “xét lại”. Vài tác phẩm của nhà văn Việt Nam ở hải ngoại được xuất bản ở trong nước, dĩ nhiên đã qua gạn lọc (gần đây thêm Kiệt Tấn - Em điên xõa tóc, Hoàng Khởi Phong - Người trăm năm cũ). Riêng tác phẩm của các nhà văn Việt Nam Cộng Hòa từng bị cấm đoán sau 1975, nay cũng được tái bản (như của Dương Nghiễm Mậu, Lê Xuyên, Thế Uyên, Nhật Tiến, v.v...), vậy mà Nguyễn Q. Thắng làm công việc gọi là văn học sử lại không cho biết Phi Ích Nghiễm là Dương Nghiễm Mậu! Khi giới thiệu các truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu được NXB Phương Nam hợp tác với NXB Văn Nghệ xuất bản năm 2007, Phạm Xuân Nguyên đã có cái nhìn thích đáng hơn Nguyễn Q. Thắng:

“Văn chương dân tộc Việt Nam thế kỷ XX, do nhiều hoàn cảnh lịch sử và lý do khác nhau, đã không thuần nhất và thống nhất. Có một thực tế đã trở thành lịch sử là trong giai đoạn 1954 - 1975 đất nước bị chia thành hai miền lãnh thổ với hai thể chế khác nhau và dưới hai thể chế trên hai miền lãnh thổ ấy đã tồn tại hai nền văn chương khác biệt về ý nghĩa chính trị. Nhưng ở những tác giả và tác phẩm tiêu biểu, ở bên này hay bên kia, đó đều là văn chương đúng nghĩa, tức là có giá trị nhân bản, nhân văn đối với con người. Tôn trọng lịch sử thì phải thừa nhận một thực tế khách quan là văn chương Việt Nam thế kỷ XX có các bộ phận khác nhau, và để hình dung bức tranh đầy đủ về văn chương dân tộc thì phải có sự tổng hợp, thống nhất các giá trị văn chương đích thực từ các bộ phận cấu thành ấy. Độ lùi thời gian và hoàn cảnh chính trị xã hội hiện thời của đất nước đã tạo điều kiện cho việc này. Trên tinh thần đó, “Tủ sách văn học miền Nam trước 1975” do Nhà xuất bản Văn Nghệ và Công ty văn hóa Phương Nam phối hợp thực hiện là một ý tưởng và công việc cần thiết và hợp thời, trên cả hai phương diện chính trị và văn chương, đáng được trân trọng và ủng hộ. Lựa chọn in lại những tác phẩm có giá trị văn chương của các nhà văn nhà thơ từng sáng tác ở Sài Gòn giai đoạn 1954 – 1975 là nhìn văn học ở tư cách văn học dưới con mắt lịch sử. Hơn thế, đó còn là đưa trả lại cho văn chương nước nhà những giá trị xứng đáng của nó và đem lại cho độc giả văn chương những tác phẩm họ cần biết, cần đọc để hiểu đầy đủ, toàn diện hơn nền văn chương dân tộc thế kỷ XX. Có thời ném đá đi và có thời lượm đá về.

Bốn tập truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu (Đôi mắt trên trời, Cũng đành, Nhan sắc, Tiếng sáo người em út) vừa được ra mắt ở Nhà xuất bản Văn Nghệ là trên tinh thần này. Đọc nó, độc giả sẽ được phát hiện một nhà văn xuất sắc với một lối viết hiện đại, thấm đầy chất hiện sinh, đi sâu vào thân phận con người, phơi bày những cảnh ngộ làm người trong một thế giới nhiều bất trắc, phi lý. Do đó đọc ông không thể đọc theo kiểu ngoại quan mà phải bằng con mắt nội quan...” (Thể Thao & Văn Hóa, 13/4/2007).

Viết văn học sử mà gọi Nguyễn Đăng Sinh thay vì Mai Thảo, Đoàn Thế Nhơn thay cho Võ Phiến, Thu Vân và Trần Thị Thu Vân thay vì Nhã Ca, v.v... thì quả là bất thường thật! Không lẽ những danh tính nhà văn Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu, Võ Phiến, Nhã Ca, v.v… hãy còn nhạy cảm và gây dị ứng đến thế sao? (Dĩ nhiên không thể có Hồ Hữu Tường, Duyên Anh, Nguyễn Mạnh Côn, v.v... trong bộ sách của Nguyễn Q. Thắng!). Cũng cần nhắc lại, những nhà văn nhà thơ của Miền Nam bị giấu tên trong bộ sách của Nguyễn Q. Thắng nằm trong số 10 vị từng bị gọi là Những tên biệt kích của chủ nghĩa thực dân mới trên mặt trận văn hóa tư tưởng - tựa sách do nhà xuất bản Văn hóa in năm 1980 và tái bản nhiều lần. Tập này gồm 10 chương, nêu đích danh 10 nhà văn Miền Nam để xóa bỏ sự nghiệp văn hóa và văn học của họ, những người theo họ là nguy hiểm nhất vì ảnh hưởng “di hại” lâu dài. 10 “biệt kích” đó là Vũ Khắc Khoan, Doãn Quốc Sỹ, Nhất Hạnh, Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh, Dương Nghiễm Mậu, Mai Thảo, Võ Phiến, Hồ Hữu Tường và Nhã Ca.

Một nền văn học giấu mặt, danh xưng đảo lộn,... thì làm sao đến gần được sự thật mà lại còn lớn tiếng kêu gọi hòa hợp hòa giải? Và phải chăng nền “học thuật một nửa sự thật” này đã khiến cho một giảng viên đại học sư phạm đã không biết Tự Lực Văn Đoàn là gì, hoặc Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam là ai (Chương trình Ai là triệu phú? của đài truyền hình Hà Nội, 1-2007).

Chúng tôi tự hỏi không biết có nên thêm vào bài này rằng sau bộ sách Văn học Việt Nam nơi miền đất mới của Nguyễn Q. Thắng là vụ Nguyễn Đức Tùng in tập Thơ đến từ đâu gồm những phỏng vấn một số nhà thơ trong ngoài và sau đó là vụ Hội thảo văn học Việt – Mỹ sau chiến tranh được tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 5 đầu tháng 6 năm nay, 2010, vụ trước còn có lời ra tiếng vào, vụ sau chỉ có báo Nhà Nước Việt Nam đưa tin. “Con đường văn học Việt Nam vào Hoa Kỳ”: tên nghe kêu nhưng con đường đó chỉ đi rất giới hạn, từ Hà Nội đến Trung tâm William Joiner ở Boston rồi trở về, không quá khứ xa hơn, cũng không có tính truyền thống lẫn văn học!

Ngày song thất 2010

© 2010 Nguyễn Vy Khanh

© 2010 talawas

.

.

.

Đọc thêm :

VĂN HỌC MIỀN NAM: TỔNG QUAN - Võ Phiến

http://vnthuquan.net/truyen/thuyhu.aspx?tid=2qtqv3m3237n4nmn0ntn31n343tq83a3q3m3237nvn&AspxAutoDetectCookieSupport=1

VĂN HỌC MIỀN NAM: TỔNG QUAN - Võ Phiến

http://thuvien.maivoo.com/Triet-Hoc-Kinh-Te-c17/VAN-HOC-MIEN-NAM-TONG-QUAN-d52378

.

.

.

No comments: