Friday, September 3, 2010

ĐỘC LẬP CÓ RỒI, DÂN CHỦ Ở ĐÂU ?

Độc lập có rồi, dân chủ ở đâu ?

Phạm Trần
Đăng ngày 03/09/2010 lúc 00:00:00 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=5074

Những người lãnh đạo của đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam nói nhiều đến “quyền làm chủ của nhân dân” trong dịp Lễ độc lập lần thứ 65 để tưởng nhớ đến Hồ Chí Minh và Bản tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, nhưng Độc lập có rồi, Dân chủ ở đâu?

Trước khi đi tìm xem “quyền làm chủ” của người dân nằm ở chỗ nào trong xã hội Việt Nam ngày nay, mọi người hãy nghe Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Nước nói tại Lễ kỷ niệm ngày 1/9/2010 ở Hà Nội
: “Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc ta, một cuộc đổi đời chưa từng có đối với mỗi người dân Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám lật đổ chế độ phong kiến nhiều thế kỷ đã lỗi thời, đập tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, giành chính quyền về tay nhân dân.
Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, một nhà nước kiểu mới - nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân được xây dựng”.
Nhưng 65 năm qua, cuộc đời của người dân Việt Nam đã thay đổi ra sao? Có phải Hồ Chí Minh đã tiêu diệt giấc mơ đổi đời của nhân dân ngay trong trứng nước bằng chiếc bánh vẽ đoàn kết dân tộc, dân chủ trong việc thành lập các Chính phủ lâm thời (2-9-1945), Chính phủ Liên hiệp Lâm thời (1-1-1946) và Liên hiệp kháng chiến (2-3-1946), trước khi lực lượng Cộng sản dùng mọi thủ đoạn chính trị để nắm trọn vẹn Chính quyền trong Chính phủ mới ra đời ngày 3/11/1946.
Do đó khi ông Triết nói cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã tạo nên “nhà nước kiểu mới - nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân” là hoàn toàn nói dối, một sự bịa đặt bôi nhọ lịch sử. Bởi vì nhân dân chỉ được đóng vai bù nhìn trong một thời gian ngắn cho nền dân chủ sơ khai giả tạo do đảng CSVN đạo diễn.

Ông Triết còn tự chế ra rằng: “Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là thắng lợi của trí tuệ, bản lĩnh và tinh thần đấu tranh quật cường của toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; là sự lựa chọn của chính nhân dân Việt Nam, của lịch sử dân tộc Việt Nam qua nhiều thập kỷ khảo nghiệm, tìm tòi con đường cứu nước; là kết quả tổng hợp của các phong trào cách mạng liên tục diễn ra trong 15 năm sau Ngày thành lập Đảng và để lại nhiều bài học lịch sử vô cùng quý giá cho cách mạng Việt Nam”.
Làm gì có chuyện đảng CSVN lãnh đạo Cuộc Cách mạng tháng 8 năm 1945? Nếu không tin thì ông Triết cứ đi hỏi những người có mặt trong ngày này hãy còn sống ở Việt Nam.

Nhạc sĩ Tô Hải, một cựu đảng viên kỳ cựu đã nói thẳng chuyện Việt Minh
“Cướp chính quyền từ trong tay Nhật + Pháp không hề có! Mà đơn giản chỉ là một cuộc lật đổ một chính quyền còn non trẻ: Chính phủ Trần trọng Kim với những nhân vật nổi tiếng cả trong lẫn ngoài nước”.
Ông viết như hét ra từng chữ: “Nói trắng ra rằng, dân Việt Nam chẳng hề biết đến cái sự lãnh đạo tài tình nào của Đảng Cộng Sản trước cái ngày 19 tháng 8 năm 1945 ấy”.

Trong bài viết “Nhân ngày Quốc khánh 2/9, bàn chuyện chính danh”, Phó Giáo sư, Tiến Sĩ Phạm Duy Nghĩa (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã bổ túc thêm:
“Cách mạng tháng 8, đánh Pháp, đuổi Nhật, giành lại nền độc lập – người ta vẫn nói như thế nhân ngày Quốc khánh. Trên thực tế, vào tháng 8 năm 1945, Pháp đã mất Đông Dương, hàng vạn quan, lính Pháp đang bị Nhật cầm tù hoặc lẩn trốn nhục nhã ê chề. Vào tháng ấy, Nhật cũng đã bại trận, quân tướng mất tinh thần ủ rũ chờ ngày nộp vũ khí cho quân Đồng minh (Mỹ, Anh, Trung Hoa Dân Quốc). Việt Minh trên thực tế cũng tránh đánh Nhật… Như vậy, Cách mạng tháng 8, về bản chất là một cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền trên danh nghĩa từ tay chế độ Bảo Đại - Trần Trọng Kim”.

Vậy mà ông Triết còn nói hươu nói vượn rằng sự thành công của Cuộc Cáh mạng tháng 8 năm 1945 đã để lại “bài học về nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc”.
Liên kết độc lập với chủ nghĩa xã hội là hành động rất trơ trẽn. Hãy nhìn sang nước Ấn Độ, độc lập từ Anh Quốc năm 1947 có cần phải đi theo chủ nghĩa xã hội theo kiểu Cộng sản chủ nghĩa để giành được độc lập đâu, hay người CSVN đã xã hội hoá chủ nghĩa Cộng sản để che đậy cho hành tung Cộng sản của mình?

Bằng chứng mặc “áo gấm đi đêm” của người CSVN còn lộ nguyên hình trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (gọi tắt là Cương lĩnh năm 1991) của Đại hội đảng kỳ VII tháng 6/1991. Cương lĩnh này, được coi như Kinh Thánh của đảng đã khẳng định:
“Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước ta theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Như vậy thì hành động phô trương theo “xã hội chủ nghĩa” bây giờ của người Cộng sản Việt Nam có khác chi với “chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng (Cộng sản) Hồ Chí Minh” không ?

Tính gian dối của bài diễn văn còn lộ ra khi Nguyễn Minh Triết kể công lực lượng Cộng sản đánh thắng quân Pháp năm 1954 ở Điện Biên Phủ.
Ông Triết xuyên tạc rằng:
“ Thực dân Pháp vừa rút đi, đế quốc Mỹ lại nhảy vào xâm lược Việt Nam với mưu đồ biến miền Nam nước ta thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự chống chủ nghĩa xã hội. Trước thách thức chưa từng có trong lịch sử dân tộc, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta và Lời hiệu triệu “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước nhất tề ra trận, quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược. Trải qua cuộc chiến đấu trường kỳ, đầy hy sinh, oanh liệt, cuối cùng bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân ta đã giành thắng lợi vẻ vang, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối”.
Ông Triết sinh ngày 8 tháng 10 năm 1942 tại xã Phú An, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, ắt phải biết rõ hơn ai hết rằng Hoa Kỳ có xâm lược Việt Nam như quân đội Cộng sản miền Bắc xâm lăng miền Nam Việt Nam hay không!
Trong chiến dịch xâm lăng miền Nam của quân đội miền Bắc từ năm 1972 đến ngày chấm dứt chiến tranh 30 tháng 4 năm 1975 từ lâu đã được guồng máy tuyên truyền của đảng bịa đặt là “cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975” cũng được ông Triết lặp lại như con vẹt trong bài diễn văn. Ông Triết không nhớ rằng khi lực lượng Bắc việt tiến gần Sài Gòn thì lúc đó ông Triết là một du kích quân Cộng sản miền Nam hoạt động ở vùng ven biên.
Chẳng lẽ ông Triết không thấy dân miền Nam đã lũ lượt bồng bế nhau bỏ làng, bỏ xóm chạy về phía Quân đội Việt Nam Cộng Hoà mỗi khi bị quân Cộng sản tấn công hay sao?
Vì vậy, kể cả người dân miền Bắc và bộ đội Cộng sản chiếm Sài Gòn, ai cũng biết không làm gì có chuyện “nổi dậy” của người dân miền Nam chống Chính quyền Việt Nam Cộng Hoà trong chiến dịch tấn công quân sự năm 1975 của quân đội Cộng sản.

Lớn lên ở miền Nam trong chiến tranh chẳng lẽ ông Triết không thấy sự thật này mà còn ngang nhiên xuyên tạc lịch sử và danh dự Chủ tịch Nước của mình khi đồng loã với những cuộc được gọi là “nổi dậy” tự chế này?

Nhưng ông Triết đã làm mà còn nói dối trước mặt cả Ngoại giao đoàn nước ngoài có mặt trong buổi lễ.


Đâu phải chỉ có một mình Nguyễn Minh Triết đã ăn nói hồ đồ về quyền làm chủ đất nước của người dân. Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng, còn hăng say bôi bác chuyên nghiệp hơn.
Trong bài viết “Phát triển nhanh và bền vững là quan điểm xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta” được phổ biến mới đây, chỉ trong một đoạn ngắn mà ông Dũng đã dùng tới 11 chữ “dân chủ” để tô son cho chế độ độc tài đảng trị phi dân chủ bậc nhất ở Đông Nam Á.

Ông Dũng viết trong điểm thứ 5
: “Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hành dân chủ (1) rộng rãi, nhất là dân chủ (2) trực tiếp, xây dựng xã hội đồng thuận, cởi mở.
Thực hiện dân chủ (3) là một thành tố của phát triển bền vững, được Đảng ta nêu rõ tại Đại hội Đảng lần thứ X, nhằm hoàn thiện, làm phong phú thêm nội dung phát triển bền vững. Điều này xuất phát từ luận điểm rất quan trọng: con người vừa là mục tiêu vừa là chủ thể của phát triển. Nguồn lực con người là lợi thế cạnh tranh dài hạn, là yếu tố quyết định sự phát triển của một quốc gia. Thực hành dân chủ (4) rộng rãi sẽ phát huy khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, đóng góp vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Dân chủ (5) càng cao thì đồng thuận xã hội càng sâu, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc càng được củng cố vững chắc.
Để phát huy dân chủ, làm cho dân chủ (6) trở thành nguồn lực phát triển, phải bảo đảm hai điều kiện: (1) tạo cơ hội cho mọi người được học tập, xây dựng xã hội học tập nhằm nâng cao dân trí; (2) thực hiện quyền làm chủ của nhân dân thông qua các thiết chế bảo đảm dân chủ (7) trong mọi mặt của đời sống xã hội, mở rộng dân chủ (8) trực tiếp.
Dân chủ (9) phải gắn với kỷ luật, kỷ cương.
Có thể nói nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường đi liền với bảo đảm phúc lợi - an sinh xã hội và dân chủ (10) xã hội chủ nghĩa là 3 trụ cột chính trong tiến trình phát triển của đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong đó, dân chủ (11) vừa là mục tiêu vừa là động lực. Cả 3 trụ cột này phải mạnh và có sự phát triển tương thích, đồng bộ. Một trụ cột yếu sẽ cản trở sự vận động của các trụ cột khác và ảnh hưởng đến sự phát triển chung”.


Nhưng đâu phải cứ nói phát triển dân chủ hay thực hiện dân chủ là người dân có dân chủ? Bằng chứng dân chủ ở đâu khi người dân không có quyền ứng cử và bầu cử tự do, không có quyền được hội họp, lập hội, ra báo, lập đài phát thanh, truyền hình, tự do tôn giáo mà không phải gia nhập Mặt trận Tổ quốc của đảng?
Nếu ai ở Việt Nam cũng được tự do ăn nói, tự do phê bình nhà nước, tự do chỉ trích lãnh đạo thì đất nước đâu có nhiều bất công và cán bộ tham nhũng ngập đầu như bây giờ ?

Luật sư mới ra tù Lê Thị Công Nhân đã chứng minh cho tình trạng phi dân chủ của đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam trong Cuộc Phỏng vấn của Báo điển tử Đối Thoại ngày 28-8-2010.
Chị nói: “Mọi cái trong đời sống dân sinh cơ bản nhất đều quá tải: giao thông quá tải, bệnh viện quá tải, trường học quá tải, môi trường quá tải, nhà tù lại càng quá tải, chỉ có pháp luật dân chủ và văn hoá dân chủ là cực kỳ thiếu thốn, thậm chỉ gần như không có. Tôi cho rằng, hậu quả của những sự quá tải kia là do thiếu thốn về dân chủ, thiếu thốn không phải vì nó không có, mà nó đã bị huỷ diệt, lừa đảo, đánh tráo từ khi Việt nam rơi vào ách cai trị độc tài của băng đảng cộng sản. Có lẽ là tôi hơi đi xa so với câu hỏi rồi, nhưng mong quý vị cũng thông cảm cho tôi vì nói lên được suy nghĩ của mình cũng làm nhẹ lòng, mà nhẹ lòng thì chắc chắn là sẽ đỡ mệt hơn” .

Do đó lý luận dân chủ kiểu “thùng rỗng kêu to” của Nguyễn Tấn Dũng có giá trị gì trong đời sống của dân bây giờ?
Ông Dũng còn khoe Nhà nước của Việt Nam bây giờ là “nhà nước pháp quyền” nhưng đảng lại dung túng và nuôi dưỡng những cán bộ, đảng viên coi dân như con tôm, cái tép muốn chà, muốn đạp lúc nào cũng được.
Hơn nữa nếu là một nhà nước pháp trị thì tại sao những kẻ tham nhũng có chức có quyền lại được bao che, để cho lọt luới pháp luật còn kẻ an cắp cò con lại bị ngồi tù hói trán?

Và nếu Nguyễn Tấn Dũng thật lòng muốn thực thi dân chủ và tôn trọng quyền làm chủ của dân thì tại sao lại ra lệnh cho Công an đàn áp những người dân yêu nước xuống đường chống Tàu tiếp tục chiếm đóng Hoàng Sa (từ ngày 19 tháng 1 năm 1974) và toan tính đánh cuớp Trường Sa, sau khi đã chiếm mất 8 đảo của quần đảo này năm 1989 như đã xảy ra ở Sài Gòn và Hà Nội năm 2007?

Cả ông Triết và ông Dũng hãy trả lời trước nhân dân về những hành động phản dân chủ của mình để cho dân biết dân chủ đang nằm ở đâu khi họ ăn mừng lễ Độc lập?

Phạm Trần
02/09/2010

© Thông Luận 2010

.

.

ĐỌC THÊM :

Vài suy nghĩ về Đảng ta và trách nhiệm của một triều đại nhân Quốc khánh 2/9 và Đại hội toàn quốc lần thứ 11 sắp tới của Đảng CSVN (boxitvn)

.

PHẤN ĐẤU KÍ SỐ 11 Có gì “lạ” trong ngày kỷ niệm 19/8 năm nay? (Tô Hải)

Tuần ký số 15(tháng 8 mùa thu lu bù thứ chuyện)

tuần kí số 16 (cách mạng mùa thu bắt đầu từ bao giờ?)

tuần kí số 17("Cách mạng mùa thu"...ai mù?...ai sáng?...)

.

.

.

No comments: