Wednesday, September 15, 2010

QUAN HỆ VIỆT-MỸ : "CHẶNG ĐƯỜNG ĐÃ QUA và HƯỚNG ĐI CHO TƯƠNG LAI"

Quan hệ Việt-Mỹ: “Chặng đường đã qua và hướng đi cho tương lai”

Khoa Diễm, phóng viên RFA

2010-09-15

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/US-Vietnam-relations-Where-have-we-been-and-where-are-we-going-next-KD-09152010094149.html

Sáng ngày 14/9/2010, tại khuôn viên nhà khách Quốc hội Hoa Kỳ có buổi hội thảo với đề tài mối quan hệ Việt-Mỹ nhân kỷ niệm 15 năm ngày bình thường hóa quan hệ song phương.

Liệu những vấn đề còn đang trong vòng luận bàn như nhân quyền và tự do tôn giáo sẽ có hướng đi và ảnh hưởng như thế nào đối với mối quan hệ này? Khoa Diễm tham dự và tường trình.

.

Một bước tiến dài

Mở đầu cuộc hội thảo, Thượng nghị sĩ của tiểu bang Virginia, ông Jim Webb tuyên bố rằng đây là dấu mốc quan trọng và là một bước tiến cho mối quan hệ Việt-Mỹ, là kết quả của nhiều năm nỗ lực hàn gắn sự chia rẽ sâu đậm giữa hai quốc gia. Ông Webb tin rằng trong 15 năm qua, hai phía đã có những bước đi nhằm giải tỏa những nút thắt trong quan hệ song phương. Việt Nam là một quốc gia quan trọng đối với nền kinh tế, văn hóa và an ninh của Hoa Kỳ.

.

Sau đó là bài diễn văn dài bốn trang của ông Trương Đình Tuyển, cựu Bộ trưởng Thương mại Việt Nam. Ông Tuyển nhắc lại những sự kiện lịch sử từ khi Cựu Tổng thống Bill Clinton ký hiệp định hòa giải với Việt Nam, khi Việt Nam gia nhập WTO đến thời điểm hiện tại, trải qua 15 năm với nhiều cố gắng và nỗ lực hòa giải của hai bên. Ông cũng không quên nhắc đến những giá trị mà người Mỹ coi trọng và Việt Nam cũng cần noi theo để hai nước có thể cân bằng trong những lãnh vực kinh tế và an ninh. Tuy nhiên, ông Tuyển đã không đề cập đến vấn đề nhân quyền mà Hoa kỳ và thế giới đang đặc biệt quan tâm:

“Hai nước đang mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực: khoa học công nghệ, giáo dục, kinh tế, nghiên cứu và đối phó với biến đổi khí hậu, đào tạo tiếng Anh cho sĩ quan nhân dân quân đội Việt Nam, là bước đầu tiên trong hợp tác quốc phòng. Hiện tại hai bên đang đàm phán về hiệp định tự do hóa đầu tư, sau khi đã ký hiệp định khung về đầu tư. Việt Nam cũng đang là quan sát viên đặc biệt trong đàm phán hiệp định xuyên Thái Bình Dương theo sáng kiến của Hoa Kỳ. Chúng tôi muốn thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác với nước Mỹ, một đất nước có những con người vĩ đại, đất nước với bản tuyên ngôn độc lập bất hữu.”

.

Trên ghế chủ tọa, người ta nhận thấy có các ông Joe Yun, phụ tá Thứ trưởng đặc trách châu Á, Thái Bình Dương, thuộc bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng của đại học George Mason và ông Lê Văn Bàng, cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ; mỗi người có vài phút để trình bày bản tham luận của mình về mối quan hệ song phương Việt-Mỹ và trả lời câu hỏi từ báo giới.

Ông Yun trình bày về những công việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đang thực hiện để xác định vị trí của Mỹ tại vùng châu Á, Thái Bình Dương. Ông cho rằng chính phủ Obama đã chứng tỏ được những nỗ lực và thành ý khi tham gia và quan tâm rất nhiều đến những diễn biến trong khu vực này. Ông cho rằng để làm được điều này chính phủ Hoa Kỳ đã phải học hỏi rất nhiều về kiến trúc văn hóa cũng như chính trị của khu vực và khéo léo trong các quan hệ ngoại giao với từng quốc gia:

"Từ rất lâu chúng tôi đã nói rằng sẽ làm việc với Việt Nam để nâng cao mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và các nước trong khu vực. Điều này có ý nghĩa gì? Tôi xin đơn cử một vài ví dụ: tuần tới Tổng thống Obama và Chủ tịch Nguyễn Minh Triết sẽ tham dự cuộc họp thượng đỉnh US-ASEAN với tư cách đồng chủ tọa tại New York. Đây là lần thứ hai có cuộc họp thượng đỉnh như thế này và tôi rất vui mừng vì điều đó.”

.

Vấn đề nhân quyền

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng là vị học giả duy nhất trong buổi hội thảo này và ông đã nói rằng đây là cơ hội để ông nói thẳng vào những vấn đề mà có lẽ các nhà chính trị không dám đá động đến. Giáo sư Hùng ôn lại những gì đã xảy ra trong 35 năm qua và những gì hai nước hướng đến trong tương lai. Ông đặc biệt quan tâm đến vấn đề nhân quyền và khối người Việt Hải ngoại:

“Nếu chúng ta nhìn lại lịch sử về mối quan hệ của hai nước thì chúng ta thấy rằng cả hai phía đã có những bước đi chậm nhưng chắc. Vấn đề nhân quyền tại Việt Nam vẫn là một mối quan tâm không phải của chỉ riêng những người Mỹ bản xứ mà những người Mỹ gốc Việt cũng rất e ngại là đã không có những bước phát triển như mong đợi.”

Cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Lê Văn Bàng đã trả lời những câu hỏi của phóng viên về vấn đề nhân quyền, chương trình Vùng Hạ lưu dòng Mekông, và các vấn đề khác.

.

Khi Đài Á Châu Tự Do đưa câu hỏi về vấn đề nhân quyền Việt Mỹ đựơc xem là khó giải quyết nhất giữa hai nước vì một bên là Việt Nam luôn cho rằng vấn đề này có liên quan đến chủ quyền quốc gia trong khi đó phía Mỹ lại nói Nhân quyền phải được tôn trọng trước khi các vấn đề khác được nêu ra, như vậy thì phải làm cách nào để có giải pháp cân xứng giữa hai quan điểm này?

Trả lời câu hỏi này, ông Lê Văn Bàng, cựu đại sứ Việt Nam tại Washington DC nói, "trong thời buổi hiện nay ý kiến hai phái có thể khác nhau vì vậy Hoa Kỳ đòi hỏi tôn trọng nhân quyền thì có thể có sự khác biệt". Ông Bàng cho rằng "nếu không cẩn thận khi bàn về vấn đề này thì Việt Nam có thể hiểu lầm những quan điểm của Hoa Kỳ, vấn đề này rất nhạy cảm đến chủ quyền độc lập của Việt Nam."

.

Buổi hội thảo chấm dứt trong sự tiếc rẻ của nhiều người khi các câu hỏi chưa có câu trả lời thỏa đáng từ chủ tọa đoàn.

.

Theo dòng thời sự:

Việt – Mỹ xúc tiến hợp tác quốc phòng

Đứng trước thời cơ lớn, Việt Nam phải làm gì?

Lần đầu tiên Việt Nam và Hoa Kỳ đàm phán quốc phòng cấp thứ trưởng.

Việt Nam ở vị trí nào trong chính sách ngoại giao Hoa Kỳ? (phần 1)

Việt Nam ở vị trí nào trong chính sách ngoại giao Hoa Kỳ? (phần 2)

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

No comments: