Thằng khôn thì đã vượt biên...
Huyền Chi
Thứ Sáu, 10/09/2010
Người giỏi phải bỏ đi là bởi chốn quê nhà không tạo điều kiện để người ta phát huy khả năng và khai thác tiềm năng quê hương bản quán làm giàu cho bản thân và làm giàu cho cộng đồng.
Chả biết tự bao giờ, chắc không thể trước năm 1975, dân gian Việt Nam truyền tụng câu ca dao, có vài phiên bản khác nhau chút xíu nhưng đại loại là:
Chung quy chỉ tại vua Hùng
Sinh ra một lũ dở khùng dở điên
Đứa khôn thì đã vượt biên
Những thằng ở lại chả điên cũng khùng
Hồi mới nghe đoạn ca dao này, cũng gầm lên "thật quá đáng, chả nhẽ phần lớn dân tộc này điên khùng hết à, đúng là lời lẽ của quân phản động". Ấy thế mà sau nhiều năm trải nghiệm ở cõi đời dân nước Việt lại thấy mấy câu ca dao chết tiệt kể trên cũng... có lý.
* * *
Thôi thì những chuyện máu chiến bắn giết nhau mấy chục năm tạm gác lại, kẻo lại mang tiếng làm vết thương rỉ máu, tăng hằn thù dân tộc. Chỉ xét những chuyện gần đây thôi, cũng thấy vô ối những cái làm minh chứng. Tống tộ tiền vào Vinashin để tạo điều kiện cho nó sập tiệm nè, mua cả đống USD trước khủng hoảng gây ra lạm phát nè, đường sắt cao tốc Bắc Nam nè, dời đô lên non Tản nè, trục đường tâm linh Hồ Tây - Ba Vì nè, công an nổi giận ra oai là làm tử thương trẻ em, dân lành ngay tức khắc nè ... Mới đây nhất là việc cấm đứng đơn nhiều tên, nhiều chữ ký. Rõ là điên khùng còn gì nữa. Chỗ này cũng nói thêm cho rõ, người điên triền miên, khùng bất tỉnh thì phải vào nhà thương, nhưng người thỉnh thoảng khùng lên một tí điên lên một tẹo thì vẫn sống bình thường ngoài đời, có khi lại còn được làm quan, mà là quan to vì dũng cảm, mạnh bạo (dân ta quen gọi là liều) khác người nên được cho là có "chỉ số IQ cao".
* * *
Dân ta có câu "giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành thị". Tại sao "ngồi lê thành thị" vẫn sướng hơn ở nhà quê? Nhiều lý do lắm, tạm kê thế này:
- Thành thị văn minh hơn nhà quê, tôn trọng tự do con người hơn, đỡ phải bực mình vì làng xóm tọc mạch chuyện riêng tư, đỡ phải mệt mỏi vì "đất lề quê thói".
- Thành thị dễ kiếm tiền hơn nhà quê vì là nơi tập trung nhiều người giỏi hơn ở quê, làm ra của cải vật chất nhiều hơn thì cũng tiêu tiền nhiều hơn.
- Thành thị có môi trường học tập và điều kiện chữa bệnh tốt hơn ở quê
- Thành thị đỡ mất điện hơn chốn thôn quê
- Lao động tự do ở thành thị đỡ phải nay phí này, mai phí nọ, nay cưới hỏi, mai tang ma (họ khắp làng không đi không được).
- v.v...
Tóm lại, cơ chế quản lý xã hội ở thành thị tốt hơn ở nông thôn, nếp sông đô thị văn minh hơn nhà quê, nó cho phép phát huy được tiềm năng con người và cho phép con người hưởng thụ nhiều thứ mà không phải e dè hay bị ngăn trở bởi đạo lý nọ kia và đất lề quê thói, cuộc sống ở thành thị vì thế tổng thể nhìn chung là tốt hơn ở nông thôn
Chẳng có gì ngạc nhiên khi người dân quê ngày càng đua nhau chen vào nơi thành thị. Những người dám bỏ quê lên phố là những người dũng cảm, những người phấn đấu phải ở thành thị cũng là những người giỏi. Ai cũng cố trụ lại thành thị, ít muốn về quê.
Dân Nghệ An, dân Thanh Hóa, dân Hà Tĩnh, dân Quảng Bình nổi tiếng học giỏi và thành đạt từ trong nước đến ở nước ngoài, nhưng, những người giỏi và thành đạt ấy không chịu về quê mà cố trụ lại ở các thành phố lớn. Kết quả, đất Thanh - Nghệ - Tĩnh - Bình dù có nhiều cảnh đẹp, nhiều khoáng sản (kể cả khoáng sản quý hiếm), con người thông minh cần cù chịu khó nhưng vẫn là những tỉnh nghèo. Cơ sự là do người giỏi bỏ đi hết rồi. Người giỏi phải bỏ đi là bởi chốn quê nhà không tạo điều kiện để người ta phát huy khả năng và khai thác tiềm năng quê hương bản quán làm giàu cho bản thân và làm giàu cho cộng đồng.
Khi chốn thành thị Việt Nam cũng khiến người ta ngột ngạt và thấy rằng "đâu cũng đất nước này, thế chế này và thuộc quyền đảng này lãnh đạo", người ta rủ nhau di cư sang nước ngoài. Nhà nước không cho phép thì người ta vượt biên. Nhà nước cho phép thì người ta xin du học, xuất khẩu lao động, du lịch rồi tìm cách ở lại các nước văn minh không chịu về Việt Nam nữa (1). Tất nhiên, những người dám tìm đường ra nước ngoài sống cũng là những người giỏi và dũng cảm trên một bậc so với cái sự giỏi và dũng cảm bỏ quê lên phố.
* * *
Xét trong lịch sử nước nhà. Tự hồi xửa hồi xưa, theo truyền thuyết, Lạc Long Quân và Âu Cơ từ phương Bắc xuống, đẻ ra Hùng Vương cai trị đất nước này. Còn theo sử sách chính thống:
- Thục Phán An Dương Vương là dân di cư từ Vân Nam xuống, nhiều khả năng là dân tộc Thái. (2)
- Lý Bí - hoàng đế đầu tiên của nước Việt, người lập nên nhà nước Vạn Xuân - là người gốc Hoa Hán.
- Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn được coi là những người thuần Việt.
- Nhà Hậu Lý sau này, Lý Công Uẩn được nuôi dạy bởi thiền sư Lý Khánh Văn, rồi thiền sư Lý Vạn Hạnh đều là người gốc Hoa. Có một số thông tin còn cho rằng Lý Công Uẩn chính là con của Lý Khánh Văn.
- Nhà Trần, gốc từ Mân Châu, Phúc Kiến bên Trung Quốc. Giai đoạn Lý - Trần được coi là thịnh vượng nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
- Nhà Hồ, Hồ Quý Ly cũng là dân gốc Hoa.
- Triều Hậu Lê, Lê Lợi được coi là thuần Việt (có sử gia cho rằng thuộc dân tộc Mường).
- Triều Mạc, cũng được coi là thuần Việt.
- Triều Lê Trung Hưng, Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn cũng đươc coi là thuần Việt.
Có thể thấy rằng, phần nhiều những sự thịnh trị, hùng mạnh của nước Việt Nam ngày xưa là do có lãnh đạo ngoại, hay được người ngoại quốc rèn luyện. Có điều lạ là những ông vua thời Vạn Xuân, Lý - Trần mặc dù xuất thân Hoa Hán nhưng sùng Phật mà coi nhẹ Nho giáo, xây lên quốc gia Việt có phong tục khác hẳn "thiên triều" (3). Còn những vua chúa Lê, Mạc, Nguyễn, dù là dân Việt Nam thuần thì lại đam mê Nho giáo, sính văn hóa Trung Hoa, cũng kể từ đó sự giết hại bừa bãi, tranh giành quyền lợi liên miên không dứt, từ trong hoàng tộc cho đến khắp chốn nhân gian (4).
Thời gần đây, dưới sự lãnh đạo tài tình của đảng TA và chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Việt Nam đã đạt được những kỳ tích vang lừng năm châu bốn biển. Tuy nhiên, Bác Hồ nhà TA hơn ba mươi năm sống ở nước ngoài, ăn bánh mì, uống rượu vang hay vodka, mặc comple Padesuit, đội mũ phớt, đeo cravat. Bác hút thuốc lá chứ không hút thuốc lào. Ngay bản tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nhà nước TA hiện nay, cũng toàn trích dẫn lời Tây với lời Mỹ. Bác Tôn Đức Thắng cũng 18 năm ở Pháp. Các bác khác, người từng ở Pháp, ở Nhật, ở Nga, còn lại những người ở trong nước cũng học thày Tây, tiếng Tây, văn Tây, được rèn luyện cách sống, lề lối làm việc theo kiểu Tây. Bản thân đảng TA cũng được khai sinh ở HongKong - Trung Quốc.
Có thể đưa ra kết luận không ngoa rằng: Dân tộc Việt Nam thịnh trị, hùng mạnh, văn minh được phần rất lớn là nhờ lãnh đạo ngoại, kiến thức ngoại.
* * *
Người Pháp sang ta, bảo hộ nước ta. Tuy có giết hại, bóc lột dân ta thật nhưng cũng chính người Pháp đã tạo ra một thế hệ vàng người Việt Nam, anh tài xuất chúng trong nhiều lĩnh vực. Hơi bị tiếc là thế hệ vàng này lại dùng phần lớn những khả năng xuất chúng ấy để... nện nhau nhiều hơn là dựng xây đất nước. Khi "hơi Tây" nó nhạt dần, màu "nhựa củ chuối" ngày càng chẻ hoe ra, cũng là lúc sự mạnh mẽ tinh anh lui dần, sự hèn yếu ngu muội tiến lên. Vận suy ngày càng lộ rõ.
Hy vọng những "đứa khôn" ở nước ngoài, học theo được "tiền bối vượt biên" Nguyễn Tất Thành - tức Bác Hồ kính yêu vĩ đại, tạo được lực lượng có đủ sức mạnh xóa được cái điên, giảm được sự khùng của "những thằng ở lại" thì dân ta sướng lắm, nước Việt ta may lắm.
________________________
(1) Trước kia nhà nước ta giữ người ghê lắm, ai bỏ cơ quan nhà nước, bỏ tổ quốc ra đi là bị chửi rủa trù ẻo rất là ghê. Gần đây, nhà nước mới "bật đèn xanh": Ai giỏi mà trụ ở nước ngoài được thì khuyến khích. Thật ra, người giỏi thường hay bướng, ít chịu nghe lời, các quan chả mong những người như thế đầy ra trong nước, quậy tưng, khó điều khiển. Thế là, đứa nào thích đi thì chúng tao cho chúng mày đi, còn đứa nào ngoan hiền ở lại chúng tao càng dễ cai trị.
(2) Một số nhà nghiên cứu cho rằng: Lạc Việt bao gồm các tộc người Mường, Lô Lô (Choang), Hà Nhì, Tày, Nùng. Âu Việt gồm các tộc người Thái, Mông, Dao. Trong quá trình di cư xuống đồng bằng, nếp sống dần đổi khác. Sau này, trải qua nghìn năm Bắc thuộc, chịu nhiều ảnh hưởng đồng hóa từ nguồn gien cho đến văn hóa, tạo ra giống người Kinh bây giờ. Trong nghìn năm Bắc thuộc ấy, các khu vực rừng núi thuộc dạng ràng buộc lỏng lẻo (kimi) nên cư dân ở đó ít bị đồng hóa biến đổi hơn.
(3) Nguyễn Trãi có viết trong Bình Ngô Đại Cáo "núi sông bờ cõi đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác". Trong ký sự của sứ giả Nguyên, Trần Phu cũng ghi rõ phong tục Đại Việt rất khác Trung Hoa, từ ăn mặc đến nói năng, thiết triều, tục lễ không có gì giống cả.
(4) Ngoại trừ đời vua Lê Thánh Tông thịnh trị được nửa thế kỷ. Tuy nhiên, vị vua này từ khi còn trong bụng mẹ đã sống trong chùa, sau mới vào cung.
.
.
.
No comments:
Post a Comment