Tuesday, September 7, 2010

NHÌN TỪ SỰ KIỆN VINASHIN

Nhìn từ sự kiện Vinashin

Trương Duy Nhất

06/09/2010

http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1451&chitiet=16897&Style=1

.

Đến nay, thực nợ và thực thiệt hại do “con tàu” Vinashin gây nên vẫn chưa biết đích thực bao nhiêu. Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cho biết Vinashin nợ 95.148 tỷ 182 triệu đồng, phía Công an thống kê lên tới gần 120 nghìn tỷ, còn Chính phủ thì lại khẳng định chỉ có... 86 nghìn tỷ 851 triệu!

Qua điều tra và lời khai nhận ban đầu của các bị can Trần Quang Vũ, Trần Văn Liêm, Nguyễn Văn Tuyên và Nguyễn Tuấn Dương, Bộ Công an và các cơ quan chức năng đã có căn cứ xác định hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lí kinh tế, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong quá trình thực hiện Dự án mua tàu Hoa Sen, đầu tư Nhà máy nhiệt điện sông Hồng và bán tài sản thế chấp tại TCty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu.


Chưa biết thực hư thế nào. Nhưng thường những thất thoát, thiệt hại thực bao giờ cũng lớn hơn rất nhiều so với con số ước lượng trong các báo cáo sơ bộ ban đầu. Đó là chưa tính đến tổng tài sản trên 104.000 tỷ đồng chủ yếu là mua máy móc, trang thiết bị lạc hậu, được chỉ định thông qua đấu thầu, nếu trong năm 2010 không tìm được đầu ra cho sản phẩm thì cũng sẽ trở thành một đống sắt vụn.


Số tiền thất thoát đã chạy đi đâu, bao nhiêu phần trăm chui vào túi 5 quan chức vừa bị bắt giam, rồi nó còn chui vào túi nào nữa, hay ném chôn dưới biển? Không ai không đặt câu hỏi này, bởi nó quá lớn, lớn đến mức không thể “cất” một vài chỗ mà hết được!


Đây là một vế rất khó làm ra. Và nó đang là sự thách thức cho những nỗ lực của cơ quan điều tra trước dư luận, trước lòng tin của dân chúng.


Một núi tiền khổng lồ từ ngân sách, từ nguồn vay của 41 ngân hàng và tổ chức tín dụng trong nước, cùng 10 tổ chức tín dụng nước ngoài đã được dùng làm gì? Thật khó hiểu khi một con tàu cũ nát, 2 lần bị dập nứt đáy như tàu Hoa Sen, vẫn được cõng về như giá tàu mới, sơn phết gia cố lại để chở khách. Thật kinh hoàng khi phát hiện phần lớn những con tàu cũ nát như thế vẫn tới tấp được mua về và... đẩy ra đại dương! Điều làm dư luận bất bình hơn cả là việc ông Nguyễn Văn Tuyên và ông Nguyễn Tuấn Dương sử dụng giấy tờ giả mang danh Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương để mua 2 nhà máy nhiệt điện cũ từ những năm 1960 của Hàn Quốc, đã ngừng hoạt động từ năm 2004. Trong đó có các biến thế có chứa chất độc hại mà Chính phủ Hàn Quốc cấm xuất, Chính phủ Việt Nam cấm nhập. Hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng này không chỉ làm thiệt hại lớn về kinh tế mà còn thể hiện sự vô đạo đức ,coi rẻ sức khỏe và tính mạng của người dân- thứ mà dẫu có bao nhiêu tiền cũng không thể mua được.


Trách nhiệm không phải riêng ông Phạm Thanh Bình cùng 4 thuộc cấp vừa bị bắt. Trách nhiệm cũng không chỉ bởi Vinashin, bởi ai là người làm hoa tiêu, dẫn đường, “rẽ sóng” cho Vinashin ra khơi. Cơ quan kiểm định an toàn hàng hải đứng ở đâu khi hàng loạt những con tàu cũ nát với chất lượng như thế vẫn ra khơi? Rồi những ai, cơ quan nào chịu trách nhiệm trong việc tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước và đại diện chủ sở hữu đối với tập đoàn Vinashin? Những ai đã từng đề xuất, giám sát, kiểm tra, cho vay tiền và quản lý ngân sách trong câu chuyện Vinashin? Tại sao trước hàng loạt thất thoát, đổ bể kinh hoàng như thế, vẫn tiếp tục tham mưu để dồn tiền cho Vinashin... ném ra biển?


Được biết, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đang chỉ đạo Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng rà soát xem xét lại việc này.


Thất thoát về tiền bạc- rất lớn. Nhưng lớn hơn là sự phá hoại cả một chiến lược kinh tế của Chính phủ. Một nguồn tiền vô cùng lớn, một sự ưu đãi vô cùng đặc biệt dành cho Vinashin với hi vọng xây dựng thành một “quả đấm thép” của nền kinh tế dựa trên trục chiều dài bờ biền trên 3200 km. Nhưng rồi “quả đấm thép” ấy đã mục vỡ ngay từ những gợn sóng đầu tiên. Hàng loạt tàu đóng mới chất lượng kém đến mức ai cũng chê không nhận, không biết bán cho ai. Hàng loạt tàu nước ngoài nhập về cũ nát đến mức chỉ để cưa bán sắt vụn. Đó không chỉ là sự sai lầm trong chiến lược đầu tư.


Hình ảnh “con tàu” Vinashin và sự sai lầm từ mô hình “quả đấm thép” Vinashin là lời cảnh báo buộc các cơ quan hữu quan nghiêm túc nhìn xét lại việc quản lý và vai trò đại diện chủ sở hữu đối với các tập đoàn kinh tế chủ đạo, từ phương thức xây dựng mô hình, đến việc giao người quản lý điều hành, tham mưu, giám sát, kiểm tra, cũng như việc dồn tiền ngân sách cho các tập đoàn kinh tế ra sao? Để tránh tình trạng như một ông bố nghèo thương con, suốt đời đi vay tiền tập trung cho thằng con tưởng đi làm ăn xa, hóa ra đi đánh bạc!


Trương Duy Nhất

.

.

.

No comments: