Sức mạnh đang lên của Trung Quốc đe dọa thế cân bằng giữa các nước tại châu Á
Thứ ba 14 Tháng Chín 2010
Le Monde hôm nay, 14/09/2010, chú ý đến các xung đột mới đây giữa Trung Quốc và các nước láng giềng châu Á với hàng tựa « Sức mạnh đang lên của Trung Quốc đe dọa thế cân bằng giữa các quốc gia tại châu Á ». Hai trường hợp xung đột tiêu biểu nói lên mối đe dọa từ Trung Quốc được Le Monde phân tích là giữa Trung Quốc với Nhật Bản và Ấn Độ.
Xung đột mới đây giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan đến khu vực tranh chấp tại khu vực quần đảo không người ở Senkaku (Điếu Ngư theo tiếng Trung). Nhật Bản đã bắt giữ một tàu đánh cá của Trung Quốc hồi đầu tuần này. Sau năm ngày căng thẳng với Bắc Kinh, với việc đại sứ Nhật bốn lần nhận được giấy triệu lên, Tokyo đã quyết định thả toàn bộ thủy thủ đoàn, ngoại trừ thuyền trưởng con tàu vẫn tiếp tục bị giam giữ, vì bị kết tội đã cố tình đâm vào tàu tuần tiễu của Nhật. Để trả đũa Nhật, Trung Quốc đã hoãn lại các đàm phán song phương về các tranh chấp tại vùng biển giữa hai nước.
Senkaku được sát nhập vào lãnh thổ của Nhật Bản năm 1895, ngay trước khi kết thúc cuộc chiến tranh Trung Nhật đầu tiên, cùng với việc Đài Loan được nhà Thanh nhượng lại cho Nhật. Năm 1972, Hoa Kỳ ngưng chiếm đóng Okinawa và trả lại cho Nhật vùng lãnh thổ này với các đảo xung quanh. Cả Trung Quốc và Đài Loan đều phản đối quyết định kể trên.
Theo Le Monde, căng thẳng Trung – Nhật nổ ra tại vùng biển được coi là chứa nhiều dầu mỏ và khí đốt, đúng vào lúc Bắc Kinh cao giọng đòi chủ quyền tại các hòn đảo tranh chấp với các nước Đông Nam Á, tại vùng biển phía nam Trung Quốc, sau khi Hoa Kỳ tỏ ý muốn các tranh chấp này phải được giải quyết thông qua con đường thương lượng đa phương.
Để ngăn chặn Trung Quốc, Nhật Bản đang trong quá trình trang bị một lực lượng hải quân, theo mô hình Mỹ, có đủ khả năng bảo vệ hoặc chiếm lại các cụm đảo tây nam nước này. Lần đầu tiên, trong một cuốn sách trắng về quốc phòng được công bố ngày 10 tháng 9 vừa qua, Nhật đã thể hiện rõ nỗi lo sợ của mình về tính thiếu minh bạch trong chính sách quốc phòng của Trung Quốc, mà tổng số chi phí đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm gần đây, qua đó nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Nhật, như là một yếu tố răn đe, để bảo đảm an ninh trong khu vực.
.
Trung Quốc muốn trói chân Ấn Độ vào các xung đột Nam Á
Xung đột giữa Trung Quốc và Ấn Độ là trường hợp thứ hai được Le Monde chú ý đến. Bài viết do đặc phái viên từ New Delhi gửi về. Cũng từ một vài tuần nay, tại khu vực phía nam dãy núi Himalaya, vùng Kashmir, căng thẳng Trung Ấn đột nhiên tăng mạnh. Thủ tướng Ấn, Manmohan Singh, vốn nổi tiếng vì sự ôn hòa, đã có lời tuyên bố rất mạnh mẽ ngày 07/09 vừa qua : « Trung Quốc muốn lấn sân tại Nam Á. Người Trung Quốc ngày càng tự tin vào bản thân. Họ muốn kìm hãm Ấn Độ. Thật khó mà nói điều này sẽ dẫn đến đâu. Điều quan trọng là cần phải chuẩn bị ».
Căng thẳng Trung Ấn gia tăng cộng với xung đột Ấn Độ - Pakistan, đe dọa cân bằng chiến lược tại vùng Nam Á. Năm 1962, trong cuộc chiến tranh biên giới Trung - Ấn, New Delhi đã phải nhường một bang vùng đông bắc (Arnuchal Pradesh, mà người Trung Quốc gọi là « Nam Tây Tạng ») cho Trung Quốc, sau đó, Bắc Kinh đã trả lại phần đất này cho Ấn Độ. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đã sáp nhập một bộ phận khác của lãnh thổ Ấn Độ, thuộc khu vực Kashmir.
Cuối tháng tám, tờ New York Times đăng tải một phát biểu của cựu giám đốc văn phòng Nam Á của Washington Post, khẳng định có khoảng 11 ngàn binh sĩ Trung Quốc có mặt tại vùng bắc Gilgit-Balistan do Pakistan quản lý, mà Ấn Độ đang đòi hỏi chủ quyền. Islamabad thì cho rằng đây chỉ là các kỹ sư và công nhân Trung Quốc tới đây để giúp khắc phục hậu quả trận lụt khủng khiếp vừa qua.
Thật ra đây chỉ là một trong hàng loạt nhân tổ căng thẳng giữa hai nước trong thời gian vài năm gần đây, như vụ sứ quán Trung Quốc từ chối cấp visa cho một sĩ quan cao cấp Ấn Độ, gốc là người Kashmir, mà Bắc Kinh coi đây là vùng lãnh thổ tranh chấp. Việc Trung Quốc thỏa thuận cung cấp cho Pakistan hai lò phản ứng hạt nhân mùa hè vừa qua, cũng làm cho bầu không khí căng thẳng thêm, kể từ sau khi Mỹ và Ấn Độ ký kết hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự năm 2005.
Theo một chuyên gia thuộc Institut for Defence Studies and Analysis tại New Delhi, nếu như trước kia, chỉ có Ấn Độ coi Trung Quốc là một mối đe dọa, thì giờ đây Trung Quốc cũng coi Ấn Độ là mối đe dọa. Theo chuyên gia này, việc Trung Quốc thổi bùng các tranh chấp lãnh thổ tại Himalaya, là để nhằm trói chân Ấn Độ tại vùng Nam Á, cản trở các tham vọng của nước này trên phạm vi toàn cầu.
.
.
.
No comments:
Post a Comment