Friday, September 10, 2010

THỬ THÁCH CỦA MỌI NGƯỜI MỸ (Ngô Nhân Dụng)

Thử thách của mọi người Mỹ

Ngô Nhân Dụng
Thursday, September 09, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=118765&z=7

Một người bạn trên mạng kể chuyện anh đi coi phim “Invictus” về Nelson Mandela; anh nhắc lại sau khi lên làm tổng thống Nam Phi, ông Mandela vẫn sử dụng hộ vệ là lính da trắng cũ. Người da trắng lúc đó hoang mang, sợ bị trả thù hay bị cướp hết tài sản, chuẩn bị sẵn sàng “vượt biên.” Ông Mandela giữ nguyên đội bóng bầu dục (rugby) quốc gia mặc dù dân da đen đa số muốn giải tán. Chỉ có dân da trắng thích chơi rugby, môn thể thao vẫn bị coi là biểu tượng của chế độ phân biệt chủng tộc. Sau khi đội rugby này thắng một giải quốc tế 1995, thì cả dân da trắng lẫn da đen đều cảm thấy hãnh diện. Nhờ thế họ thân thiện, đoàn kết hơn, Nam Phi cũng không bị khủng hoảng kinh tế hay chính trị. Ðội trưởng đội bóng rugby thắc mắc, không hiểu sao một người đã từng bị chế độ phân biệt chủng tộc bỏ tù 27 năm mà không thù người da trắng?

Nelson Mandela không phải chỉ là một vĩ nhân của Nam Phi. Ông là một biểu tượng của một người có mắt nhìn xa về chính trị, người có đức bao dung đáng làm gương cho mọi người thuộc tất cả mọi chủng tộc. Chúng ta nhìn những tấm gương như vậy để tự bảo mình cũng phải học cách sống độ lượng, bao dung. Vì thế giới lúc nào cũng cần những gương sáng như Mandela.

Một người Mỹ đang gây sóng gió, bị khắp nước phản đối, vì có ý định đi ngược lại với đức bao dung và quyền tự do tôn giáo ở Mỹ. Ông Terry Jones, một mục sư tại thành phố Gainesville, Florida, đang tính tổ chức một cuộc đốt Kinh Thánh Hồi Giáo vào Thứ Bẩy này, để tưởng niệm các nạn nhân ngày 11 tháng 9 năm 2001. Ông Jones không thuộc giáo hội lớn nào, lãnh đạo một nhà thờ chỉ có 30 tín đồ chính thức. Ðang là một người vô danh bỗng nhiên ông nổi tiếng khắp thế giới.

Ông Jones nhân danh quyền tự do phát biểu ghi trong Hiến Pháp Mỹ. Ông nói rằng: “Cảnh sát bảo vệ chúng tôi, Sở Cứu Hỏa nói việc chúng tôi đốt lửa trại không có vấn đề gì cả.” Ông kêu gọi người Mỹ khắp nước ai có cuốn Kinh Kuran nào cứ gửi về cho ông đốt. Trong khi đó, hội đồng thị xã Gainesville nói họ chưa hề cấp giấy phép.

Ðiều may mắn là ông Terry Jones cuối cùng đã quyết định không đốt kinh Kuran nữa. Nhưng câu chuyện không phải vì thế mà dừng lại.

Mạng điện tử mang tên Nhà thờ The Dove World Outreach Center của ông Jones đang bán những chiếc áo thun (T-shirts) với khẩu hiệu: Hồi Giáo là Quỷ dữ. Ðó cũng là khẩu hiệu treo trước nhà thờ của ông. Với dự án đốt kinh Kuran khiến ông nổi tiếng, có thể Jones sẽ thu hút thêm nhiều tín đồ, nhà thờ của ông sẽ nhận được thêm nhiều tiền quyên tặng. Ông có thể sẽ được mời đi diễn thuyết ở nhiều nơi, với thù lao lớn. Vì ở nước Mỹ cũng như ở bất cứ quốc gia nào khác, có rất nhiều người sẵn sàng ủng hộ những ý kiến quá khích như vậy, khi nó phù hợp với khuynh hướng kỳ thị và đầu óc thù hận của họ.

Vì vậy, cả nước Mỹ đã nỗ lực không để diễn ra việc đốt kinh sách ở Gainesville, Florida. Một mối lo cụ thể là người ta sợ hình ảnh công khai đốt Kinh Kuran ở Mỹ sẽ được chiếu trên ti vi khắp thế giới; sẽ khích động thêm nhiều người Hồi Giáo thù ghét nước Mỹ. Tất cả mọi người Mỹ, các quân nhân hay du khách Mỹ tới các nước như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc Indonesia, Mã Lai, vân vân, có thể sẽ trở thành mục tiêu để trả thù, trút hận. Việc đó có thể xẩy ra ngay bây giờ và sẽ kéo dài trong nhiều năm sắp tới. Ðức bao dung thường giúp nẩy sinh thêm đức bao dung. Hành động cuồng tín sẽ cũng khích động các hành động cuồng tín khác. Những tổ chức khủng bố như al Qeda sẽ thêm hình ảnh làm động cơ tuyển mộ các thanh niên cuồng nhiệt với đầu óc chống Mỹ. Nhiều thanh niên mù quáng sẽ sẵn sàng tự sát trong những vụ khủng bố giống như ngày 11 tháng 9 năm 2001.

Trước mối lo cụ thể này, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc đã lên án dự định của ông Terry Jones, vì lo cho quân đội Mỹ ở khắp nơi. Tổng thư ký khối Minh Ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen sau khi gặp Tổng Thống Barck Obama, đã lên án dự định đốt Kinh Kuran, gọi đó là một hành động bất kính, có thể gây thêm nguy hiểm cho quân đội NATO tại ở Afghanistan. Tướng David Petraeus, chỉ huy quân đội Mỹ và đồng minh ở Afghanistan cũng cảnh cáo như vậy. Sau khi ông Jones loan báo vào cuối tháng 7 dự định đốt Kinh Kuran ở nhà thờ của ông, trong tháng qua nhiều người đã biểu tình phản đối tại các nước Hồi Giáo. Mấy trăm thanh niên, phần lớn là học sinh các trường Hồi Giáo đã tập họp trước Thánh đường Milad ul-Nabi ở Kabul, thủ đô Afghanistan hô khẩu hiệu “Death to America” - Giết Chết Mỹ! Ông Terry Jones đã vô tình hỗ trợ tích cực cho các nhóm Taliban và al Qaeda. Họ không những sẽ lợi dụng vụ đốt kinh sách này mà sẽ nhắc nhở các tín đồ Hồi Giáo khác hãy nhớ đến những cuộc chiến tranh, thù hận xẩy ra từ hàng ngàn năm trước, để khích động mối hận thù lịch sử.

Nhưng mối lo sợ của người Mỹ, của nước Mỹ không phải chỉ liên quan tới sinh mạng của binh sĩ và thường dân của mình. Ðiều quan trọng hơn cả mạng sống con người, là linh hồn của quốc gia trẻ trung này. Người Mỹ thường vẫn hãnh diện về các quyền tự do mà họ muốn giúp tất cả loài người đều được hưởng, trong đó có tự do tín ngưỡng. Họ cũng hãnh diện là, trong suốt lịch sử, họ đã cố gắng phát triển đức bao dung, vượt qua được óc kỳ thị hẹp hòi dưới nhiều hình thức: chủng tộc, tôn giáo, màu da. Từ thế kỷ 17, vùng đất miền Bắc Châu Mỹ đã là nơi tỵ nạn của những người dân Âu Châu bị bức hại về tôn giáo; cho nên các di dân tị nạn này rất thiết tha với quyền tự do hành đạo. Từ tình trạng trước đây một thế kỷ rưỡi nhiều dân Mỹ coi người da đen không đáng gọi là người, hoặc không đáng được chấp nhận là công dân; nước này giờ đã bầu một vị tổng thống da mầu đen. Cuộc hành trình dài hơn 200 năm không đơn giản, chắc chắn không dễ dàng; nhưng đã được thể hiện thực sự trong luật pháp, trong các định chế quốc gia và trong hành động. Ðức bao dung và quyền tự do tôn giáo là những niềm tin tưởng nhiệt thành, tự nhiên gần như một bản năng của mọi người Mỹ biết suy nghĩ. Mọi người Mỹ đều muốn bảo vệ được những giá trị tinh thần là đức bao dung và quyền tự do tôn giáo, như những đặc tính của dân tộc trẻ trung và phức tạp này; nếu họ không bảo vệ được tất cả mọi binh sĩ, mọi thường dân có thể trở thành nạn nhân của khủng bố ở khắp nơi.

Cho nên, trước dự án đốt kinh sách của một tôn giáo với hàng tỷ tín đồ khắp thế giới, những người có tín ngưỡng ở Mỹ đã lên án mạnh mẽ. Cuộc họp của các nhà lãnh đạo tôn giáo, trong đó có Ðức Hồng Y tổng giám mục vùng thủ đô Washington, Cardinal Theodore McCarrick, Tiến Sĩ Michael Kinnamon thuộc Hồi Ðồng Quốc Gia Các Giáo Hội (National Council of Churches) và Pháp Sư Do Thái Giáo David Saperstein, đứng đầu Liên Hiệp Do Thái Giáo Cải Cách (Union for Reform Judaism), đã đưa bản tuyên cáo bày tỏ mối quan tâm về hiện tượng chống Hồi Giáo đang lên một cách cuồng nhiệt ở Mỹ, và sự “kinh hoàng trước thái độ bất kính với một kinh sách thiêng liêng” là Kinh Kuran.

Cũng trong ngày Thứ Bẩy, sau một lễ tưởng niệm các nạn nhân ngày 11 tháng 9 năm 2001, hai cuộc biểu tình dự trù sẽ được tổ chức song song tại nơi đã xảy ra vụ khủng bố đó tại New York. Những người ủng hộ, và những người chống việc xây một Thánh đường Hồi Giáo trong khu phố này sẽ tập họp để cổ động cho lập trường của họ. Hai cuộc biểu tình ôn hòa đó có thể sẽ bị những phần tử quá khích quấy rối biến thành bạo động nếu không ai kiểm soát được họ.

Buổi tối ngày Thứ Sáu này cũng là Lễ Iftar, khi mọi tín đồ Hồi Giáo ăn mừng ngày chấm dứt Tháng Chay Ramadan. Người Hồi Giáo khắp thế giới và trên nước Mỹ sẽ tụ họp nhau trong bữa tiệc Iftar này, và chắc chắn câu chuyện được mọi người nói tới nhiều nhất sẽ là vụ đốt Kinh Kuran ở thành phố Gainesville nước Mỹ.

Ngoại Trưởng Hillary Rodham Clinton tổ chức một tiệc Iftar mời các tín đồ Hồi Giáo tham dự. Bà đã tuyên bố ủng hộ bản tuyên ngôn của các nhà lãnh đạo tôn giáo vừa qua, lên án việc đốt kinh Thánh của Hồi Giáo là hành động bất kính và không có tư cách. Ông P J Crowley, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao kêu gọi mọi công dân Mỹ hãy đứng lên bảo vệ những giá trị tinh thần của đất nước họ. Ông lên án hành động đốt kinh sách là “phản Mỹ” (un-American).

Nhiều người Mỹ theo Hồi Giáo đã đứng lên. Ủy Hội Liên Lạc Mỹ-Hồi Giáo (Council on American-Islamic Relations) đã kêu gọi các tín đồ ở quanh vùng Gainesville hãy tổ chức một sinh hoạt “Chia Sẻ Kinh Kuran,” đem Kinh Thánh Hồi Giáo tặng cho mọi người muốn tìm hiểu, cho người thường, các cảnh sát viên và báo chí.

Chúng ta hy vọng sau khi cả nước Mỹ lên tiếng một cách rõ ràng như vậy, người Hồi Giáo khắp thế giới sẽ hiểu nhóm ông Terry Jones chỉ là một thiểu số không đáng kể. Họ phải hiểu rằng ông này không đại diện cho nước Mỹ hay cho nền văn minh theo truyền thống Do Thái và Thiên Chúa Giáo. Cũng như mọi người Mỹ phải hiểu rằng Osama bin Laden không đại diện tất cả người Hồi Giáo.

Nhưng chính phủ Mỹ và mọi người Mỹ sẽ còn phải tiếp tục giải thích thêm nhiều nữa. Hoa Kỳ là một xứ sở tự do, quyền tự do của mọi người, kể cả những thiểu số quá khích cũng được tôn trọng. Ðừng hiểu lầm hành động của một nhóm người Mỹ là tiêu biểu cho cả nước Mỹ. Tiến Sĩ Ingrid Mattson, chủ tịch Hội Hồi Giáo Bắc Mỹ (Islamic Society of North America) đã giúp việc giải thích đó. Bà kêu gọi các tín đồ Hồi Giáo trên thế giới hãy “lui một bước,” xin họ đừng lợi dụng những “lời ăn to nói lớn” của một thiểu số người Mỹ để biện hộ cho các hành động chống các người Mỹ theo đạo Thiên Chúa hoặc đạo Do Thái. Bà Mattson cũng là người tổ chức và tham dự cuộc họp của các tôn giáo ở Washington vừa qua.

Hy vọng dự án đốt kinh của nhóm ông Terry Jones sẽ bị chính quyền thành phố Gainesvilles ngăn chặn một cách khôn khéo, tìm được những lý do để cấm việc làm tai hại của nhóm này. Như thi sĩ Heinrich Heine đã viết: “Kẻ đốt sách sẽ có ngày giết người.” Nếu những cuốn sách bị đốt lại là kinh thánh của một tôn giáo, thì không phải chỉ một người giết một người. Cảnh giết chóc có thể trở thành tập thể và kéo dài, còn kinh khủng, khó tưởng tượng nổi.

Chúng ta biết hành động của một cá nhân có thể gây ra những phản ứng dây chuyền làm thay đổi lịch sử, khi các điều kiện chín mùi vì quyền lợi xung khắc giữa các quốc gia thúc đẩy. Tháng 7 năm 1914, một thanh niên 20 tuổi bị bệnh lao sắp chết Gavrilo Princip đã bắn chết Arch Duke Ferdinand, người sẽ kế vị hoàng đế Áo Hung, tại thành phố Sarajevo, lúc đó thuộc Serbia. Vụ ám sát này do một nhóm ái quốc Serbia chủ mưu, đã châm ngòi cho cuộc Ðại Chiến Thứ Nhất, kéo dài 4 năm, giết 8 triệu người, làm 22 triệu người bị thương nặng, và 4 đế quốc sụp đổ. Hiệp ước chấm dứt cuộc chiến đó lại gieo mầm cho Ðại Chiến Thứ Hai, hơn 20 năm sau.

Chúng ta phải ngăn ngừa không cho những hành động lẻ loi của một cá nhân châm ngòi cho mối thù hận kéo dài giữa các tập thể. Nhiều cuộc chiến tranh vì lý do tôn giáo đã từng diễn ra nhiều lần trong lịch sử, có khi kéo dài hàng trăm, hàng ngàn năm chưa dứt. Phải dập tắt những ngọn lửa hận thù, dù nhỏ bé nhất, khi chúng mới chớm lóe lên. Ðể tránh hậu họa, có thể là thảm họa.

Nếu nước Mỹ có một nhân vật như Thánh Gandhi hoặc Nelson Mandela thì chắc người đó có thể tự mình đi tới thành phố Gainesvilles yêu cầu người ta hãy đốt chính mình cùng với các cuốn Kinh Kuran. Các vị lãnh đạo tôn giáo có thể phát động cuộc hành trình này. Chắc nhiều người Mỹ khác sẽ cùng đi theo họ, để cho thấy nước Mỹ thực sự là một quốc gia bao dung và tôn trọng các tôn giáo. Có ai sẵn sàng hay không?

.

.

.

No comments: