Wednesday, September 15, 2010

TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG DƯỚI MẮT LS HOÀNG VIỆT

Tranh chấp biển Đông dưới mắt một luật gia

Gia Minh, biên tập viên RFA

2010-09-14

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Lawyer-hoang-viet-on-latest-development-in-the-east-sea-GMinh-09142010213918.html

Tình hình tại khu vực Biển Đông trong thời gian vừa qua có những diễn biến mới, như một số hoạt động của cả hải quân Hoa Kỳ và Trung Quốc tại đó.

Thế rồi tuyên bố của các giới chức Việt Nam và ý kiến của truyền thông Hoa Lục về những hoạt động liên hệ.

.

Những buớc đi mới

Thạc sĩ luật Hoàng Việt, một trong những nhà chuyên nghiên cứu về Biển Đông của Việt Nam, và từng bị ngăn cản không cho đi tham dự hội thảo diễn ra tại Philadelphia, Hoa Kỳ hồi tháng bảy vừa qua, mặc dù ông đã có sẵn chuyên đề báo cáo tại hội thảo, đưa ra một số ý kiến liên quan qua cuộc nói chuyện với Gia Minh hồi cuối tháng 8 vừa qua sau đây. Trước hết ông cho biết:

Thạc sĩ Hoàng Việt: Quan hệ quốc tế gần đây có nhiều vấn đề mới: tuyên bố ngày 23 tháng 7 của ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton làm cho bàn cờ trong tranh chấp về Biển Đông, đặc biệt cuộc chiến về ngoại giao có những chuyển biến, nhiều khác biệt lớn. Truớc đây hồi năm ngoái và đầu năm tại một số thượng đỉnh ASEAN, có ý kiến cho rằng Việt Nam thất bại không đưa được vấn đề tranh chấp Biển Đông vào nghị trình; nhưng sau tuyên bố vào ngày 23 tháng 7 của ngoại trưởng Hillary Clinton có hai tình huống như sau. Cùng tuyên bố đó Trung Quốc trở nên ‘nặng nề’; đặc biệt một số bài báo đăng trên tờ Teheran mạt sát Việt Nam rất nặng nề, cho rằng Việt Nam theo đuôi Mỹ, Việt Nam sẽ thất bại, sẽ hối tiếc về điều đó.

Trong khi đó, đơn cử một số báo chí Phương Tây lại quá đề cao, cho rằng đó là một chiến thắng của Việt Nam. Từ đó có những vấn đề và gần đây nhất có tuyên bố của thứ trưởng quốc phòng Việt Nam, Nguyễn Chí Vịnh; đó là quan điểm của chính phủ Việt Nam. Trung Quốc sau khi thấy Hoa Kỳ phát biểu can dự vào vấn đề Biển Đông trở nên bực mình và tìm nhiều cách khiêu khích Việt Nam; thậm chí khiêu khích cả phía Mỹ (nhưng khiêu khích Mỹ cũng chả ăn thua). Trung Quốc đe dọa Việt Nam nhiều. Đó là những buớc đi mới nảy sinh ra. Đặc biệt đây là cuộc chiến đối ngoại là chính.

Gia Minh: Dù đây là cuộc chiến đối ngoại, nhưng vấn đề chứng cứ bao giờ cũng quan trọng nhất? Vậy những chứng cứ Việt Nam tiếp tục là gì?

Thạc sĩ Hoàng Việt: Về vấn đề này, nhân RFA vừa rồi có đăng bài, nói lại bài của ông Vũ Quang Việt, tôi muốn bổ sung thêm một ý của ông Vũ Quang Việt cho rằng Pháp chưa hề có động tác chính thức nào trao trả quyền quản lý Trường Sa cho chính phủ Việt Nam. Theo tôi, trong điểm này thì ông Vũ Quang Việt chưa tiếp cận nhiều tư liệu, trong đó có tư liệu Hiệp ước Hạ Long năm 1949 giữa chính phủ Pháp và chính phủ Bảo Đại. Như thế về mặt chứng cứ, Việt Nam có rất nhiều và thể hiện trên nhiều mặt. Còn chứng cứ của phía Trung Quốc có thể khái quát trong ba luận điểm: thứ nhất là những bằng chứng lịch sử họ đưa ra, theo đó họ cho rằng từ lâu đời trong những sách sử của Trung Quốc đã có đề cập đến Biển Đông, chứng tỏ người Trung Quốc đã có đến hành xử tại Biển Đông, như vậy họ phải được quyền ưu tiên hàng đầu. Về điểm này chúng tôi có nhiều bài viết nhưng chưa có dịp đăng tải lên. Theo tôi điều đó không đúng luật và sai luật nhiều lắm.

Nhóm yêu sách thứ hai của Trung Quốc là ‘đường lưỡi bò’. So sánh với Luật Biển năm 1982, đường này không có gì thích hợp cả. Phía Trung Quốc cho rằng lịch sử đi trước, luật pháp theo sau. Tôi cũng có bài phân tích về ‘đuờng lưỡi bò’; đây cũng là điều ‘vớ vẩn’ lắm.

Nhóm yêu sách thứ ba của Trung Quốc dựa trên nhóm ‘đảo đá’, rồi yêu sách về đặc quyền kinh tế. Lý giải của của Trung Quốc về những đảo, đá ở Hoàng Sa, Trường Sa mà họ đã chiếm là họ đã xây dựng thành ngôi nhà lớn, những đảo lớn hoành tráng có sân bay, đường băng, người sinh sống… Họ yêu cầu phải công nhân đó là đảo theo điều 121 của Công ước về Luật biển, như vậy là vùng có đặc quyền kinh tế 200 hải lý quanh đảo đó. Quan điểm, ngay cả của những nhà nghiên cứu Phương Tây, đó chỉ là đảo nhân tạo mà theo Công ước Luật Biển, đảo nhân tạo không thể có vùng đặc quyền kinh tế được.

Chúng tôi khẳng định có đủ lập luận để phản bác quan điểm của họ.

.

Chưa khai thác hết tư liệu

Gia Minh: Ông có chuẩn bị tham luận để dự hội thảo Biển Đông ở Philadelphia mà ông không đuợc đến dự, vậy trong đó có những luận điểm nào mới?

Thạc sĩ Hoàng Việt: Trong tham luận đó không có điểm nào mới mà có những vấn đề khúc mắc theo luật quốc tế cần phải giải quyết. Có nhiều điều cần giải quyết, chẳng hạn như về nhóm bằng chứng lịch sử phải đưa ra những sách sử nào. Ngay chúng tôi nay phải đọc lại nhiều sách sử để xem những lập luận mà Trung Quốc đưa ra có chuẩn xác không? Dựa theo những địa đồ của Trung Quốc, từ khi có địa đồ, cho đến bây giờ, họ có nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa hay không?...

Trong tham luận của tôi gửi đi Pensylvania, tôi đặt ra một số vấn đề: giả định đưa ra Tòa Án Quốc tế, điều kiện nào phải giải quyết? Sức nặng của chứng cứ thế nào? Bằng chứng lịch sử, bản đồ nào có ‘sức nặng’ để Tòa án Quốc tế chấp nhận dựa trên những án lệ trước đó. Chứ không phải bản đồ nào đưa ra Tòa án Quốc tế cũng chấp nhận, có những bằng chứng họ chỉ xem xét.

Thứ đến, cần phải xem xét mức Tòa án Quốc tế giải quyết sẽ giải quyết thế nào? Đặc biệt xác định thời điểm ‘kết tinh’ của tranh chấp (critical date). Nếu xác định được thời điểm, mới có thể xác định bằng chứng chấm dứt ‘từ khi nào’; tức tranh chấp chính thức xảy ra từ khi nào? Như thế bằng chứng phải tồn tại trước đó, chứ sau đó không có giá trị. Trong nhiều án lệ trên thế giới, nhất là trong việc tranh chấp về lãnh thổ, điều đó rất quan trọng.

Gia Minh: Có ý kiến cho rằng có những kho tư liệu, như ở Pháp, vẫn chưa được khai thác hết?

Thạc sĩ Hoàng Việt: Tài liệu của Việt Nam rải rác nhiều nơi, đặc biệt tại Pháp, do tranh chấp liên quan đến thời kỳ Pháp thuộc nhiều. Kho tài liệu ở Pháp nhiều (khổng lồ!) nhưng không có người có đủ điều kiện tiếp cận. Nếu có người đi chăng nữa, không phải bất cứ chứng cứ nào đều có thể tung ra được, mà có thể chỉ tung ra một vài chứng cứ thôi. Trong tất cả các vụ kiện, những lúc quyết định nhất mới tung ra những bằng chứng quyết định nhất, chứ không phải lúc nào cũng ‘khơi khơi’ đưa ra hết cho phía đối thủ biết. Một trong những điểm yếu của phía Việt Nam là những gì phía Việt Nam có đều đã đưa ra hết rồi, còn Trung Quốc có gì, Việt Nam không được biết. Đó là một bất lợi.

Gia Minh: Cám ơn Luật gia.

.

Theo dòng thời sự:

Biển Đông là một phần của lãnh hải quốc tế

Trung Quốc cảnh báo các hoạt động của Mỹ tại Biển Đông

Tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông

Văn bản chính thức về quy định hành xử trên Biển Đông?

Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc giải quyết vấn đề lãnh hải trước quốc tế

Những ai không muốn quốc tế hoá tranh chấp ở biển Đông? (phần 1)

Những ai không muốn quốc tế hóa tranh chấp ở biển Đông? (phần 2)

Những ai không muốn quốc tế hoá tranh chấp ở biển Đông? (phần 3)

.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

----------------------------------------

BÀI VIẾT của HOÀNG VIỆT :

Nhìn về Biển Đông VN

Giải pháp nào cho tranh chấp biển Đông?

.

.

.

No comments: