Sunday, September 26, 2010

NỖ LỰC KIỂM SOÁT MẠNG INTERNET (BBC)

BBC
Cập nhật: 13:33 GMT - thứ năm, 23 tháng 9, 2010

Cùng sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin và kỹ thuật kiểm soát mạng, các chính phủ trên thế giới đang ngày càng có nhiều nỗ lực thu thập dữ liệu của người dùng internet và lọc nội dung mạng ngày càng tinh vi.
Các phương thức kiểm soát mạng toàn cầu đã sang thế hệ thứ nhì thậm chí sắp sang thế hệ ba như lời của ông Robert Faris, một chuyên gia nghiên cứu về công nghệ kiểm duyệt mạng biết lên lề hội thảo về Internet và Tự do tuần này ở Budapest.
Trước hết, ông cho biết về kết quả của công việc ông thực hiện ở cương vị giám đốc nghiên cứu từ Trung tâm  Berkman Center for Internet & Society, Đại học Harvard, Hoa Kỳ:

GS Robert Faris: Chúng tôi theo dõi việc kiểm duyệt mạng trên thế giới đã từ nhiều năm qua và điều chúng tôi ghi nhận là kiểm duyệt mạng cũng thay đổi, cũng tiến hóa. Từ dạng thức chúng tôi gọi là thế hệ một, đơn giản là bằng cách ngăn trang web, với chi tiết khác nhau nhưng cơ bản là đưa các trang web vào một danh sách cấm (black list), rồi ngăn luôn tất cả các trang trong danh sách đó, rồi người ta ngăn chặn chọn lọc hơn bằng các phương tiện kỹ thuật trên mạng (online tools).
Sau đó, các chính phủ bắt đầu ra các quy định để kiểm soát mạng bằng luật, bằng quy chế ví dụ như bắt phải đăng ký việc dùng mạng, đưa vào hệ thống giấy phép, bắt dùng tên thật.
Người ta cũng theo dõi trực tiếp người dùng mạng, hoặc dùng tin tặc tấn công. Có thể là tấn công vào trang mạng hoặc trực tiếp tấn công các blogger. Đây là dạng kiểm duyệt mạng thế hệ hai. Các chính phủ dùng phương pháp tinh vi hơn, uyển chuyển và chọn lọc hơn trong việc ngăn các nội dung cụ thể.
BBC Tiếng Việt: Ông nghĩ rằng chính phủ các nước Phương Tây có làm được gì khi mà một số vụ tin tặc nhắm vào tấn công, phá hoại các trang bất đồng chính kiến hay nhân quyền ở Pháp, Đức, Mỹ...đến từ một nước thế giới thứ ba?
GS Robert Faris: Trên lý thuyết thì việc truy tìm là khả dĩ nhưng thực hiện lại là điều khó. Thứ nhất, nhiều server đóng ở bên ngoài, không ở nước mà các trang đó hoạt động. Thứ nhì, ngay cả khi xác định được danh tính những ai nắm các server đó thì việc chứng minh mối liên hệ giữa những người gây ra vụ tấn công và những người trả tiền để họ làm chuyện đó là khó khăn.

BBC Tiếng Việt: Ông nghĩ sao về chuyện các công nghệ kiểm duyệt mạng tại Phương Tây hiện được bài bán khắp nơi trên thế giới và bất cứ chính phủ hay công ty ở một nước nào như Trung Quốc, Việt Nam, Miến Điện đều có thể mua về dùng?
GS Robert Faris: Đúng nhưng cũng không đúng. Hiện đã có các biện pháp kiểm soát xuất khẩu một số công nghệ [từ Phương Tây ra bên ngoài]. Chúng ta thấy là các nước như Bắc Hàn, Cuba, Syria bị ngăn bởi các biện pháp này. Ngoài ra cũng có các thoả thuận không chính thức do các nhóm vận động nhân quyền nêu ra, để hạn chế xuất khẩu những phương tiện bị cho là dùng vào cho mục tiêu vi phạm nhân quyền. Tất nhiên, hiện ta vẫn chưa thấy nhiều luật được thông qua về vấn đề này.

BBC Tiếng Việt: Tại cuộc hội thảo, có những ý kiến từ giới người Trung Quốc ở hải ngoại nêu ra rằng hiện nay Trung Quốc muốn có hệ thống riêng, tạm gọi là 'nội mạng' (Intranet, do chính phủ kiểm soát), thay cho 'liên mạng' (Internet). Bằng việc cho các tập đoàn như Baidu quyền chiếm thị trường, cho các trang tải video như Youkou phát triển, ông có nghĩ là tương lai của Internet sẽ bị chia thành hai thế giới, một bên là mạng tự do, bên kia là mạng 'thứ nhì' có người gác cổng?
GS Robert Faris: Tôi hy vọng là không xảy ra chuyện đó. Tôi nghĩ khi người ta chặn một số trang mạng nào đó thì hành động đó đồng nghĩa với việc lập ra những miền Internet riêng.
Trong khi đó, điều cần thiết là dù các mạng riêng có thế nào thì người dùng vẫn có thể vào, có thể sử dụng, trao đổi, và tôi hy vọng tương lại của Internet là như thế, là vẫn có lối vào cho người dùng. Có những quốc gia trên thực tế đang sống trong mạng (thông tin) riêng của họ như Cuba, Bắc Hàn, nơi người dân không được tham gia mạng toàn cầu.
Nhưng trường hợp của Trung Quốc thì phức tạp hơn nhiều. Họ đưa ra các không gian mạng riêng, và ngăn các tuyến từ Phương Tây như Facebook, Twitter, mà đa số người trên thế giới sử dụng. Nên trên thực tế, Trung Quốc đưa ra một sự lựa chọn khác cho người dùng, một thứ Twitter, YouTube của riêng họ.

BBC Tiếng Việt: Điều này có dẫn đến tranh tụng về thương mại giữa Trung Quốc và các nước khác liên quan đến không gian tự do trên web hay không?
GS Robert Faris: Rất có thể dù bây giờ mới chỉ là khẩu chiến thôi. Nhiều người đang thúc đẩy ý tưởng đó. Google chẳng hạn đang coi tự do ngôn luận là một phần của tranh chấp thương mại với lập luận rằng vì bị ngăn cản tại Trung Quốc nên Google không thể cạnh tranh bình đẳng trên thương trường tại đó được.
Hội thảo 'Internet at Liberty' diễn ra tại Đại học Central European University, Budapest, Hungary từ 20 đến 22/9/2010 với sự tham gia của các đại diện NGO, blogger tự do, các nhóm vận động nhân quyền, báo chí, UNESCO, EU và các tập đoàn như Google và Facebook.

--------------------------------

BBC
Cập nhật: 10:44 GMT - thứ bảy, 25 tháng 9, 2010

Tiếp tục đề tài kiểm duyệt mạng được nêu ra tại một hội nghị quốc tế gần đây, BBC Tiếng Việt đã hỏi chuyện giáo sư Tiêu Cường từ Hoa Kỳ vì sao chính quyền Trung Quốc đưa Internet vào nước này và nay có các chính sách kiểm duyệt gắt gao. Trước hết, Giáo sư Tiêu Cường, từ Khoa Báo chí, Đại học California ở Berkeley, cho hay:

Gs Tiêu Cường: Internet được đưa vào Trung Quốc đầu tiên là để phát triển kinh tế. Trung Quốc muốn tạo môi trường đầu tư hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Thế nên chính phủ đã bỏ ra rất nhiều tiền của để phát triển công nghệ kỹ thuật mới, cơ sở hạ tầng truyền thông. Đồng thời, chính quyền đang cầm quyền cũng hết sức lo ngại về an ninh quyền lực của họ.
Việc kênh giao tiếp đang bị phân chia là một thách thức đối với việc độc quyền thông tin bấy lâu nay của nhà nước và cũng là thách thức đối với việc kiểm soát xã hội. Thế nên nhà nước đã đưa ra nhiều biện pháp kiểm soát ngay từ buổi đầu sơ khai lúc internet mới vào Trung Quốc. Ví dụ như các bộ luật kiếm soát internet, các bộ lọc công nghệ, cảnh sát mạng, và yêu cầu các công ty cung cấp nội dung trên internet tự kiểm soát nội dung trên mạng của mình.
Cơ quan tuyên truyền của Trung Quốc cũng tự tung ra nội dung của mình để chiếm lĩnh không gian mạng, dùng các biện pháp theo dõi, bắt đăng ký tên thật để kiểm soát các hành vi trên mạng, áp dụng kiểm duyệt cưỡng chế đối với những người sử dụng internet.
Việc kiểm duyệt đang diễn ra hết sức phức tạp, tổng thể. Nhà nước bỏ rất nhiều công sức để tiếp tục thực hiện việc này. Do đó, internet ở Trung Quốc là một không gian có nhiều tranh chấp. Một bên là công luận ủng hộ một xã hội mở, công khai. Một bên là chính phủ nỗ lực kiểm soát những tiếng nói đó. Bởi thế, nó hết sức năng động.

BBC: Ông có bằng chứng cho thấy các nước khác trong khu vực như Việt Nam, Miến Điện, các nước Châu Phi cũng đang bắt chước theo mô hình này?
Gs Tiêu Cường: Vâng. Có một số bằng chứng cho thấy cảnh sát mạng internet Trung Quốc đang cung cấp một số chương trình quản lý internet đến một số nước Đông Nam Á. Nhưng thường thông tin này mang tính mật cao nên chỉ qua rò rỉ thì mới biết là hiện tượng này đang xảy ra.

BBC: Ông có nghĩ là các công ty nước ngoài cũng đang cố gắng gây ảnh hưởng lên sự phát triển internet ở Trung Quốc không? Có phải đó là lý do tại sao chính phủ Trung Hoa khuyến khích các mạng nội địa do nhà nước quản lý như Baidu, Youkou, v.v.?
Gs Tiêu Cường: Vâng, internet ở Trung Quốc đang ngày càng trở thành Chinternet, một cách chơi chữ bằng cách cộng chữ China, ý chỉ Trung Quốc, với internet.
Đây là mạng được kiểm soát bởi nhà nước. Khác với mạng internet là một không gian không biên giới, nơi thông tin lưu thông tự do, nơi các kỹ sư mạng có thể phát triển các ứng dụng. Mạng Chinternet của Trung Quốc là nơi nhà nước kiểm soát không những về mặt nội dung mà cả về mạng lưới kết nối, ứng dụng, các kênh giao tiếp.
Kiến trúc của mạng internet thông thường, công nghệ bảo mật an ninh mạng, nội dung do người sử dụng internet tạo ra, tất cả những dịch vụ đó nếu không được chạy trên server của Trung Quốc thì nhà nước không có cơ sở pháp quyền để can thiệp kiểm soát được. Thế nên nhà nước Trung Quốc chuyển sang chiến lược dựng bức tường lửa chặn các dịch vụ nước ngoài lại.
Các dịch vụ như facebook, blogger.com, youtube đều bị chặn. Google cũng bị chặn luôn. Việc các mạng này bị chặn khiến những người sử dụng mạng ở Trung Quốc chuyển sang dùng Chinternet và các ứng dụng bắt chước các dịch vụ ở nước ngoài, dưới sự kiểm soát của nhà nước. Mặc dù là về mặt công nghệ và sáng tạo thì chúng không bằng. Điều này tạo ra vấn đề mới giữa Trung Quốc và thế giới.

BBC: Ông nghĩ sao về việc chính phủ Trung Quốc cho phép các công dân mạng xả cơn tức giận của họ trước các tranh cãi về tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng như Việt Nam và Nhật Bản?
Gs Tiêu Cường: Có hai khía cạnh liên quan đến vấn đề này. Một là mạng internet là nơi ta có thể cộng hưởng, điều phối các kết nối về mặt tình cảm giữa người với người và lan truyền những tình cảm đó đi dễ dàng nhanh chóng.
Tinh thần dân tộc nhất là tinh thần chống Nhật trên các vấn đề tranh chấp lãnh thổ trong công chúng Trung Quốc là một yếu tố dễ kích thích tình cảm người dân. Tình cảm dân tộc là thứ tình cảm rất mạnh mẽ, dễ bị kích thích để đoàn kết mọi người lại.
Và lẽ dĩ nhiên, mạng internet ở Trung Quốc bị kiểm soát theo dõi cao.
Cho nên nhà nước cố tình lựa ra những tình cảm có lợi cho chính quyền và khuyến khích chúng, đồng thời kiềm nén những tình cảm khác không có lợi cho họ ví dụ như chống tham nhũng, hoặc những bất công xã hội khác.
Nhà nước Trung Quốc đặc biệt nhắm tới những tình cảm dân tộc xuất hiện trên mạng, tô đậm chúng và kích thích chúng.

Hội thảo 'Internet at Liberty' diễn ra tại Đại học Central European University, Budapest, Hungary từ 20 đến 22/9/2010 với sự tham gia của các đại diện NGO, blogger tự do, các nhóm vận động nhân quyền, báo chí, UNESCO, EU và các tập đoàn như Google và Facebook.
.
.
.

No comments: