Sửa đổi hiến pháp: Một trò bịp cũ rích
Đối Thoại
13.09.10
http://www.doithoaionline.net/gocnhinhangtuan/gocnhinhangtuan_185.php
Hiến pháp là một định chế nền tảng trong một chính thể dân chủ. Hiến pháp định ra các khuôn khổ pháp lý và các qui ước căn bản nhất cho các hoạt động chính trị và đời sống dân sự của một quốc gia. Hiến pháp có tính chất cưỡng bách bình đẳng đối với mọi công dân. Nghĩa là mọi công dân của quốc gia dân chủ đều phải tuân thủ một bộ qui ước (hiến pháp) cho dù bộ qui ước đó, như mọi thực thể khác của tự nhiên, không hoàn hảo. Đó chính là tinh thần cốt lõi của hiến pháp. Do đó có những quốc gia không có hiến pháp (thành văn) nhưng vẫn là quốc gia dân chủ và thậm chí là một trong những cái nôi của dân chủ, như Anh quốc. Vì vậy hiến pháp đúng nghĩa phải là một hiến pháp phục vụ lợi ích của tất cả mọi công dân, có khả năng bảo vệ và cân bằng lợi ích của mọi cá nhân, tổ chức, đảng phái, thành phần trong xã hội. Nói cách khác, hiến pháp không được dẫn đến sự thiên vị hay phân biệt trong xã hội. Nếu ngược lại, hiến pháp chỉ còn là một áp chế của một nhóm người này lên một nhóm người khác hay toàn xã hội. Đó là hiến pháp giả mạo. Tuy nhiên, trên thực tế, các cá nhân, tổ chức hay đảng phái đều tìm mọi cách để có được một hiến pháp có lợi nhất cho bản thân, tổ chức hay đảng phái của mình. Đó là một lẽ tự nhiên, không thể cấm đoán, nhưng có thể bị hạn chế và ngăn chặn bằng các biện pháp kỹ thuật – hay gọi là các nguyên tắc cơ bản.
.
Cho tới nay nguyên tắc căn bản tối thiểu để xây dựng một hiến pháp gói gọn trong ba yếu tố : Thứ nhất, hiến pháp phải được soạn thảo bởi một cơ quan độc lập (ủy ban soạn thảo hiến pháp), trong đó các thành viên có tính đại diện cho tất cả các thành phần khác nhau của xã hội và không bị khống chế, kiểm soát bởi bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào. Thứ hai, dự thảo hiến pháp trước khi trở thành hiến pháp phải được đưa cho toàn dân xem xét kỹ lưỡng trước khi người dân bày tỏ ý kiến (đồng ý hoặc phản đối) một cách riêng tư (bỏ phiếu kín) bằng một hoạt động có tên gọi là trưng cầu dân ý (referendum). Thứ ba, toàn bộ quá trình soạn thảo và trưng cầu dân ý cho một hiến pháp phải được đi kèm với sự hoạt động tự do của các cơ quan truyền thông độc lập (của người dân) hoặc cùng với sự giám sát của các cơ quan quốc tế cũng có tính chất độc lập.
.
Như vậy, chưa kể tới các nguyên tắc nhỏ hơn, xây dựng được một hiến pháp đúng nghĩa là một công việc không đơn giản. Đó không thể là một công việc tùy tiện. Đó cũng không phải là việc của sự nôn nóng, hời hợt hay thờ ơ và dứt khoát không phải là công việc của một đảng hay một tổ chức. Xây dựng hiến pháp đòi hỏi phải tuân thủ các nguyên tắc tối thiểu. Nếu chưa đảm bảo được các nguyên tắc tối thiểu thì không nên bàn đến nội dung hiến pháp.
.
Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCS CN) từ năm 1954 đến nay đã tạo ra ba hiến pháp (1959, 1980, 1992), nhưng chưa có lần nào hiến pháp được xây dựng hay sửa đổi phù hợp với các nguyên tắc dân chủ tối thiểu. Chính vì vậy cả ba hiến pháp đều chỉ là công cụ áp chế của ĐCS VN với toàn đất nước. ĐCS VN lại đang rục rịch chuẩn bị sửa đổi Hiến pháp 1992 (đã sửa đổi và bổ sung năm 2001). Nhưng đến nay không có dấu hiệu nào cho thấy các nguyên tắc tối thiểu để xây dựng hiến pháp đúng nghĩa sẽ được ĐCS VN áp dụng. Và điều kỳ cục trong lần sửa đổi hiến pháp này là ĐCS VN tiến hành đồng thời với chiến dịch khủng bố, đánh phá các cơ quan truyền thông độc lập và ra những thông tư nhằm bịt miệng cả trí thức lẫn dân oan. Tuy nhiên, đó là lẽ tự nhiên, vì mọi kẻ độc tài đều không muốn áp dụng các nguyên tắc dân chủ và thường hoảng loạn khi bị nhân dân vạch mặt. Nhưng đó là công việc của chúng – những kẻ đang cố giữ quyền bằng các thủ đoạn lừa bịp.
.
Công việc của chúng ta là phải tiếp tục tập trung vào những hoạt động phổ biến dân chủ, vạch trần sự dối trá của chính thể độc đảng, xây dựng các kênh truyền thông độc lập v.v. Người dân Việt Nam chúng ta cần hiến pháp đúng nghĩa, cần pháp luật thực sự chứ không cần đến những thứ dân chủ giả hiệu như sửa đổi hiến pháp – một trò lừa bịp cũ rích.
Đối Thoại
.
.
.
No comments:
Post a Comment