Sunday, September 19, 2010

TRUNG QUỐC : CHỦ NỢ NHIỀU THAM VỌNG

Trung Quốc: Chủ nợ nhiều tham vọng

Nguyễn Tiến Dũng (ĐH Toulouse – Pháp )

19/09/2010 07:22:58

http://bee.net.vn/channel/1984/201009/Trung-Quoc-Chu-no-nhieu-tham-vong-cua-toan-the-gioi-1768553/

Dù Iraq là nơi mà Mỹ lật đổ Saddam Hussen vào năm 2003 trong cuộc chiến tranh “vì dầu hỏa”, nhưng đến cuối năm 2009, nước có mặt nhiều nhất trong lĩnh vực dầu hỏa ở Iraq không phải là Mỹ mà là Trung Quốc.

Chính sách giàu có mà không vay nợ cùng với chiến lược "tấn công kinh tế" đã góp phần khiến Trung Quốc (TQ) thành người khổng lồ. Bài phân tích của tác giả Nguyễn Tiến Dũng.

.

TIN LIÊN QUAN

Nhân công rẻ mạt, miếng mồi "lợi trước mắt" của Trung Quốc

Trung Quốc: Sau đồng tiền yếu là "đồng tiền quốc tế"?

Sức mạnh tỷ người và điều Trung Quốc sợ

Vì sao người Trung Quốc giàu?

.

Giàu có với chính sách không vay nợ

Các nước khi còn nghèo, muốn phát triển thì thường phải vay nợ nước ngoài để đầu tư vì thiếu vốn. Sự phát triển đi kèm vay nợ, và sau đó thì phải trả nợ, chia bớt một phần lợi nhuận của mình cho chủ nợ hoặc chủ đầu tư nước ngoài. Khi mà vay nợ quá nhiều, thì có thể dẫn đến mất ổn định và khủng hoảng kinh tế tài chính nếu không có đủ khả năng trả nợ (...).

Điểm đặc biệt khiến cho TQ khác hẳn các nước khác trong giai đoạn phát triển, là TQ phát triển mà không cần vay nợ, không những thế lại còn thành chủ nợ của cả thế giới! (Đây thực sự là một “nghịch lý”, vì giầu như Mỹ thì là con nợ, còn nghèo như TQ thì lại là chủ nợ). Đó là do TQ tiêu dùng ít (tiết kiệm cao), và luôn xuất siêu. Khả năng xuất siêu của họ dựa trên nhân công rẻ mạt (khiến giá thành rẻ), tiêu dùng ít (kéo theo nhập khẩu hàng tiêu dùng ít, chủ yếu nhập đồ thô để chế biết rồi xuất lại), và các thủ đoạn chiếm lĩnh thị trường (hứa cho vay, chào giá rẻ hơn đối thủ...)

Trong những năm gần đây, thặng dư thương mại (trade surplus) của TQ nằm ở mức 200-300 tỷ USD/năm. Cộng các khoản tiền thặng dư này lại qua nhiều năm, TQ đã có được trữ ngoại tệ ở mức khổng lồ 2,4 nghìn tỷ USD vào đầu năm 2010 (gấp 24 lần GDP của Việt Nam!), chủ yếu dưới dạng tiền cho các nước khác vay, trong đó khoảng 70% (quãng 1,7 tỷ USD) là cho Mỹ vay, trong đó chính phủ liên bang của Mỹ vay gần 800 tỷ* .

(...) Khủng hoảng tài chính xảy ra năm 2008, lại là cơ hội để TQ mua được nhiều tài sản lớn trên thế giới với giá rẻ, và nhiều chính phủ gặp khó khăn về tài chính đã phải “ngửa tay” nhận “giúp đỡ” của TQ, với cái giá phải trả là để cho TQ xâm chiếm thị trường hoặc khai thác tài nguyên của họ.

Năm 2009, TQ đã thắng đấu thầu hai hợp đồng xây dựng lớn cho tuyến đường cao tốc ở Ba Lan, với giá đấu thầu 310 triệu EUR. Không những giá đấu thầu này của TQ rẻ hơn đến 25% so với giá đấu thầu của các đối thủ khác, mà các công ty TQ tham gia đấu thầu còn cho chính phủ Ba Lan vay một khoản 100 triệu EUR ứng trước.

Tất nhiên, để thực hiện được hợp đồng xây dựng với giá rẻ hơn hẳn các đối thủ của mình, TQ lôi toàn bộ từ kỹ sư đến công nhân giá rẻ mạt của họ sang xây dựng thay vì sử dụng người địa phương. Ngay ở những nước còn nghèo và có tỷ lệ thất nghiệp cao như Algeria (trên 30% vào đầu những năm 2000), khi nhà thầu xây dựng TQ trúng thầu (và họ luôn trúng thầu), họ cũng chỉ sử dụng nhân công TQ rẻ mạt chứ không chia việc cho người bản xứ.

chiến lược “tấn công kinh tế”

Thời đại của những quân đội thực dân “đem súng đi mở đất” đã qua. Trong thế kỷ 21 này, không có nước nào còn có thể dùng những biện pháp vũ lực man rợ để chiếm đoạt đất đai tài sản mà trên danh chính công thuận đang thuộc về nước khác (không kể những vùng đất tương đối nhỏ đang tranh chấp). Thực dân kiểu cũ không còn nữa. Thay vào đó là kiểu thực dân mới: thực dân về kinh tế, với TQ là điển hình.

TQ đi “xâm chiếm” các nước về kinh tế, không cần mang theo súng ống, mà chỉ cần mang theo tiền và hàng hóa. Họ không “đánh”, mà “mua”. Một số chiến lược “tấn công kinh tế” của TQ ở mọi nơi mà họ đi đến là:

- Bán hàng đã chế biến với giá rẻ (đánh bại hàng sản xuất nội địa cũng như hàng nhập từ nơi khác);

- Mua nguyên nhiên liệu thô, và mua các quyền khai thác mỏ hay các doanh nghiệp khai thác mỏ (ở khắp các nơi trên thế giới, để đảm bảo nguồn cung cấp nguyên nhiên liệu cho TQ);

- Mua cả đất nông nghiệp và khai thác rừng ở các nơi. (Nhiều nước nhượng quyền khai thác hàng trăm nghìn hecta cho TQ, hay thậm chí phá hàng triệu hecta rừng để bán gỗ cho TQ);

- Đấu thầu các hợp đồng xây dựng lớn, với giá luôn rẻ hơn giá của các đối thủ.

(...)

- Người TQ sang được nước nào thì sẽ tìm cách bám trụ ở lại nước đó, làm ăn buôn bán tiếp tục chiếm lĩnh thị trường.

Có thể nói, những chiến lược trên đã được thực hiện rất thành công ở mọi nơi trên thế giới. Ngay tại Iraq, nơi mà Mỹ lật đổ Saddam Hussen vào năm 2003 trong một cuộc chiến tranh “vì dầu hỏa”, vào cuối năm 2009 nước có mặt nhiều nhất trong lĩnh vực dầu hỏa ở Iraq không phải là Mỹ mà là TQ(1). Đổi lại, TQ xóa 80% nợ cho Iraq. Ở Ả rập Xê út, TQ trở thành khách hàng số 1 của hãng dầu mỏ quốc gia AMCO, và đã xuất khẩu được cho nước này tàu hỏa siêu tốc của TQ, đánh bại tầu siêu tốc (TGV) của Pháp.

Chú thích:

*(Xem: http://www.washingtontimes.com/news/2010/mar/02/chinas-debt-to-us-treasury-more-than-indicated/).

(1) Theo: Sammy Ketz, “La Chine devient le premier opérateur étranger dans le pétrole irakien”, AFP, 05/11/2009.
(2) Các thông tin và số liệu trong cá đoạn trên lấy từ sách “Le Vempire du Milieu”, Chương 2 và Chương 5.
(3) Xem http://en.wikipedia.org/wiki/14th_Dalai_Lamaem http://en.wikipedia.org/wiki/14th_Dalai_Lama
(4) TQ có 22 tỉnh; Đài Loan có khi đươc gọi ví von là tỉnh thứ 23.
(5) Xem sách “Le Vampire du Milieu” của Cohen và Richard, Chương 5.

Theo Nguyễn Tiến Dũng (ĐH Toulouse – Pháp ) - Tạp chí Tia sáng ngày 13/9/2010

.

.

.

No comments: