Friday, September 10, 2010

ĐỌC HỒI KÝ "ĐỐI MẶT" của VI ĐỨC HỒI

Đọc “Đối Mặt” của Vi Đức Hồi

Nguyễn Thanh Giang
Đăng ngày 10/09/2010 lúc 12:13:34 EDT

http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=5097

Những người như Trần Độ, Trần Xuân Bách, Nguyễn Hộ… hay Trần Đức Thảo, Bùi Minh Quốc, Trần Mạnh Hảo… bỗng nhiên quay ngược lại phê phán, lên án Đảng, đều bị Đảng quy là do bất mãn.
Nếu đúng là họ bất mãn thật thì cũng còn có thể tìm nguyên nhân. Hoặc Đảng đã làm cho họ thất vọng về cái lý tưởng ban đầu mà họ đã phải trải nghiệm bằng những hy sinh lớn lao so với cái thực tại mà họ đang thấy. Hoặc Đảng đã làm cho họ ê chề vì những ý kiến đúng của họ bị vùi dập do bè phái hay do độc quyền độc đoán, mất dân chủ. Hoặc do họ không được trọng dụng đúng với tầm vóc của họ…

Ở trường hợp Vi Đức Hồi – một cán bộ trẻ sinh ngày 13 tháng 8 năm 1956 - việc tìm nguyên nhân từ sự bất mãn chắc là khó khăn, bởi theo lời “luận tội” của phó bí thư huyện ủy Hữu Lũng, Lạng Sơn thì:
“Vào cái tuổi 30 anh đã được Đảng giao nhiệm vụ thường vụ huyện ủy, trưởng ban tổ chức, có thời kỳ anh đã làm thường trực huyện ủy, Đảng có hẹp hòi gì với anh đâu? Cái thăng trầm cuộc đời anh là do anh gây nên chứ không phải Đảng làm tình làm tội anh và chính anh cũng tự nguyện rút lui khỏi cấp ủy chứ có ai cách chức anh đâu?… Cho đến hôm nay Đảng đưa anh trở lại vị trí quan trọng là thường vụ, trưởng ban tuyên giáo, giám đốc trường Đảng huyện, điều đó chứng tỏ Đảng chưa bao giờ bỏ anh, luôn quan tâm, ưu ái anh. Chúng tôi cũng nhận thấy trong quá trình công tác của anh không biểu hiện tiêu cực nên mới tin tưởng anh như vậy. Vậy mà động cơ nào xui khiến anh đi vào con đường này. Anh có nghĩ đến bố, mẹ, vợ, con, anh em, họ hàng nhà anh không? Rồi vợ, con anh sẽ sống ra sao đây khi mọi người đều biết anh là ‘tên phản động’?”
Chính Vi Đức Hồi cũng thừa nhận ân sủng vượt trội của Đảng đối với anh: “Tôi là người cũng chẳng có trình độ và tài cán gì, nhưng được cấp trên quan tâm nâng đỡ, nên vừa chuyển Đảng chính thức tôi đã được bầu vào cấp uỷ địa phương (cấp huyện). Rồi năm 1983, được cử đi học Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc hệ cao cấp tại Hà Nội, đến năm 1986 ra trường”.

Tuy nhiên, anh đã bất mãn thay cho người khác:
“Vào cuối những năm 70 và đầu những năm 80, quân đội cho giải ngũ, phục viên hàng loạt chiến sĩ, sĩ quan trở về địa phương do cuộc ‘kháng chiến chống Mỹ cứu nước’ đã hoàn thành… Cái đáng bàn là cuộc sống của họ như thế nào sau khi trở về địa phương. Nhà nước trả cho họ được khoảng 6 tháng lương, vẻn vẹn chỉ có vậy. Thật không may cho họ, thời điểm đó các địa phương đã tiến hành xong việc giao khoán ruộng đất ổn định lâu dài cho các hộ gia đình. Tôi đã được chứng kiến cảnh hẫng hụt của nhiều người khi họ tâm sự, cảnh ngơ ngác tìm kế sinh nhai. Đã không ít người đòi Đảng, chính quyền cơ sở phải chia ruộng đất cho họ, và tất nhiên Đảng, chính quyền không thể moi đâu ra ruộng đất để cho họ cày. Cực chẳng đã, nhiều người đã trực tiếp đòi ruộng cha ông mà ngày trước họ đã góp vào hợp tác xã, không ít người đã tự ý đi cày ruộng cha ông của mình,… Nay họ đã trở thành đối tượng của Đảng, chính quyền địa phương, họ được quy là công thần, gây rối, chống lại đường lối của Đảng, Nhà nước. Kết cục có người bị đuổi ra khỏi Đảng, có người bị bị bắt lên xã, lên huyện tạm giam để xử lý vì đã ngang nhiên lấn chiếm đất đai của nhà nước đã giao cho người khác. Liên quan đến các chiến sĩ giải phóng quân, những con người đã từng làm nên ‘những chiến công hiển hách, giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc’”.
Anh thở dài chua xót: “Cho đến ngày nay nhiều cựu chiến binh vẫn phải thốt lên: Đảng quá ‘tài tình’, Đảng có cách nói làm cho mọi người sẵn sàng xông vào lửa như con thiêu thân, sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu lý tưởng của Đảng. Khi Đảng đã giành được mục tiêu thì Đảng quay ngoắt lại với những người đã hy sinh, cống hiến sức mình để hun đắp cho Đảng quang vinh”.

Với người sống thì tệ, với người chết thì bạc: “Lại nói về chuyện ngày 27-7, Ngày Thương binh Liệt sĩ hàng năm. Tôi biết chuyện này là chuyện rất nhỏ nhưng thôi đã trót thì trét luôn: uống nước nhớ nguồn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta mà. Đảng, Nhà nước Việt Nam đã làm được khá nhiều việc để ‘đền ơn đáp nghĩa’, điều đó không ai dám hoàn toàn phủ nhận. Câu cửa miệng ‘ngày giỗ thằng chết, ngày tết thằng sống’. Đúng vậy, tôi được đi dự rất nhiều ngày lễ ‘trọng đại’ này, gọi là Ngày Thương binh Liệt sĩ, nhưng tôi chẳng thấy thương binh, gia đình liệt sĩ đâu, chỉ thấy nhẵn mặt đại diện các ban ngành mà bất cứ hội nghị nào cũng có mặt, có chăng lúc nhiều nhất tôi đếm được 4 người thương binh và 3 gia đình liệt sĩ trên tổng số hơn 6 chục người đại biểu và khi xếp mâm thì đến trên 8 chục người. Điều đáng nói là nhiều thôn, xã cấp uỷ, chính quyền, mặt trận tổ chức huy động quyên góp quỹ ‘đền ơn đáp nghĩa’ chỉ đủ hoặc không đủ chi bữa cơm để tổ chức tọa đàm kỷ niệm ngày lễ thiêng liêng này. Những đối tượng thương binh, gia đình liệt sĩ chỉ nhận được món quà của Nhà nước gửi đến, ngoài ra họ chẳng nhận được gì thêm”.

Những người còn sống vật vã, gieo neo kia; những người đã chết thảm thương kia là vì ai? Vì những gì? Vì Đảng thôi ư? Vi Đức Hồi giải thích: “Quân đội là của nhân dân, từ nhân dân mà ra, được nhân dân chăm lo, nuôi dưỡng. Nhiệm vụ hàng đầu của Quân đội Nhân dân là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ lợi ích của toàn dân tộc. Quân đội không có nhiệm vụ phải bảo vệ bất cứ một chính đảng nào, một tôn giáo nào, một bộ tộc nào. Giao nhiệm vụ ‘Quân đội ta trung với Đảng…’ chứng tỏ Đảng tự đặt mình lên trên nhân dân, trên dân tộc Việt Nam. Đó là điều tuyệt đối không thể chấp nhận được”.

Anh thét lên giận dữ: “Quân đội không thể là công cụ của bất cứ một chính đảng nào, nhiệm vụ thiêng liêng nhất của quân đội là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc. Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhiệm vụ hàng đầu lại là bảo vệ Đảng, cụm từ đinh tai nhức óc được lặp đi, lặp lại trong các chương trình phát thanh quân đội: quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân... Một lực lượng hùng hậu, được trang bị các phương tiện và vũ khí tối tân, được chăm lo bằng những đồng tiền thuế của nhân dân đóng góp mà nhiệm vụ hàng đầu là để bảo vệ cho sự tồn tại của một chính đảng thì quả là thiên hạ dễ có mấy tay!”

Bất mãn cho cựu chiến binh, thương binh, liệt sĩ; bất mãn cho nông dân: “Thế rồi cho đến gần đây khi mà Đảng hô hào tiến hành công nghiệp hoá đất nước, những tưởng người dân sẽ được mở mày mở mặt khi mà nhà máy mọc lên trên quê hương mình, dựng ngay trên chính mảnh đất duy nhất mà cuộc sống cả gia đình dựa vào nó mà tồn tại. Thật không ngờ, lại một lần nữa người dân không những không được hưởng lợi từ cuộc cách mạng này mà người nông dân còn bị đẩy vào đường cùng. Đất đai của họ bị trưng mua với giá bèo bọt, khi chuyển đổi họ bị người ta ăn lãi trắng trợn đến cả trăm lần.
Công nghiệp phát triển ngay trên mảnh đất của họ nhưng bản thân họ lại bị bần cùng hoá. Ruộng đất mất, công ăn việc làm không có, người dân bàng hoàng, ngơ ngác toả đi khắp nơi tìm kế sinh nhai”.
Với người nông dân, đất đai là sự sống còn của họ. Mất đất là đẩy họ vào con đường cùng. Họ theo Đảng làm các cuộc cách mạng chính là để có ruộng. Chả thế mà khi mới ra đời, Đảng đã nhanh tay đưa ra khẩu hiệu ‘người cày có ruộng’ để tập hợp, thu hút nông dân đi theo Đảng làm nên cuộc cách mạng vẻ vang giành chính quyền về tay cho Đảng. Thế rồi Đảng tuyên bố: đất đai là công thổ quốc gia, do nhà nước quản lý, nhà nước giao cho cá nhân, tổ chức sử dụng, nhà nước có quyền thu hồi bất cứ lúc nào khi cần”.

Anh lên án gay gắt sự tước bỏ quyền sở hữu ruộng đất của nông dân, cho rằng chủ trương công hữu hóa ruộng đất ở Việt Nam hiện nay chẳng qua chỉ là sự lường gạt nham hiểm của Đảng nhằm vơ vét ruộng đất vào tay bọn quan lại và bọn tư bản đỏ của Đảng:
“Xét cho cùng chế độ công hữu về đất đai chính là sự tập trung thâu tóm mọi quyền lợi về tay giai cấp thống trị, là chủ trương buộc giai cấp nông nhân, lực lượng đông đảo nhất trong xã hội phải phụ thuộc vào chính đảng cầm quyền, để rồi Đảng luôn nắm đằng chuôi, có quyền thao túng đất nước… Tôi rất bức xúc, thậm chí phẫn nộ khi mà nghĩ đến người nông dân ở nước ta, họ chẳng có chút quyền lợi nào cả về kinh tế, chính trị và cả về quyền làm người. Thật vậy, đất đai là yếu tố cơ bản nhất về quyền lợi kinh tế đối với nông dân thì họ chẳng có bởi nó là sở hữu cái gọi là ‘toàn dân’ do nhà nước thống nhất quản lý”.

Anh cảnh báo: “Nguyên nhân của mọi nguyên nhân chính là Đảng phủ nhận quyền lớn nhất, quan trọng nhất của người nông dân, đó là quyền tư hữu về tư liệu sản xuất. Đảng đã tước bỏ quyền lợi kinh tế cơ bản của người nông dân. Đảng xác lập chế độ công hữu về đất đai để Đảng dễ bề cai trị, đẩy người nông dân vào thế phụ thuộc vào Đảng. Vì vậy muôn thuở sẽ là mâu thuẫn giữa một bên là áp đặt chế độ công hữu với một bên là đòi được trao quyền sở hữu về ruộng đất, giữa một bên là giai cấp lãnh đạo với một bên luôn được coi là giai cấp bị lãnh đạo, giữa một bên tự coi là tiên phong với một bên luôn được coi là giai cấp trì trệ, bảo thủ, chậm tiến”.

Đáng tiếc biết bao nhiêu, Đảng CSVN đã không biết học tập chính phủ Ngô Dình Diệm khi làm cải cách ruộng đất: “Thực hiện khẩu hiệu ‘người cày có ruộng’, ở đàng trong Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách chính phủ bỏ tiền ra để mua lại ruộng đất của những người giàu để chia cho người nghèo. ‘Đảng ta’ thì ra chính sách quy chụp cho nhiều người nông dân từ bậc trung nông trở lên thành địa chủ cường hào, rồi thẳng tay tịch thu ruộng đất của họ để chia cho người nghèo. Hai cách làm khác nhau nhưng có cùng mục đích,… ‘Đảng ta’ đã làm phân hoá giai cấp, gây căm phẫn trong một tầng lớp nông dân bậc trên với Đảng, Nhà nước và cho đến ngày nay họ vẫn chưa nguôi lòng hận thù”.

Lời đối đáp của anh trở nên sắc sảo vì xuất phát tự tâm can:

Đối: “Anh là người xuất thân từ nông thôn, thành phần nghèo, là người dân tộc, miền núi, chính nhờ chế độ này, nhờ có Đảng này anh mới được như ngày hôm nay. Ai nuôi anh? Ai sử dụng anh? Ai đào tạo anh? Vậy mà đến hôm nay anh trở thành tên phản trắc, vô ơn”.

Đáp: “Vâng. Tôi xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo. Chính vì tôi xuất thân từ thành phần đó nên tôi thấu hiểu sự thiệt thòi, sự đau khổ của người dân. Tôi không chấp nhận được sự bất công đang diễn ra xung quanh tôi, buộc tôi phải lên tiếng bênh vực dân nghèo. Ngày xưa những bậc tiền bối cách mạng cũng chỉ vì nhìn thấy đất nước bị ngoại xâm, người dân bị bóc lột nên đã đi làm cách mạng để giải phóng dân lành. Cách mạng thành công mà dân vẫn bị bóc lột, xã hội hình thành tầng lớp cường hào địa chủ mới, với hình thức bóc lột tinh vi và xảo quyệt hơn, tôi buộc phải lên tiếng bênh vực họ. Đúng là tôi đã dành hơn nửa cuộc đời đi theo Đảng vì Đảng có mục đích tôn chỉ tuyệt vời. Song thực tế tôi thấy Đảng không làm theo tôn chỉ đó, vì vậy từ lâu tôi đã phai nhạt lý tưởng của Đảng, tôi cho rằng Đảng đã lừa dân, phản bội lại dân và những người đã một lòng tận tâm, tận lực với Đảng”.

Bất mãn cho nông dân, bất mãn cho công nhân: “Những đảng viên có quyền chức đang câu kết với tư bản nước ngoài để tìm cách vơ vét của dân. Họ giàu lên đáng sợ. Trong khi đó những người công nhân Việt Nam đang bị các ông chủ bóc lột tàn nhẫn. Họ phải làm việc từ 10-12 tiếng mỗi ngày mà đồng lương thu nhập không đủ để tái sản xuất sức lao động. Tổ chức công đoàn của Đảng trên thực tế đã quay lưng với người lao động vì không có tính độc lập, mọi quyền lợi vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào ông chủ. Hàng loạt các cuộc đình công của công nhân ở khắp mọi nơi đòi tăng lương, cải thiện đời sống, cải thiện điều kiện làm việc... mà Đảng đứng ra chỉ đạo bênh vực người lao động một cách chiếu lệ. Thật đau lòng, công dân trên đất nước có chủ quyền mà bị những ông chủ Tây, Tàu đến đây làm chủ xúc phạm danh dự, nhân phẩm thậm chí đánh đập dã man mà phải cam chịu. Tình cảnh những người công nhân ngày nay cũng chẳng khác gì người nông dân, có thể nói người lao động ở nước ta ngày nay đang bị bóc lột, đang bị phân biệt đối xử”.

Càng mỉa mai chua xót bao nhiêu khi Đảng cứ trâng tráo khăng khăng rằng những người đang bị các ông chủ Tây, Tàu kia bạt tai đá đít lại là những người lãnh đạo dân tộc này. Trong một bức thư gửi bạn, anh trao đổi: “Trước hết tôi xin được chia sẻ với anh về sự bức xúc mà bấy lâu nay tôi vẫn nén trong lòng chưa có cơ hội nào để bộc lộ quan điểm của mình. Cái mà tôi với anh và nhiều bạn bè của tôi luôn suốt ngày lên tiếng tuyên truyền bênh vực, đó là thứ học thuyết ‘sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là giai cấp tiên phong, giai cấp lãnh đạo xã hội’. Các giai cấp khác hiển nhiên không có được vai trò ấy. Thú thực với anh là đã từ lâu lắm rồi tôi nghi ngờ luận điểm này, và cho đến giờ tôi vẫn khẳng định quan điểm của tôi là đúng. Tôi cho rằng con người ta sinh ra là bình đẳng trên mọi phương diện, không có người nào sinh ra được định mệnh là người lãnh đạo, cũng chẳng có ai sinh ra là để làm tôi tớ thiên hạ. Những học thuyết mang tính định mệnh xét cho cùng chỉ là trò lừa bịp quần chúng nhân dân để mưu toan thực hiện những ý đồ cho những cá nhân hay cùng lắm là một tầng lớp người nhất định trong xã hội. Đây là học thuyết sai lầm, nếu như không muốn nói là phản động”.

Bất mãn cho nông dân, bất mãn cho công nhân, bất mãn cho đất nước:
“Từ thực tế trên tôi cho rằng chính Đảng đang đi ngược dòng chảy của xu thế thời đại, con đường mà Đảng đã chọn là sai lầm. Đảng rất biết điều đó nhưng kiên quyết không sửa sai, tiếp tục dấn sâu thêm mặc cho dân tộc Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi. Vì sao vậy? Bởi vì thể chế chính trị này tuy nó lỗi thời, nhưng đổi lại thì Đảng được độc tôn cai trị, không có ai cạnh tranh, yên vị chễm chệ trên ngai vàng khác gì thời phong kiến, dại gì đi thay đổi để rồi nhân dân cho ra đứng đường!”
“Câu trả lời của tôi là:
học thuyết về xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa chỉ là một loại lý tưởng hóa, nó là chiếc bánh vẽ để lừa gạt dân, không hơn không kém; Đảng nói một đằng làm một nẻo. Chẳng hạn, Đảng nói ‘xây dựng xã hội không có bóc lột’ thì chính những đảng viên của Đảng lại là những người trực tiếp bóc lột người. Đảng nói ‘một xã hội có nền dân chủ gấp triệu lần xã hội tư bản’ thì chính xã hội ta đang mất dân chủ trầm trọng. Đảng nói ‘Đảng bao gồm những người tiên phong nhất, tiên tiến nhất’, nhưng thực tế thì Đảng đầy rẫy những người xấu xa nhất, đó là những kẻ lười lao động, ăn bám, đục khoét tiền bạc của nhân dân. Đảng nói ‘học thuyết Mác-Lê Nin và xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa là đỉnh cao của nhân loại’, vậy tại sao lại Liên Xô và các nước Đông Âu bị sụp đổ? Tại sao các nước xã hội chủ nghĩa phát triển chậm? Tại sao lại có sự cách biệt một trời một vực giữa Đông Đức và Tây Đức, giữa Nam Hàn và Bắc Hàn?”

Anh cho rằng cái cơ chế Đảng tạo ra và đang hết sức ngoan cố duy trì chẳng qua chỉ là thủ đoạn xấu xa nhằm giữ nguyên ách cai trị của Đảng đối với đất nước: “Cơ chế: ‘đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ’ là chủ trương gắn kết quyền lực của Đảng vào quá trình xây dựng phát triển kinh tế xã hội của đất nước, là chủ trương nối dài bàn tay của Đảng vào các ngóc ngách trong đời sống xã hội, là cách thể hiện công lao, quyền lực của Đảng, âm mưu toan tính lợi lộc của Đảng. Xét cho cùng cơ chế này nó là sự ràng buộc lẫn nhau, giằng co nhau, hạn chế lẫn nhau và nó là sự níu kéo lại của sự phát triển xã hội. Nó chỉ có tác dụng, thậm chí rất có tác dụng cho việc không quy được cho bất cứ một cá nhân nào phải chịu trách nhiệm cả về pháp luật lẫn vật chất về những quyết sách sai lầm, về những sai phạm do cá nhân gây ra, dù đó là nghiêm trọng nhất”.
“Nhân dân ta, đất nước ta đã và đang phải hứng chịu những hậu quả của cái cơ chế do những người tự xưng là ‘lãnh đạo tài tình, là tiên phong, là sáng suốt’ đẻ ra. Đã đến lúc cần vứt vào sọt rác một cơ chế lỗi thời, mang đầy tính đặc quyền, đặc lợi của chế độ độc tôn đảng trị trên đất nước ta”.

Anh kể: “Hồi tôi đang theo học lớp đại học tại chức do viện đại học mở Hà Nội tổ chức, tôi nhớ có vị giáo sư nói với lớp tôi: ‘Cán bộ lãnh đạo Đảng hiện nay như một con ngan, cũng biết bay nhưng phải gọi chim bằng cụ; cũng biết bơi nhưng so với vịt thì thua xa; cũng đi bộ được nhưng không thể bằng gà!’ Tôi ngậm ngùi, hèn chi đất nước ta, dân tộc ta ngày càng tụt hậu so với thiên hạ bởi cứ để những con ngan hoạch định quốc kế dân sinh”.

Bởi thế cho nên mới có chuyện:
“Một chính đảng tự cho mình là người đại diện duy nhất của nhân dân mà phải núp trong Hiến pháp để mà tồn tại, lấy Hiến pháp để đảm bảo cho sự đại diện của mình, chứng tỏ chính đảng này đã không tự đứng vững được trong lòng xã hội Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam tự biết điều đó. Chính vì thế, một lãnh tụ của Đảng đã rất thật thà tuyên bố rằng: Xoá bỏ điều 4 Hiến pháp là tự sát”.
“Hiến pháp bất cứ của một quốc gia nào cũng không bao giờ để bảo vệ một chính đảng, kẻ nào cố tình lấy Hiến pháp hòng làm nơi nương thân, ẩn náu, tung hoành làm mưa làm gió, gieo rắc thảm hoạ cho dân tộc chắc chắn sẽ bị nhân dân hành xử thích đáng. Chính sự tồn tại của điều 4 Hiến pháp đang làm ô nhục Đảng Cộng sản Việt Nam. Hơn lúc nào hết chính những đảng viên của Đảng phải là những người cần lên tiếng trước để loại bỏ nó ra”.

Là hiệu trường một trường đào tạo cán bộ tuyên huấn cho Đảng, bản thân anh cũng trực tiếp làm tuyên huấn qua hàng loạt bài viết đăng trên các trang mạng:

“Hãy để cho Nhân Dân tự quyết định lấy người Đại Biểu của mình”,

“Sự ngạo mạn của Đảng Cộng Sản Việt Nam”,

“Quốc hội Việt Nam, Dân bầu hay Đảng cử?”,

“Thần tượng Hồ Chí Minh, có thể cứu cánh cho Đảng Cộng Sản Việt Nam?”,

“Các nhà đấu tranh dân chủ không vi phạm Pháp Luật Việt Nam!”,

“Thế trận dân chủ trong tình hình mới”

Tuy nhiên, anh không chỉ làm lý luận mà đã từng chỉ đạo hoạt động thực tiễn kiểu như tổ chức diễn thuyết và giăng khẩu hiệu đòi chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa ở chợ Đồng Xuân, Hà Nội. Tiếc rằng tại đây đồng đội của anh đã bị đàn áp dã man: “Một đội quân đông đến trên dưới ba chục người mặc trang phục bảo vệ chợ Đồng Xuân đang hành hung mấy anh em dân chủ. Đi trước là anh Nguyễn Xuân Nghĩa, có hai người lực lưỡng áp tải hai bên sườn, mặt đỏ như vang đang đẩy anh đi về phía nhà bảo vệ chợ Đồng Xuân. Tiếp theo là anh Vũ Hùng. Anh cố chống cự lại. Anh ngồi phệt xuống đất. Họ vừa lôi anh đi vừa đấm, đá vào mặt, vào bụng anh, thấy anh không cử động gì, họ lôi anh đi như một xác chết. Còn Nguyễn Tiến Nam, Ngô Quỳnh, mỗi người có một tên ra tay bóp cổ để cho khỏi kêu, hai tên khác mỗi người giữ một tay vừa kéo, vừa đẩy đi vào trạm bảo vệ chợ”.

Cho nên, dưới mắt anh, bộ mặt công an đôi khi rất gớm ghiếc. Hãy xem anh mô tả trưởng phòng PA38 Hoàng Anh: “Điều đập vào mắt tôi đầu tiên là anh ta có khuôn mặt khắc khổ, lúc nào cũng cười gượng, trong điều kiện thoải mái nhất thì anh ta cũng không bao giờ có được một điệu cười hồn nhiên, vô tư, sảng khoái. Khuôn mặt này luôn phù hợp với mọi lễ nghi trang nghiêm, hoặc cảnh ‘chia ly, tan đàn xẻ nghé’; một khuôn mặt ‘bất hậu’, bởi khuôn mặt anh ta gãy khúc, cằm nhọn. Anh ta có kiểu dáng vóc nhìn nghiêng ra một người, nhìn thẳng ra một người khác, đó là con người ‘tiền hậu bất nhất’. Có chút mưu mô, xảo quyệt nhưng không đủ thâm hiểm, là con người ‘đoản mưu’ nên việc ‘mưu lược’ anh ta rất hạn chế. Là con người trở giọng như bàn tay, nên cần thận trọng trong kết bạn, nhất là trong làm ăn. Hung hăng, hiếu thắng là tính nổi trội của anh ta, anh ta có thể làm bất cứ điều gì để chứng tỏ khả năng của mình, mặc cho ‘lợi bất cập hại’ hoặc hậu quả ra sao. Là con người dễ mắc sai lầm, thất bại trong mưu lược, nhưng lại gặt hái được thành công trong những công việc cụ thể, sự vụ. Là con người dễ nản chí khi gặp trắc trở hoặc thất bại”.

Trước khi mô tả bộ mặt gã này, anh đã vẽ ra một loạt đầu trâu bằng một đoạn văn thật dí dỏm: “Đối với người nông dân thời ấy, ‘con trâu là đầu cơ nghiệp’; đời người có ba việc lớn: ‘lấy vợ, làm nhà, tậu trâu’. Con trâu đẹp, khoáy phải tròn, đóng ở hai bên bả vai và hông phải cân; hai bên khoáy lệch nhau là loại trâu bướng, khi cày, kéo nặng hoặc lúc mệt lập tức phá bĩnh, không chịu đi, quay lại sinh sự với chủ. Chân chạm khoẻ, móng đè lên nhau là loại trâu yếu, có bệnh tật. Mắt đen là trâu lành, tốt, mắt đỏ là loại trâu hung hãn, có thể húc cả chủ khi bị chủ bắt làm quá sức. Răng đều, mõm ngắn, hai bên bạnh ra là loại trâu chịu khó gặm cỏ; mõm dài thẳng tuột, răng nhấp nhô là loại chăn dắt khó, là loại ‘khách không mời cũng xông đến’ với ruộng lúa, bãi ngô, vườn mầu của bất cứ nhà ai. Đuôi dài, gốc đuôi mập, ngọn đuôi búp măng là trâu lành, có phúc lộc cho chủ; ngọn đuôi nứt được gọi là ‘mang sà’ là loại trâu sát chủ; lông đuôi phải đen, lông đuôi có vệt trắng là chủ nuôi nó sẽ có tang lớn. Lưỡi trâu có mầu hồng là tốt nhất, còn không thì có màu trắng nhạt cũng được; lưỡi có màu đen, hoặc chấm đen gia chủ dễ bị người khác đặt điều, đơm chuyện, vợ chồng gia chủ nghi kỵ, dễ bị tan vỡ hạnh phúc. Đôi sừng lệch nhau, gia chủ vợ chồng, con cái khó bảo nhau, gia đình lục đục, hay cãi cọ. Tai to, cân xứng thì tốt lành; ngược lại tai nhỏ, hoặc bên to, bên nhỏ, gia chủ gia chủ bị hãm tài, dễ bị người ngoài coi thường hoặc khinh rẻ”.

Dẫu sao, anh vẫn không thù ghét công an mà đôi khi còn tỏ ra thương cảm: “Ở nhà chán, tôi về quê chơi, công an rồng rắn đi theo. Có lúc tôi ở trong quê vài ngày họ cũng chăn màn, quần áo, khăn gói, quả mướp theo cùng. Thời kỳ mẹ tôi ốm nặng, tôi về trong quê ở hẳn, họ cũng theo sát. Mấy cậu trong quê xúi tôi: ‘Anh vào với mấy ông ở trong Lân Lũng vài ngày để cho chúng nó tìm kiếm cho sướng đời nhà nó đi!’ Tôi cười và nói với họ: ‘Bọn này là lính tráng, chỉ đâu đánh đấy, nó biết gì đâu! Làm thế khổ chúng nó.’”

Tuy nhiên, khi cần, anh cũng đủ tài làm xiếc với họ: “Thằng cháu tôi ra. Họ không đuổi theo mà chốt lại hai ngả đường lối nhà tôi rẽ vào. Tôi hích mấy con chó của nhà ông anh đồng hao lao xuống đường sủa inh ỏi. Bọn họ lánh ra chốt ở vị trí xa hơn. Tiết trời mùa xuân mưa phùn, tôi liền nẩy ra sáng kiến lấy bộ quần áo đi mưa mặc vào, đội mũ bảo hiểm loại có cằm rồi lấy xe máy ông anh đồng hao đi thẳng vào phía trong làng, qua trước mặt hai chiến sĩ ‘cảnh vệ’. Quả nhiên họ không nhận ra tôi, bởi lẽ bọn này đứng ở xa khuất tầm quan sát ngách vào nhà ông anh đồng hao với tôi. Tất cả số công an đang vây hãm tôi đều ở trên tỉnh (phòng PA38) xuống nên bọn này chưa nhận rõ mặt tôi, và họ không thể ngờ rằng tôi lại ‘thần thông biến hoá’ nhanh như vậy. Cho đến giờ, họ vẫn chưa biết tôi tẩu thoát cách nào, họ không thể ngờ rằng tôi lại vượt mặt họ một cách ‘ngoạn mục’ như vậy. Bọn họ vẫn đinh ninh rằng vào lúc nửa đêm tôi vượt tường rào lẻn đi ra lối sau nhà rồi đi ra đường quốc lộ 1A”.

Không chỉ “làm xiếc” mà khi bị tấn công anh cũng biết trả đòn đến mức “nốc ao” đối phương:
Công an ra đòn: “Tôi sẽ là người thay cái đầu của anh, thay toàn bộ máu trong người anh. Tôi sẽ làm cho anh không có một tấc đất để nương thân. Tôi sẽ làm cho anh khi nằm xuống không có thằng nào mó tay vào anh!”
Vi Đức Hồi trả đòn: “Tôi rất cảm ơn vì anh đã bộc lộ nguyên hình của một kẻ khốn nạn, anh đã làm cho tôi thấy anh là con người tầm thường về chính trị; ngu xuẩn về pháp luật, dốt nát về tâm lý, mù loà về phong tục, tập quán của người Việt Nam nói chung, người dân tộc miền núi nói riêng. Tôi cũng tuyên bố với anh rằng muôn thuở anh không bao giờ làm được…”

Thế rồi họ bắt giam anh, tra vấn anh, lục soát nhà anh, nói xấu, bôi nhọ anh trong họ hàng, lân bang, tổ chức đấu tố anh trước hàng trăm bà con dân phố. Họ không chỉ đuổi việc và khai trừ Đảng anh mà còn hạ cấp vợ anh xuống dạy mẫu giáo và khai trừ Đảng vợ anh với lý do: không đấu tranh cải hóa được chồng…

Cũng như đại tá Phạm Quế Dương, cựu chiến binh Vũ Cao Quận, nhà văn Phạm Đình Trọng…, từ bỏ Đảng là hành động đau đớn xót xa như lột xác:
“Lớp người như tôi, sinh ra và lớn lên trong lòng chế độ cộng sản, ai cũng ‘một thời trẻ trai’, cũng muốn đem sức lực của mình cống hiến cho đất nước, và Đảng Cộng sản là hiện thân cho sự hy sinh, cống hiến đó. Được đứng trong hàng ngũ của Đảng, được thực hiện những nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả như những thông điệp của Đảng gửi tới toàn dân, đó là niềm tự hào, niềm kiêu hãnh của mỗi người… Tôi là người khá sớm được đứng trong hàng ngũ của Đảng, để rồi có điều kiện học tập, tìm hiểu về bản chất của Đảng nên vào cái tuổi 40, tự mình nhận thấy: ’Trót vì tay đã nhúng chàm, Dại rồi nhưng biết khôn làm sao đây!’. Rồi đã phải đi tìm lối thoát cho mình, cầu mong đoạn đường còn lại của cuộc đời được vợi đi những nỗi ân hận. Đây là một quyết định khó khăn, khó khăn nhất trong đời”.

Nhưng kìa, anh đã không gục xuống. Anh đang vươn vai khoan khoái thở và như đang hát khúc tráng ca:
“Tôi tự hào vì tôi góp chút sức mình vào công cuộc dân chủ hoá đất nước. Giờ đây tôi có thể đột ngột từ giã thế giới yêu quý này, tôi cũng rất thanh thản và chẳng có gì phải ân hận, vì cái trăn trở nhất của đời tôi, tôi đã vượt qua được, tôi đã quay lại để sống, làm việc đúng với lương tâm, trách nhiệm của mình mặc dầu vẫn rất tiếc cho mình về thời trai trẻ và tự trách mình hành động muộn mằn. Nhưng, muộn còn hơn không. Tôi đã rũ bỏ được tâm trạng ray rứt khi vẫn phải làm những gì mà mình đang ghét bỏ, những gì mà mình sắp tới chính mình phải lên án nó”.

“Dân chủ là thước đo về bản chất của chế độ văn minh hay lạc hậu, đấu tranh dân chủ chính là việc đòi hỏi bộ máy thống trị đất nước phải trao cho người dân có được những quyền cơ bản của con người ( tức là quyền làm người ). Ở chế độ ta hiện nay chính là việc đòi Đảng cầm quyền phải từ bỏ ngay chế độ độc tôn cai trị đất nước, vì nó chính là thủ phạm ngăn chặn tiến trình dân chủ hoá đất nước, nó đi ngược lại với xu thế phát triển của thời đại”.

Hà Nội 9 tháng 9 năm 2010
Nguyễn Thanh Giang

© Thông Luận 2010

.

.

Hồi Ký Vi Đức Hồi

http://www.doithoaionline.net/tailieu/HoiKy_ViDucHoi.html

.

.

No comments: