Mai Xuân Dũng
Đăng ngày: 16:23 17-09-2010
http://vn.360plus.yahoo.com/dungmb64/article?mid=732
Trong các văn kiện của Đảng cộng sản Việt nam, người đọc hay gặp những cụm từ: “kiên trì”, “kiên định”, “giữ vững lập trường đấu tranh giai cấp”.
Chuẩn bị cho Đại hội Đảng cộng sản Việt nam lần thứ XI, đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng bí thư Đảng vẫn khẳng định Đảng ta vẫn sẽ kiên định lấy chủ nghĩa Marx – Lê nin làm nền tảng tư tưởng chính trị cho mọi hoạt động của mình.
.
Là những người dân, chúng tôi suy nghĩ đơn giản thế này:
Chủ nghĩa Marx – Lê nin như ta đã biết là thế giới quan và phương pháp luận mà ý nghĩa xuyên suốt của nó xoay quanh cuộc đấu tranh giai cấp để xóa bỏ chủ nghĩa Tư bản.
Đã đấu tranh là có hai lực lượng đối kháng: Ta và Kẻ thù. Năm 1922 đánh dấu sự khai sinh của Liên bang các nước cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết kéo theo sự ra đời của một loạt các nước xã hội chủ nghĩa khác trên toàn thế giới. Cuối thế kỷ XIX sang thế kỷ XX ghi nhận sự phát triển của chủ nghĩa xã hội với gần 100 quốc gia xã hội chủ nghĩa hoặc tự nhận là đi theo con đường chủ nghĩa xã hội. Các quốc gia này tập hợp với nhau trở thành Hệ thống Xã hội Chủ nghĩa anh em là Bạn đồng chí với nhau. Thế giới (theo quan điểm của những người cộng sản) đã hình thành rõ nét tương quan: Ta – Bạn và - Kẻ thù.
Sau 70 năm thực hiện cuộc thí nghiệm vĩ đại xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa với sự sụp đổ của Liên xô – thành trì vững chắc, ngọn cờ tiên phong của chủ nghĩa xã hội đã như một đầu máy hơi nước lao xuống vực thẳm phá sản, kéo theo hầu như tất cả các toa của nó.
Nói cho đúng hơn là nhân dân các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa đã tự mình đoạn tuyệt với chủ ngĩa xã hội nghèo đói để tự cứu sống mình.
Cho đến nay, chưa rơi xuống vực là năm nước vẫn kiên trì đi trên con đường chủ nghĩa xã hội, bao gồm anh lớn: Trung Quốc rồi đến Việt nam, Lào, Cu ba, Bắc Triều Tiên.
.
Hiện nay tương quan Ta – Bạn và – Kẻ Thù ra sao?
.
Về Ta. Trước tình hình thế giới biến chuyển, vận động không ngừng như vậy nhưng quan điểm của Đảng ta vẫn tiếp tục duy trì đường lối xã hội chủ nghĩa. Suốt từ năm 1976, Đảng ta thực hiện chính sách kinh tế tập trung, cải tạo tư bản, tư doanh cho đến năm 1986, đất nước gần như rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện, có nơi đã có người bắt đầu chết đói thì Đảng cộng sản buộc phải nhìn nhận lại chính sách kinh tế sai lầm của mình, kêu gọi “đổi mới công tác lãnh đạo của Đảng, quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan”. Và đến nay Đảng đã công khai thừa nhận nền kinh tế nước ta đi theo con đường phát triển kinh tế thị trường và đất nước đã dần thoát cảnh nghèo đói.
.
Về Bạn. Người bạn lớn của Đảng cộng sản Việt nam là Đảng cộng sản Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Mao tiếp tục kiên định đi theo con đường chủ nghĩa xã hội trong gần ba thập kỉ đã đưa đất nước Trung Quốc trở lại thời kì hỗn mang với hơn bốn mươi triệu người chết đói và chế độ cộng sản tàn khốc đã giết chết hàng chục triệu người trong các cuộc đấu đá tranh giành quyền lực.
Năm 1978 với sự trở lại chính trường của Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc đã bắt đầu thực sự quay lưng lại với chủ nghĩa Marx – Lê nin, đi theo con đường “Xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc” mà bản chất là xóa bỏ hình thức kinh tế kế hoạch hóa tập trung, đi theo mô hình kinh tế thị trường Tư bản chủ nghĩa.
Người bạn của Việt nam bên kia bán cầu là Cu ba sau năm mươi năm dứt khoát đi theo con đường xã hội chủ nghĩa cũng đã nhận thấy một sự thật không thể phủ nhận được là đất nước càng ngày càng đói nghèo, tiêu điều đã phải cay đắng thú nhận cơ chế quản lý xã hội chủ nghĩa như một cỗ máy không còn vận hành được nữa. Chính quyền Trung ương đã sa thải một lúc nửa triệu người trong nền kinh tế nhà nước và chấp nhận để nhân dân tự do kinh doanh kiếm sống theo quy luật cơ chế thị trường.
Một nước xã hội chủ nghĩa khác là Bắc Triều tiên hiện nay cũng đang rơi vào tình trạng kiệt quệ, nhân dân đói khổ cùng cực. Một đất nước có thể chế cầm quyền mà thế giới gọi là điên rồ.
Vậy quan hệ giữa Việt nam và người bạn lớn Trung Quốc như thế nào? Có phải là những người bạn thật sự không?
Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước của Việt nam là lịch sử chiến đấu không ngừng chống lại các cuộc xâm lăng hòng chiếm đóng và đồng hóa dân tộc của các triều đại phong kiến phương Bắc. Năm 1974 Trung Quốc đã đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt nam. Năm 1977-1978, Trung Quốc đã nuôi dưỡng chính thể của đảng cộng sản Cam pu chia gây ra cuộc thảm sát hơn hai triệu người dân và đánh phá Việt nam ở biên giới Tây nam. Sau khi đất nước thống nhất, năm 1979 Trung Quốc đã tiến hành cuộc chiến tranh tàn phá đất nước ta tại sáu tỉnh biên giới. Suốt trong nhiều năm sau, Trung Quốc vẫn tiếp tục lấn chiếm đất đai của Việt nam trên bộ và hải đảo như trường hợp quần đảo Trường Sa trên biển Đông. Những người bạn có thể cư xử với nhau như thế không? Họ có phải là Bạn không?
.
Về Kẻ Thù. Từ trước chúng ta vẫn coi Mỹ là kẻ thù. Tuy nhiên lịch sử luôn vận động và đã cho thấy người bạn của ngày hôm qua có thể trở thành kẻ thù của ngày hôm nay và kẻ cựu thù vẫn có thể trở thành người bạn. Cũng như Trung quốc, các nhà lãnh đạo Việt nam vẫn giữ chiếc áo tơi chủ nghĩa xã hội theo model Marx – Lê nin nhưng thực chất thân thể đã không còn là con người xã hội chủ nghĩa nữa. Mỹ và các nước như Anh, Pháp, Đức…từng bị chúng ta coi là các nước Tư bản, là đối tượng đấu tranh chuyên chính, xóa bỏ thì nay đã được Đảng ta giơ hai tay ra bắt và hoan hỉ với các dự án đầu tư, hoan hỉ đón mừng những đồng đô la của họ.
Như vậy, với Đảng ta, khái niệm Kẻ thù thực sự đã không còn. Như vậy mọi người dân Việt nam có trí khôn thông thường, không cần có IQ cao gì cả cũng có thể thấy được cái mâu thuẫn hiển nhiên: Vậy chúng ta còn “kiên định lấy chủ nghĩa Marx – Lê nin làm nền tảng tư tưởng chính trị cho mọi hoạt động của mình” để xóa bỏ chủ nghĩa Tư bản làm gì nữa?
.
Nhân dân ta đã đi với Đảng 65 năm qua, nhân dân ta đã đổ xương đổ máu để dành độc lập tự do, dân chủ. Sinh thời Hồ Chủ Tịch đã nói: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải tự do… Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý" (TT, ST, 1987, T7, trang 482).
Chính vì vậy, chúng tôi mạnh dạn bày tỏ với Đảng rằng: Chủ nghĩa Marx – Lê nin có vai trò lịch sử nhất thời của nó chứ không phải là chân lý vĩnh cửu soi sáng cho mọi thời đại được. Hiện nay thực tế cho thấy chủ nghĩa Marx – Lê nin đã trở nên phản khoa học và chỉ đem lại đói nghèo, lạc hậu cho nhân loại. Đảng nên dũng cảm nhìn vào thực tế để thay đổi chính mình. Ngay Đảng cộng sản Trung Quốc ngày nay cũng đã kêu gọi tiến hành thực hiện dân chủ, chấp nhận có phe phái trong Đảng để tăng sức tranh đấu cho lẽ phải, cải cách mạnh mẽ trong Đảng để tồn tại. Chẳng lẽ Đảng ta lại cứ bịt tai trước các góp ý của Nhân dân, của các vị lão thành cách mạng coi những người có tiếng nói đòi hỏi tự do dân chủ là “các thế lực thù địch” sao? Chẳng lẽ 95% nhân dân lao động nghèo khổ mong muốn duy nhất là được tự do bày tỏ ý kiến xây dựng đất nước, mong muốn có quyền làm chủ thực sự như Hiến pháp đã quy định lại bị Đảng coi là “thế lực thù địch” sao?
Nhân dân từng tin Đảng, đi theo Đảng và không mong muốn là kẻ thù của Đảng nếu Đảng đừng tiếp tục coi Nhân dân là các “thế lực thù địch”.
Mai Xuân Dũng
.
.
.
No comments:
Post a Comment