Hoàng Tiến
Gần đại lễ 1000 năm Thăng Long, trên tivi và báo, đài, thường nhắc đến câu ca dao với niềm tự hào:
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài,
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.
Người Tràng An ở câu ca dao này tức để chỉ người Thăng Long, người Đông Đô, người Hà Nội đấy, với niềm kiêu hãnh vẻ đẹp thanh lịch truyền thống của mình.
Có biết đâu nói như thế là rất sai lầm.
Sai lầm thứ nhất: Trong lịch sử nước nhà chưa bao giờ vùng đất này có tên gọi Tràng An. Ta hãy điểm qua những tên gọi trước Thăng Long và sau Thăng Long.
· Trước Thăng Long: Thành Tống Bình, thành Long Đỗ, thành Đại La.
· Sau Thăng Long: Thành Đông Đô (thời nhà Hồ), thành Đông Quan (thời thuộc Minh), thành Đông Kinh (thời nhà Lê), thành Hà Nội (thời nhà Nguyễn).
Tràng An là tên gọi của kinh đô Trung Quốc các đời nhà Chu , nhà Tần, nhà Hán, nhà Đường. Tràng An nổi tiếng trong đời nhà Đường về quy mô xây dựng và thú ăn chơi. Nhà Đường đô hộ nước ta, chia đất Giao Châu ra làm 12 châu, 79 huyện, đặt chức quan cai trị gọi An Nam đô hộ phủ dinh thự xây trên đất Đại La thành. Mười hai châu là:
1. Giao Châu có 8 huyện 7. Chi Châu có 7 huyện
2. Lục Châu có 3 huyện 8. Võ Nga Châu có 7 huyện
3. Phúc Lộc Châu có 3 huyện 9. Võ An Châu có 3 huyện
4. Phong Châu có 3 huyện 10.Ái Châu có 6 huyện
5. Thang Châu có 3 huyện 11. Hoan Châu có 4 huyện
6. Trường Châu có 4 huyện 12. Diễn Châu có 7 huyện.
Phía tây bắc Giao Châu, gồm những bộ tộc miền núi, đặt một châu nữa gọi Man Châu, coi như một huyện lớn. Lệ cứ hàng năm phải triều cống vua nhà Đường. (Việt Nam sử lược. Trần Trọng Kim. Trang 63)
Vậy hà cớ gì người Hà Nội lại tự nhận mình là người của Trung Quốc đời Đường(?). Nhận lầm thế, rõ ra là người không học, không biết sử nước nhà (!).
Danh từ riêng Tràng An ở nước ta chỉ có từ khi vua Lý Thái tổ dời đô đến Đại La thành. “Thái tổ lấy cớ có điềm trông thấy rồng vàng hiện ra, bèn đổi Đại La thành là Thăng Long thành, tức là thành Hà Nội bây giờ. Cải Hoa Lư làm Trường An phủ, và Cổ Pháp là Thiên Đức phủ.” (Việt Nam sử lược. Trần Trọng Kim. Trang 97)
Vậy Trường An, hay Tràng An, hay Trường Yên là tên gọi mới của đất Hoa Lư từ khi vua Lý dựng Thăng Long thành. Nó chưa bao giờ được coi là kinh đô cả. Nó chỉ là kinh đô xa xưa của người Tàu. Người Tàu có thể vỗ ngực tự nhận là người Tràng An với niềm kiêu hãnh của họ, chứ người Việt không ai lại điên loạn đến mức vong quốc nô hợm mình là người Tàu Tràng An, quên béng đi cái gốc chủng tộc Việt của mình.
Sai lầm thứ hai: Xét về nội dung hai câu ca dao. Câu lục ghi: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài.” Hoa nhài là thứ hoa bị người đời coi thường, không bao giờ được mang cúng lễ. Dù cúng Phật, cúng thần linh, hay cúng tổ tiên các ngày húy kỵ, không ai dám bày lên ban thờ cái thứ hoa nhài. Nó là một loài hoa thơm, nồng độ mạnh, rất quyến rũ. Người đời gọi nó là hoa con đĩ. Rồi lưu truyền đời này qua đời khác, nó thành thứ hoa không đáng quí trọng trong ý niệm. Có thể là oan cho một loài hoa, nhưng biết làm sao được, tâm lý người đời xếp hạng thế, tâm linh con người mách bảo thế. Cho nên tự ví mình với loài hoa nhài, thì hỏi có gì là đáng tự hào, kiêu hãnh, trong tâm thức của người đời (?!).
Câu bát nối theo: “Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Không thanh lịch tức là bất lịch sự, thiếu văn hóa, vô lễ, ăn tục nói phét, khạc nhổ bừa bãi, vung chân múa tay, áo quần xộc xệch …. Từ điển tiếng Việt định nghĩa thanh lịch là thanh nhã và lịch sự.
Đã thiếu thanh nhã và bất lịch sự mà còn tự hào là người Tràng An (với nghĩa kinh đô, thủ đô của một nước), thì chỉ là loại người vô học, kiểu anh chị nơi đầu ô bến bãi, ngà ngà say, vỗ ngực trước đám đông, nói phun bọt mép: cái vứt đi của người thành thị chúng tao còn hơn chán vạn cái hay ho của bọn nhà quê chúng mày.
Đấy quyết không phải là nét ứng xử thanh lịch của người Thăng Long-Hà Nội.
Người Hà Nội, người Thăng Long, không có cái tự hào lố bịch kiểu ấy.
Một câu ca dao bôi bác như thế, mà sao báo, đài và tivi lại cứ vống lên coi như giá trị văn hóa ứng xử tuyệt vời của Thăng Long-Hà Nội xưa nay. Một nhầm lẫn quá chừng! Từ nay nên bỏ.
Đất thiêng Thăng Long, tháng 9/2010
Nhà văn Hoàng Tiến
-------------------------------------------------
.
.
.
No comments:
Post a Comment