Lê Trần Luật
Sep 10, '10 10:51 PM
http://lsletranluat.multiply.com/journal/item/22/22
Vậy là tôi đã làm việc ở văn phòng luật sư Hữu Điền đúng một tuần. Hôm qua thứ sáu, tôi hồi hộp chờ đợi kết quả “làm việc” giữa luật sư Hữu Điền và cơ quan an ninh. Tất cả không nằm ngoài dự đoán của tôi.
3h chiều, luật sư Điền trở về văn phòng với vẻ mặt thất vọng. Đặt chiếc cặp xuống bàn ông thở mạnh và nói: “ Không ổn”. Chúng tôi im lặng mấy phút, tôi bắt đầu: “ Sao rồi anh?”. Luật sư Điền kể lại:
“ Họ làm việc với anh về em, nói chung họ nói em không ra gì hết. Sau đó họ yêu cầu anh nếu nhận em làm phải cam kết liên đới chịu trách nhiệm nếu như những họat động của em có liên quan đến an ninh quốc gia. Dĩ nhiên là anh không làm cái cam kết đó, anh chỉ nói việc ông Luật làm thì ông Luật chịu, tôi nhận ông Luật làm là làm công ăn lương, tại sao tôi phải cam kết như vậy. Họ bảo nghề luật sư bây giờ nhạy cảm lắm và em đã từng lợi dụng nghề này để chống đối Nhà nước, cho nên cách tốt nhất là đừng nhận em làm việc.”
Tôi nói chen vào: “Kệ họ thôi anh, việc mình, mình làm”.
Luật sư Điền im lặng vài giây và nói tiếp:
“ Vấn đề không nằm ở chổ đó. Luật biết rồi anh từng là trung tá công an về hưu sớm vì lý lịch của vợ anh. Đến năm 2002 về hưu, anh đã phục vụ trong nghành trên 30 năm, đó là lý do anh tự tin nhận em mà không lo sợ gì. Thực ra sáng nay anh làm việc với họ chỉ có một tiếng đồng hồ thôi là anh bỏ về. Đến trưa nay chị Thoa vợ anh gọi điện và nói muốn gặp anh gấp. Chị Thoa nói là vừa nói chuyện với cơ quan an ninh, họ nói với chị Thoa là khuyên anh nên cho em nghỉ. Em biết đó anh từng vì chị Thoa mà bỏ nghành công an, anh thấy vợ anh lo lắng cho nên…”
Luật sư Điền không nói thêm nữa, tôi nói: “ Em hiểu rồi, không sao, như em nói với anh là nếu có gì ảnh hưởng tới anh, em sẻ tự nghỉ, em không buồn đâu”.
Luật sư Điền tiếp tục:
“ Như anh đã hứa em, giúp anh thành công vụ án bà Loan anh sẽ nhận em làm việc, bây giờ anh thấy rất ngại cho nên như vầy em cứ tạm nghỉ một thời gian, nếu anh thấy ổn ồn anh sẽ gọi em làm việc lại”.
.
Câu chuyện tôi làm ở văn phòng luật sư Điền là câu chuyện tình cờ. Hồi đó khi văn phòng luật sư Pháp quyền bị đóng cửa, tôi phải thanh lý hợp đồng với tất cả khách hàng, trong đó có bà Bùi Thị Loan. Bà này cũng từng là người nghe lời an ninh tố cáo tôi lừa đảo mà Báo công an đã đăng hàng lọat bài. Sau này bà Loan tiếp tục nhờ văn phòng luật sư Hữu Điền. Trong khi đọc hồ sơ luật sư Điền phát hiện có luận cứ bào chữa của tôi cho bà Loan và tìm đến nhà găp. Luật sư Điền nhờ tôi tham vấn về phương án bào chữa cho vụ án và đã thành công. Đó là lý do ông nhận tôi làm việc.
.
Tôi bàn giao lại cho luật sư Điền hồ sơ mấy vụ tôi chuẩn bị làm và rời khỏi văn phòng. Lúc này mới hơn 4h chiều, không biết đi đâu, tôi vào một quán nước và quyết định gọi điện thọai cho ông trung tá Long- người hay “quấy rầy” công việc của tôi.
Tôi nói: “ Bây giờ bên anh muốn gì ở nơi em, anh cứ nói thẳng thắn chứ đừng chơi kiểu này hoài, em phải đi làm để kiếm sống chứ”.
Ông Long đáp: “ Tôi đã nói rồi ông chưa đi làm được. Một là ông đi Mỹ thì phải im lặng để sau này tụi tui cho ông về thăm Việt nam. Hai là ông muốn ở lại đây thì phải từ bỏ tư tưởng chống đối của ông. Ông phải thấy sai lầm của mình. Muốn vậy ông phải làm đơn đề nghị cơ quan công an tạo điều kiện cho ông làm việc và trong đó ông phải tự nhận những việc làm trước đây là sai trái, không còn cách nào khác. Đó là cái giá ông ông phải trả cho những hành động chống đối của mình. Vậy đi ha, tôi đang bận”
.
Tôi uống hết ly cà phê thì có cuộc điện thọai gọi đến: “ Luật hả, anh Thọ nè, sáng thứ hai đi làm ủy quyền hả em?”. Tôi nói: “ Dạ, có gì tí nữa em gọi lại.”
Tôi nhớ lại vụ việc của ông Thọ, hôm qua vừa ký hợp đồng với ông. Khi đến văn phòng luật sư Hữu Điền ông mang rất nhiều huân huy chương kháng chiến và rất nhiều giấy khen, kể cả giấy chứng nhận thương bịnh binh. Ông nói ông là người của cách mạng mà còn bị mất đất oan ức. Số là ông làm việc trong nhà máy Z751 của quân đội, năm 1992 ông được quân đội cấp một lô đất 80m2 để làm nhà ờ. Trước nhà có một cái ao nước và ông đã sang lấp thêm khỏan 200m2. Ông và gia đình sinh sống ổn định từ đó đến nay. Rắc rối bắt đầu xãy ra khi năm 2004, quân đội giao đất lại cho UBNN quận Gò vấp quản lý. Lúc đầu thì chính quyền khuyên ông nên cho chính quyền để làm khu cây xanh. Sau đó lại thương lượng xin một phần đất để làm ban điều hành khu phố, nếu không cho thì không cấp sổ đỏ cho ông. Cuối cùng thì chính quyền bảo muốn cấp sổ đỏ thì phải mua lại phần đất dư với giá thị trường. Tôi biết ông đang bị chính quyền chèn ép.
.
Tôi lan man trong suy nghĩ của mình và nhớ đến vụ căn nhà 139 Đề Thám mà ngày mai tôi phải trả lời cho khách. Gia chủ có một căn nhà số 139 đường Đề Thám Quận nhất, với đấy đủ giấy tờ pháp lý từ trước năm 1975. Năm 1979, phòng thương mại ( nay là Sở Thương mại) có mượn căn nhà này làm kho hàng với văn bản mượn nhà hẳn hoi. Sau hơn 20 năm đòi căn nhà “cho mượn” của mình không được, năm 2001 gia chủ phát hiện UBND Thành phố đã cấp chủ quyền cho Sở Thương mại. Từ đó đến nay là con đường khiếu nại, khiếu kiện đầy đau khổ của gia chủ mà chẳng có kết quả gì.
.
Tôi nhìn thấy đất nước mình có quá nhiều nổi oan ức. Nhiều người dân oan tìm đến tôi trong tư cách là luật sư với hy vọng tôi sẽ mang lại công lý và lẽ công bằng cho họ, họ không biết rằng tôi cũng chính là nạn nhân khi sống dưới chế độ này mà bản thân tôi cũng không giải quyết được.
.
Ý nghĩ đó làm tôi cảm thấy hổ thẹn. Tôi rời quán cà phê trong một buổi chiều không vui và lòng ngổn ngang phiền muộn.
.
.
No comments:
Post a Comment