Tuesday, September 7, 2010

THỦY TRIỀU ĐỎ ĐANG DÂNG

Thuỷ triều đỏ đang dâng

Đăng bởi anhbasam on 08/09/2010

http://anhbasam.com/2010/09/08/649-thu%e1%bb%b7-tri%e1%bb%81u-d%e1%bb%8f-dang-dang/

The Daily Caller

Thuỷ triều đỏ đang dâng

Chet Nagle

Ngày 6-9-2010

Ít năm trước đây, các nhà phân tích chính trị, kinh tế và quân sự cho rằng, Trung Quốc có thể chặn lối tiếp cận tới tây Thái Bình Dương vào năm 2025. Và dự đoán của họ đã sai.

Mùa hè này, Trung Quốc đã tung bàn tay sắt, tuyên bố chủ quyền với toàn bộ vùng biển từ Việt Nam đến Philippines, và từ bán đảo Lôi Châu tới Borneo giàu dầu lửa. Trong khi Lầu Năm Góc lên kế hoạch giảm bớt lực lượng hải quân, các tuyến thương mại Thái Bình Dương đang chuyển dần về phía kiểm soát của Trung Quốc, các đồng minh của Mỹ tại châu Á bị cuốn về phía Bắc Kinh và tự do trên biển cũng sụt giảm.

Như thường lệ, Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ lại có bước đi sai lầm. Thay vì xây dựng lực lượng gìn giữ hoà bình hùng mạnh, Tổng thống Obama lại nỗ lực “ve vãn” Trung Quốc bằng tuyên bố coi nước này là “đối tác” của Mỹ và kêu gọi tăng cường trao đổi quân sự. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân – Đô đốc Mike Mullen và Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ – Đô đốc Gary Roughead, đã vui vẻ giúp Bắc Kinh tận dụng lợi thế từ chính sách nhượng bộ của Nhà Trắng.

Cuối cùng thì mục đích từ “đối tác của Mỹ” đã được sáng tỏ vào ngày 29/7 khi Trung Quốc tiến hành tập trận hải quân, vị chỉ huy cuộc tập trận ra tuyên bố “đây là sự chuẩn bị kỹ càng cho chiến đấu”, và sau đó, Bắc Kinh đưa ra khẳng định quả quyết có “chủ quyền không thể tranh cãi” với 1,3 triệu dặm vuông Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton rõ ràng là bất ngờ khi Bắc Kinh không chú tâm tới ý tưởng quy tắc hành xử của bà cũng như chính sách “sức mạnh mềm” khó hiểu của Tổng thống Obama. Thể hiện rõ vai trò trong những ý tưởng kỳ quặc, Đô đốc Mullen nói, ông chỉ “tò mò” về sự phát triển mạnh mẽ tàu chiến, tàu ngầm, vệ tinh, tên lửa và máy bay của Trung Quốc. Những ngày này, khi giới phân tích cảnh báo, hải quân Trung Quốc sẽ vượt hải quân Mỹ vào năm 2015, ông mới thừa nhận có thể ông “lo lắng”.

Các nhà kinh tế học từng xem Trung Quốc như một nền kinh tế Thế giới Thứ Ba, phụ thuộc vào xuất khẩu và bế tắc khi mua cả núi nợ nần của Mỹ, giờ đây cũng bất ngờ như những chính khách và đô đốc Mỹ. Kinh tế Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, thậm chí có thể trở thành nước đứng đầu vào năm 2025.

Và điều này là không quá khó khăn. Với tỉ lệ tăng trưởng mỗi năm 9% kể từ 1978, Trung Quốc có thể nhanh chóng vượt mặt Mỹ. Trung Quốc có hệ thống thống kế tính toán kém minh bạch, nên các con số có thể nghi ngờ, nhưng chắc chắn rằng, Trung Quốc ngày nay sử dụng nhiều năng lượng hơn mọi quốc gia khác trên thế giới. Họ vượt qua Mỹ nhanh hơn 4 lần so với dự đoán. Điều đó có nghĩa là ngành công nghiệp nặng và cơ sở hạ tầng Trung Quốc đang đang phát triển với tốc độ nguy hiểm, và sẽ cần thêm nhiều năng lượng, nguyên liệu thô hơn nữa. Trung Quốc cũng đang không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự để đảm bảo những gì họ muốn, khi nào họ cần bất chấp có người phản đối.

Bên cạnh việc tăng trưởng kinh tế tương đương như sự lan toả của một khối ung thư, Trung Quốc đang vận dụng quan điểm gây hấn, quả quyết trong các lĩnh vực tài chính, đối ngoại, cũng như quân sự.

- Dagong Global, cơ quan đánh giá mức độ tín nhiệm hàng đầu của Trung Quốc đã “giáng” tỉ lệ nợ của Mỹ từ AAA xuống AA và thăng hạng Trung Quốc lên tỉ lệ AA+. Sau khi bán 35 tỉ USD trái phiếu Mỹ, Trung Quốc giờ đây sở hữu khối nợ Mỹ ít hơn Nhật Bản. Bắc Kinh muốn thoát khỏi sự rủi ro của đồng đô la và tìm kiếm mua các loại tiền tệ mạnh hơn.

- Hơn 10.000 “công nhân” Trung Quốc ở Pakistan để “giúp đỡ đối phó thảm hoạ lũ lụt”. Thực tế là, họ đang tìm kiếm, đào các đường hầm trong núi để xây dựng một con đường an toàn cho cung cấp năng lượng tương lai của Trung Quốc. Bắc Kinh đã chi 5 tỉ USD mở rộng Kênh Panama nhằm vận chuyển nguyên liệu thô từ những dự án của họ ở châu Phi và Nam Mỹ trực tiếp về Trung Quốc.

- Sẵn sàng chi mạnh tay cho chiến tranh vũ trụ, chiến tranh ảo và một đội quân của 1,25 triệu người, Trung Quốc sẽ sớm đưa tàu sân bay vào đội tàu 275 chiếc của hải quân. Bên cạnh các tàu ngầm hạt nhân, tàu chiến và máy bay được trang bị tên lửa chống hạm, Trung Quốc sẽ còn thử nghiệm loại tên lửa đạn đạo có thể diệt tàu sân bay cách xa 1.000 dặm. Nghĩa là, sự tiếp cận của hải quân Mỹ với Đài Loan và Tây Thái Bình Dương đang dần chấm dứt.

Thêm vào đó, Trung Quốc đang phong toả nguồn tiếp cận kim loại đất hiếm quan trọng. Mỹ từng có một mạng lưới cung cấp nội địa các kim loại này, từ khai thác tới tinh luyện. Không lâu sau đó, Trung Quốc đột ngột phá giá thị trường thế giới, các mỏ khai thác và khu chế xuất của Mỹ đóng cửa. Gìơ đây, Bắc Kinh sản xuất 97% nguồn cung đất hiếm của thế giới. Một tháng trước đây, chính phủ Trung Quốc đã cắt giảm hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm tới 72%. Và đây là điều không nhỏ.

Các kim loại đất hiếm khai thác ở Trung Quốc như samarium và thulium, là thành phần cốt yếu của xe tăng Abrams, tên lửa Hellfire, radar Aegis, và vô số trang thiết bị thương mại, quốc phòng công nghệ cao. Phải mất 15 năm để tái mở cửa các mỏ khai thác cũng như cơ sở tinh chế đất hiếm nội địa.

Mỹ có bị nhấn chìm trong dòng thuỷ triều đỏ đang lên? Cũng không hẳn. Nhưng còn quá nhiều việc phải làm và quá ít thời gian để thực hiện. Chính sách “sức mạnh mềm” của Tổng thống Obama là một điều nguy hiểm, một quốc hội mới của Mỹ cần sử dụng mọi biện pháp để chấm dứt điều này. Nếu thật bại, một tổng thống tương lai của Mỹ có thể phải cúi đầu trước người Trung Quốc giống như những quốc vương Ảrập.

----------------------------

Ông Chet Nagle là một người từng tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoa Kỳ và là tác giả cuốn Iran Covenant.
.

Người dịch: Nguyễn Hùng

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2010

Nguồn: The Daily Caller

.

.

.

No comments: