Thursday, September 23, 2010

TUẦN LỄ VĂN HÓA TẠI SAN JOSE

Thứ Bẩy ngày 11 và Chủ Nhật, 12/9/2010 tại San Jose vừa diễn ra trong một ngày rưỡi phần chính yếu của “Tuần Lễ Văn Hóa” mà nòng cốt của ban tổ chức là nhóm Vietology của Tiến Sĩ Trương Bổn Tài, Giáo Sư Kinh Tế Trường Đại Học San Jose State University.
.
“Tuần Lễ Văn Hoá” là môt sinh hoạt hiếm hoi. Phải nói là rất hiếm, không những hiếm mà còn rất khó tổ chức, ngay cả đối với một cơ quan nhà nước chứ đừng nói là một nhóm tư nhân. Đó là một điểm đáng khen cho nhóm chủ yếu tổ chức sinh hoạt này là nhóm “Vietology”.
Ban tổ chức gồm 9 người trong đó 4 người không thuộc nhóm Vietology là Luật sư Ngô Văn Quang, Dược sĩ Lưu Văn Vịnh, Tiến sĩ Bùi Anh Thư và tôi.
.
Ngay trong buổi họp đầu tiên của ban tổ chức, với kinh nghiệm hổ trợ nhà văn Duy Lam tổ chức một “Tuần Lễ Văn Hóa” tại Đà nẵng, một tuần lễ văn hoá duy nhất do một nhóm tư nhân tổ chức, trước 1975, tôi nêu những khó khăn lớn lao như, tài chánh (di chuyển, ăn ở của các diễn giả; thuê địa điểm), các công tác hỗ trợ như đưa đón các diễn giả, kỹ thuật high tech áp dụng trong các buổi thuyết trình; mời các diễn giả có “tầm cỡ” chuyên môn, và khó khăn cuối cùng là “làm sao có được đông đảo người tham dự”. Cái khó khăn cuối cùng mới là khó khăn chủ yếu, vì một sinh hoạt văn hóa thuần túy, nặng về chuyên môn học thuật và nghiên cứu như “Tuần Lễ Văn Hóa” này sẽ khó thu hút đông đảo quần chúng. Nhưng với sự lạc quan dường như “cố hữu”, Giáo Sư Tài cho biết với kinh nghiệm tổ chức và tham gia 3 kỳ tổ chức “Tuần Lễ Văn Hóa” trước tại San Jose và Úc châu, ông tin sẽ vượt qua được các khó khăn vừa nêu.
.
Trong phiên họp cuối cùng tổng kết mọi công việc chuẩn bị trước khi khai mạc, Thẩm phán Phan Quang Tuệ nói theo cung cách tổ chức của Mỹ, vấn đề ngân sách là vấn đề phải được nêu lên đầu tiên và hàng đầu. Nhưng khi hỏi tới vấn đề ngân sách của nhóm thì mọi người nhìn vào mấy anh chị em của nhóm Vietology và được nghe câu trả lời, có vẻ hồn nhiên, “Chưa có!” Đó là cung cách quản trị và tổ chức của “Việt Nam”. Nhưng cung cách đó cũng thể hiện một nét văn hóa đặc thù Việt Nam là “Ăn cơm nhà, vác ngà voi, mà lại phải bỏ tiền túi ra chi phí cho tổ chức…”
Điều quan trọng nữa là chương trình phải mời được các diễn giả có hai tiêu chuẩn, vừa có chuyên môn cao vừa có lối trình bày hấp dẫn.
.
Về đòi hỏi một lối trình bày hấp dẫn, ban tổ chức yêu cầu các diễn giả tôn trọng tuyệt đối nguyên tắc “Không nói quá 30 phút” và xử dụng các phương tiện thính thị kỹ thuật cao. Phương tiện này đã sẵn có tại phòng hội rộng bằng hai phòng học đại học bình thường nằm trên tầng hai của thư viện hiện đại có đẳng cấp quốc tế là thư viện Dr. Martin Luther King Jr. Đây là thư viện mới hoàn tất cách nay khoảng hai, ba năm và có lẽ là thư viện duy nhất trên thế giới vừa dưới sự quản trị của thành phố vừa dưới sự quản trị của Trường Đại Học San Jose State University. Chính nhờ có địa điểm mang tính cách “đại học” này mà tám cuộc thảo luận đã diễn ra trong bầu không khí nghiên cứu học thuật. Nhưng bầu không khí nghiên cứu học thuật đã không bị khô cứng nhờ việc các diễn giả, với sự trợ giúp của hai điều hợp viên trong mỗi buổi thảo luận, đã tôn trọng tuyệt đối nguyên tắc không nói quá thời lượng qui định. Sự giới hạn của thời lượng trình bày đã khiến nội dung các bài thuyết trình sinh động hơn bởi vì tác giả phải cố gắng tóm lược các tinh túy nhất trong công trình nghiên cứu của mình. Đôi khi công trình nghiên cứu đó dài tới ba cuốn sách dầy như của ông Nguyễn Cảnh Hậu, hay hai cuốn hơn tám trăm trang như của Bác Sĩ Nguyễn Xuân Quang.
.
Sự sinh động trong cuộc thuyết trình của mười ba diễn giả một phần nữa là do tận dụng phương pháp thuyết trình hiện đại với các dàn bài tóm lược cho powerpoint cùng với các hình ảnh minh họa. Với các diễn giả đã hay đương là Giáo Sư Đại Học tại Hoa Kỳ như các GS Đàm Trung Pháp, Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Xuân Quang, Lê Phục Thủy, Trương Bổn Tài, thì việc xử dụng high tech trong thuyết trình là “chuyện thường ngày”. Nhưng với các vị khác thì ban kỹ thuật dưới sự điều động của GS tin học Nguyễn Sơn Anh Tuấn đã mau chóng biến các bài thuyết trình dài thành những hình ảnh ngắn gọn trên màn ảnh. Một vất vả khác nữa về phương diện kỹ thuật là làm sao có được kịp thời tập “Kỷ Yếu” gồm tất cả các bài thuyết trình trước khi Tuần Lễ Văn Hóa khai mạc để đáp ứng nhu cầu của người tham dự. Một số bài thuyết trình vào ngày cận kề mới nhận được, thế nhưng với background về tin học từ trường Đại Học Berkeley, chị Bùi Anh Thư đã kịp hoàn tất phần layout tuyệt đẹp, gọn gàng, mầu sắc rực rỡ tập “Kỷ Yếu” để chị Vĩnh Thanh Thảo, một sinh viên Tiến Sĩ về quản trị hoàn tất kịp thời phần ấn loát và đóng tập ngay buổi sáng trước khi khai mạc.
.
Những công việc nêu trên nghe có vẻ dễ dàng nhưng bắt tay vào việc thì không dễ lắm đâu. Đó là những điểm son về phương diện tổ chức một sinh hoạt văn hóa đa dạng và phức tạp mà cộng đồng người Việt hải ngoại ít có. Riêng với cá nhân tôi thì chưa thấy có.
.
Về phương diện tổ chức chỉ có một khiếm khuyết nhỏ là giờ khai mạc chậm bốn mươi lăm phút. Đứng trên bình diện sinh hoạt văn hóa thông thường của cộng đồng người Việt hải ngoại thì thời gian chậm trễ này là thông lệ. Nhiều người thường nói, “Không chậm trễ không phải là người Việt Nam”. Nhưng với một thành phần ban tổ chức cũng như các diễn giả hầu hết đã học tập và làm công tác văn hóa tại Hoa Kỳ thì khiếm khuyết này là điều ban tổ chức thấy áy náy. Nguyên do là vì ban tổ chức đã để giờ khai mạc trùng với giờ mở cửa của thư viện trong khi “chìa khóa” mở cửa thư viện không nằm trong tay ban tổ chức.
.
Là một trong bốn người điều hợp (moderator) các cuộc thảo luận, cũng như Thẩm Phán Phan Quang Tuệ, Nữ Luật Sư Michelle Thanh Mai, từ Nam Cali, và Giáo Sư Lưu Văn Vịnh, tôi phải đọc hết một trăm trang các bài tham luận của các diễn giả. Trong phiên họp chuẩn bị cuối cùng, tôi cho biết có ba bài thuyết trình tôi hoàn toàn không hiểu nên xin cho tôi không làm người điều hợp cho ba diễn giả này. Thật là một ngạc nhiên, Tiến sĩ Tài cho biết, “Anh đừng lo, nhiều người cũng chẳng hiểu gì cả!” Thế rồi trong buổi thuyết trình chiều chủ Nhật, Thẩm Phán Phan Quang Tuệ, Cựu thẩm phán Lê Duy San, Giáo Sư Lê Phục Thủy, một diễn giả của Tuần Lễ Văn Hóa, cũng cho biết có nhiều điều một số diễn giả trình bày các ông cũng không hiểu gì cả. Để trở thành một trí thức thực sự, bất kể học vị ra sao, trước hết người đó phải thành thực. Các vị vừa được nêu tên đã rất thành thực.
.
Thực sự ra có ba bài khó hiểu nhất là bài “Văn Hóa Thái Hoà và Minh Triết Việt” của ông Nguyễn Cảnh Hậu, bài “Giải Mã Huyền Thoại Việt” của ông Nguyễn Hòe và bài “Trống Đồng là Trống Biểu của Hùng Vương” của Bác Sĩ Nguyễn Xuân Quang. Nhưng cuối cùng nhờ powerpoint mang lại những dẫn giải rõ ràng qua hình ảnh các hoa văn trên trống đồng, người tham dự có thể hiểu được phần nào bài thuyết trình của Bác Sĩ Quang. Một bài thuyết trình mười phút lạ lùng nhất là của ông Đỗ Ngọc Thành cho rằng chữ Nôm có trước chữ Hán. Dĩ nhiên ông Thành cũng đã có những chứng minh cho luận điểm của ông. Nhưng những ai muốn kiểm chứng những dẫn chứng đó cần thời gian tìm hiểu thêm. Điều làm ngạc nhiên mọi người là ông Thành là người Hoa sinh quán tại Bình Dương, Việt Nam nhưng nguyên quán là Triều Châu, Quảng Đông, Trung Quốc.
.
Nói chung, các nghiên cứu về cổ sử, trống đồng, và chữ Nôm của các diễn giả với sự vận dụng các thuyết về khảo cổ mới nhất trong đó có thuyết dựa trên DNA, liên quan tới sự di chuyển của các dân tộc trên thế giới trong suốt lịch sử hàng triệu năm xuất hiện của con người trên trái đất đều muốn chứng minh rằng dân “Việt” ngày nay trên mảnh đất hình chữ S xuất phát từ vùng đất Trung Nguyên miền Hoa Nam Trung Quốc. Dòng giống Việt tộc này đã từng có một nền văn minh rực rỡ nhất thế giới. Qua một ngày rưỡi thuyết trình và hội thảo, người nghe cảm thấy thoải mái với các thuyết trình “nặng ký” và khô khan như thế. Đó là một thành công của các diễn giả cũng như ban tổ chức.
.
Nhưng không phải bài thuyết trình nào trong “Tuần Lễ Văn Hóa” đó cũng “nặng ký” và khô khan. Có ba bài với nội dung rất nhẹ, dễ thẩm nhập với mọi giới và quan trọng là tạo thích thú, đó là bài “Vài Nét Đặc Thù Của Ngôn Ngữ Việt” của Giáo Sư Đàm Trung Pháp, bài “Văn Hóa Hữu Lễ và Mẫu Người Hiền Lành” của Giáo Sư Lưu Văn Vịnh và bài “Vai Trò của Hội Họa Trong Văn Hóa Việt Nam” của Giáo Sư Lê Phục Thủy. Nội dung của ba bài thuyết trình này ai cũng thấy rồi nhưng không phải ai cũng nhận ra những điều lý thú như các diễn giả đã đề cập.
.
Với chuyên môn giảng dậy ngữ học, Giáo Sư Đàm Trung Pháp đã có lối diễn thuyết dí dỏm, nhẹ nhàng, với những dẫn chứng là những câu Kiều hay những câu thường ngày đã mang tới cho người nghe những nhận xét của ông về tiếng Việt mà ít người để ý. Một trong mấy nét đặc thù đó là tiếng Việt rất thường khi không cần “chủ từ”, nhưng người đọc hay người nghe vẫn hiểu. Và không ít khi hiểu “sai”, hiểu lầm. Điều này hoàn toàn trái với tính chính xác, rõ ràng trong tiếng Anh hay tiếng Pháp.
.
Giáo Sư Lưu Văn Vịnh có bài thuyết trình với nội dung còn phổ thông hơn nữa, “Văn Hóa Hữu Lễ và Mẫu Người Hiền Lành”. Nhưng trong những điều phổ thông thường ngày đó ông vẫn nêu lên được mấy đặc điểm của văn hóa Việt mà không phải ai cũng thấy. Một trong mấy đặc điểm văn hóa Việt ông nêu lên khiến tôi thích thú là, “cái trật tự xã hội Việt Nam đã nằm trong cách xưng hô trong tiếng Việt.” Theo ông, đây là một đặc điểm không một ngôn ngữ nào trên thế giới có.
.
Diễn giả tạo thoải mái cho người nghe nhất có lẽ là Giáo Sư Lê Phục Thủy. Ông là một Giáo Sư Tiến Sĩ Khoa học, nhưng đồng thời lại là một hoạ sĩ chuyên nghiệp, có nghiên cứu về khoa học, giáo dục, triết học và nghệ thuật. Đề tài của ông có tính cách phổ thông nhất, “Hội hoạ trong văn hóa Việt Nam thời cổ”. Nói một cách đơn giản, ông giới thiệu về loại tranh tết, tranh gà, lợn, tranh cô gái hứng dừa v…v… Những bức tranh trên giấy bồi, “tầm thường” khiến nhiều khi người ta chỉ “liếc mắt qua một tí” đã trở nên hấp dẫn qua mười phút trình bày sinh động, vui nhộn kèm theo các bức tranh minh họa đẹp, mầu sắc rực rỡ trên màn hình powerpoint.
.
Về phẩm, có thể nói các buổi diễn thuyết, hội thảo là rất thành công. Mọi người tham dự say mê, thảo luận sôi động. Nhưng về lượng thì có khiêm tốn, toàn bộ chỉ khoảng 80 người trong đó hết 20 người trong ban tổ chức. Nhưng khi nói chuyện với nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, thì anh cho rằng một sinh hoạt học thuật có tính cách nghiên cứu như thế, lại kéo dài tới hai ngày mà thu hút được số người tham dự liên tục như thế là thành công lắm rồi.
© Nguyễn Tường Tâm
© Đàn Chim Việt

No comments: