Wednesday, September 8, 2010

ĐỌC TIỂU THUYẾT "LỬA ĐẮNG" của NGUYỄN BẮC SƠN

Từ Lửa Đắng ngẫm về bệnh “ăn bẩn” của công chức có quyền

Tác giả: Thu Thanh

Bài đã được xuất bản.: 08/09/2010 06:00 GMT+7

http://www.baomoi.com/Home/ThoiSu/tuanvietnam.net/Tu-Lua-Dang-ngam-ve-benh-an-ban-cua-cong-chuc-co-quyen/4821674.epi

Viết cuốn Lửa Đắng trong một năm, nhưng Nguyễn Bắc Sơn mất năm rưỡi để tác phẩm “chạy” qua 7 nhà xuất bản từ Bắc vào Nam. Những người không sẵn sàng làm “bà đỡ” cho Lửa Đắng, họ e ngại điều gì?

Mời các bạn chia sẻ những bài viết suy ngẫm xung quanh cuốn tiểu thuyết Lửa Đắng của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn qua địa chỉ email tuanvietnam@vietnamnet.vn hoặc gửi ý kiến phản hồi TẠI ĐÂY.

----------------------------------------

Phải chăng Lửa Đắng chạm đến những "vùng cấm", phải chăng Lửa Đắng có điều gì "phạm húy"? Và vì sao, khởi đầu truân chuyên ấy cũng không ngăn được nó ra đời, có một sinh mệnh riêng trong đời sống văn học một cách an bình và tự tại?

Kế thừa tuyến nhân vật cũ của cuốn tiểu thuyết Luật Đời - cha và con (đã được chuyển thể thành phim truyền hình dài tập), mở rộng thêm nhiều nhân vật khác, Lửa Đắng đã sải bước sang một chủ đề mới.

Không chỉ là những vấn đề cá nhân, hôn nhân, gia đình...mà mạnh dạn tấn công trực diện vào đề tài chính trị xã hội nhức nhối ở nhiều bình diện, nhiều lĩnh vực như: cơ chế, thể chế, cải cách hành chính, việc thay đổi, cải tiến những cái đã trở nên cũ kỹ, lạc hậu trong hệ thống chính trị không còn phù hợp với sự phát triển. Kéo theo nó, là những vấn đề xung quanh không kém phần gai góc như tham nhũng, hối lộ, bầu cử, chạy chức chạy quyền, vấn đề dân chủ, dân biết dân bàn, dân kiểm tra, là vai trò và cả những tổn thất của những người làm báo trong cuộc đấu tranh xây dựng cơ chế mới...

Thông qua hai tuyến nhân vật, một chính diện, một tha hóa, Lửa Đắng đã xây dựng được một cuộc chiến vừa công khai, vừa âm thầm giữa cái cũ và cái mới, giữa những kẻ cản đường và những người đang tiến lên trong xây dựng xã hội.

Những nhân vật cản đường nằm trong bộ máy công quyền, họ có cái thiện và cái không thiện bên trong, vì không thắng nổi nhau trong cuộc vật lộn giữa cái cũ và cái mới nên cái không thiện vẫn kéo họ xuống. Một ông Trưởng ban Kiểm tra của Thành ủy mệnh lệnh, quyền hành vô lối, một ông Bí thư Thành ủy và đa số những người trong thường vụ, vì những lợi ích cá nhân mà bao che, lấp liếm, quanh co, đối phó và đổ lỗi cho tập thể để trốn tránh trách nhiệm.

Điển hình cho những công chức mắc bệnh "tha hóa quyền lực" là Vũ Sán, một công chức biến chất, hạn chế về năng lực, ham tiền, hám gái, dùng thủ đoạn để thăng chức, dùng xã hội đen để dằn mặt báo chí, đáng khinh đến độ nữ cảnh sát điều tra phải thốt lên: "Khinh cơ bản, toàn diện, vững chắc".

Họ làm lên cái lỗi của hệ thống, cái khiếm khuyết trong cơ thể chính trị, hiển hiện trong đời sống mà nhân vật "Tổng bí thư" đã nhận ra: "Một vấn đề có tính phổ biến là sự bất hợp lý, sự quan liêu, sự chồng chéo, sự trì trệ, bùng nhùng, cái không minh bạch, cả cái bẩn thỉu đang ẩn nấp đâu đây trong bộ máy hành chính này". Ông nhận ra cái căn bệnh trong đạo đức của cán bộ, "nhiều người ăn bẩn, ăn chặn, ăn bớt, ăn mảnh, ăn của đút đến thế. Không phải những kẻ, mà là những bọn, thậm chí cả một tập thể". Ông nhận ra cái căn bệnh "lãnh cảm thẩm mỹ cộng đồng" nói lên thói thờ ơ, vô trách nhiệm nhập nhèm, lem nhem trong xây dựng, đất đai, quy hoạch đô thị...Ông cũng nhận ra hệ thống kiểm tra giám sát của Đảng, của chính quyền đều làm chưa tốt chức năng của mình, nên "các đồng chí bị lộ còn ít quá", vì thế mà "các đồng chí chưa bị lộ mới dám làm liều".

Bên cạnh những nhân vật cản đường nằm trong bộ máy công quyền, Nguyễn Bắc Sơn đã thành công khi xây dựng được nhân vật ẩn danh, phiếm chỉ - "người lơ lớ", kẻ luôn đứng sau Vũ Sán, kẻ mà "không ai biết là ai" kể cả khi Vũ Sán đã bị lột trần bản chất. Hắn như con sâu, con mọt, gặm khoét cái cơ thể chính trị - xã hội.

Điều làm người ta phải chột dạ, phải giật mình, là hắn, có thể là bất kỳ ai đó, lẩn quất đâu đó, dù có là số ít thì cũng có sức mạnh phá hủy ghê gớm. Và trong mối quan hệ của hắn, trên hắn, lại có một nhân vật thấp thoáng được gọi là "người ngoài hành tinh", ám chỉ một quyền lực nào đó, một thế lực mà người ta biết là có tồn tại, quyền lực ảnh hưởng ghê gớm, nhưng không thể định danh, định tính, định hình.

Tác giả theo đuổi chủ đề "nhất thể hóa" trong hệ thống chính trị, mà Trần Kiên là nhân vật đại diện. Trăn trở từ thực tiễn lãnh đạo, quản lý khiến anh nung nấu xây dựng một nền hành chính sạch. Trải qua nhiều thăng trầm, có lúc bị vu cho là chuyên quyền, độc đoán, tập trung quyền lực, có lúc bị kỷ luật, bị bôi nhọ... Trần Kiên vẫn vững vàng, kiên định và đầy bản lĩnh theo đuổi và thực hiện cái gọi là "nhất thể hóa" bí thư và chủ tịch ở ngay quận của mình.

Những người ủng hộ Trần Kiên, Phó Chủ tịch Quận Thanh Diệu, bà Bội Trân, ông Thụ, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa trung ương, ông Trân, Bí thư Thành ủy Thanh Hoa mới nhậm chức và cả vị Tổng Bí thư đáng kính... là tuyến nhân vật được Nguyễn Bắc Sơn dành cho nhiều sự ưu ái. Lần đầu tiên trong văn học, những nhân vật ở chóp bu của hệ thống chính trị được khắc họa cụ thể và gần độc giả đến vậy. Họ là những người lãnh đạo tâm huyết, tranh luận và biện luận quyết liệt để bảo vệ cho lý tưởng sống, biết lắng nghe phản biện, biết ủng hộ cái mới, cái hợp lý.

Dù ít nhiều còn mang tính tượng trưng nhưng đây là những nhân vật mà tác giả gửi gắm niềm tin, sự hy vọng và lý tưởng của mình. Những nhân vậy ấy có thể làm yên lòng bạn đọc, yên lòng chính người cầm bút, bởi họ như những chiếc chân cột vững chắc làm trụ, chỗ dựa tinh thần cho những trăn trở nội tại để cho một sự sinh thành cơ chế - dẫu có vật vã, cũng được ghi nhận, được nâng đỡ để mà kiên định hơn.

Thành phố Thanh Hoa có lẽ cũng nên được xem là một nhân vật có nhiều cá tính, mang trong lòng nó tất cả sự bộn bề và nhức nhối mà vị Tổng Bí thư đã gọi tên. Nó khiến ông đau đáu: "Việc này chắc chắn không chỉ có ở Thanh Hoa. Vấn đề là ở bộ máy, ở hệ thống. Là cơ chế vận hành bộ máy ấy". Vị Bí thư trong truyện quả quyết tin rằng giải pháp chính là: "Kiên quyết tháo khớp những đốt nào hoại tử. Nếu được thì lọc máu. Cần nữa thì thay máu".

Lời cuối sách, tác giả dường như để tạo ra cái barie an toàn, đã viết: "Mọi sự hao hao, na ná, giống giống, thậm chí giống như in giữa tiểu thuyết và cuộc đời, nếu có chỉ là ngẫu nhiên trong sáng tạo của tác giả". Bởi đọc hơn 600 trang, nhiều người có thể thấy một Thành phố Thanh Hoa quen quen và giông giống một thành phố nào đó mà họ biết hoặc họ suy luận, có thể thấy những nhân vật mà "hình như" có một nguyên mẫu nào đó. Nhiều hiện tượng của cuộc sống mà có thể độc giả cũng đã từng trải qua, từng chứng kiến sẽ được lý giải sau khi đọc xong Lửa Đắng.

Gai góc nhưng không sắc lẻm làm người ta sợ hãi, luận đề nhưng không nặng nề lý luận làm người ta mệt, chán, vì tác giả biết cách khéo léo đứng sang bên làm một người kể chuyện, không bình luận, không "tự" lý luận khô khan mà biết lồng các vấn đề khó nói nhất, nhức nhối nhất vào lời của các nhân vật, thông qua những cuộc chuyện trò, tranh luận, những cuộc họp...Đôi lúc, đã biết làm mềm đi các vấn đề tư tưởng, chính trị, thế sự, bằng cách nói dân gian, khẩu ngữ, những câu thành ngữ mới xuất hiện để diễn đạt sinh động những tệ nạn của xã hội mới. Đôi lúc, lại xen vào những đoạn trữ tình ngoại đề, những khắc họa nhân vật có phần lãng mạn và lý tưởng. Đến độ, làm cho người ta đau nhưng không bi lụy. Người ta buồn, nhưng vẫn nhận thấy một thái độ sống tích cực, thái độ xây dựng, dám đấu tranh cho cái mà người ta tin là đúng, là đẹp, là lý tưởng.

Phải chăng, Lửa Đắng chính là ngọn lửa của cuộc đấu tranh giữa những chiến tuyến tư tưởng và lối sống trong cuộc sinh thành cái mới, cơ chế mới. Ngọn lửa đắng đót, không ngọt ngào nhưng có thể phân định vàng, thau.

.

.

.

No comments: