Friday, September 24, 2010

TIỀN KHOA HỌC (Nguyễn Trần Sâm)

NGUYỄN TRẦN SÂM
24/09/2010

Không chịu nghe lời người đi trước đúng là một sai lầm.
Lượng, ông bạn vong niên lớn hơn tôi tới 15 tuổi, đã có lần nói ông ấy cạch đến già không bao giờ dám đăng ký làm đề tài khoa học cấp trường nữa. Ông ấy nói làm thì không đến nỗi tốn quá nhiều công, mà có bỏ ra nhiều hay ít công sức thì cũng được đánh giá ngang nhau, thậm chí cái công phu hơn có khi bị đánh giá thấp hơn. Nhưng chạy cho đủ thủ tục thanh toán thì dồn lại cũng phải mất vài tháng. Tổng tiền đề tài được dăm triệu, chạy lên chạy xuống, đi tới đi lui xin chữ ký ông nọ bà kia tổ mệt. Mà đâm tức. Người ta trả tiền không phải cho sản phẩm mà ông A nào đó làm ra, mà bắt ông A phải liệt kê được những khoản phải chi cho hàng mấy chục người khác, và những người này phải ký xác nhận đã nhận tiền từ ông A. Như vậy, về danh nghĩa thì tuy ông A đăng ký và thực hiện đề tài, nhưng các khoản tiền thực ra là chi cho đám người khác. Được cái những người ký kia cũng thông cảm, không thò tay lấy tiền của ông A, chứ không thì nhà khoa học này chỉ có… ăn cám! Mà cám cũng chẳng có mà ăn, vì khi thực hiện đề tài thì đã phải ăn chịu cơm thịt của bà xã, phải è cổ ra mà trả chớ! Cho nên nếu chi cho những vị ký nhận thì lỗ to, cám đâu ra mà ăn!
Tuy nhiên, tôi không thể theo ông bạn già được. Ông ấy đã ngót lục tuần, còn tôi mới ngoại tứ tuần, không thể năm nào cũng chầy ra, không đăng ký đề tài được. Vừa thiệt về kinh tế, vừa mang tiếng kém cỏi, làm ế cái danh “tê ét”. Thế nên đầu năm nay tôi cũng đành liều đăng ký cái.
Và thế là trong vòng một năm bao nhiêu nỗi khổ nhục đã trút xuống cái đầu đần độn của tôi. Không kể xiết.
Hôm gặp tôi giữa đám giáo viên đang chờ lên lớp, ông Lượng cười cười hỏi: “Thế nào, lấy được tiền đề tài chưa? Mấy tỉ?”
Nhìn cái mặt ông ấy lúc đó rõ ghét!
Một lúc sau tôi cũng rầu rĩ trả lời: “Đúng là không nghe anh nên em phải cái dại.”
“Này, ông Lượng nói, may mà anh em người ta cũng biết nên không ai đòi tiền của ông, chứ không thì ông ốm!”
“Đúng là anh vẫn còn lạc hậu, tôi nói. Năm nay người ta không đưa tiền mặt cho chủ nhiệm đề tài nữa mà chuyển thẳng những khoản tiền anh em ký nhận vào tài khoản của anh em…”
“Thế a? Thật a?” Ông Lượng ngạc nhiên.
“Thôi anh đừng giả vờ không biết nữa…”
“Không, tôi chưa biết thật.”
Tôi lắc đầu. Chợt ông Lượng cười rất to, cười rũ rượi.
“Các ông thấy không? Ông ấy nói. Giống như đầu năm ông đăng ký nuôi lợn để nhập thịt cho nhà ăn, cuối năm đến nhập và đòi tiền thì người ta bảo không đưa trực tiếp cho người bán thịt, mà phải xin xác nhận đã mua cám của ông này bà kia, rồi người ta chuyển tiền vào tài khoản của những người bán cám! Ô hô hô!”
Ông ta cười rố lên, cười to đến mức tôi nhức cả đầu. Mọi người cười theo ông ta, chỉ có tôi là đang điên tiết nên không cười được.
Một lúc sau ông ta lại nói, lần này còn xỏ xiên hơn:
“Nhưng mà nói đi lại phải nói lại. Nói cho cùng thì các thứ khoa học mà chúng ta rặn ra làm quái gì có ích bằng thịt lợn. Cho nên bán thịt lợn thì được tiền tươi, còn bán khoa học thì tiền bị chuyển khoản cho người khác cũng phải thôi.”
Rồi ông ta lại cười hô hố. Lần này thì không ai cười theo, vì mọi người chung quanh đều là những người bán cái thứ khoa học không bằng thịt lợn. Thậm chí không bằng giấy lộn!
“Tốt nhất, ai làm được khoa học nghiêm chỉnh thì tham gia những chương trình trọng điểm quốc gia, ông Lượng tiếp tục. Nhà nước mà hẳn hoi thì hãy đầu tư cho cánh này ra trò vào. Còn những thứ khoa học khác thì làm xong cứ đem ra chợ mà bán, lấy tiền mà xài. Nhà trường không nên ép mọi người đều phải có công trình. Thế là hết phải làm điêu, cũng hết phải xin chữ ký với chuyển khoản.”
Tôi chợt thấy ông ta nói đúng. Và thấy bẽ bàng cho cái kiếp suốt đời phải làm giả, nói điêu.
NGUYỄN TRẦN SÂM
.
.
.

No comments: