Có người gọi cuộc hội thảo rất đặc biệt tại nhà khách Quốc Hội Hoa Kỳ nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Mỹ-Việt Nam vào ngày Thứ Tư vừa qua là một cuộc họp báo vì trong đó có phần hỏi của cử tọa và phần đáp của những nhân vật ngồi trên bàn chủ tọa. Nhưng gọi như thế nào thì đây vẫn là một sự kiện khá quan trọng, nhìn theo cách của những người quan tâm đến mối liên hệ mang tính chất tích cực hơn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Trong cuộc hội thảo, Thượng Nghị Sĩ Jim Webb của tiểu bang Virginia nhấn mạnh tới điều mà ông gọi là “dấu mốc quan trọng và là một bước tiến cho mối quan hệ Mỹ-Việt Nam, kết quả nhiều năm nỗ lực hàn gắn sự chia rẽ sâu đạm giữa hai quốc gia”. Ông nói: “...Trong 15 năm qua, hai phía đã có những bước đi nhằm giải tỏa những nút thắt trong quan hệ song phương...Và Việt Nam là một quốc gia quan trọng đối với nền kinh tế, văn hóa và an ninh của Hoa Kỳ”.
Là một thành viên trong Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện, đặc trách các vấn đề Đông Nam Á và Nam Á, Thượng Nghị Sĩ Jim Webb được nhắc nhở đến nhiều nhất kể từ khi ông tới Miến Điện rồi Việt Nam. Ít lâu sau các chuyến đi này, “biển đông nổi sóng” với sự tái ngộ của hạm đội Thái Bình Dương với hàng không mẫu hạm USS George Washington ghé vào ngoài khơi thành phố Đà Nẵng, nơi trong chiến tranh Việt Nam từng là căn cứ lớn của quân đội Hoa Kỳ và là nơi Đệ Thất Hạm Đội hoạt động nhộn nhịp trong các phi vụ oanh tạc Miền Bắc.
Tôi không tin là trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại lại có thể quá tin vào những cam kết của Hoa Kỳ đối với Việt Nam, vì trong quá khứ chính những đồng hương đã từng là nạn nhân của việc Hoa Kỳ quay lưng lại với đồng minh VNCH. Nhưng người ta cũng không thể phủ nhận một hình ảnh đang bày ra trước mắt: Việt Nam cần Hoa Kỳ và ngược lại Hoa Kỳ cũng cần Việt Nam. Để làm gì thì ai cũng thấy, đó là nhằm ngăn chặn bớt ảnh hưởng của Trung Quốc. Các chiến lược gia của Hoa Kỳ tránh gọi chiến lược này là ngăn chặn mà dùng một nhóm từ ngữ khác:”cân bằng cán cân lực lượng ở Biển Đông, Đông Nam Á và Nam Á”.
Điểm cần nhấn mạnh ở đây là Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký kết được với nhau một khung hiệp định về đầu tư và hiện theo như lời ông Trương Đình Tuyển cựu Bộ Trưởng Thương Mại của Việt Nam, hai bên đang “thương thảo và đàm phán một hiệp định khác là tự do hóa đầu tư”. Ông Tuyển luôn luôn nhấn mạnh rằng cả hai quốc gia Mỹ-ViệtNam cần “cân bằng trong những lãnh vực kinh tế-an ninh” và “mở rộng hợp tác trong những lãnh vực như khoa học công nghệ, giáo dục, kinh tế, nghiên cứu và đối phó với biến đổi khí hậu”.
Riêng về hợp tác quân sự, điều mà giới phân tích quốc phòng cho rằng sẽ phải có nhiều bước tích cực hơn giữa Washington và Hà Nội, vẫn chưa có gì được xác định ngoài việc hiện nay quân đội Hoa Kỳ đang huấn luyện tiếng Anh cho các sĩ quan quân đội Cộng Sản Việt Nam. Tuy nhiên, giới thạo tin đặt ra một vấn đề: “Không lẽ chỉ dạy tiếng Anh để trang điểm thêm cho những sĩ quan này. Phải dùng làm gì chứ?”. Câu hỏi hiện nay chỉ mới được trả lời bằng những đồn đoán và còn quá sớm để đưa ra một khẳng định. Bởi vì cho đến nay, tuy phản ứng của Việt Nam đối với các hành động quá đáng của Trung Cộng rõ ràng hơn trước, nhưng vẫn phải núp dưới cái bóng “không có tính chất chính thức”. Tất cả những người của phía Việt Nam tham gia vào cuộc hội thảo đều là các cựu bộ trưởng, cựu đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ. Bắc Kinh nếu có phản ứng, Hà Nội vẫn có thể nói: “Họ là những cựu viên chức chứ không phải đương kim trong chính phủ”.
Khi ông Joe Yun là Thứ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ đặc trách châu Á-Thái Bình Dương lên tiếng cho rằng “chính quyền Obama đã chứng tỏ được những nỗ lực và thành ý khi tham gia vào quan tâm nhiều đến những diễn biến trong khu vực này”. Có thể nói lời tuyên bố của Thượng Nghị Sĩ Jim Webb và ông Joe Yun tuy có thể làm phật lòng một số những người không ủng hộ chính sách đối với Việt Nam của Hoa Kỳ không hài lòng, nhưng nó cũng cho thấy một hàm ý là Hoa Kỳ sẽ không thay đổi chính sách “can dự” vào Biển Đông và Thái Bình Dương.
Can dự là không lãnh đạm với nền an ninh ở Biển Đông, một hải lộ rất quan trọng không những đối với các nước Đông Á, Đông Nam Á, Nam Á mà còn cho cả Hoa Kỳ. Can dự có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ phải theo đuổi một đường lối thực tế nào đó để giúp Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Sự giúp đỡ này phải được thực hiện theo một đường lối rất tế nhị, vì Washington chắc cũng không muốn đối đầu với Trung Quốc một cách căng thẳng do mối liên hệ buôn bán giữa hai cường quốc này còn rất sâu nặng.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ là một quốc gia dân chủ, Tổng Thống Barack Obama không thể tự do muốn làm gì thì làm. Khi kết thân với Việt Nam để lôi cuốn đất nước này vào mặt trận ngăn bớt ảnh hưởng của Trung Quốc, Hoa Kỳ vẫn phải giải tỏa những mô đắp trên con đường tiến tới sự hợp tác. Đó là hồ sơ tệ hại về nhân quyền của Việt Nam. Việc Hà Nội phải tẩy rửa bớt những tì vết trong hồ sơ khá dầy này vẫn là một trong những đòi hỏi của Quốc Hội Hoa Kỳ.
Vì thế, người ta thấy một học giả Mỹ gốc Việt Nam duy nhất trong cuộc họp là giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng đã lên tiếng nhấn mạnh rằng đây là cơ hội để ông nói thẳng vào những vấn đề nhân quyền. Ông khuyến cáo rằng Hà Nội không nên coi thường chuyện này vì cho đến nay, đề tài nhân quyền vẫn là mối quan tâm không phải chỉ riêng đối với người Mỹ bản xứ mà còn đối với người Mỹ gốc Việt. Từ lâu, cộng đồng Mỹ gốc Việt luôn luôn bày tỏ sự lo ngại việc cải thiện nhân quyền ở Việt Nam đã không có những bước phát triển như mong đợi. Mối e ngại này không có gì quá đáng. Việc tuyên bố ngưng thi hành án với linh mục Nguyễn Văn Lý mới chỉ là muối bỏ bể so với những biện pháp mà ngành an ninh Việt Nam mới đưa ra vào lúc chỉ còn vài tháng nữa là đến ngày khai mạc đại hội đảng Cộng Sản Việt Nam. Những biện pháp ấy bao gồm việc kiểm soát chặt chẽ internet, những người viết blog cũng như siết chặt việc không có những nhà bất đồng chính kiến liên lạc với nhau. Không những thế, Thứ trưởng Bộ Công An Nguyễn Văn Hưởng còn đưa ra lời đe dọa những trí thức cứng đầu trong nước là họ sẽ bị đụng xe hay bị đầu độc nếu làm cho đại hội đảng “mất ý nghĩa” của nó.
Những nhà hoạt động nghiêng về thực tế cho rằng hồ sơ nhân quyền của Việt Nam vẫn còn là một vấn đề nan giải và không thể trông mong hai bên giải quyết công khai. Cho đến nay, một cựu đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ là ông Lê Văn Bàng vẫn còn giữ luận cứ cũ khi nói rằng ý kiến của hai nhà nước vẫn còn khác nhau về đề tài này, vì nếu không cẩn thận khi bàn vấn đề nhân quyền thì Việt Nam có thể hiểu lầm những quan điểm của Hoa Kỳ. Ông ta cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm liên quan đến chủ quyền độc lập của Việt Nam.
Một lần nữa Lê Văn Bàng dùng lại một lập luận mà những nhà ngoại giao Việt Nam Cộng sản thường dùng năm 1998: nhân quyền Việt Nam khác, nhân quyền Hoa Kỳ khác. Hà Nội thời ấy đã dựa trên căn bản chủ quyền độc lập của một quốc gia để gắn liền với hồ sơ nhân quyền Việt Nam. Nhưng cho tới nay tình hình đã thay đổi. Tuy Hoa Kỳ nhất mực chối bỏ sự can thiệp vào những vụ thả một số người Mỹ gốc Việt trước đây bị lực lượng an ninh Việt Nam bắt giữ và bị cáo buộc những tội danh khá nặng, nhưng làm sao biết được điều gì đã xảy ra tại hậu trường chính trị Việt Nam giữa Sứ quán Hoa Kỳ và nhà cầm quyền Hà Nội. Cho nên, vấn đề nhân quyền Việt Nam luôn luôn được đặt ra trong bất cứ hoạt động nào của các nhà ngoại giao hay các viên chức chính quyền Hoa Kỳ khi công cán ở Việt Nam, nhưng kết quả không có gì đáng kể so với nguyện vọng được gởi cho nhà cầm quyền Hà Nội. Những thập niên trước, Hoa Kỳ vẫn dùng cách giải quyết những vấn đề tế nhị sau hậu trường ngay đối với cả VNCH, đến nỗi các nhà báo Tây phương ở Saigon cứ thấy xe của Đại sứ Ellsworth Bunker rời sứ quán vào dinh Độc Lập là họ đoán non đoán già về những áp lực của Hoa Kỳ đối với cách cư xử của những nhà lãnh đạo Saigon với phe đối lập hay đối với ngoại viện.
Tôi tin là cho tới nay Hoa Kỳ vẫn dùng đường lối này nhưng khéo léo hơn mà thôi. Việt Nam ngày nay không phải là VNCH khi xưa. Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam vẫn còn là một nước Cộng sản, độc đảng và độc tài dù đã có nhiều thay đổi về kinh tế. Những nhà lãnh đạo tại Việt Nam hiện nay tuy cố gắng hội nhập với thế giới bên ngoài, nhưng thể diện đối với họ vẫn là vấn đề hết sức quan trọng. Đây là cái bệnh chung của tầng lớp lãnh đạo ở những nước Cộng Sản. Hoa Kỳ biết như vậy nên đã chọn lựa cách giải quyết: cứ để cho họ nói gì thì nói để giữ thể diện cho họ, nhưng trong hậu trường khi nói chuyện cụ thể, Hà Nội cần phải lựa chọn dứt khoát trong cách giải quyết từng vụ việc một. Hai cựu tổng thống Mỹ, Bill Clinton và Jimmy Carter đã phải thân chính đến Bình Nhưỡng để “đánh tháo” những người Mỹ bị bắt giam dưới cái ô của những tổ chức phi chính phủ (NGOs). Điều này đã không làm Bình Nhưỡng mất mặt vì trước đó họ kết án những người Mỹ bị bắt nào là tội gián điệp, nào là mưu toan gây loạn tại đất nước họ, nhưng cuối cùng họ vẫn phải thả những người Mỹ bị bắt ra. Hoa Kỳ đã thành công trong việc thực hiện chính sách đối ngoại sau hậu trường.
Vì thế, trong một giai đoạn nào đó, vấn đề nhân quyền Việt Nam sẽ được giải quyết theo cách thức cũ trước khi chính thức có những thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, để cho những áp lực đối với hồ sơ nhân quyền tại Việt Nam cao hơn, cộng đồng người Việt tại hải ngoại không thể khoán trắng cho những nhà ngoại giao Hoa Kỳ trong vấn đề giải quyết những hồ sơ nhân quyền. Cộng đồng cũng cần can dự nhiều hơn trong những nỗ lực thúc đẩy Việt Nam phải cải thiện quyền con người bằng một cuộc vận động bền bỉ và hiệu quả tại Quốc Hội Hoa Kỳ để thành đạt những cơ hội điều trần về nhân quyền và tự do ngôn luận cho Việt Nam. (V.A.)
No comments:
Post a Comment