Saturday, September 4, 2010

THẤY SANG BẮT QUÀNG LÀM HỌ

Thấy sang bắt quàng làm họ

Mai Loan

Saturday, September 4, 2010

http://www.diendantheky.net/2010/09/thaay-sang-baet-quang-lam-hoi.html

Có lẽ đây là một tật xấu rất khó chịu nhưng đã trở thành một thói quen mà nhiều người mắc phải trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại nhưng lại vô tình không để ý đến. Nó thường được sử dụng một cách dễ dàng và tuỳ tiện mỗi khi người ta muốn vinh dự những người Việt khác với những thành tích xuất sắc và nổi bật trong cộng đồng thế giới, với ngụ ý ngầm như muốn nói với người bản xứ rằng người Việt chúng tôi cũng có những người rất khá như vậy (và có lẽ cũng để vuốt ve phần nào cái tự ái cá nhân của mình.

Dưới những chiêu bài như Vinh Danh Người Việt, hoặc Vẻ Vang Dân Việt, nhiều người đã thi nhau phát tán trên mạng lưới thông tin Internet những bài viết, thường đi kèm với nhiều hình ảnh minh hoạ, về một số những nhân vật gốc Việt tạo được những thành tích xuất sắc khác thường. Đại để như là những bài viết về một số những tên tuổi như khoa học gia Dương Nguyệt Ánh (chuyên gia vũ khí của Ngũ Giác Đài với một loại bom đặc biệt xuyên phá hầm núi); Hải quân Trung tá Lê Bá Hùng (hạm trưởng chiến hạm USS Lassen của Hoa Kỳ trong chuyến viếng thăm hữu nghị với Việt Nam vào cuối năm 2009); Đại tá Lương Xuân Việt (vị sĩ quan tác chiến trong quân đội Mỹ là người gốc Việt có cấp bậc cao nhất, hiện đang làm Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn 101 Nhảy Dù nổi tiếng của quân lực Mỹ); bác sĩ Phillip Rosler (một chính trị gia tại Đức, làm tới chức Tổng trưởng Y tế trong chính quyền liên bang của Thủ tướng Angela Merkel); Eugène Trịnh Hữu Châu (phi hành gia người Mỹ gốc Việt đầu tiên được bay ra ngoài không gian trong tư cách là một chuyên gia kỹ thuật (flight specialist) trên phi thuyền Columbia vào năm 1992).

Thật ra người Việt đầu tiên bay vào không gian là một sĩ quan của bộ đội Bắc Việt mang quân hàm thiếu tướng, đó là ông Phạm Tuâng, được cho tháp tùng với phi hành gia của Nga trên chiếc Soyuz 37 vào năm 1980 trong chương trình hợp tác hữu nghị giữa đàn anh Liên Sô và chư hầu Việt Cộng. Tên viết đúng của vị sĩ quan này là Phạm Tuân (không có 'g'), nhưng trên bảng khắc ghi tên do phía Nga thực hiện đã lầm lẫn viết sai, nhưng không một ai bên phía Việt Nam vào thời đó đã dám lên tiếng để đòi sửa chữa, phải chăng vì vẫn còn mang mặc cảm nhược tiểu khá nặng nên không dám khiếu nại với đàn anh?

Trong nhiều cuộc nói chuyện hoặc một số các bài viết, nhiều người cũng thường nói đến thành phần giới trẻ thuộc các gia đình gốc Việt tại hải ngoại như là một “đội ngũ” các chuyên gia tài giỏi và có khả năng để có thể đóng góp nhiều điều hữu ích cho xã hội hoặc là cho một nước Việt Nam trong tương lai một khi đất nước này không còn nằm dưới sự cai trị của nhà cầm quyền độc tài Việt Cộng. Điều này thoạt nghe cũng có lý, nhất là khi ta nhìn vào số lượng đông đảo hàng trăm ngàn người trẻ đang là sinh viên hoặc đã tốt nghiệp đại học và trở thành những chuyên gia theo đủ các ngành nghề đa dạng, đạt được những chức vụ danh giá hoặc cao quí trong ngành riêng của họ, kể cả trong chính quyền (như dân biểu, nghị viên và thẩm phán) và quân đội (như các sĩ quan cấp tá và có thể lên tướng trong tương lai không xa).

Tuy nhiên, điều sai lầm chính trong những nhận định đầy lạc quan một cách dễ dãi như trên là việc coi tập thể các chuyên viên trẻ gốc Việt này như là một “đội ngũ”, tức là một nhóm đã được huấn luyện thuần thục để có thể nhận lãnh trách nhiệm và thi hành công vụ cho một mục đích chung. Thật ra, cái gọi là đội ngũ đó chỉ là một tập thể ô hợp của những người trẻ xuất thân từ những gia đình gốc Việt, nhưng có thể chẳng có mẫu số chung nào khác, kể cả tiếng nói. Bởi lý do đơn giản là thế hệ trẻ này, do được nuôi dưỡng hoặc sinh trưởng tại nước ngoài với đầy đủ những phương tiện học hành và ăn ở nên đã dễ dàng thành công để gia nhập vào lực lượng sản xuất của quốc gia mà họ đang cư ngụ và mang quốc tịch.

Do đó, thành phần giới trẻ và chuyên gia gốc Việt này có thể được coi như là một thứ Viet Banana (người Việt kiểu trái chuối, tức là vỏ vàng, ruột trắng). Bề ngoài của thế hệ này có thể mang đầy dấu ấn Việt Nam của da vàng mũi tẹt, với những tên họ của Nguyễn, Lê, Lý, Trần v.v. . . nhưng thực chất bên trong thì họ chẳng khác gì người da trắng như những công dân của Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Gia Nã Đại v.v. . . với những thói quen, ngôn ngữ và văn hoá hàng ngày giống như người bản xứ tại các nước mà họ đã trưởng thành trong đó, cũng như đã phải luôn trung thành để bảo vệ cho quyền lợi của các quốc gia này thay vì cho một nước Việt Nam nào đó trong tương lai.

Do bởi nếp sống chịu ảnh hưởng của nhiều vị tướng tá uy quyền trong thời Đệ Nhị Cộng Hoà được nhiều quyền hành quá rộng lớn so với tuổi đời, kiến thức và khả năng chuyên môn của họ, nhiều người Việt ở hải ngoại ngày nay thường vẫn còn giữ thói quen coi trọng những cấp bậc và chức vụ trong quân đội. Từ đó, họ thường trọng nể những người trẻ (vốn thuốc thế hệ đàn em hoặc con cháu) nhưng giờ đây đã đạt những thành tích khá vinh hiển và sáng giá như các vị sĩ quan kể trên, ở những cấp bậc như trung tá, đại tá gốc Việt đang phục vụ trong quân lực Hoa Kỳ. Trong thực tế, những chức vụ này cũng chẳng có gì gọi là sáng giá hay nổi bật cho cam, nhiều lúc cũng chỉ là thành quả của tiến trình “sống lâu lên lão làng”. Có lẽ nó cũng tương tự như nhiều vị kỹ sư, bác sĩ, giáo sư, chuyên gia khác, sau một thời gian phục vụ lâu năm trong ngành nghề chuyên môn của mình cũng có thể leo lên những chức vụ cao cấp nhất trong lãnh vực riêng biệt của mình. Có chăng là những chức vụ dân sự cao cấp này quá nhiều và đầy rẫy trong một xã hội thành công và to lớn như Hoa Kỳ nên nhiều lúc ít ai để ý đến, mà thông thường người đời sẽ dễ mường tượng hơn nếu như thế hệ con em họ đạt được những cấp bậc cao trong quân đội.

Nhưng điều đáng nói hơn hết là ngay cả việc những người trẻ thuộc thế hệ thứ hai hay thứ ba của lớp người tị nạn đầu tiên tại Hoa Kỳ giờ đây đã, đang và sẽ tạo được những thành tích sáng chói chưa hẳn là một điều gì khiến cho mọi người Việt Nam ở hải ngoại hay ở trong nước lấy làm hãnh diện và coi đó như là một niềm vinh hạnh chung của mọi người dân nước Việt. Bởi vì trong thực tế, những người này chưa chắc đã thực sự coi họ là những người Việt; thay vào đó, họ đã coi mình như là những người Mỹ, người Đức, người Pháp v.v. . . và chuyện họ có một nguồn gốc Việt chỉ là do sự tình cờ đưa đẩy của lịch sử khiến cha mẹ của họ đã lưu lạc khắp nơi, và chưa chắc gì họ đã được cha mẹ truyền dạy lại tinh thần bảo vệ danh dự và truyền thống của quê mẹ. Quan trọng hơn nữa là những người trẻ rất thành công này đang ra công sức để phát triển và bảo vệ cho quyền lợi của những quốc gia đã cưu mang họ chứ không phải là đất nước Việt Nam của cha ông họ, cho dù trong tương lai gần có còn hay không nhà cầm quyền Việt Cộng tại đó.

Nhiều người thường hay ca ngợi về những thành tích nổi bật của những sĩ quan trẻ thuộc thế hệ con em các cựu quân nhân VNCH, giờ đây đang có những cấp bậc và nắm những chức vụ quan trọng trong quân lực Mỹ như Trung tá Lê Bá Hùng hoặc Đại tá Lương Xuân Việt. Nhưng họ quên rằng các vị sĩ quan trẻ này đang phục vụ cho quân lực Mỹ, và chỉ biết tuân lệnh duy nhất từ cấp trên thuộc quân đội Mỹ để có thể sẵn sàng nã đạn để tiêu diệt bất cứ kẻ đối diện nào bị coi là đối nghịch với Hoa Kỳ, cho dù nó có là một nước Việt Nam trong tương lai nếu giả sử như có tình trạng hai nước Mỹ và Việt có thể đối đầu với nhau. Trong trường hợp đó, tuy ít có khả năng xảy ra nhưng không phải là một giả thuyết hoàn toàn vô lý và không tưởng, liệu người ta sẽ đánh giá các vị quân nhân người Mỹ gốc Việt này ra sao? Và liệu người ta, cũng như lịch sử sau này, sẽ phê phán những hành động đó như là những kẻ cõng rắn cắn gà nhà”, hoặc là những kẻ “cầm súng bắn lại quê mẹ của mình” hay không?

Về lãnh vực dân sự, ông phi hành gia Eugène Trịnh Hữu Châu có lẽ cảm thấy mình gần gũi với văn hoá và truyền thống người Pháp hơn là người Việt vì tuy sinh đẻ tại Việt Nam, nhưng ông đã được sang Pháp từ năm mới lên 2 tuổi để rồi sau đó theo học tại các trường học ở Pháp đến bậc Tú Tài trước khi sang du học tại các trường đại học Columbia và Yale tại Hoa Kỳ và sau đó được tuyển vào làm việc trong cơ quan NASA và trở thành một phi hành gia. Đó cũng là trường hợp tương tự của bác sĩ Philipp Rosler, tuy sinh đẻ tại Ba Xuyên nhưng từ lúc mới có 9 tháng đã được một cặp vợ chồng người Đức có lòng hảo tâm đến nhận làm con nuôi từ một viện mồ côi ở Sàigòn, để đem về nuôi dưỡng và cho ăn học tại Hamburg bên Đức cho đến khi thành tài sau này. Do đó, ông ta không khác gì những người Đức khác được sinh trưởng từ quốc gia này, mặc dù cái nguồn gốc của ông là từ một quốc gia nghèo khó ở bên Đông Nam Á. Do đó, việc coi ông ta như là một người Việt xem chừng như là một điều khiên cưỡng pha lẫn chút lố bịch.

Vì thế, việc vinh danh những người này như là một niềm hãnh diện của tập thể người Việt e rằng cũng có phần hơi lạc lõng và không hoàn toàn thích hợp. Những công việc họ đang làm, những thành quả họ đã đạt được, có chăng chỉ là niềm hãnh diện của riêng họ và những thân nhân trong gia đình và bạn bè thân thiết đã cùng chia sẻ hoạn nạn vui buồn với họ trong cuộc đời, chứ không phải là của tập thể người Việt dù là ở hải ngoại hay ở trong nước hiện nay, trong bối cảnh chia ly khá phức tạp sau ngày bỏ nước ra đi vào cuối tháng Tư năm 1975. Trong trường hợp đó, giả sử như trong tương lai những người này có thể làm những công việc nào đó gây thiệt hại cho quyền lợi của nước Việt Nam nhưng lại có ích lợi cho những quốc gia mà họ đã được cưu mang và trở nên trung thành, thì điều này cũng sẽ được mọi người dễ dàng thông cảm và chấp nhận, tránh phải cảnh ngỡ ngàng khó ăn khó nói.

TRƯỜNG HỢP CỦA NGÔ BẢO CHÂU

Thí dụ gần đây nhất của việc vội vàng vơ vào thành tích của người Việt ở hải ngoại và coi đó là thành quả của người Việt là trường hợp vinh danh giáo sư Ngô Bảo Châu, vừa mới được trao tặng một giải thưởng cao quí trên thế giới trong ngành toán học. Nhiều bài báo ở trong nước, cũng như của các đài phát thanh quốc tế có chương trình tiếng Việt như RFI, RFA, BBC, đã nói đến sự kiện thời sự khá nổi bật này.

Đó là sự kiện liên quan đến Đại hội của Liên đoàn Toán học Thế giới (ICM) 2010, diễn ra tại thành phố Hyderabad ở Ấn Độ vào ngày 19-8 vừa qua, đã có hai người Pháp nằm trong số 4 người được trao giải thưởng cao quí nhất mang tên là giải Fields: đó là hai giáo sư toán Cédric Villani, 36 tuổi, giám đốc Viện nghiên cứu Toán học Poincaré ở Paris; và ông Ngô Bảo Châu, 38 tuổi, giáo sư toán tại trường Đại học Paris-Sud và hiện đang được mời giảng dạy tại trường Đại học Chicago. Hai người khác cũng đạt được danh dự này là Elon Lindenstrauss (người Do Thái) và Stanislav Smirnov (người Thuỵ Điển gốc Nga). Đây là một giải thưởng cao quí nhất được trao cho những người trẻ dưới 40 tuổi và được phát mỗi 4 năm một lần, thường được ví von như là một thứ giải Nobel của ngành toán học. (Giải Nobel chỉ có giành cho các môn Y khoa, Vật lý, Hoá học, Kinh tế, Văn chương và Hoà bình).

Đại hội Toán học kéo dài trong gần 10 ngày và quy tụ khoảng 3,000 nhân tài chuyên gia trên thế giới trong ngành toán học. Huy chương Fields được đúc hoàn toàn bằng vàng có trị giá khoảng 13,000 Mỹ-kim với một mặt được đúc hình của nhà toán học lừng danh Archimède. Ngoài giải thưởng Fields, cũng còn có những giải thưởng khác như Nevanlinna, Gauss và Chern nhưng mọi người chú ý nhiều hơn đến giải thưởng Fields, do một nhà toán học người Gia Nã Đại là John Charles Fields đã thành lập ra.

Nếu như giới truyền thông người Việt ở hải ngoại không chú ý gì nhiều lắm ở sự kiện này thì ngược lại, giới truyền thông ở trong nước, cũng như giới truyền thông của Pháp đều đã khai thác tin tức này khá nhiều, do bởi lý do đơn giản là cả hai nước này coi Ngô Bảo Châu như là người dân của nước mình, và thành quả của ông ta trên trường quốc tế coi như cũng là một niềm vinh hạnh chung cho quốc gia của họ.

VINH DANH BỞI CHÍNH QUYỀN PHÁP

Tờ nhật báo uy tín hàng đầu tại Pháp là tờ Le Monde đã có một bài xã luận ngay trên trang đầu với hàng tựa “Các nhà toán học Pháp lên đến tột đỉnh vinh quang”. Tờ nhật báo cánh hữu là Le Figaro thì so sánh thành quả này không khác gì những lực sĩ điền kinh và bơi lội của Pháp mới đây đã giành được huy chương vàng quốc tế. Nhà báo Jean-Luc Nothias còn nhấn mạnh đến sự kiện là nước Pháp vẫn được coi là một cường quốc về toán học, bởi vì trong tổng số 52 giải thưởng Fields được trao tặng từ năm 1936 đến nay, đã có 11 giải thuộc về tay của người Pháp, chỉ đứng sau có Hoa Kỳ với thành tích có 13 người đoạt được vinh dự này. Tờ báo cũng nhắc đến sự kiện cả Tổng thống Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Francois Fillon lẫn Tổng trưởng Bộ Nghiên cứu là Valérie Pecresse đều đồng thanh khen ngợi thành tích của hai nhà toán học trẻ này. Các viên chức cao cấp trong chính quyền Pháp đã cho rằng những phần thưởng này “một lần nữa đã chứng minh sự xuất sắc của ngành nghiên cứu về toán học tại Pháp.

.

Hai giáo sư trẻ của Pháp là Ngô Bảo Châu (Đại học Paris-Sud)
và Cédric Villani (Institut Poincaré) chụp hình với huy chương Fields
(hình Noah Seelam - AFP)

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhUh66UTWe8rnqcyAfP_midTFlo6EMjIQmSf3W0sRRmOWGXVKNXUXd1oB_QwNulPId5TzHOtBJn3OIdGWs4NfClKOcGmG0PWjjWu9cXmi39yOjKpQiLof20PkOgKemXuKntorpWWT7duA/s320/ThaySangBatQuangLamHo%5B1%5D-8.jpg

.

Tờ báo cánh tả là Libération thì phỏng vấn một chuyên gia là ông Jean Pierre Bourguignon, giám đốc Viện Nghiên Cứu Khoa Học ở bậc Cao học, để cho rằng sở dĩ nước Pháp vẫn được coi là một trong những quốc gia hàng đầu về toán học là vì quốc gia này đã có sẵn truyền thống thích nghiên cứu về toán học từ lâu. Các chuyên gia học cấp cao trong ngành toán vẫn thường được quý trọng, cộng vào sự hiện hữu của các Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học (CNRS) giúp cho các chuyên gia trẻ có được công việc làm ổn định để từ đó có thể yên tâm lao đầu vào các công trình nghiên cứu khô khan và nhức đầu trong toán học.

Việc chính quyền và báo giới tại Pháp đề cao thành tích của hai nhà toán học trẻ của Pháp cũng là điều dễ hiểu, nhất là khi quốc gia này càng ngày càng đi xuống trong thời gian gần đây trong nhiều lãnh vực so với Hoa Kỳ, trong đó dĩ nhiên có địa hạt khoa học. Vì thế nên mỗi khi có công dân nào của Pháp đạt được những thành tích vang danh quốc tế thì đều được mọi người chú ý đến. Tiểu sử của cả hai nhà toán học này đều được kể sơ qua: Ông Villani được coi như là một thần đồng toán học dù bố mẹ chỉ thích văn chương, từng đạt được số điểm tối đa là 20 về toán khi đi thi Tú Tài (một điều rất hiếm hoi theo cách thức thi cử tại Pháp). Sau đó, ông trúng tuyển vào trường Cao Đẳng Sư Phạm của Pháp (Ecole Normale Supérieure, ENS) và hiện nay đang điều hành Viện Nghiên cứu về Toán học Poincaré ở thủ đô Paris.

Còn ông Ngô Bảo Châu sinh quán tại Hà Nội vào năm 1972, con của một ông bố là nhà vật lý học Ngô Huy Cẩn và bà mẹ là bác sĩ Trần Lưu Vân Hiền. Nhờ thành tích xuất sắc ở môn toán (với hai lần đoạt huy chương vàng tại Giải thưởng Toán học quốc tế từ lúc còn trẻ), ông Châu nhận được học bổng để sang học Toán tại trường Đại học Pierre-et-Marie-Curie (thường gọi là Paris-VI) bắt đầu từ năm 1990. Sau đó, ông cũng thi đậu vào trường Cao đẳng Sư Phạm (ENS) và trình luận án tiến sĩ tại Đại học Paris-Sud ở ngoại ô Orsay. Bắt đầu làm phụ giảng và sau đó là giáo sư tại trường này từ năm 2005, được gửi đi tu nghiệp và làm việc tại Viện nghiên cứu ở Princeton từ năm 2007, và sẽ giảng dạy tại trường Đại học Chicago bắt đầu từ tháng 9 năm 2010.

Thành quả của giáo sư Châu để được giải thưởng huy chương Fields là nhờ vào công trình chứng minh được vào năm 2008 một định đề mang tên là Lemme Fundamental, và được tuần báo Time của Hoa Kỳ xếp hạng vào 10 phát minh sáng giá nhất trong lãnh vực khoa học của năm 2009. (Tờ Time đã lập ra danh sách 500 người hàng đầu trong 50 bộ môn khác nhau của mỗi năm). Đây là một khái niệm khá trừu tượng và khó hiểu trong toán học, cũng như khó giải thích một cách bình dân được.

Vào năm 1979, nhà toán học người Gia Nã Đại là Robert Langlands đã đề ra một lý thuyết nhằm kết hợp hai ngành toán học riêng biệt gọi là lý thuyết về số (number theory) và lý thuyết về nhóm (group theory). Giáo sư Langlands nghĩ rằng việc tìm cách chứng minh những giả định cho lý thuyết này cần phải được mất công trong một thời gian dài. Nhưng ông nghĩ rằng việc chứng minh một định đề phụ, còn gọi là bổ đề (lemma), có thể được dễ dàng hoàn tất. Bổ đề tức là một định đề phụ được chứng minh hoặc chấp nhận để có thể dùng vào việc chứng minh cho một định đề chính yếu khác. Giáo sư Langlands và nhiều phụ tá của ông đã chứng minh điều này trong một số trường hợp đặc biệt, nhưng chưa chứng minh nó được đúng một cách tổng quát. Phải đợi đến khoảng 30 năm sau thì công trình của giáo sư Châu và người thầy của ông là giáo sư Laumon, đã chứng minh được điều này, đem lại sự thở phào nhẹ nhõm cho mọi người trong ngành toán học trên thế giới, bởi vì trước đó mọi người đều tin rằng định đề này đúng nhưng đã không chứng minh được một cách xác đáng.

VINH DANH BỞI NHÀ CẦM QUYỀN VIỆT CỘNG

Nếu như các viên chức cao cấp trong chính quyền Pháp cũng như trong ngành nghiên cứu tại Pháp đều ca ngợi thành quả của hai nhà toán học trẻ tuổi là Cédric Villani và Ngô Bảo Châu vì họ là công dân Pháp là điều dễ hiểu, thì việc giới truyền thông và các viên chức của nhà cầm quyền Việt Cộng cũng tìm cách đánh bóng cho giáo sư Châu và khai thác vụ này vì cho rằng ông ta là một người Việt Nam, với cái tên và họ thuần tiếng Việt, dù rằng ông đã nhập quốc tịch Pháp vào năm 2010 và đi giảng dạy tại ba nơi là Pháp, Hoa Kỳ và Việt Nam.

Trên đài RFA, có biên tập viên Gia Minh, cũng mở một cuộc phỏng vấn với một chuyên gia về toán là giáo sư Phạm Phụ. Ông Phụ nói rằng tuy đây là một tin vui lớn khiến cho mọi người Việt đều hãnh diện lây, nhưng việc đem dồn hết tất cả trí tuệ vào lãnh vực này thì chưa phù hợp với điều kiện của Việt Nam, hiện nay đang cần nhiều nhân tài ở các lãnh vực khác. Ngoài ra, ông Phụ cũng nhận định rằng việc ông Châu về Việt Nam làm việc cũng là điều không nên, vì nếu bị tách ra khỏi những môi trường thuận lợi là các viện nghiên cứu toán học quốc tế mà chỉ giam mình trong nước thì e khó phát triển, ấy là chưa kể đến chính sách của nhà nước Việt Cộng chưa chắc đã thuận tiện cho việc tự do học hỏi, giảng dạy và nghiên cứu.

Nhà cầm quyền Việt Cộng cũng không bỏ qua cơ hội này để lợi dụng và coi đó như là một thành quả của người Việt, mặc dù ông Châu đã được đào tạo và huấn luyện từ các trường đại học ở Pháp từ gần 20 năm qua. Tất cả các tờ báo trong nước đã được lệnh viết bài về vị giáo sư trẻ tuổi này và đưa tin khá chi tiết về buổi lễ trao giải. Ngay cả thủ tướng của Việt Cộng là Nguyễn Tấn Dũng cũng chúc mừng ông Châu như để chứng minh rằng nhà nước rất ưu ái với giới Việt kiều. Còn có tin đồn là ông Nguyễn Thiện Nhân, phó thủ tướng Việt Cộng, đề nghị mời ông Châu về làm việc tại Việt Nam và hứa sẽ tặng cho món quà là một căn nhà ở khu nghỉ mát Tuần Châu.

Theo tin được loan báo trên đài truyền hình SBTN tại Orange County thì dường như ông Châu đã từ chối những điều kiện dụ dỗ này, xuyên qua những gì viết trong một blog để thẳng thắn chia sẻ một số quan điểm trong đó có việc lập Quỹ Khuyến học Ngô Bảo Châu và từ chối món quà là căn biệt thự. Trong phần trả lời phỏng vấn, ông Châu cũng đã làm cho nhà cầm quyền Hà Nội phải điếng người khi trả lời một cách rất khôn khéo. Ông nói không phải ai cũng có khả năng để được giải Nobel hay Fields, nhưng ai cũng có thể sống để cuộc sống của mình có ý nghĩa. Ông cũng muốn tin rằng giải thưởng Fields sẽ đánh dấu một bước ngoặt, sẽ đem đến một luồng gió mới cho khoa học và giáo dục đại học ở Việt Nam, nhưng cá nhân ông quá bé nhỏ so với một dự án to lớn như vậy.

Ông Châu cũng còn cho biết rằng trong những ngày qua đã có những người đưa ra những lời khuyên ông liên quan đến chuyện ở lại Pháp hay về Việt Nam phục vụ. Và ông đã thẳng thắn nói rằng rất tiếc là những lời khuyên này không cần thiết, vì chính phó thủ tướng Việt Cộng là Nguyễn Thiện Nhân chưa bao giờ đặt vấn đề mời ông về trong nước để làm việc hẳn toàn thời gian. Khi bị báo chí hỏi là liệu ông là người theo lề trái hay lề phải (ý nói có tuân theo những điều căn dặn hoặc chỉ đạo của nhà nước khi phát biểu ra ngoài), ông Châu đã khôi hài tuyên bố rằng bám theo lề là việc của con cừu, không phải là việc của một con người tự do.

.

Tên của Giáo sư Châu trên trang nhất của website
của đại hội toán học thế giới 2010. ảnh: icm2010.org.in

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhvPF6fMZttLriaJGxmgkgbBmNxczeD0QO02nCnTdWbmByGVXzdqBN0b52yco9qgJ_xLciGTODjOxDaYBhI_r9XXCyoqFSbMZ7K3LFiga1ynEBO4fn-U0ZAvEc02dAnikP7gI23XXLDHw/s320/ThaySangBatQuangLamHo%5B1%5D-12.jpg

.

Nhưng có lẽ thối nhất không ngửi được trong số những nhận định bốc thơm về sự kiện giáo sư Ngô Bảo Châu nhận được giải thưởng Fields là một vị giáo sư tên Trung, được ký giả của báo VietnamNet tường thuật cuộc phỏng vấn và giới thiệu là Viện trưởng Viện Toán học. Ông này đã nhận định như sau khi nghe tin giáo sư Châu nhận được giải thưởng: Xúc động và tự hào đến nghẹn cả tim. . . Chúng tôi thường mơ ước là đến một lúc nào đó, có người Việt Nam được giải Fields, nhưng không ngờ nó lại đến nhanh như vậy. Giá mà các bác Phạm Văn Đồng, Tạ Quang Bửu và Lê Văn Thiêm còn sống để chứng kiến sự kiện này. Công lao xây dựng nền toán học Việt Nam của các bác và các thế hệ tiền bối đã góp phần đem đến sự kỳ diệu ngày hôm nay. Ông giáo sư tên Trung này còn tiếp tục nổ một cách sống sượng và không ngượng mồm khi nói rằng các nhà toán học thuộc các nước nghèo hoặc đang phát triển khi gặp ông đã coi thành tựu của giáo sư Châu là một sự cổ vũ lớn lao đối với họ, để rồi ông phán tiếp: Họ hỏi chúng tôi là làm thế nào mà các ông có thể đào tạo nên một con người như anh Châu. Tôi nói rằng họ cần những nhà lãnh đạo như Phạm Văn Đồng, Tạ Quang Bửu và Lê Văn Thiêm, và rằng đó là một quá trình lâu dài cần được cả xã hội quan tâm nâng đỡ.

Láo khoét đến thế thì quả thật hết nước nói, đúng với câu nói bình dân là “nói láo như Vẹm. Người ta cứ tưởng rằng chỉ có tay bồi bút Tố Hữu là người láo khoét sống sượng nhất khi khóc than ca ngợi Xít-ta-lin ơi hỡi còn hơn cả khóc cha mẹ chết. Nhưng giờ đây không ngờ lại có những nhà khoa học như cái ông giáo sư Trung của Viện Toán học lại có thể thốt lên những lời để ca ngợi về thành tích của ông giáo sư Ngô Bảo Châu là do những công lao của những lãnh tụ độc tài như Phạm Văn Đồng, chứ không phải là do công lao của những thầy giáo và hệ thống đại học tại Pháp đã nuôi dưỡng và tốn công đào tạo cho ông Châu trong gần 20 năm qua.

Lý do vì sao những ông trí thức kiểu này có thói quen ca tụng không ngượng mồm là vì theo truyền thống “hồng hơn chuyên”, tất cả những gì xảy ra dưới chế độ cộng sản tại Việt Nam đều theo ưu tiên đảng tịch hơn là kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn trong các ngành nghề. Vì thế mà trong hầu hết các tác phẩm quan trọng được cho ấn hành tại miền Bắc trước đây, bao giờ thường cũng có những lời giới thiệu của ông thủ tướng Phạm Văn Đồng vì nó được xem như là một bằng chứng vinh hạnh cho tác phẩm. Đây là một truyền thống “nâng bi” khó ngửi nhất và chỉ thấy xuất hiện tại Việt Nam, vì tại tất cả các nước khác, mọi người đều biết rằng những người nắm giữ những vai trò tối cao trong chính phủ không hẳn lúc nào cũng là những nhân vật hàng đầu trong mọi lãnh vực, nhất là trong các địa hạt văn chương và khoa học. Trong nhiều trường hợp, nhất là tại các nước nghèo dưới chính thể độc tài như tại Việt Nam, các lãnh tụ nhiều khi lại còn là những kẻ ngu dốt nhưng nhờ may mắn và gian ngoa thủ đoạn nên đã leo lên được những chức vụ chóp bu để đè đầu cưỡi cổ người dân.

Xem chừng ra ông nhạc sĩ Tô Hải cũng còn có liêm sỉ và khí phách hơn cái ông giáo sư đại học này trong cái nước gọi là Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vì ít ra ông cũng còn nhận thức được, và dám công nhận rằng mình đã quá hèn. Trí thức cỡ như cái ông giáo sư Trung, Viện trưởng Viện Toán học, nếu có bị lãnh tụ Mao Xếnh Xáng chê bai không khác gì cục phân thì âu cũng là chuyện dễ hiểu.

Mai Loan

Mailoan74@yahoo.com
Houston, Texas 31-08-2010

.

.

.

No comments: