Thursday, September 2, 2010

NỢ NƯỚC NGOÀI VÀ PHÚC LỢI XÃ HỘI

Nợ nước ngoài và phúc lợi xã hội

Nguyễn Thanh Văn

Cập nhật ngày: 2/09/2010

http://www.viettan.org/spip.php?article10141

Tháng 7 năm nay, Bộ Tài chánh CSVN công bố tiền nợ nước ngoài của Việt Nam tính đến ngày 31.12.2009 lên đến gần 28 tỷ USD, tức là bằng 39% của tổng sản phẩm nội địa (GDP). Đó là chưa kể số nợ nước ngoài cho tới 6 tháng đầu năm 2010, mà theo giới chuyên gia kinh tế phỏng đoán thì có thể lên đến từ 43% đến 44% GDP. Nếu như dự án đường sắt cao tốc 56 tỉ USD được thông qua thì có lẽ con số nợ nước ngoài của Việt Nam chắc sẽ trên 50% GDP rất nhiều.

.

Những dự án đồ sộ, nhà cao tầng, những công sở nguy nga, công trình tráng lệ tại các đô thị,vốn là những hình ảnh mà các quan chức thường khoe khoang và lấy làm tự hào rằng đất nước có phát triển sau hơn 20 năm đổi mới, hóa ra toàn là nợ với nợ.

.

Việt Nam hôm nay giống như hình ảnh của một đứa trẻ, lúc mới sinh cân nặng 3 kg như bao đứa trẻ sơ sinh khác. Mười năm sau, vì bị bỏ bê, suy dinh dưỡng, nên còi cọc chỉ cân nặng 20 kg; học hành thì lẹt đẹt ở lớp 2 lớp 3, nhưng giỏi giang ăn cắp vặt, chửi thề....... Cha mẹ đứa bé vênh váo khoe khoang con mình phát triển (vì rõ ràng so với lúc sơ sinh đứa bé có phát triển), và cứ tự hào với "hào quang phát triển này". Trong khi đó, những đứa trẻ khác đồng trang lứa, nhờ được săn sóc kỹ lưỡng về thể dục, đức dục, trí dục, nên cùng thời gian đó đều đã nặng hơn 40 kg và học hành đều đã lên trung học... nhưng bố mẹ họ dường như chẳng mấy ai vênh váo, tự hãnh. Vì họ biết đó đó chỉ là sự phát triển bình thường.

.

Trở lại chuyện nợ nần của Việt Nam thì theo ông Nguyễn Thành Đô, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), các dự án có vốn vay nước ngoài chủ yếu thuộc ngành năng lượng, giao thông vận tải, thủy sản, trồng rừng… và nói chung là hoạt động có hiệu quả.

Hiệu quả ra sao thì ông Đô không dẫn chứng, nhưng người dân thì đã chán ngán cái gọi là hoạt động có hiệu quả của các dự án có vốn vay ODA đã được báo chí đề cập từ trước đến nay, như dự án Đường dây điện cao thế Bắc Nam, dự án Xa lộ Trường Sơn; dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất; 3 dự án ’’bê tông cốt tre’’ giảm nghèo cầu Khe Dầu ở Quảng Bình; Khu kinh tế cửa khẩu Thường Phước, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp); dự án nâng cấp ’’bê tông cốt tre’’ Quốc lộ 18 đoạn Nội Bài - Bắc Ninh; dự án Đại lộ Đông Tây với ông Huỳnh Ngọc Sĩ nổi tiếng như cồn; dự án đóng tàu của tập đoàn quốc doanh VINASHIN nợ 4,5 tỉ USD; dự án Nhiệt điện Quảng Ninh đến nay đã trễ gần một năm mà vẫn chưa sản xuất ra được một Kilowatt điện nào... Không biết còn bao nhiêu doanh nghiệp nhà nước đã, đang, và sẽ đi mượn nợ cho các dự án gọi là "hoạt động có hiệu quả“ mà người dân chưa biết đến.

.

Những dự án có vốn vay ODA dù có hoạt động hiệu quả hay què quặt vì bị rút ruột thì đều là nợ của quốc gia. Tuy nhiên điều nghịch lý tại Việt Nam hiện nay là, tiền công nợ của quốc gia càng lớn thì quan chức chế độ càng giàu. Nếu 16 năm trước đây (tháng 6 năm 1994), phòng thương mại Hoa Kỳ chỉ cho biết một số người là triệu phú mỹ kim ở Việt Nam, thì vài năm sau đó trên mạng lưới toàn cầu người ta đã thấy đăng tải một danh sách thống kê tài sản quan chức chế độ, trong đó liệt kê vô số quan chức trong Trung ương đảng CSVN, với tài sản từ vài chục, vài trăm triệu đến vài tỉ USD và chức vụ càng lớn thì tài sản càng to.

Đó là lý do mà các quan chức lãnh đạo chế độ có bản chất vốn ít khi dùng đến bộ óc, nhưng khi dùng thì thích động não nghĩ ra các dự án càng to lớn, càng vay được nhiều tiền chừng nào tốt chừng đó, kiểu như các dự án nhà máy điện hạt nhân (10 tỷ USD), sân bay Long Thành (12 tỷ USD), 18 tuyến đường ô tô cao tốc (48 tỷ USD) hoặc dự án đường sắt cao tốc (56 tỷ USD)... Dự án đường sắt cao tốc bị quốc hội bác bỏ, dân chúng mừng rỡ, nhưng các quan lại buồn, vì mất đi bao khoản tiền khổng lồ bỏ túi. Vì vậy mà nay các quan đầu đảng lại đang ra sức vực lại dự án này.

.

Ông Cục trưởng Đô còn cho biết các khoản vay nước ngoài của Việt Nam đa số đều có lãi suất thấp, nghĩa vụ trả nợ vẫn trong tầm kiểm soát và Việt Nam không chậm trả các khoản nợ đến hạn.

Ông Đô nói vậy thì biết vậy, vì chẳng có người dân nào có quyền đòi ông giải trình.

Dĩ nhiên nợ quốc gia thì phải trả dù lãi suất thấp hoặc không lãi. Nhưng ai sẽ trả nợ này mới là điều đáng nói ! Người trả nợ chắc chắn là người dân chứ không phải các quan chức chế độ hôm nay. Nếu thế hệ hôm nay không trả nổi thì để lại thế hệ con cháu gánh vác. Vì vậy mượn được thì cứ mượn hầu có cơ hội "cải thiện" cho tài sản của riêng mình chóng phát triển.

Đó là lý do để có những phát biểu như của ông đại biểu công an Trân Bá Thiều (Hải Phòng): "Người ta cho vay thì mình cứ vay, có nơi cho vay là tốt quá. Cứ ý kiến ra, ý kiến vào. Nếu Chính phủ đã quyết liệt như vậy thì tại sao Quốc hội không ủng hộ Chính phủ? Tần Thủy Hoàng xưa nếu không quyết liệt thì làm sao để lại Vạn lý Trường Thành?", hay ông đại biểu Trần Đình Long, Phó chủ nhiệm UB Pháp luật Quốc hội: "Có đi vay mới có đầu tư cho phát triển, quan trọng là sau đó lo trả nợ... Mai sau thế hệ con cháu tài giỏi hơn chúng ta sẽ làm thay.".

.

Quan chức chế độ cộng sản ngoài bản chất vừa tham, vừa ác lại vừa thích làm dáng và khoác lác như ông đại biểu Hoàng Văn Toàn (Vĩnh Phúc) khi phát biểu rằng tàu cao tốc xây ở Việt Nam sẽ "như biểu tượng của nền kinh tế phát triển, văn minh"; hoặc ông đại biểu IQ Trần Tiến Cảnh (Hà Nam) nói rằng: “Các nước có chỉ số IQ cao đều xây đường sắt cao tốc. Ra nước ngoài tôi đi thử rồi. Tốc độ nhanh, an toàn, trẻ em đi học, bà mẹ đi làm... Việt Nam không phải nước nghèo, với quyết tâm chính trị, tôi đề nghị phải xây”..

.

Mới đây trong bài viết được báo của đảng đăng trang trọng trên phần tiêu điểm với nhan đề: "Bảo đảm ngày càng tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội là một nội dung chủ yếu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020", ông Nguyễn Tấn Dũng viết: "Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội không chỉ là bảo vệ quyền của mỗi người dân như đã nêu trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, mà còn là một nhiệm vụ quan trọng của mỗi quốc gia trong quá trình phát triển. Đối với nước ta, bảo đảm ngày càng tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội luôn là một chủ trương, nhiệm vụ lớn của Đảng và Nhà nước,…“

Những cái bánh vẽ thuộc loại "Bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội“ này, người dân Việt Nam đã nghe suốt từ đại hội đảng lần thứ 3 cách đây 40 năm rồi. Vẫn là loại nói lấy được, thậm chí nói một đàng làm một nẻo. Cụ thể là ông Nguyễn Tấn Dũng đã từng hứa nếu không đẩy lùi được tham nhũng thì ông từ chức. Đến nay hơn 4 năm rồi, quốc nạn tham nhũng không lùi mà còn phát triển tràn lan. Chẳng những ông Dũng vẫn ì ra đó mà còn "nhập cuộc" luôn, tạo dựng cả một tập đoàn kinh tế (kiểu keiretsu hay conglomerate) riêng, với kế hoạch chi phối cổ phần hay mua đứt nhiều công ty lớn trong các ngành dầu khí, điện lực, khoáng sản, hàng không, ngân hàng.

.

Lời hứa mười năm tới chưa biết sao, nhưng thực tế của 10 năm vừa qua và hiện nay tại Việt Nam cho thấy hầu như toàn bộ phúc lợi xã hội chỉ dành cho các quan chức cán bộ đảng viên của chế độ, còn người dân chẳng được đồng xu nào, vẫn đu dây qua sông đi học, vẫn cưỡi bò vượt sông Đắk Bla thu hoạch khoai mì, vẫn sống với không khí và nước uống ô nhiễm, vẫn bị cưỡng chế đất đai để đáp ứng cho cái gọi là "giải phóng mặt bằng phát triển công nghệ“ của quan chức các cấp.

Rõ ràng đối tượng nhắm tới của cái gọi là "Bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội“ là thành phần nắm chức quyền của chế độ chứ không phải người dân.

Với vận tốc này, không biết trong 10 năm tới đất nước còn gì để các quan chức chế độ bán nữa không? Nhưng chắc chắn một điều là với cái đà nhân danh vì sự phát triển đất nước để cứ vay nợ nước ngoài, cắt đất, cắt biển, khoanh rừng cho tư bản nước ngoài mướn dài hạn và bán tháo tài nguyên như hiện nay thì các thế hệ tương lai, nếu có tài giỏi, cũng chẳng còn tài nguyên để đẩy đất nước đi lên, và chỉ lo trả lãi trả vốn cho cái núi nợ này thì cũng đã đuối sức rồi.

Ác với dân tộc hôm nay đã đành, còn dìm luôn số phận các thế hệ tương lai nữa thì thật là quá ác!

.

.

.

No comments: