Đứng nguyên một chỗ, lùi thêm một đời
Phạm Trần
Đăng ngày 16/09/2010 lúc 18:59:17 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=5110
3 Dự thảo Văn kiện của đảng Cộng sản Việt Nam đem ra thảo luận tại Đại hội XI toàn quốc vào tháng 1 năm 2011 đã được phổ biến ngày 15/9/2010 để lấy ý kiến cán bộ, đảng viên và toàn dân,nhưng đảng đã đạp lên những điều viết chưa ráo mực mang danh nghĩa “dân chủ xã hội”.
Để chứng minh cho việc làm giấu đầu hở đuôi, dân chủ trá hình này, mọi người hãy đọc trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011): “Nhà nước gắn bó chặt chẽ với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân”.
Đảng cũng hứa trong Báo cáo Chính trị: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân; cán bộ, công chức thật sự là công bộc của nhân dân. Nâng cao ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân, năng lực làm chủ, tham gia quản lý xã hội của nhân dân. Có cơ chế cụ thể để nhân dân thực hiện trên thực tế quyền làm chủ trực tiếp. Thực hiện tốt hơn Quy chế dân chủ và Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở. Phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm công dân, kỷ luật, kỷ cương xã hội; phê phán và nghiêm trị những hành động vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, những hành vi lợi dụng dân chủ để gây rối; chống tập trung quan liêu, khắc phục dân chủ hình thức. Quan tâm hơn nữa việc chăm lo hạnh phúc và sự phát triển tự do, toàn diện của con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam ký kết”.
Vậy mà vào ngày 10/9/2010, khi ban hành văn bản (số 112-HD/BTGTW) hướng dẫn việc công bố và lấy ý kiến góp ý của các tổ chức, cán bộ, đảng viên và nhân dân vào các dự thảo văn kiện Ban Chấp hành Trung ương (khoá X) trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ra lệnh cho toàn hệ thống đảng phải thi hành những việc như sau:
-“Việc đăng, phát trên phương tiện thông tin đại chúng các ý kiến góp ý cần có sự chọn lọc, thận trọng, đảm bảo phát huy được trí tuệ, dân chủ của nhân dân, không để những phần tử xấu lợi dụng diễn đàn công kích, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta”.
-“ Đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc quan điểm, đường lối của Đảng, kết hợp đấu tranh trực diện với việc tuyên truyền khẳng định những thành tựu của đất nước”.
- “Không đăng và phát trên các phương tiện thông tin đại chúng những ý kiến phản bác chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về học thuyết Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, về vai trò lãnh đạo của Đảng; những vấn đề cần giữ bí mật về quốc phòng, an ninh đối ngoại, những ý kiến đả kích cá nhân hoặc tổ chức đảng cơ quan nhà nước”.
Chỉ thị này do Nguyễn Bắc Son, Phó Trương Ban Tuyến giáo Trung ương ký tên còn ra lệnh:
- “Bộ Thông tin và Truyền thông: Chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương mở các chuyên trang chuyên mục, chuyên đề đặc biệt tuyên truyền các dự thảo văn kiện. Chỉ đạo, theo dõi, kiểm soát việc đăng, phát và tổng hợp ý kiến góp ý cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chỉ đạo đấu tranh chống các luận điệu sai trái, tiêu cực xuyên tạc các dự thảo văn kiện trên diễn đàn thông tin đại chúng”.
- “Ban Tuyên giáo tham mưu cho cấp uỷ nội dung thảo luận tại đại hội cơ sở; chỉ đạo công cụ thông tin của ngành, lĩnh vực tuyên truyền nội dung văn kiện, biên tập tài liệu hướng dẫn đoàn viên, hội viên tìm hiểu, nghiên cứu văn kiện; theo dõi tình hình tư tưởng, dư luận về các vấn đề của văn kiện trong đối tượng phụ trách”.
- Các Ban Tuyên giáo địa phương phải: “Theo dõi các sinh hoạt chính trị, nắm tình hình tư tưởng, dư luận cán bộ, đảng viên, nhân dân xung quanh các dự thảo văn kiện. Tham mưu cho cấp uỷ công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng trong nội bộ và chỉ đạo đấu tranh đối với các thế lực thù địch”.
Như vậy thì dân chủ ở lỗ nào chui lên trong chế độ độc tài, đảng trị và tự biên tự diễn là “nhà nước pháp quyền” ?
Não trạng tê liệt
Trong nội dung tất cả 3 Văn kiện, chỗ nào đảng CSVN cũng giành quyền làm chủ của dân để cai trị mà cứ hô lên là nhân dân muốn mình làm như vậy nên Cương lĩnh đã tự ý hợp thức hoá vai trò lãnh đạo cho đảng tự thoả mãn: “Đảng không có lợi ích nào khác ngoài việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đảng phải nắm vững, vận dụng sáng tạo và góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng làm giàu trí tuệ, bản lĩnh chính trị và năng lực tổ chức để đủ sức giải quyết các vấn đề do thực tiễn cách mạng đặt ra”.
Cho đến Thế kỷ XXI, sau khi nhân dân Nga đã vứt Chủ nghĩa Mác-Lênin vào thùng rác được 18 năm mà Đảng CSVN vẫn còn thương vay khóc mướn rằng: “Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ là một tổn thất lớn đối với phong trào cách mạng thế giới” thì có lẽ cái đảng này còn bảo hoàng hơn cả các vua chúa thời Nga hoàng.
Vì vậy mà không ai ngạc nhiên khi thấy đảng CSVN tìm mọi cách để trù yểu Chủ nghĩa Tư Bản như họ viết trong Cương lĩnh rằng: “Hiện tại, chủ nghĩa tư bản còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. Những mâu thuẫn cơ bản vốn có của chủ nghĩa tư bản, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hoá ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, chẳng những không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc. Khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội vẫn tiếp tục xảy ra. Chính sự vận động của những mâu thuẫn nội tại đó và cuộc đấu tranh của nhân dân lao động các nước sẽ quyết định vận mệnh của chủ nghĩa tư bản”.
Ảo tưởng hão huyền như thế vì những người sọan ra Cương lĩnh vẫn chưa hiểu, hay cố tình che tai trước lời tuyên bố chân thành mới đây của Lãnh tụ Nhà nước Cuba, Fidel Castro, với Nhà báo Jeffrey Goldberg của tạp chí The Atlantic. Trong một cuộc phỏng vấn cho số Báo tháng 10/2010, Fidel Castro đã nói: “Mô hình
Có thể người CSVN cãi cối rằng kinh tế Việt Nam khác với kinh tế Cuba, nhưng nền kinh tế được gọi là “thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” vẫn do Nhà nước nắm vai “quản lý”, “chủ đạo” của Việt Nam là chủ trương dành đặc quyền, đặc lợi cho các doanh nghiệp nhà nước để cho đảng, nhất là những kẻ có chức, có quyền tự do thao túng, làm giầu trên sức lao động bằng mồ hôi và nước mắt của người dân.
Bằng chứng nhãn tiền đã xảy ra với Tổng Công ty tầu thủy Vinashin bị phá sản với khoản nợ khổng lồ 86,000 tỷ đồng trên tổng số vốn 90,000 tỷ đồng.
Người có trách nhiệm lớn nhất trong vụ này là Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng vì Dũng chủ trương và ủng hộ thành lập các tập đoàn kinh tế lớn. Chính phủ đã ngửa tay đi vay tiền nước ngoài 750 triệu dollars trao cho Vinashin đầu tư để bây giờ tiêu tan mà vẫn không có ai bị cách chức mà lại để cho dân gánh chịu thì chỉ có ở Việt Nam trong thời Cộng sản bao che mới có chuyện thổ tả này !
Điểm tối dạ thứ hai là Cương lĩnh bổ sung vẫn giữ nguyên quan điểm tăm tối của Cương lĩnh năm 1991 khi viết rằng: “Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”.
Căn cứ vào đâu để đảng CSVN ăn nói bừa bãi như thế? Nếu nhân lọai muốn bỏ chủ nghĩa Tư bản để theo Chủ nghĩa Xã hội thì nhân dân các nước Cộng sản Đông Âu và khối Liên Xô cũ đã không đứng lên xoá bỏ chế độ lạc hậu của nước họ.
Vậy mà trong Cương lĩnh năm 2011, đảng CSVN vẫn tiếp tục chúi đầu xuống cát để kiên định thứ Chủ nghĩa đã bị nhân dân Nga, thành trì của Chủ nghĩa Mác-Lênin, vứt vào sọt rác từ năm 1992.
Quá độ mệt nghỉ
Đảng “ta” viết trong Cương lĩnh: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt
Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ”.
Họ còn nói viển vông: “Mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng xong về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hoá phù hợp, tạo cơ sở làm cho nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh.
Từ nay đến khoảng giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Một nửa thế kỷ là 50 năm, nhưng bây giờ mới qua 10 năm mà đất nước vẫn trì trệ đứng nguyên sau 24 năm đổi mới thì đến bao giờ người dân Việt
Nhưng cứ giả thử như đảng CSVN sẽ đưa Việt Nam tiến lên một nước “công nghiệp hiện đại” thì còn các yếu tố tối cần khác như “dân chủ, công bằng, văn minh, do nhân dân làm chủ” thì 40 năm sau chắc gì đã có?
Vậy đảng còn bắt dân phải “quá độ” đến bao nhiêu năm nữa, hay chính đảng cũng ngu ngơ mù mịt như người rừng về thành phố?
Đảng CSVN cũng vẽ ra cái xã hội lý tưởng phải đạt tới là “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ”, nhưng đến bao giờ xã hội lý tưởng này mới có, hay sẽ muôn đời không tìm thấy đâu nếu đảng CSVN vẫn cai trị đất nước như hiện nay?
Vì vậy người dân trong nước đã muốn đảng cho họ biết phải “quá độ” đến bao giờ ? Nhiều đảng viên cũng muốn đảng cho họ biết “dứt khoát tư tưởng” một lần cho xong, chứ cứ ỡm ờ mãi thì không chừng sẽ chết cả lũ !
Nhưng đảng thì dường như họ đã mất đi quá nhiều thính giác và thị giác nên cứ khư khư quan điểm: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại; là di sản tư tưởng và lý luận vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi.”
Thật tội nghiệp cho hai giai cấp công nhân và lao động là những người đã hy sinh nhiều nhất nhưng lại tiếp tục chịu nhiều thiệt thòi hơn mọi người trong xã hội bây giờ. Lớp người cùng đinh này những tưởng những mất mát của họ trong 30 năm chiến tranh sẽ được Đảng đền bù khi có hoà bình, nào ngờ sau 35 năm im tiếng súng họ còn bị đảng quay lưng phản bội và tiếp tục cho ăn bánh vẽ là “đại biểu trung thành” của mình !
Vậy mà, trong Cương lĩnh mới, đảng vẫn không biết ngượng để tiếp tục lý luận áp chế và tiếm quyền làm chủ đất nước theo lối cả vú lấp miệng em rằng: “Đảng Cộng sản Việt
Đảng còn hưá: “Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Để đảm đương được vai trò lãnh đạo, Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực lãnh đạo. Giữ vững truyền thống đoàn kết thống nhất trong Đảng, bảo đảm đầy đủ dân chủ và kỷ luật trong sinh hoạt Đảng. Thường xuyên tự phê bình và phê bình, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội và mọi hành động chia rẽ, bè phái. Đảng chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, có phẩm chất, năng lực, có sức chiến đấu cao; quan tâm bồi dưỡng, đào tạo lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân”.
Lạy Trời, lạy Phật! Nếu đảng CSVN đã làm được những việc như họ viết trong Cương lĩnh từ 20 năm qua, kể từ khi Cương lĩnh 1991 ra đời, thì quốc nạn tham nhũng, lãng phí tiền mồ hôi nước mắt của dân đâu có còn cao hơn núi như hiện nay. Nạn mua quan, bán tước, mua bán bằng gỉa, suy thoái đạo đức, phẩm chất trong hàng ngũ cán bộ đảng viên cũng đã biến mất từ lâu rồi chứ đâu có thể bám trụ mãi như đảng đã thừa nhận trong Báo cáo Chính trị ?
Hơn nữa, nếu quyền làm chủ đất nước và quyền giám sát của người dân được đảng chấp hành như các văn kiện đảng viết thì đảng CSVN cũng đã biến mất từ khuya rồi chứ đâu còn tồn tại để tiêp tục đè đầu, bóp cổ dân đen như bây giờ ?
Thế mới biết câu nói: “đừng nghe những gì Cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản làm” của Cố Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà Nguyễn Văn Thiệu vẫn còn có nhiều ý nghĩa, nhất là đối với hoàn cảnh của đất nước trong lúc đảng CSVN chuẩn bị tổ chức Đại hội đảng lần thứ 11 vào tháng 1 năm 2011.
Vì vậy nội dung của 3 Văn kiện: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, và Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 đã phản ảnh một não trạng xơ cứng, giáo điều, bảo thủ và tê liệt của một cơ thể hết máu không còn cử động được nữa.
Chúng chỉ là những thây ma không hồn đang níu chân dân tộc đứng lại để lùi thêm một đời.
Phạm Trần
© Thông Luận 2010
.
.
.
No comments:
Post a Comment