Sunday, September 26, 2010

TẠI SAO KHOA HỌC VIỆT NAM KÉM ? (TS Trần Nam Dũng)

TS Trần Nam Dũng
25-09-2010

Loạt bài sau đây (đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị) của TS Trần Nam Dũng, ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM giải thích tại sao khoa học VN vẫn còn ì ạch.  Những vấn đề Dũng nêu không mới, vì ai quan tâm cũng đều biết. Tuy nhiên, cái giá trị của loạt bài là tác giả nêu ra những trường hợp cụ thể để minh chứng cho sự lãng phí, kém hiệu quả, và thiếu đồng bộ.
Theo tôi, lí do thì còn nhiều, nhưng tôi thấy vấn đề nổi cộm nhất là ở cái cơ chế xét duyệt và quản lí công trình khoa học.  Đó là một cơ chế chẳng những thiếu dân chủ, mà có khi còn phản khoa học. Kiểu phân chia đề tài cấp Nhà nước, Bộ, Sở, cơ sở là phản dân chủ.  Cách xét duyệt không mang tính khách quan và khoa học.  Quá nhiều người ngồi nhầm chỗ trong hội đồng xét duyệt.  Chẳng hạn như người chẳng có thành tích nghiên cứu khoa học, chưa làm nghiên cứu khoa học, mà phán xét người có thành tích nghiên cứu!  Chưa thấy nơi nào mà có cơ chế vô lí đến như thế!  Như bài viết Những ông kẹ trong khoa học Việt Nam đã chỉ ra, chính cái cơ chế thiếu dân chủ và phi khoa học đó làm cho nhà khoa học chân chính không muốn dấn thân vào khoa học.
NVT
====
Diễn đàn Ứng xử với người tài
Đầu tư cho khoa học cơ bản: Có cũng như không

Kỳ 1: Lãng phí
LTS. Thiếu kinh phí là lý do người ta thường đưa ra để giải thích vì sao Việt Nam đã có không ít tên tuổi được biết đến trong môi trường khoa học đỉnh cao của thế giới, nhưng mặt bằng khoa học cơ bản thì vẫn còn quá thấp so với khu vực. Có đúng như vậy không? TS Trần Nam Dũng, giảng viên khoa toán – tin, đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, với tư cách là người trong cuộc sẽ trả lời phần nào câu hỏi này.
Việt Nam còn quá nhiều vấn đề quốc sách cần quan tâm giải quyết, khó có thể trông chờ đến một nguồn kinh phí lớn để đầu tư cho khoa học cơ bản. Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện nay chúng ta đang sử dụng một cách lãng phí và không hiệu quả những nguồn lực hiện có. Tức là vấn đề đang nằm ở chỗ cơ chế và cách thức sử dụng nguồn kinh phí, chứ không ở bản thân nguồn kinh phí.
Đầu tư không ai được lợi
Từ vài năm nay, chúng ta đã có những chương trình rầm rộ để đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, nổi bật nhất là chương trình 322 đào tạo 20.000 tiến sĩ. Tuy nhiên, dường như những người thiết kế chương trình chỉ mới nghĩ đến việc đào tạo mà chưa nghĩ đến việc sử dụng nhân tài. Chúng ta vẫn quen với lối tư duy quan liêu bao cấp: tôi bỏ tiền ra đào tạo anh thì anh phải quay về phục vụ tôi. Nhưng khi người được đào tạo trở về, họ lại được đặt vào môi trường làm việc y như cũ, các đãi ngộ gần như không khác gì, nhiều người còn mất quyền lợi vì “ghế” cũ đã có người ngồi. Và một nghịch lý xảy ra là trong cú đầu tư này không có ai được lợi: Nhà nước tốn tiền đầu tư, cá nhân cũng chẳng được hưởng lợi (trừ vài năm được sống bao cấp), cơ quan chủ quản cũng không khai thác được hoặc không muốn khai thác lợi ích từ người mới về (do yếu kém hoặc do những lợi ích cá nhân). Kết cục thường là người về lại tìm cách ra đi sau khi đã hoàn thành “nghĩa vụ”. Đào tạo nhưng không chuẩn bị môi trường để sử dụng nguồn lực một cách xứng đáng, vô hình trung chúng ta đã lãng phí một nguồn kinh phí rất lớn.
Nghiên cứu khoa học bị giết chết như thế nào?
Thập niên 90 thế kỷ trước, rất nhiều tiến sĩ được đào tạo bài bản ở Liên Xô và các nước Đông Âu trở về nhưng rất trầy trật trong việc tìm kiếm một việc làm phù hợp với chuyên môn. Đơn cử trong ngành toán, năm 1990, hai tiến sĩ trẻ là Lê Bá Khánh Trình và Bùi Tá Long về xin việc tại trường ĐH Tổng hợp TP.HCM, nhưng chỉ Lê Bá Khánh Trình được nhận, còn Bùi Tá Long phải đi tìm việc khác vì… thiếu biên chế. Thật may là anh tìm được việc ở viện Cơ học ứng dụng và sau đó tự khẳng định mình ở đó. Đến cuối những năm 90, hai tiến sĩ toán là Nguyễn Văn Lượng (ĐH Tổng hợp Moskva) và Hoàng Ngọc Chiến (ĐH Tổng hợp Leningrad) về nước cũng chẳng ai quan tâm. Hoàng Ngọc Chiến từng nộp đơn vào khoa toán ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH Quốc gia TP.HCM nhưng do thủ tục nhiêu khê và đặc biệt là cách tiếp đón không mấy thân thiện nên không tiếp tục theo đuổi ý định. Ngày nay các anh đã thành công trong lĩnh vực kinh doanh nhưng vẫn tiếc vì không được sử dụng những điều đã học.
Đối với những người được hệ thống chấp nhận và tuyển dụng, sự lãng phí tiếp tục được thể hiện trong chế độ đãi ngộ. Quy đổi theo thời giá thì lương một tiến sĩ mới ra nghề chỉ khoảng... 2 triệu đồng. Thù lao một tiết dạy là khoảng 50.000 đồng ở bậc đại học và 80.000 đồng ở bậc cao học. Hướng dẫn một luận văn cao học/tiến sĩ được khoảng 1 – 1,5 triệu/năm. Với thu nhập như thế, hiển nhiên các cá nhân phải tự xoay xở. Người thì viết báo như TS Nguyễn Quốc Lân (ĐH Bách khoa TP.HCM), người làm thêm cho các công ty bên ngoài (TS Nguyễn Thanh Vũ, TS Nguyễn Văn Minh Mẫn, ĐH Bách khoa TP.HCM), người thì tham gia vào ngành công nghiệp “luyện thi đại học”: TS Lê Bá Khánh Trình, TS Nguyễn Viết Đông (ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM), TS Lê Anh Vũ (ĐH Sư phạm TP.HCM)... Và hệ quả là thời gian dành cho nhiệm vụ chính không còn. TS Lê Anh Vũ từng nói: “Tham gia luyện thi đại học là cách tốt nhất để giết chết nghiên cứu khoa học”. Từ vài năm nay, anh đã từ giã “cuộc chơi” này để tập trung nghiên cứu khoa học và kết quả là đã có hàng loạt bài báo khoa học được đăng trong các tạp chí trong nước và quốc tế.
Những người “tử vì đạo”
TS Nguyễn Quốc Lân khi được hỏi về môi trường nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, ngậm ngùi: “Phải nói thật, ở Việt Nam loay hoay kiếm tiền thì không khó, nhưng nghiên cứu khoa học thì rất khó, phải hoặc là người tử vì đạo, hoặc rất thoải mái về kinh tế mới làm được. Mà thực ra môi trường xung quanh cũng không cho phép”.
Hiện nay, đi dự hội nghị khoa học trong nước được hỗ trợ tiền tàu xe, tiền phòng 150.000 đồng/ngày và công tác phí 50.000 đồng/ngày. Đi dự hội nghị khoa học nước ngoài được hỗ trợ đồng mức 200 USD/người. Tổ chức seminar khoa học không được hỗ trợ kinh phí, tổ chức hội nghị khoa học xin được 20 triệu đã trầy trật. Mời giáo sư nước ngoài về được hỗ trợ tối đa là 500 USD (đây là quy chế mới, tiến bộ nhất hiện nay!). Nói chung, có rất ít lý do để hỗ trợ cho nhiệt huyết nghiên cứu khoa học.
Hiện vẫn còn những người dành tâm huyết cho nghiên cứu khoa học, cho đào tạo thế hệ trẻ như TS Lê Anh Vũ, TS Huỳnh Quang Vũ (ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM), TS Nguyễn Văn Minh Mẫn… nhưng không biết họ còn trụ vững bao lâu, bởi như lời TS Nguyễn Văn Minh Mẫn: “Năm 2009, tôi từ chối vị trí tư vấn thống kê cho một công ty đa quốc gia ở TP.HCM để ở lại trường đại học, nhưng chưa rõ có thể tồn tại lâu dài hay không cho nghề khoa học của mình!”

Kỳ 2: Không hiệu quả
SGTT.VN - Không rõ kết quả đầu tư ở các ngành khác thì thế nào, nhưng ở ngành toán có thể nói thẳng là rất kém hiệu quả!
Kết quả cao nhất của một đề tài khoa học ngành toán có thể là một cuốn sách tham khảo, sách giáo khoa, một bài báo khoa học đăng trên tạp chí ngoài nước hoặc trong nước. Nhưng những kết quả như thế rất hiếm, phần lớn kết quả là một bài báo cáo nghiệm thu đề tài với một số điều đã làm được, những đề xuất định hướng tiếp theo và chữ ký nghiệm thu của các thành viên hội đồng. Sau đó đề tài sẽ được đóng theo đúng nghĩa của nó, gần như không ai biết đến và hơn nữa là dùng đến.
Tại sao như vậy? Có phải vì trình độ nhà nghiên cứu của chúng ta kém? Có phải vì họ chưa thật tận tâm? Có phần đúng, nhưng chưa hẳn đã là nguyên nhân cốt lõi.
Giải đúng bài toán... sai
Để có một công trình khoa học tốt, cần có ba yếu tố: 1) có bài toán hay đề tài tốt, phù hợp khả năng và kinh phí thực hiện; 2) người thực hiện có đủ khả năng, tâm huyết và được hỗ trợ đầy đủ về kinh phí và môi trường thực hiện; 3) khâu nghiệm thu được tiến hành nghiêm túc, khoa học. Ở chúng ta, có lẽ cả ba khâu đều yếu. Và sự yếu kém này có mối liên hệ mật thiết với nhau.
Bắt đầu từ khâu đề tài. Do không có một định hướng chung nên ở đây ta có thể thấy sự trăm hoa đua nở. Đề tài được lựa chọn hoàn toàn chủ quan theo định hướng và sở trường của chủ nhiệm đề tài. Khi thẩm định, vì không có chuyên gia nên việc này được làm một cách qua loa. Kết quả là chất lượng đề tài được phó mặc cho… may rủi. Nhưng, cũng như tầm quan trọng của khai cuộc trong cờ vua, việc chọn đề tài đúng đóng vai trò quan trọng và là mấu chốt cho thành công của một nghiên cứu. Điều này quan trọng đến nỗi một nhà toán học đã đúc kết: “Thà giải sai một bài toán đúng còn hơn giải đúng một bài toán sai”. Vấn đề đặt ra đã sai, thì mọi cố gắng phần sau chỉ là vô ích.
Đối phó là chính
Nhưng làm sao có thể được đề tài tốt, đi đúng hướng của khoa học, của công nghệ, của ngành công nghiệp nếu sự giao lưu, cọ xát của chúng ta với khoa học thế giới quá khiêm tốn, nếu sự liên kết liên ngành hầu như không có, nếu ngành công nghiệp Việt Nam không tự tin đặt ra những bài toán cho giới khoa học, giới toán học Việt Nam, thay vào đó là sử dụng các công nghệ nước ngoài?
Giả sử may mắn có được một đề tài tốt (nhờ vào những cố gắng cá nhân không mang tính hệ thống), đến khâu thực hiện cũng sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Hiện nay, mỗi đề tài cấp trường ở đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM được cấp 10 đến 20 triệu đồng trong thời gian sáu tháng đến một năm. Với số tiền đó thì làm được gì? Mua được mấy cuốn sách, mấy tài liệu, đi dự được mấy hội nghị? Nói gì đến thiết bị, đến thí nghiệm, đến đi khảo sát thực tế! Nói gì đến mô phỏng, tính toán hiệu năng cao! Hệ quả là những kết quả tương xứng và cách làm mang tính đối phó, hợp thức hoá đề tài nhiều hơn là làm đề tài. Tệ hại hơn, cách làm đó tiếp tục được lặp lại ở đề tài cấp đại học quốc gia, cấp sở, cấp bộ, dù số tiền có cao hơn, “hoành tráng” hơn.
Bệnh xuề xoà
Và nguyên nhân để các đề tài nghiên cứu khoa học không đến đâu đó tiếp tục được phê duyệt, tiếp tục được đầu tư là do chúng ta quá dễ dãi ở khâu cuối cùng: khâu nghiệm thu. Ở đây có thể phân tích sự dễ dãi của những người tham gia nghiệm thu có ba nguyên nhân chính: 1) họ không phải là người am hiểu lĩnh vực chuyên môn của đề tài nên chỉ đánh giá chung chung, ba phải; 2) họ chặc lưỡi “Ôi dào, đề tài có 20 triệu thì làm thế được rồi”; 3) họ cùng cạ với chủ nhiệm đề tài, theo kiểu “anh dễ với tôi thì sau này tôi sẽ dễ với anh”. Cho dù thế nào thì kết quả cuối cùng là đề tài được nghiệm thu và sau đó đa phần là… xếp xó.
Căn bệnh dễ dãi, xuề xoà này thực sự rất tai hại. Nó tiêu tốn thời gian của các “nhà khoa học”, tiêu tốn tiền của của Nhà nước, của nhân dân. Nó còn cản đường những nhà khoa học chân chính nhưng lại ít biết những “đường đi nước bước”, không rành thủ tục. Nó còn lây lan sang các đánh giá học thuật, tạo ra các luận văn tốt nghiệp đại học và luận văn thạc sĩ toàn điểm mười. Nó khiến chúng ta mơ ngủ trên các “thành tựu khoa học” của mình, của học trò mình, để rồi khi ra bên ngoài, hoà nhập với thế giới mới biết mình chỉ là “những dòng sông đã lâu không ra được biển rộng”.

Kỳ cuối: Thiếu đồng bộ
SGTT.VN - Sự thiếu đồng bộ trong đầu tư cho nghiên cứu khoa học có thể thấy ở khắp nơi, khắp các lĩnh vực và hầu như khắp các công đoạn trong quy trình phức tạp để có được một công trình khoa học chất lượng.
Người rẻ hơn máy?
Trong các hạng mục đầu tư, đầu tư cho cơ sở vật chất và máy móc thường tốn kém nhất nhưng lại được phê duyệt dễ dàng nhất. Các chi phí khác như mua sách báo, tài liệu, chi phí đào tạo, chi phí mời chuyên gia, chi phí tham dự hội nghị quốc tế thường khó khăn hơn nhiều. Cơ sở vật chất và máy móc có trước nhưng người làm việc và sử dụng được những máy móc đó một cách hiệu quả lại không có. Và hệ quả tất yếu là nhiều phòng làm việc không ai ngồi, nhiều máy móc không ai dùng đến. Mà cơ sở vật chất và nhất là máy móc thì xuống cấp hàng ngày, hàng giờ và có thể mất hết giá trị chỉ sau ba – năm năm.
Chúng ta đang sống trong thời đại công nghiệp, thời đại của nền kinh thế tri thức. Thế nhưng, thời gian của chuyên gia lại được đánh giá quá thấp. Từ đây mới dẫn đến những câu chuyện rất đáng suy ngẫm: nhiều giáo sư nước ngoài bỏ hàng ngàn đô để mua vé sang nói chuyện và giảng dạy tại Việt Nam, nhưng khung lương mà chúng ta có thể trả cho họ vẫn chỉ vài triệu đồng cho một tuần giảng dạy. Chúng ta có thể lãng phí hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng cho việc đi lại, ăn uống, tổ chức nhưng tiền thù lao cho báo cáo viên, cho giám khảo, cho các chuyên gia bao giờ cũng khiêm tốn đến chạnh lòng. Năm 2007, hơn 70 chuyên gia hàng đầu của Việt Nam từ nhiều quốc gia đã về nước để làm giám khảo cho kỳ thi toán quốc tế lần thứ 48, lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam (IMO 2007). Và thù lao cho một tuần làm việc vất vả và căng thẳng của họ chỉ là 3 triệu đồng! Theo GS Ngô Việt Trung, viện trưởng viện Toán học và là thành viên cốt cán của ban tổ chức IMO 2007 thì chi phí cho công tác chuyên môn (một trong những công tác quan trọng nhất đối với một kỳ thi) chiếm chưa đến 5% tổng chi phí.
Sự thiếu đồng bộ còn thể hiện ở quá trình theo dõi một đề tài, một dự án. Thường khâu khó khăn nhất chỉ là khâu phê duyệt đề tài. Có thể nói tất cả “tài năng” và “tâm huyết” của chủ nhiệm đề tài và các cộng sự chủ yếu được dồn vào nhiệm vụ thuyết minh đề tài thế nào để được phê duyệt, cấp kinh phí. Còn sau đó đề tài được thực hiện thế nào, tiến độ và chất lượng ra sao thì nói chung ít ai quan tâm, kiểm soát. Và, như đã đề cập, dự án nào, đề tài nào rồi cũng sẽ được nghiệm thu, được “hạ cánh an toàn”. Không đồng bộ ở khâu kiểm soát đề tài, dự án, chúng ta đã tiếp tục lãng phí cho các đầu tư không hiệu quả, tiếp tay cho những hình thức “hợp thức hoá” đầu tư của nhà nước, của nhân dân.
Hội chứng thích cô đơn?
Vấn đề hợp tác liên ngành cũng là một biểu hiện của sự đầu tư thiếu đồng bộ. Chúng ta cũng rất thiếu các dự án nghiên cứu liên ngành. Các vấn đề của toán học, cơ học, vật lý, hoá học, sinh học, môi trường, thuỷ điện – thuỷ lợi được giải quyết một cách riêng lẻ, đầu tư một cách riêng lẻ. Điều này dẫn đến những đề tài xa rời thực tế của toán học và những đề tài thiếu một nền tảng và mô hình toán học vững chắc của các ngành khoa học thực nghiệm. Hai bên đều thiếu nhưng không biết tìm đến nhau, mà có biết tìm đến nhau thì cũng gặp khó khăn để có tiếng nói chung do những cơ chế hành chính và tài chính. Rất mừng là gần đây đã có nhiều lãnh đạo của các viện nghiên cứu ứng dụng nhìn thấy vấn đề này và đã đặt vấn đề hợp tác. Nhưng con đường đi từ mong muốn đến thực tế thực hiện được còn rất xa, vì thực sự chúng ta còn rất xa lạ với các hợp tác liên ngành.
Vừa qua, giới khoa học nói chung và giới toán học nói riêng rất phấn khởi với sự kiện GS Ngô Bảo Châu đạt huy chương toán học Fields danh giá. Tiếp đó, họ lại càng phấn khởi khi nghe tin Chính phủ đã phê duyệt chương trình trọng điểm phát triển toán học 2010 – 2020 với tổng số tiền đầu tư lên tới 651 tỉ đồng. Chưa bao giờ toán học được ưu ái đến thế. Tuy nhiên, sau những hồ hởi ban đầu, chúng ta lại tiếp tục lo lắng: liệu chúng ta có biết cách sử dụng số tiền đầu tư tương đối lớn đó không? Và liệu toán học có tìm được tiếng nói chung với các ngành khoa học khác để cùng phát triển toàn diện và đồng bộ được hay không? Bởi vì suy cho cùng, có tiền là một chuyện, biết sử dụng tiền thế nào cho hiệu quả là một chuyện khác.
TS Trần Nam Dũng
.
.
.

No comments: