Thụy Khuê nói chuyện với nhà văn Võ Văn Trực
Thụy Khuê
09-12-2006
http://thuykhue.free.fr/mucluc/vovantruc.html
.
16-12-2006 Thụy Khuê giới thiệu tiểu thuyết Chuyện làng ngày ấy
23-12-2006 Thụy Khuê giới thiệu tiểu thuyết Vết sẹo và cái đầu hói
.
Võ Văn Trực và Cách Mạng Tháng Tám
Nhà văn Võ Văn Trực sinh năm 1936 tại làng Hậu Luật, tỉnh Nghệ An. Cầm bút từ những năm sáu mươi, ông viết nhiều thể loại: thơ, văn, bút ký và biên khảo. Tác giả nhiều tập thơ trong đó có Trăng phù sa, được giải thưởng Hội văn nghệ Hà Nội năm 1983; nhưng chính hai cuốn tiểu thuyết Chuyện làng ngày ấy (viết năm 1990, in ra bị tịch thu ngay, được nhà xuất bản Lao Động tái bản tại Hà Nội năm 2005, và báo Văn Học California in nhiều kỳ và xuất bản thành sách năm 2006) và cuốn Vết sẹo và cái đầu hói, (nhà xuất bản Văn Hoá Thông Tin, Hà Nội, in năm 2006) đã gây ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.
Hôm nay, nhà văn Võ Văn Trực sẽ nói chuyện với chúng ta về điều kiện xây dựng hai tác phẩm tiểu thuyết trên đây của ông.
Thụy Khuê: Thưa anh Võ Văn Trực, lý do nào đã khiến anh viết lại những sự kiện xẩy ra sau Cách mạng tháng Tám trong cuốn Chuyện làng ngày ấy?
Võ Văn Trực: Hồi Cách mạng tháng Tám, tôi mới 9 tuổi. Sau Cách mạng tháng Tám -như tôi đã ghi một cách trung thực trong cuốn Chuyện làng ngày ấy- là sự phá phách tất cả đình chùa, miếu mạo, đền thờ, nghĩa trang, và những cây cổ thụ đã bốn, năm trăm năm cũng bị chặt hết. Nhưng đến 1952, tức là năm "đấu tranh chính trị" thì nó quyết liệt quá, có cái gì nó thôi thúc tôi, thôi thúc tôi phải viết lại những chuyện xẩy ra sau Cách mạng tháng Tám, trong khoảng 10 năm. Tâm trạng của tôi là như thế này: làng tôi cũng đẹp như nhiều làng khác, có những cây đa đã bốn, năm trăm năm; có những ngôi đình, ngôi miếu thờ những nhân vật lịch sử. Nhưng sau khi bị tàn phá thì đau đớn vô cùng. Đến nỗi mỗi khi tôi đi xa trở về đến ngã ba Diễn Châu, cách làng 6 cây số, thì tôi không dám về ban ngày nữa mà phải về đêm: đi ban ngày sợ nhìn thấy cảnh làng xóm tiêu điều đau đớn lắm, khi ấy nó thúc đẩy mãnh liệt việc tôi phải viết lại chuyện làng xóm.
T.K.: Thưa anh, xin anh giới thiệu thêm một chút về làng Hậu Luật của anh; Hậu Luật là một làng như thế nào mà khiến anh viết nên một tác phẩm tha thiết như thế?
V.V.T.: Làng tôi là một làng có truyền thống văn học dân gian rất lâu đời, tôi đã sưu tầm thành một cuốn vè làng Hậu Luật, tập vè dày độ bốn trăm trang. Khi cuốn vè này in ra thì các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng đây là một làng rất phong phú về văn hóa dân gian. Làng tôi có một hội tuồng nổi tiếng, cứ đến mùa xuân là đi hát khắp trong huyện. Được sống trong môi trường văn hóa dân gian phong phú như thế cho nên tôi yêu thích văn chương. Hồi ấy, tôi may mắn được chính quyền cho đi học về ngân hàng ở Trung Quốc bảy năm, nhưng không hiểu thế nào tôi lại từ chối không đi, có lẽ vì tôi thích làng quá, yêu làng xóm quá. Năm 52 là năm có cái gọi là đấu tranh chính trị. Nhưng mãi đến năm 62, khi về làm việc ở Nhà xuất bản Thanh Niên, thì tôi mới bắt đầu có ý thức thật sự đi vào con đường văn chương và cũng xin nói thật với chị là ngay từ hồi đó tôi đã bắt đầu nung nấu ý viết cuốn Chuyện làng ngày ấy. Quá trình nung nấu ghi chép bố cục, thậm chí trong bố cục có chỗ đã ghi thành lời văn, dài hơn thời kỳ viết thành văn bản rất nhiều. Mãi đến năm 1990 tôi mới viết. Và tôi nghĩ là phải viết vì thế hệ mai sau.
T.K.: Thưa anh, việc đấu tranh chính trị xẩy ra ở Nghệ An năm 1952, như thế là trước cả những chuyện đấu tố trong phong trào Cải cách ruộng đất, tại sao vậy, thưa anh?
V.V.T.: Thật ra ở Việt Nam đến Cải cách ruộng đất thì mới bắt đầu có đấu tố, nhưng trong vùng của chúng tôi, năm 1952 (hồi ấy tôi 13, 14 tuổi) thì đã có danh từ -như tôi đã ghi trong Chuyện làng ngày ấy- là đấu tranh chính trị, chỉ ở trong tôi thôi, ngoài Bắc chưa có đâu. Ngoài Bắc còn đang đánh giặc, và gọi là vùng tạm chiếm. Hồi ấy từ Thanh Hoá, Nghệ An vào là vùng tự do lớn, tức là vùng hậu phương lớn. Có lẽ cũng là do chất người ở trong ấy, nó gay gắt với nhau quá, nó cực đoan thành ra mới xảy ra cái đấu tranh chính trị.
T.K.: Thưa anh, nguyên do cuộc đấu tranh chính trị này từ đâu ra và họ đã thực hiện dưới những hình thức như thế nào?
V.V.T.: Tôi xin nói vắn tắt như thế này: Hồi ấy có một số người đóng thuế nông nghiệp chậm. Vùng ấy là vùng tự do mà, thành ra tiền tuyến lớn dựa rất nhiều vào thuế nông nghiệp ở các vùng tự do Thanh Nghệ Tĩnh: Dân công và thuế nông nghiệp. Nhưng vì có một số người đóng thuế nông nghiệp chậm, hoặc lẩn trốn không đóng thuế nông nghiệp; rồi từ chỗ đấu tranh với những người không đóng thuế nông nghiệp mà bật ra cái gọi là đấu tranh chính trị, tức là họ cho rằng những người không đóng thuế nông nghiệp là phản động. Nó có cái tâm lý như thế này: Trong cuộc sống bình yên, hàng ngày đi dân công với nhau, thương yêu nhau, làng xóm với nhau, xum vầy cùng nhau lo việc chống Pháp, nhưng đến khi xẩy ra đấu tranh chính trị, mà người ta tố ra, thì tự nhiên thù hằn nhau một cách gay gắt, rất vô lý. Tôi hồi ấy còn bé, nhưng tôi cũng thấy gờm, tôi cảm thấy vô lý quá.
Có những hình thức đấu lạ lắm, chẳng hạn như treo ngược người lên sàn nhà, rồi dân quân đứng bên này gian nhà, đá sang bên kia, bên kia đá sang bên này, như đá quả bóng. Hoặc có những tra tấn như đốt mồi lửa: đốt mồi lửa lên đầu, lên tóc người bị đấu. Trời rất rét mà họ cột những người bị đấu ra gốc cau ngoài bờ xóm, bờ làng, suốt đêm rét như thế. Làng xóm đang yêu thương nhau đến khi phát động, tự nhiên hằn thù nhau một cách vô lý.
Thực ra là người ta kích một số người lên đấu, một số người được mồi trước, gọi là được giáo huấn trước để làm mồi ra đấu, còn đa số cũng cứ thấy chờn chờn, họ không dám xông ra nhưng họ cũng không dám phản đối vì trong không khí ấy mà phản đối thì sẽ bị quy là phản động.
T.K.: Thưa anh, anh đã thuật lại tất cả những việc đó trong cuốn Chuyện làng ngày ấy, vậy những người trong làng có phản ứng thế nào khi họ đọc cuốn sách của anh?
V.V.T.: Hồi viết xong cuốn sách tôi có đưa về làng, ông trưởng ban tuyên huấn tỉnh ủy rất khó chịu, rất khó chịu về cuốn sách này, còn bà con làng xóm thì họ lại không có ý kiến chi cả, kể cả những người tàn ác, hay những người bị đấu, đều cầm cuốn sách đọc và họ cười. Họ chỉ nói một câu là ông Trực, ông ấy nhớ thật đấy, chứ họ cũng không khó chịu về việc tôi viết lại những chuyện ấy. Phút chốc đấu tranh nông nổi ấy đã qua rồi thì tình cảm làng xóm lại được hàn gắn lại rất nhanh. Nhà thơ Pháp thế kỷ XIX, Théophile Gautier, có nói một câu đại để như thế này: Khi chưa bị vết thương nào thì nhà thơ giữ gìn trái tim mình như một kho máu, phải chém vô đó một vết thương sâu thẳm để dòng thơ chảy ra như dòng lệ thiêng liêng. Có lẽ trường hợp tôi là thế: Khi thấy làng xóm bị tàn phá rồi, tình cảm tan vỡ rồi, thì tự nhiên mình thấy đau đớn vô cùng và do cái đau đớn ấy mà mình viết được cuốn sách. Nó thôi thúc tôi phải viết.
T.K.: Bây giờ xin được hỏi anh về mẹ anh; bà cụ là cán bộ cốt cán đã tham dự vào các cuộc đấu tố này, vậy tâm trạng bà cụ lúc ấy như thế nào, thưa anh?
V.V.T.: Nó nằm trong một tâm trạng chung của thế hệ ấy, và nó kéo mãi đến sau này, tức là nhìn những việc làm sai mà cứ ngộ nhận là không sai, mà vẫn cứ làm theo. Hoặc có thấy sai thì cũng cố nén lại chứ không dám chống lại, chịu âm thầm đau xót chứ không dám chống lại. Cũng như trong Cải cách ruộng đất, người ta thấy sai nhiều chứ, nhưng -như ông Hoài Thanh ông ấy ghi trong nhật ký- là đến khi thấy mình bị nghi sai rồi thì mới thấy là người khác sai, nếu không thì cứ tưởng là tất cả mọi người đều đúng cả. Bà cụ tôi không phải là cốt cán đâu, bà là đảng viên thôi. Nhưng sau những cuộc đấu tranh thì người ta lại bồi dưỡng cho những người cốt cán. Ví dụ như
T.K.: Thưa anh, có thể nói hai cuốn Chuyện làng ngày ấy và Vết sẹo và cái đầu hói cùng là một dòng chẩy mặc dù đó là hai tác phẩm hoàn toàn khác nhau?
V.V.T.: Trong quá trình viết, từ những bài bút ký hay tùy bút đến những cuốn sách, tôi hay khai phá khía cạnh truyền thống dân tộc. Có sự tất nhiên và cũng ngẫu nhiên là hồi còn bé, tôi ở nhà, vừa là người trong cuộc, vừa là người chứng kiến cảnh làng xóm bị tàn phá, và như thế là chứng kiến cảnh tàn phá vật thể của một làng văn hóa. Đến khi tuổi cao thì mình làm tại một cơ quan văn hóa thấy nó cũng có rất nhiều sộc sệch: mình cũng lại vừa là người trong cuộc, vừa chứng kiến sự xuống cấp ghê gớm của một cơ quan văn hóa phi vật thể. Trở lại câu hỏi của chị, trong tình hình Việt Nam bây giờ, thì kinh tế có phát triển nhưng những giá trị truyền thống bị xuống cấp, trong đó đạo đức học thuật cũng xuống cấp mà nó còn nhiều hiện tượng tiêu cực, chẳng hạn như mua bán chức vụ, mua bán bằng cấp, mua bán giải thưởng. Những hiện tượng tiêu cực đó, các cơ quan thông tin đại chúng và dư luận quần chúng cũng đã nói lên rất nhiều rồi, tôi viết cuốn này chẳng qua chỉ là góp một tiếng nói bé nhỏ của mình vào luồng dư luận ấy thôi.
T.K.: Thưa anh trong cuốn Vết sẹo và cái đầu hói anh mô tả Quách Quyền Lực tiêu biểu cho một thứ cấp trên, vừa ngu dốt vừa thối nát và một giai tầng dưới, rất đông, chịu mệnh lệnh cấp trên. Lớp dưới này biết hết những thối nát và thủ đoạn của cấp trên nhưng tại sao họ có thể chịu đựng được lâu như thế?
V.V.T.: Như chị đã biết, trong một đơn vị nhỏ hay trong lịch sử một dân tộc, cụ thể như dân tộc Việt Nam, cũng đã trải qua những thời kỳ như thế: Nhiều khi chỉ có một nhân vật thôi, mà nó thao túng, đảo điên cả một triều đại, chẳng hạn như Đỗ Thích, Lê Sát; rồi triều đại Nga hoàng thì có Raspoutine cũng làm đảo điên cả thời đại, mọi người đều biết mà không ai làm được gì cả. Đấy là chuyện thường tình trong lịch sử dân tộc, cho đến một đơn vị nhỏ, đều có thể xẩy ra như thế. Mọi người biết cả nhưng không làm gì được. Tức là: trong một xã hội, khi có những hiện tượng xấu, những người đứng về lẽ phải đông hơn, bao giờ cũng đông hơn. Nhưng nhiều khi bị một số rất ít, thậm chí chỉ một vài cá nhân, một vài cá nhân xấu đầy đủ thủ đoạn có thể chi phối chiều hướng đi của cả một đơn vị, của cả một dân tộc.
T.K.: Thưa anh, độc giả trong nước tiếp nhận tác phẩm của anh như thế nào?
V.V.T.: Trong bao nhiêu cuốn sách tôi viết thì hai cuốn sách này được bạn đọc giao lưu nhiều. Nói về cuốn gần đây nhất là cuốn Vết sẹo và cái đầu hói, thì trước khi in, tôi đoán là cuốn này sẽ gây một số dư luận trong giới văn chương, mà rộng ra thì trong giới trí thức thôi. Nhưng không ngờ, cuốn sách, sau khi in độ nửa tháng thì nó dấy lên sự giao lưu giữa bạn đọc và người viết, điều ấy làm tôi rất cảm động. Qua đó, tôi tạm kết luận như thế này: nhân vật Quách Quyền Lực điển hình cho một loại cán bộ dùng thủ đoạn leo lên, rất phổ biến trong xã hội. Trong số những người giao lưu với tôi -bây giờ người ta giao lưu bằng điện thoại- có một cú điện thoại rất vui, họ nói như thế này: Thưa ông, tôi là nguyên mẫu của nhân vật Quách Quyền Lực đây! Tôi nghe hơi lạ lạ, cứ vâng vâng dạ dạ: Vâng, tôi nghe đây. Tôi là nguyên mẫu của Quách Quyền Lực đây! Tôi là người bị ông ám chỉ, tôi là một trong hàng trăm hàng nghìn cái thằng Quách Quyền Lực đang tồn tại trong xã hội này. Đó là một cú điện thoại của bạn đọc. Kể chị nghe vui vậy. Chị cũng biết trong văn chương, mình thường lấy nguyên mẫu, mà nguyên mẫu thì nhất định là người ta nghĩ ra ông này, ông kia, là điều tự nhiên. Nhưng mục đích cao của tôi -như tôi đã nói ở trên- là trong tình hình học thuật bây giờ: mua bán bằng cấp, mua bán hàm học vị, mua bán giải thưởng... tràn lan, mình không chịu được, cho nên tôi bức xúc, tôi viết cuốn này; tất nhiên là mình viết để đóng góp một tiếng nói nhỏ trong xã hội, nhưng mục đích cao hơn của mình là xây dựng một tác phẩm văn học tử tế.
T.K.: Xin cảm ơn nhà văn Võ Văn Trực.
RFI /12/2006
Chuyện làng ngày ấy
Chuyện làng ngày ấy là cuốn tiểu thuyết hồi ký lấy bối cảnh làng Hậu Luật ở Nghệ An, trong một thời kỳ xác định: thời kỳ đón Cách mạng tháng Tám và những gì xẩy ra sau Cách mạng tháng Tám. Khác với những cuốn tiểu thuyết viết về cải cách ruộng đất đã xuất hiện trong thời kỳ đổi mới như Những thiên đường mù của Dương Thu Hương hay Ác mộng của Ngô Ngọc Bội... đây là một cuốn tự truyện, không chỉ trình bày và tố giác hiện trạng những đấu trường, mà còn đi xa hơn: viết về nguồn cội Cách mạng tháng Tám, từ những háo hức ban đầu của cậu bé 13, hồ hỡi chào đón Cách mạng; bằng một giọng trầm tĩnh, nhạy cảm, không oán thán: giọng thành thực của chính tác giả.
Biểu hiệu của Cách mạng thường phải là Tân Trào, Ba Đình... Nhưng cậu Trực đã chuyển không gian Cách mạng vào một buổi sáng cờ bay ngợp trời ở làng Hậu Luật xứ Nghệ An, bởi Nghệ An mới chính là quê hương của Cách mạng. Và nhân vật lịch sử ở đây là bác Chắt Kế. Ngày lịch sử là ngày Bác Chắt Kế về làng. Bác Chắt Kế về làng "hiểu thị" nhân dân.
Chương đầu, dòng đầu, bắt đầu bằng câu: Bác Chắt Kế đã về!
Bác Chắt Kế đã về!
Bác Chắt Kế đã về!
Lịch sử bắt đầu bằng lịch sử Bác Chắt Kế.
Và lịch sử Bắc Chát Kế có nhiều nét hao hao giống lịch sử của một người Nghệ An khác: "Năm 1927, bác đứng ra thành lập chi bộ Thanh niên cách mạng đồng chí hội của làng tôi. Bác đi khắp bốn phương trời, vào Tây Cống, sang Xiêm La, tới Hương Cảng, sang Luăng-Prabăng, đến Nông-Pênh... Rồi bác bị đi đầy ở Lao Bảo, Ban Mê Thuột...
Lao Bảo là nơi đâu? Ban Mê Thuột là nơi đâu? Nghe nói đó là những chốn ma thiêng nước độc, chứa đầy những quỷ sứ có sừng, rắn đỏ mào, rết mắt xanh. Bác Chắt Kế bị ném vào ngục ấy và chịu đựng muôn nghìn cực hình. Bác bị xẻo thịt, bị dẫm chân lên lưỡi cầy nướng đỏ, bị tuốt cật nứa, bị ném vào ổ rắn độc... Bác vẫn không chết bởi vì bác có phép thiêng của Thần ban cho" (Trích Chuyện làng ngày ấy, Nhà xuất bản Lao Động, 2005, trang 8-9). Và cụ thân sinh ra Bác Chắt Kế, cũng có một "lịch sử" tương tự như lịch sử của một ông cụ thân sinh khác: "Cố Kế là cụ thân sinh ra bác Chắt Kế, một lần đi vận động phong trào Văn Thân từ Yên Thành về, qua giếng thần, Thần hiện lên và trao cho thanh gươm, đêm ấy bà thân sinh có mang rồi đẻ ra bác Chắt Kế là người của thần linh sai phái xuống để cứu nhân độ thế. Từ mười lăm mười sáu tuổi, bác đã tham gia các hoạt động của "hội kín". (sđd, trang 8).
Tất cả những chữ: "hiểu dụ, giếng thần, thanh gươm thần", ngẫu hợp với chuyện Cố bà sanh quý tử... được dùng để mào đầu cho một cuộc cách mạng vô thần. Có cái gì mâu thuẫn, gần như ngang trái, oan trái, như định mệnh, như số kiếp, như ân oán, như nghiệp chướng, đến với dân làng và dân tộc này: Bởi niềm tin có truyền thống lâu đời nhất vào thần linh, thần quyền của họ, đã bị lợi dụng để thiết lập một thứ thần linh khác, cái thần mới này thay thế thần thánh cũ, áp dụng một thứ thần quyền khác, với đầy phép lạ, hứa hẹn một thực tại bánh vẽ, trong những điều kiện tối tăm và bí mật hơn cả các thần linh muôn đời chập lại. Sự khác biệt sâu xa nhất giữa thánh mới và thần cũ là thần thánh (cổ truyền) không hứa hẹn gì, họ không dám nói dối, còn thánh mới cả gan hứa hẹn chắc nịch những điều mà dân làng chỉ thấy trong mơ.
Thánh mới hiển nhiên là Bác Chắt Kế: "Bác Chắt Kế là cách mạng, Bác Chắt Kế về là cách mạng về, là ăn no mặc ấm, là được đến trường học hành..." (trang 12). Bác Chắt Kế trở thành thần bằng xương bằng thịt. Khung cảnh bác "hiểu dụ" quần chúng như thế này: "Bác Chắt Kế đứng chính giữa, mặc bộ đồ xoóc vải nâu mới nguyên. Bác nói những gì dài dài lắm. Nào là Đồng minh thắng rồi, trục phát xít bại trận rồi. Nào là nước Nga Xô viết vạn tuế. Nào là chủ nghiã Mã Khắc Tư vô địch... Hai tay bác giơ lên rồi hạ xuống, trông rất oai vệ. Tôi như bị thôi miên theo từng cử chỉ của bác" (trang 13).
Dân chúng trong làng chưa bao giờ được nghe những lời lạ tai, được thấy những cử chỉ khác thường như vậy. Điều lạ nữa là họ được học vỗ tay: "Lạ nhất là chốc chốc người ta lại vỗ tay. Từ trước đến nay, giữa hội hè đình đám người ta có vỗ tay đâu, mà chỉ reo lên. Có một người vỗ tay trước, rồi mọi người vỗ theo. Tôi ngơ ngác, không hiểu mình có được vỗ tay hay không? Tôi liếc nhìn sang thằng Bá xem hắn thế nào? Hắn ngập ngừng giơ hai bàn tay rồi vỗ. Tôi cũng làm theo hắn. Lúc nào tôi chậm chạp, hắn hích tay tôi một cái, ý bảo "hãy vỗ tay thật to". Bao giờ hắn cũng tỏ ra hiểu biết hơn tôi" (trang 14). Đoạn văn ngắn này mở màn cho bi kịch của dân làng và bi kịch của dân tộc: người trong làng chưa từng nghe thấy những chữ lạ như đồng minh, phát xít, Nga Xô viết, chủ nghiã Mã Khắc Tư bao giờ, họ cũng chưa từng biết vỗ tay tập thể như thế. Bác Chắt Kế về, mang theo những chữ mới, những dáng điệu mới, đặc biệt nhất là một hình thức rập khuôn mới: sự "hoan hô nhất trí". Dân làng, trước đó trong hội hè đình đám chỉ biệt reo lên. Reo, hò, là hình thức cá nhân biểu hiện sự vui mừng: nhiều cá nhân cùng vui mừng môt lúc. Reo, hò cũng là niềm vui xuất phát tự đáy lòng, anh có vui, có thích thật thì anh mới reo, hò. Không ai có thể bắt anh reo lên đưọc, nếu anh không vui trong bụng. Ngược lại vỗ tay là một cử chỉ bề ngoài, người ta có thể bắt buộc anh vỗ tay, nhiều khi anh không thích anh cũng vẫn phải vỗ tay, hệt như Trực, nhìn thấy thằng Bá vỗ tay, Trực cũng phải vỗ, cho giống nó, cho giống mọi người.
Sự vỗ tay tập thể đồng nghiã với sự hoan hô tập thể và đi đôi với danh từ nhất trí, (nhập của Tàu, không có trong tiếng Việt trước); bởi lẽ hiên nhiên là mỗi người có một trí óc, một ý kiến; chúng ta chỉ có thể đồng ý với nhau ở điểm này, không đồng ý với nhau ở điểm kia, nhưng con người không bao giờ có sự nhất trí, vì trí óc mỗi người là một, độc nhất, không ai giống ai. Việc học vỗ tay tập thể dẫn đến tình trạng "nhất trí". Một xã hội "nhất trí" dùng chữ nhất trí, tức là con người trong xã hội đó đã mất hẳn trí óc cá nhân, chấp nhận sự hoan hô vô điều kiện trước bất cứ vấn đề gì do vị thánh mới đặt ra. Và đó là điều kinh hoàng nhất mà Bác Chắt Kế đem về cho dân tộc.
Bác Chắt Kế - với dáng điệu lạ lùng, chân tay dơ lên rồi hạ xuống, và cái vỗ tay mới lạ, đối với cậu bé 13 tuổi là Trực, cũng như đối với dân làng - biểu hiệu sự đổi đời. Chưa hết, Trực kể tiếp: "Tôi ngước nhìn lên núi Hai Vai. Kià đỉnh núi cũng tung bay cờ đỏ. Cách mạng tài thật! Ai đã trèo lên tận chót vót núi để cắm cờ? Ôi, ngọn núi ông Đùng, ngọn núi thần thoại, ngọn núi mang đầy khát vọng tuổi thơ, đã rực hồng cánh đại bàng, chở tâm hồn tôi bay lên thiên đường của thế giới đại đồng" (trang 15). Như thế, Cách mạng đến với cậu bé và dân làng bằng những dấu hiệu thần tiên, bí mật, nửa người, nửa thánh. Đã có sự thánh hoá và nhất trí hoá ngay từ buổi đầu: nhân dân được giáo huấn vỗ tay, chấp nhận những điều chưa biết, chưa hiểu, mà không cần tìm hiểu, bởi tất cả những gì thuộc về Cách mạng đều bí mật, đều thuộc thế giới đại đồng của thần linh.
Tất cả xuất phát từ dấu hiệu vỗ tay ban đầu: chúng ta không biết vỗ tay, không biết hoan hô, người ta dậy vỗ tay tập thể, hoan hô tập thể. Chúng ta không biết Nga Xô viết, chủ nghiã Mã Khắc Tư là gì, người ta bảo cứ học thuộc lòng cho quen mặt chữ, và đó là bi kịch của lịch sử dân tộc. Tất cả những diễn biến xẩy ra sau đó chỉ là một trình tự, một quy luật tự nhiên của sự chấp thuận không suy nghĩ, của sự nhắm mắt đưa chân, của sự cả tin kéo dài trong đời người, của sự loại bỏ trí óc cá nhân ra ngoài, chỉ còn lại một người, một đảng, một kẻ, là trí óc cho tất cả: hệ quả của sự nhất trí.
Võ Văn Trực viết về bi kịch ấy như một thứ ký ức, không oán hận, không tố cáo. Nhà văn lần mở lại những trang tuổi trẻ của cậu bé 13 trải qua cái Tết Độc Lập đầu tiên, ngày 2/9/46, bằng một giọng ngậm ngùi, : "Thêm được ngày hội Tết độc lập, nhiều ngày hội cổ truyền khác bị phế bỏ: rằm tháng giêng, thanh minh, tết Đoan ngọ, rằm tháng bẩy...Người ta cho đó là cổ hủ, là mê tín dị đoan (....) Thế là cả làng làm cách mạng triệt để, thay cũ đổi mới hoàn toàn. Gặp nhau ngoài đường, giơ nắm tay phải lên ngang tai "chào đồng chí". Nhất là trong các cuộc hội nghị, mẹ gọi con bằng "đồng chí", con gọi bố bằng "đồng chí", anh gọi em bằng "đồng chí... (trang 28)
"Sau tết Độc lập đầu tiên, đến tết Nguyên Đán, không thấy ông tôi cuộn hương trầm công phu như trước, chỉ mua hương ở chợ. Chiều 29 tết, ông mở hòm gỗ trắc, lau bụi đôi hạc đồng, xếp lại câu đối, rồi khoá hòm. Tôi ngỡ ngàng hỏi: "Sao ông không đem ra cúng tết?". Ông trả lời giọng ngậm ngùi: "Bây giờ là cách mạng, khác rồi cháu ạ...". Vĩnh viễn các đồ tế khí linh thiêng ấy nằm trong hòm khoá kín như tấm lòng ông tôi khoá lại niềm tôn kính thờ phụng tiền nhân" (trang 33). Chính cái ngậm ngùi thầm lặng ấy đã tạo nên giá trị nội tại của tác phẩm.
Lần từng trang từng trang, diễn biến cứ tuần tự tiếp nối, con người đã bị gột mất trí óc trở thành đàn cừu ngoan ngoãn thực hiện những gì Bác bảo, không kháng cự, không đòi hỏi, không chống lại, không tự vấn mình: Tết nguyên đán và nhiều thứ khác dần dần đi ra nghiã địa. Từ ngày có tết Độc lập, các loại bánh cổ truyền vắng bóng dần chỉ còn lại bánh tét và bánh chưng. Bác hướng dẫn dân làng làm bánh Độc lập bằng khoai lang. Vì mọi người kiêng không ăn thịt chó ngày Tết, muốn bài trừ mê tín dị đoan Bác Chắt Kế làm thịt chó ăn Tết để làm gương. Rồi Bác phế bỏ tuồng. Vắng tiếng trống tuồng, thôn xã buồn hiu. Bác gợi ý thầy đồ viết tuồng "núi Lam Sơn" ca tụng các chiến sĩ Cách mạng đánh Tây, nhưng chỉ diễn vài đêm là người xem chán. Từ đó "hội tuồng hoàn toàn tan rã". Rồi đám cưới "đời sống mới": o Thèo nêu gương sáng không thách lễ cưới linh đình mà đòi nhà trai hai quả lựu đạn. Bác từ tỉnh về mang theo bản đồ xây dựng lại làng theo cuộc sống tập trung. Nhà chung, cơm chung, ngủ chung. Ở đâu cũng được, ăn đâu cũng được. Vĩnh biệt những cây cổ thụ, chúng biểu hiệu lòng mê tín dị đoan và địch có thể lợi dụng làm pháo đài: phải phá tất, phải chặt tất! Cây muỗm đền Bạch y thần. Cây đa Cồn Rộng nổi tiếng linh thiêng. Cây đa Đập Trùn toả bóng mát những trưa hè cho đám thợ gặt. Cây đa xóm Bấc còn gọi là cây đa phù Lê, trên năm trăm tuổi. Cây đa xóm Trung gắn liền với câu ca dao: "Xóm Trung mà đổ cây đa / Cả làng Hậu Luật đàn bà chửa hoang".
Đào tận gốc, trốc tận rễ xong các cây cổ thụ, làng tập trung tổ tiên. Trực kể: "Riêng nhà tôi, cha đã sửa soạn bàn thờ từ chiều hôm trước. Để bà con láng giềng không biết, mãi đến tối mịt cha mới đem trưng tất cả các đồ tế khí khi mà trước đây chỉ ngày tết mới trưng ra: đũa sơn, bát trái hồng, đĩa cây trúc, đĩa con phượng, đôi hạc đồng ngậm hoa sen, mâm đồng... Tôi xúng xắng bên cạnh cha, cũng soạn cái này sửa cái kia để làm vừa lòng cha. Tẩn mẩn tôi hỏi: "Đến mai là tết à, cha?". Cha lặng lẽ trả lời: "Ông bà tổ tiên chỉ được hưởng những thứ này lần cuối cùng thôi con ạ. Sớm mai ông bà đi tập trung rồi, có về nhà mình nữa đâu" (trang 79).
"Sau cuộc rước tổ tiên tập trung về một nơi, tất cả các nhà thờ họ trong làng đều bị phá. Có nhà thờ biến thành địa điểm hội họp. Có nhà thờ biến thành kho phân."(trang 81) "Tất cả thánh, thần, phật ở rải rác cá thể trong thôn xã đều phải về tập trung tại đền Hàng Khoán, dưới chân núi Hai Vai." (trang 87) "
Thần đã đi rồi. Thánh đã đi rồi. Phật đã đi rồi. Những ngôi đền, ngôi chùa, ngôi miếu như cái xác không hồn. Dân tứ chiếng tranh nhau cướp giật mang đi: người được hòn đá tảng, người được cái cửa vọng, người được viên ngói viên gạch, người được cái cột gỗ...
Ôi tan hoang đến tột cùng tan hoang sau cuộc rước các thần các thánh về thế giới đại đồng. Tại nhà thờ thánh, tượng Khổng Tử lăn long lóc như người ăn mày tha hương chết đường chết chợ, bị trẻ con ném cứt vào mặt (...)
Còn đến thờ Bạch Y thần thì sao? (...) Cây muỗm mấy trăm năm đã bị đào tận gốc trốc tận rễ. Mùi phân bắc, phân lợn, phân trâu bò xông lên hôi hám khắp cả khu đền cũ. Thượng điện biến thành kho phân. Hạ điện biến thành nơi hội họp. Cửa tam quan bị san bằng hoàn toàn, không còn lại chút dấu vết oanh liệt xa xưa. Nhà tả mạc, hữu mạc bị phá trụi và được dựng lên đó những túp nhà gianh của các gia đình nghèo khổ. (...) Chúng tôi vô tâm vô tư xông vào hậu cung bẻ gẫy đầu rồng của Ngai thờ, nghịch ngợm chặt đôi chặt ba con rùa đội hạc, hung ác cầm gươm thần đánh nhau trong những cuộc tập trận giả, tàn ác đập vỡ hòn sơn giả có gốc si bủa rễ bao bọc hàng trăm năm" (trang 94- 96)
Tập trung xong thần thánh, làng tập trung mồ mả. "... người ta lại đùng đùng phát động thanh niên mở chiến dịch đào mồ đào mả" . "Đủ mọi dạng mọi kiểu đất táng: tiểu sành, tiểu gỗ, nồi đất, chiếu... Mỗi nắm xương khô là một cuộc đời riêng, một thế giới riêng được giấu kín trong lòng đất, phức tạp và huyền bí (...) Những cuộc đời riêng là vậy, những nỗi niềm riêng là vậy! Thế mà đến sáng mai này tất cả mọi bộ hài cốt được trộn vào trong một khối cộng đồng bao bọc bởi tấm ni lông! (...) hàng chục cái sọ dừa, hàng chục cái xương tay xương chân, hàng chục bộ răng đổ ào vào một đống". (trang 99- 100).
Nhẹ như tiếng thở dài, Võ Văn Trực đưa ta vào cõi ấy, cõi mộng du hoang tàn tiền sử: Sau khi tập trung tất cả những gì thuộc địa hạt thần linh, đến tập trung con người. Tập trung con người bằng hội họp, suốt ngày hội họp bỏ bê đồng áng, hệ quả tất yếu là không có lúa gạo, là đói khát, là thuế khả năng: vét nhẵn, sạch trơn không còn một hạt thóc. Không còn gì để đóng thuế, là phản động. Là tố cáo lẫn nhau. Là đấu tranh chính trị. Là tố khổ...
Nguyên tắc "nhất trí" khiến người dân chấp nhận một cái đảng duy nhất nghĩ hộ.
Nguyên tắc tập trung đã khiến con người trở thành vô trách nhiệm, về hùa ăn theo, gạt bỏ lương tri cá nhân để về hùa đánh tập thể trong mọi đấu trường.
Chính sự ngây thơ của người dân, cả tin vào thần linh mới đã tiêu diệt làng xóm của họ.
Đến đây, ta đã thấy rõ tính chất của cuộc Cách mạng tháng Tám khác hẳn những cuộc cách mạng khác: Cách mạng 1789 của Pháp có mục đích lật đổ đế chế độ quân chủ chuyên chế. Cách mạng Tháng mười của Nga lật đổ chế độ Sa Hoàng. Cách mạng tháng Tám không lật đổ chính quyền Bảo Đại vì nhà vua đã thoái vị. Cách mạng tháng Tám cũng không chống Nhật, vì Nhật đã đầu hàng. Mục đích chống Pháp là mục đích chung của toàn dân trong đó có những thành phần hoàn toàn đối lập với cách mạng.
Võ Văn Trực phản ảnh tình trạng Cách mạng dỏm ấy một cách châm biếm nhẹ nhàng, nhưng đầy ý nghiã: "Bác chát Kế dẫn một đoàn thanh niên lực lưỡng cầm cờ cầm mác đi giành chính quyền ở các làng khác trong huyện Diễn Châu. Từ nhà thờ Đại Tôn, đoàn người đi rất uy nghi, chân bước dài, miệng đếm "ắc đê..ắc đê..." (trang 15). Trước đây, Phan Khôi là người duy nhất dám nói lên thực trạng dỏm đó, điều này đã được Nguyễn Công Hoan nhắc lại trong bài buộc tội Phan Khôi:" Cho đến năm hoà bình, 1954, chưa bao giờ hắn (tức là Phan Khôi) viết hoặc nói, mà dùng danh từ "Cách mạng tháng Tám". (...). Hắn nói rằng trước kia hắn dùng ba tiếng "cướp chính quyền" mà cũng ngượng mồm. Hắn nói rằng lúc đó, Pháp đổ rồi, Nhật hàng rồi, chính phủ Trần Trọng Kim tê liệt rồi, chính quyền bỏ rơi, thì ta "lượm" được, chứ "cướp" ở tay ai? (Trích bài Hành động và tư tưỏng phản động của Phan Khôi cho đến thời kỳ toàn quốc kháng chiến" của Nguyễn Công Hoan, báo Văn Nghệ số 12, tháng 5, năm 1958).
Cách mạng tháng Tám xẩy ra khốc liệt nhất là ở Nghệ An. Võ Văn Trực, người Nghệ An chính gốc, qua lối viết châm biếm thầm lặng, đã mô tả được mặt trái của Cách mạng: đó là một cuộc Cách mạng dỏm, lai căng, vừa Tây ắc-đê, vừa lai Xô Viết, không có mục đích rõ ràng, bị cuốn theo những điều học lóm của người khác, dẫn đến sự tàn phá văn hoá và triệt hạ con người, mà tất thảy đều vô can, như chuyện trong làng, chuyện làng. Không ai trách nhiệm.
---------------------------------
Vết sẹo và cái đầu hói
Sau khi tốt nghiệp ban ngữ văn trường đại học tổng hợp, Võ Văn Trực làm việc tại bộ ngoại giao trong một năm; tiếp đó, từ 1962 đến 1967, ông làm biên tập cho nhà xuất bản Thanh Niên, và từ 1977 đến 1999, làm phó Tổng biên tập báo Văn Nghệ. Hầu trọn hoạt động nghề nghiệp của Võ Văn Trực nằm trong khuôn khổ báo chí và xuất bản, chính vì thế mà ông đã nhìn rõ hậu trường hơn ai hết. Với lối viết hiện thực trào phúng, ông trình bày mặt trái của đời sống văn học tại một viện chính quy trong tác phẩm "Vết sẹo và cái đầu hói".
Có thể nói hai tác phẩm Chuyện làng ngày ấy và Vết sẹo và cái đầu hói là một bộ đôi gắn bó hữu cơ với nhau: Chuyện làng ngày ấy viết về nguyên nhân Cách mạng tháng Tám, Vết sẹo và cái đầu hói viết về hậu quả của nền Cách mạng này, tức là sự sản sinh ra những nhân vật như Quách Quyền Lực, những tay thủ trưởng cơ hội, bất tài, lắm mưu, nhiều mẹo, leo lên thượng tầng trong mọi ngành, kể cả ngành văn hoá, bằng tham ô và thủ đoạn; và sự hình thành những cơ quan hành chính, kể cả về khoa học nhân văn, tồn tại trong guồng máy hối lộ, tham nhũng và lãng phí.
Nhân vật Bác Chắt Kế trong Chuyện làng ngày ấy được dựng trên từ một khuôn mẫu có thật là ông Võ Nguyên Hiến. Ông Võ Nguyên Hiến, ngay từ năm 1935, tại Đại Hội Đảng Cộng Sản Đông Dương lần thứ nhất ở Macao, đã được bầu vào Ban chấp hành Trung Ương. Từ một nhân vật có thật như thế, Võ Văn Trực đã dựng nên một mô hình lãnh tụ, mà ai cũng có thể nhận ra.
Bác Chắt Kế là một nhân vật có lương tri. Bác thành tâm muốn xây dựng cho xóm làng một đời sống mới, nhưng Bác đã sai lầm khi quét sạch tất cả vốn liếng văn hoá, đạo đức của tiền nhân để thay thế bằng mớ lý thuyết ngoại lai, học lỏm của người ngoài, đem áp dụng một cách máy móc vào cộng đồng dân tộc. Kết quả đớn đau là chính Bác cũng bị cái guồng máy mà Bác đã dựng nên sa thải. Bác Chắt Kế đuổi thánh, đánh Phật, tạo nên những nhân tố mới vô thần, lấy đấu tranh giai cấp làm kim chỉ nam, lấy chỉ điểm làm lẽ sống, rồi Bác bị những nhân tố người máy ấy lôi Bác ra đấu tố.
Sau khi Bác bị vô hiệu hoá rồi, những nhân vật mà bác đã tác thành, tiếp tục sinh xôi nẩy nở, tiếp tục chiếm hữu chính trường, thời đại Vết sẹo và cái đầu hói là thời đại nối tiếp Chuyện làng ngày ấy.
Nhân vật Quách Quyền Lực trong Vết sẹo và cái đầu hói, có thể đã được xây dựng trên một hay nhiều người mẫu có thật của thời này. Nhưng điều quan trọng không phải là tìm xem người mẫu đó là ai; vì tất cả mọi mẫu người rồi cũng sẽ qua đi, mất đi, nhưng nhân vật sẽ tồn tại, nếu tác phẩm có giá trị. Và tác phẩm tiểu thuyết chỉ có giá trị khi những nhân vật và bối cảnh trong tiểu thuyết biểu hiện được thời không gian của tiểu thuyết; trong trường hợp Vết sẹo và cái đầu hói, là thời hiện đại ở Việt
"Vết sẹo và cái đầu hói" trình bày sự đối đầu giữa hai nhân vật chính là Quách Quyền Lực, thủ trưởng và Cù Văn Hòn, phụ tá, trong một cơ quan văn hoá vào cấp lớn nhất của nhà nước. Quách Quyền Lực và Cù Văn Hòn, cũng là đôi bạn chí thiết từ thủa nhỏ, gặp lại nhau trong công việc, nhưng ý tưởng và tư cách của họ hoàn toàn đối lập nhau. Cả hai cùng công tác trong một cơ quan văn hoá là Viện Văn Hiến: Lực, tượng trưng cho giai cấp quyền lực, là thủ trưởng, ít học, leo lên cấp lãnh đạo bằng thành tích cách mạng, thủ đoạn và gian dối. Cù Văn Hòn thuộc lớp người chuyên môn, có học, làm tất cả công việc khó khăn trong viện, và chịu quyền lãnh đạo độc tài của một tên thủ trưởng bất tài đa nghi với nhiều thủ đoạn gian ác.
Tác phẩm xây trên sự đối chất hàng ngày giữa hai người, nhưng đồng thời còn bộc lộ rõ ba giai tầng: giai tầng thứ nhất bất tài có quyền lực cai trị và giai tầng thứ nhì học thức bị trị; giai tầng thứ ba là lớp các cô thư ký, nhân viên, như Cô Chanh, Cô Đào... thuộc vào loại "nhân dân" đông hơn, họ thấy rõ những dốt nát, thủ đoạn, gian dối, của giai cấp thống trị, nhưng thấp cổ bé miệng, họ chỉ có thể an ủi Cù Văn Hòn bằng tình cảm, mà không làm gì hơn được. Qua đời sống bi hài hàng ngày của Viện Văn Hiến, tác giả bộc lộ tất cả sinh hoạt hậu trường của những cơ quan học thuật nhà nước, bao trùm nhiều lãnh vực văn học từ dịch thuật nghiên cứu, phê bình, đến sáng tác, và xuất bản.
Quách Quyền Lực gốc gác như sau: "Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, gia đình Lực từ ngoài Bắc tản cư vào vùng tự do. Lúc đó Lực chưa đầy mười tuổi.
Dốc Cướp vốn là một eo núi vắng vẻ có con đường liên huyện vắt qua, bỗng trở nên tấp nập phố xá. Trong những năm đói kém, nơi đây bọn kẻ cướp thường tụ tập để cưóp giật của cải người qua đường, cho nên người ta quen gọi dốc này là Dốc Cướp. Bố mẹ Lực dựng một cái quán dưới chân dốc đầu dẩy phố. Mẹ bán hàng tạp hoá. Bố làm nghề gò hàn đồ đồng đồ tôn. Lúc đầu, bà con không biết tên ông, cứ gọi là "ông Gò Tôn", rồi giản lược là "ông Tôn". (Vết sẹo và cái đầu hói, Nhà Xuất bản Văn Hoá thông tin, Hà Nội, 2006, trang 19).
Dốc Cướp không phải vô tình có mặt ở đây: Quách Quyền Lực sinh ở Bắc, tản cư vào đất Nghệ lúc chưa mười tuổi, lớn lên và trưởng thành ở Dốc Cướp.
Dốc Cướp là cái lò đào tạo nên Quyền Lực.
Quách Quyền Lực khác Cù Văn Hòn. Hòn là người Nghệ An thứ thiệt: Sự khác biệt giữa một bản sắc tự thân và một bản sắc được chế tạo từ môi trường trộm cuớp. Những chi tiết về gốc gác Quách Quyền Lực và Cù Văn Hòn đều được chọn lựa và mô tả với nhiều ý nghiã như thế: "Học xong cấp ba, Lực đi bộ đội. Hòn học một mạch lên đại học, rồi về cộng tác ở Viện Văn Hiến" (trang 27).
Xuất thân từ gốc gác đó, từ môi trường đó, Quách Quyền Lực lên chức bằng thủ đoạn và dùng một thứ tay sai thân tín du côn, chó săn là Thanh Cấu. Cấu được mọi người đặt cho biệt danh là Cậu Trời: "Em chỉ biết là từ khi Cậu Trời xách cái cặp da đen thì cả cái kinh thành Viện Văn Hiến này náo loạn, Cậu Trời đi đến đâu thì người dạt ra hai bên đưòng, cóc nhái nhảy chồm chồm..." (Lời cô Chanh miêu tả Thanh Cấu, trang 51). Rồi Lực đổi tên tờ báo Văn Hiến thành Văn hiến nghìn năm, và đưa ra lý do sau: "Hai tiếng "nghìn năm" ở đây không phải đóng khung vào con số 1000, mà là hàng nghìn nghìn năm chiều dài lịch sử, bốn nghìn năm rực rỡ Vua Hùng. Văn Hiến của ta không chỉ đánh thắng hai tên đế quốc đầu sỏ Pháp, Mỹ, mà Văn hiến của ta là ba lần đánh thắng quân Nguyên, một tên đế quốc hung hãn nhất của thế kỷ, không phải một lần, mà ba lần đánh thắng quân Nguyên, ba lần đánh thắng quân Nguyên...
Lực nói một hơi dài, không vấp váp một câu nào, không vấp một chữ nào". (trang 77).
Quách Quyền Lực là thứ lãnh đạo típ. Biết dùng tất cả những bài bản thông dụng khi đăng đàn diễn thuyết để thuyết phục cử toạ. Mặc dù người nghe đều biết đó "là giọng điệu những lời cán bộ tuyện huấn năm bốn lăm giảng chính trị cho nông dân" như lời Phan Chấn: nhưng tất cả đều phải nghe, không có cách nào nói khác, càng không thể chống lại.
Tất cả những sinh hoạt trong "cơ quan Văn hiến" này đều diễn ra như vậy: Từ nạn phong bì, tiêu biểu sự tham nhũng đã trở thành một cơ chế chính quy, một phong tục mới. Phong bì đã mất chức năng, đưa thư, giao tiếp, và chuyên chở tình cảm giữa người và người để trở thành một phương tiện chuyên chở công khai các hình thức hối lộ trá hình mà đặc biệt nhất là hình thức hội thảo phong bì.
Về cách xây dựng hội thảo và cách viết phê bình, Võ Văn Trực viết:
"Ở nước ta trong thời buổi hiện nay, đối với người phê bình, trình độ học thuật và thẩm mỹ là thứ yếu, mà phẩm chất cao nhất phải là lập trường, tư tưởng. Muốn tỏ ra vững vàng về lập trường, tư tưởng, trong lời nói và bài viết thỉnh thoảng nên trích dẫn nghị quyết Đảng hoặc của một đồng chí lãnh đạo cao cấp. Vì thế, các văn kiện Đảng và trước tác của các nhà lãnh đạo là cẩm nang của người phê bình văn học nghệ thuật...
Không những chỉ cần đầu tư sức lực vào các cuộc hội thảo theo phương hướng ấy. Bây giờ người ta mở ra rất nhiều cuộc hội thảo. Hội thảo về di tích lịch sử, trong đó có bề dầy thi ca của di tích. Hội thảo về thủ công, trong đó có ca dao truyền thống về nghề cổ truyền. Hội thảo về một chiến thắng lịch sử, trong đó có các tác phẩm văn nghệ ca ngợi chiến thắng... Cái gì cũng là văn hoá cả, những ngưòi hoạt động văn hoá, nhất là những người làm quản lý văn hoá tha hồ mà đi dự hội thảo. Có người một ngày nhận được hai ba giấy mời đi dự hội thảo, đành phải xé thời gian đến dự cuộc này một chốc rồi lại phóng xe đến cuộc khác, mỗi cuộc ông ta phát biểu mười lăm hai mươi phút gì đó, rồi nhận phong bì (...)
Lực đã triệt để khai thác kiểu học thuật láu cá trên đây một cách hữu hiệu. Chỉ cần bổ sung một động tác không kém phần quan trọng để "Lực hoá" trăm phần trăm kiểu học thuật này. Trước khi dự hội thảo hoặc trước khi viết bài phê bình, đến gặp một ông to nào đấy để gợi chuyện, ông ta sẽ nói ý kiến về vấn đề sắp hội thảo hoặc về tác phẩm Lực sắp phê bình. Nói nôm na ra là hóng ý cấp trên. Như vậy bản tham luận của Lực, bài phê bình của Lực sẽ có sức nặng hơn rất nhiều người khác" (trang 31-32).
Tất cả những lề lối thực hiện hội thảo, và viết phê bình trên đây của Quách Quyền Lực, giới làm văn học ở Việt nam, dường như không ai là không biết. Lại Nguyên Ân gọi đó là phê bình xu phụ. Nhưng viết thành tiểu thuyết thì có lẽ Võ Văn Trực là người đầu tiên.
Các cuộc thi văn nghệ cũng được tác giả đề cập:
"Thơ là thể loại có nhiều người tham gia nhất. Hàng trăm câu lạc bộ thơ thì sẽ có hàng ngàn hàng vạn bài dự thi. Khối anh bỏ tiền để mua danh. In một bài thì phải nộp bao nhiêu tiền. In một chùm thì phải nộp bao nhiêu tiền. In thêm cái ảnh tác giả thì giá tiền cao hơn..." (trang 78). "Có cộng tác viên đưa bài và đưa kèm một phong bì. Có công tác viên biếu một chai rượu tây" (trang 79). Chúng ta càng hiểu rõ tại sao lại có sự xuống cấp trầm trọng trong việc lựa chọn in ấn và phát giải thưởng văn chương hàng năm.
Nhưng có lẽ cái ghê gớm nhất là chính Quách Quyền Lực cũng chỉ là một con nhện trong cái màng nhện âm u chăng trên toàn thể đất nước. Là nhện, Quách Quyền Lực vừa chăng màng vừa bị vướng vào dây tơ mà mình đã mắc:
"Ngay trong căn phòng ngủ và làm việc tại nhà riêng, Lực cũng cho rằng công an đã gắn máy ghi âm. Hễ đi đâu về là Lực xem trên bàn, trên giường có dấu hiệu gì khả nghi. Rồi nhìn lên trần nhà, góc nhà, bốn bức tường có gì khác lạ. Một cái mạng nhện, một vết hoen ố, một mảnh giấy rơi đều không thoát khỏi con mắt cảnh giác của Lực...
Một hôm, vừa bước vào phòng, Lực giật mình thấy con nhện to và đen trùi trũi bò trên chồng tài liệu. Chưa bao giờ trong căn phòng này xuất hiện một con nhện như thế. Lực đến gần, nó cũng không chạy. Chắc hẳn trong con nhện này có gắn một loại máy vi tính để ghi âm và ghi hình. Lực rút dép đập một phát, con nhện chạy rất nhanh xuống bàn. Lực chui xuống đập tới tấp, không may bình rượu rắn vỡ toang. Con nhện dính rượu, bị xác rắn đè lên, Lực nghiến răng cầm chiếc dép đè lên xác rắn. Rắn bẹp dí và nhện cũng bẹp dí... (trang 214).
Quách Quyền Lực đã trở thành một trường hợp bệnh não, một trường hợp thần hồn nát thần tính, tẩu hỏa nhập ma. Mục đích cao nhất của Quách Quyền Lực là làm sao giữ yên được cái ghế ngồi. Vì cái ghế ngồi đó, Lực đã bán trắng tất cả, từ đứa con trai tật nguyền duy nhất, đến đạo đức bản thân của chính mình. Nhưng Lực cũng không thoát khỏi vòng kiềm toả vô hình, Lực không thoát khỏi cái bẫy do chính mình gây ra. Cuối cùng, dù Lực vẫn sống, nhưng chính Lực đã nghiền bẹp dí mình như con rắn, con nhện.
Vết sẹo và cái đầu hói là cuốn sách trực tiếp viết về tình trạng người trí thức hiện nay: Có hai loại: Một loại trí thức giả, xuất thân Dốc Cướp như Quách Quyền Lực, nắm quyền thủ trưởng một cơ quan văn hoá lớn. Và một loại trí thức thật, là những người như Cù Văn Hòn, có khả năng chuyên môn, có lòng, nhưng nhu nhược, bị một cơ chế thối nát kiềm tỏa, không thể phát triển tài năng và học thuật của mình. Người sáng tác cũng bị ép trong những cơ chế đã bị Quyền Lực hoá như thế, và đó là lý do chính khiến cho các tác phẩm giá trị không thể phát triển được.
Thụy Khuê
© Copyright Thụy Khuê 2006
.
.
.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Vết sẹo và cái đầu hói - Võ Văn Trực (Việt Nam Thư Quán)
Mục Lục
Chương I, Chương II, Chương III, Chương IV, Chương V, Chương VI, Chương VII, Chương VIII, Chương IX, Chương X, Chương XI, Chương XII, Chương XIII, Chương XIV, Chương XV, Chương XVI, Chương XVII, Chương XVIII, Chương XIX, Chương XX, Chương XXI, Chương XXII, Chương XXIII, Chương XXIV, Chương XXV, Chương XXVI, Chương XXVII, Chương XXVIII, Chương XXIX .
.
Tranh cãi lớn quanh tiểu thuyết “Vết sẹo và cái đầu hói” (vietbao.vn)
Thứ bảy, 10 Tháng sáu 2006, 14:06 GMT+7
Nhà thơ Võ Văn Trực nói về "Vết sẹo và cái đầu hói"
Thứ năm, 15 Tháng sáu 2006, 14:06 GMT+7
.
.
.
No comments:
Post a Comment