Nhật Bản bắt giữ một tàu đánh cá củaTrung Quốc
Thứ tư 08 Tháng Chín 2010
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20100908-nhat-ban-bat-giu-mot-tau-danh-ca-cuatrung-quoc
Chiếc tàu đánh cá củaTrung Quốc bị bắt giữ vì đã xâm phạm vào lãnh hải Nhật Bản. Hôm nay, phát ngôn viên của lực lượng tuần duyên Nhật Bản tuyên bố đã bắt giữ thuyền trưởng một chiếc tàu đánh cá của Trung Quốc sáng nay, sau khi chiếc thuyền này va chạm với hai tàu tuần tiễu của Nhật Bản.
Viên thuyền trưởng của chiếc tàu kể trên, tiếp theo là toàn bộ đoàn thủy thủ, được đưa về đảo Ishigaki, thuộc quần đảo Okinawa, miền nam Nhật Bản.
.
Vụ đụng độ này xảy ra tại vùng biển phía đông Trung Quốc, tại một khu vực được coi là có nhiều mỏ dầu, gần cụm đảo là đối tượng đòi chủ quyền của ba nước Nhật, Trung Quốc và Đài Loan. Senkaku, theo tiếng Nhật, Điếu Ngư, theo tiếng Trung, là các hòn đảo không có người trong khu vực này, trên thực tế được Nhật Bản kiểm soát.
.
Theo mô tả của lực lượng tuần duyên, là thoạt tiên chiếc tàu tuần tiễu Nhật Yonakuni ra lệnh cho tàu cá Trung Quốc ngừng đánh bắt trong khu vực. Căng thẳng tăng lên, tàu Trung Quốc húc vào tàu Nhật. Tiếp sau đó 40 phút, tàu cá Trung Quốc lại va chạm với một chiếc tàu tuần tra Nhật khác.
Vụ đụng độ giữa tàu đánh cá Trung Quốc và các tàu tuần tiễu Nhật Bản làm quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng. Trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên chính phủ Nhật khẳng định : "Tokyo sẽ xét xử vụ này đúng theo pháp luật", và cũng nói rõ lập trường của Nhật là không bàn đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Trong khi đó, theo Tân Hoa Xã, chính quyền Trung Quốc đã triệu đại sứ Nhật lên để chất vấn về sự cố này. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cũng yêu cầu Nhật trả tự do ngay lập tức cho chiếc tàu và đoàn thủy thủ, và bảo đảm an toàn cho họ. Sáng nay, 35 người Trung Quốc đã biểu tình trước đại sứ quán Nhật tại Bắc Kinh để phản đối thái độ của Nhật Bản trong vụ này.
.
.
.
Sóng ngầm trong quan hệ Trung - Nhật
BBC
Cập nhật: 13:28 GMT - thứ tư, 8 tháng 9, 2010
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2010/09/100908_china_japan_reactions.shtml
Vụ va chạm ngoài khơi Senkaku hay Điếu Ngư đảo đang thu hút chú ý của dư luận quốc tế và khiến giới chức cao cấp của Nhật Bản và Trung Quốc vào cuộc.
Trong cuộc họp báo hôm nay, Thủ tướng Nhật Bản, ông Naoto Kan lên tiếng nói "chủ quyền của Nhật Bản là rõ ràng" ở vùng Senkaku.
Các tin quốc tế hôm 8/9 cho hay phía Nhật Bản vẫn giữ thuyền trưởng chiếc tàu cá mang số hiệu 5179 từ tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc.
Phát ngôn viên Cục Tuần tra biển của Nhật Bản, ông Daisuke Takahashi cho hay người thuyền trưởng đang bị thẩm vấn.
Còn 14 thành viên thủy thủ đoàn còn lại cũng sẽ bị tra hỏi nhưng sẽ được thả tự do nếu phía Trung Quốc cử tàu đón họ.
Hiện tất cả bị giữ trên một hòn đảo thuộc Okinawa, miền Nam Nhật Bản.
Công tố viện Nhật đang xem xét có xử người thuyền trưởng tội cố ý gây hại cho hai tàu tuần tra Nhật hay không.
Theo phía Nhật, chiếc tàu 5179 đã hai lần đâm vào thành tàu của Nhật và bỏ chạy.
Vụ đâm vào hai tàu Nhật Yonakuni và Mizuki bị coi là vi phạm luật hình sự nước này.
.
Trong khi đó, báo chí Trung Quốc nhìn nhận vụ việc khác hẳn phía Nhật Bản.
Tân Hoa Xã cùng ngày 8/9 viết rằng "Hai tàu Nhật va nhau với tàu cá của Trung Quốc".
Hãng tin nhà nước TQ cũng viết rằng Bộ Ngoại giao nước này "phản đối mạnh mẽ hành động Nhật Bản bắt giữ ngư dân của Trung Quốc".
Tân Hoa Xã khẳng định "Điếu Ngư đảo thuộc vùng biển lịch sử của Trung Quốc".
Ở Trung Quốc, Hong Kong và cả Đài Loan, vụ việc đang làm dấy lên làn sóng phản đối Nhật Bản.
Có một cuộc biểu tình nhỏ ở Bắc Kinh trước Sứ quán Nhật Bản, và nhà chức trách để cho phóng viên nước ngoài thu âm những khẩu hiệu bài Nhật của một số người.
Trả lời BBC Tiếng Trung từ London, người tổ chức một cuộc phản đối khác ở tỉnh Phúc Kiến đổ lỗi cho Nhật Bản "làm hại ngành ngư nghiệp Đài Loan, và nay nhắm vào ngư dân từ Trung Quốc lục địa".
Họ cũng nói đang muốn thuê một chiếc thuyền đi ra đảo Điếu Ngư để tổ chức biểu tình, để thể hiện sự ủng hộ với các ngư phủ và cho rằng "Phải có hành động đáp trả Nhật Bản".
Được biết các nhóm dân sự từ Hong Kong và Đài Loan cũng đã hẹn nhau vào Chủ Nhật tới sẽ bơi thuyền ra Điếu Ngư để phản đối Nhật Bản.
.
Sóng ngầm Trung - Nhật
Bài trên AP cho rằng "tranh chấp lãnh thổ là sóng ngầm làm xáo trộn quan hệ Nhật - Trung vốn đã không êm thắm dù có các nỗ lực cải thiện".
"Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng, đòi hỏi các nguồn tài nguyên ngày một nhiều và các tàu thuyền thương mại của họ nay đi xa bờ hơn trước, và hải quân hùng mạnh hơn cũng đang khẳng định tuyên bố chủ quyền ở các vùng biển tranh chấp."
Nhưng vụ gần đảo Điếu Ngư hay Senkaku không phải là đầu tiên.
Vẫn theo AP, tháng trước, một tàu nghiên cứu biển của Trung Quốc đã vào vùng kinh tế đặc quyền của Nhật không báo trước, vi phạm thỏa thuận hai bên.
Hồi tháng 4/2010, một trực thăng của TQ cũng bay vào cách thuyền của hải quân Nhật trong vòng 300 mét trong đợt tập trận của Trung Quốc.
Sự quan tâm cũng đến từ báo chí Mỹ với tờ Wall Street Journal chạy tựa rằng vụ va chạm "đổ dầu vào lửa" trong tranh cãi vốn chưa hết giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Tờ báo trích lại hãng tin Kyodo của Nhật nói Chánh văn phòng Phủ Thủ tướng Yoshito Sengoku chỉ đạo cho chính phủ Nhật giải quyết vụ việc một cách bình thản, và "làm theo đúng luật pháp".
Bài của Yoree Koh trên Wall Street Journal cũng không quên nhắc đến bối cảnh "Trung Quốc đòi chủ quyền lãnh thổ không chỉ với Nhật Bản mà còn đang so găng với cả các nước khác như Nam Hàn và Việt Nam".
Tác giả cũng trích lời Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, ông Katsuya Okada nói với phía Trung Quốc trong những tháng qua về "thế lực quân sự và kho vũ khí hạt nhân tăng lên" của Trung Quốc, gây ra các lo ngại trong khu vực.
Riêng về chủ quyền tại vùng đảo tranh chấp, nhà báo Đỗ Thông Minh từ Tokyo cho BBC Tiếng Việt hay rằng người Nhật gọi đảo là Senkaku (Tiêm Các), nơi họ chiếm giữ cùng lúc chiếm Okinawa từ thời Minh Trị, khi nhà Thanh của Trung Quốc suy yếu.
Vẫn theo ông Minh, sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh năm 1945, hiệp ước San Francisco năm 1951 trao cho Nhật kiểm soát các hòn đảo này.
Ông cũng cho hay Trung Quốc và Nhật Bản vẫn tranh chấp về quyền khai thác nguồn khí đốt ngoài biển nằm giữa hai nước.
.
.
.
“Ma thuật” của một đại tá công an
Nguyễn Trọng Thắng
Thứ Ba, 07/09/2010-3:38 PM)
http://nguoicaotuoi.org.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=7&ID=4657
.
Có lẽ đó là vụ việc hi hữu và bi hài, có một không hai ở thời đại này, khi vợ một quan chức đầy quyền uy ở một cơ quan pháp luật lại được "độc đắc" hưởng chế độ hưu trí khi mới 33 tuổi, để lại miệng tiếng thế gian đàm tiếu "nhà ấy thật vô phúc, sinh con rồi mới sinh cha ..."
.
Đó là trường hợp nghỉ hưu của bà Bùi Thị Kim Liên, thường trú tại tổ 38, phường Quang Trung, thành phố Thái Bình - vợ Đại tá Trần Văn Vệ, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình, nay là Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lí hành chính về trật tự an toàn xã hội - Bộ Công an.
Sau khi cuỗm trọn 163 tháng lương hưu (13 năm 7 tháng), bị báo chí phát hiện điều tra, ông Trần Văn Vệ phải vội vã "điều đình" với lãnh đạo Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Thái Bình, nhẫn nhục đem nộp lại số tiền gian lận, nhằm lấp liếm dư luận để bảo toàn cho cái ghế quan trường đang đà thịnh phát. Nhưng trớ trêu thay ông lại dở trò ma thuật tiếp tục làm hồ sơ giả gửi tìm cơ hội làm lại chế độ hưu trí cho vợ. Chỉ đáng tiếc cho những cán bộ, nhân viên cơ quan BHXH Thái Bình đã mau mắn "chấp hành" sự chỉ đạo của cấp trên, chấp nhận hồ sơ giả mạo kia; để rồi sau đúng một năm lại bị chính ông Trần Văn Vệ ra lệnh tống giam về tội danh đó. Điều khó hiểu là riêng hồ sơ giả mạo gửi BHXH của vợ ông ta lại được "miễn trừ" nằm ngoài hồ sơ vụ án, khiến dư luận xã hội bức xúc hoài nghi, lo ngại và bất bình…
.
Cải lão hoàn đồng, “bà Giám đốc” hoạt động cách mạng từ năm 8 tuổi
Ngày 14-6-2007, Đại tá Trần Văn Vệ, Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình, kí và cấp Chứng minh thư nhân dân, có số hiệu 150708703, chính thức "cải lão hoàn đồng" cho bà vợ là Bùi Thị Kim Liên, từ “bà lão gần 60 tuổi”, sinh ngày 20-9-1949 trở lại ngày 14-6-1960 tuổi tiền mãn kinh. Thực ra cũng chẳng có phép nhiệm màu nào cả, đó là sự thật cay đắng của sự man trá tham lam, buộc ông Vệ phải trả về nguyên trạng đúng ngày, tháng, năm sinh của vợ. Nguồn gốc vốn đã xảy ra cách đây 17 năm về trước (năm 1993), do công tác trong ngành Công an, ông Trần Văn Vệ đã nhờ đồng nghiệp cải sửa hồ sơ lí lịch, chứng minh thư nhân dân cho vợ, khai khống lên 11 tuổi, để đủ tuổi làm chế độ hưu trí theo quy định. Ngày 10-11-1993, vợ ông, bà Bùi Thị Kim Liên chính thức có Quyết định 85/QĐ nghỉ hưu với bộ hồ sơ giả sinh năm 1949, hơn hẳn ông Vệ (chồng) 10 tuổi ?
.
Chứng minh thư của bà Bùi Thị Kim Liên
http://nguoicaotuoi.org.vn/Uploaded/baonguoicaotuoi/Nam%202010/PL/pl82.jpg
.
Sự thật bị phơi bày ra cũng từ phát hiện của nhân dân. Vào cuối những năm 90 của thế kỉ trước, phường Quang Trung, thành phố Thái Bình đã có nhiều tin đồn thổi, đàm tiếu "trong phường có vợ của một "sếp" trong ngành Công an mới hơn 30 tuổi đã được hưởng lương hưu". Chính quyền sở tại cho rà soát lại toàn bộ danh sách hưu trí trên địa bàn phường nhưng không có trường hợp nào như dân phản ánh. Trong thực tế, một số lãnh đạo chủ chốt của phường có biết việc này nhưng bản thân bà Bùi Thị Kim Liên không hề đăng kí nghỉ hưu và lĩnh lương tại phường. Cho dù có biết bà Liên đang lĩnh lương hưu ở "ngách" nào cũng đành phải ngậm miệng, không ai dám động đến “râu hùm” ?
Từ phát hiện của quần chúng, chúng tôi đã trực tiếp có buổi làm việc với tổ trưởng hưu trí tổ 38 (nơi bà Liên đăng kí hộ khẩu thường trú) và cán bộ chuyên quản theo dõi hưu trí của phường Quang Trung, sự việc nêu trên một lần nữa được xác lập: không có ai tên là Bùi Thị Kim Liên lĩnh lương hưu tại phường. Trở lại Cơ quan BHXH tỉnh Thái Bình, chúng tôi phát hiện trên mạng vi tính quản lí nội bộ, trong danh sách nghỉ hưu theo vần L, tại số thứ tự 540, số sổ 1120481, có tên Bùi Thị Kim Liên. Nguyên quán xã Đông Giang, huyện Đông Hưng. Nơi thường trú đăng kí hưởng lương hưu tại tổ 38, phường Quang Trung, thành phố Thái Bình, đang hưởng mức lương 854.360đ / tháng (thời điểm tháng 6-2006). Thế mà trên 10 năm qua, bà Liên vẫn lặng lẽ, nghiễm nhiên lĩnh lương hưu tì tì mà không cần phải đăng kí với chính quyền sở tại?
Sau này sự việc vỡ lở, chúng tôi được biết, hàng tháng cán bộ chi trả BHXH thành phố Thái Bình phải trực tiếp mang tiền lương hưu đến tận nhà trao cho bà Liên. Thế mới biết uy quyền và ảnh hưởng của ông Trần Văn Vệ, thật khủng khiếp?
Soát xét lại toàn bộ hồ sơ giả mạo để nghỉ hưu của bà Bùi Thị Kim Liên đã bộc lộ đầy rẫy sự bi hài. Tại Quyết định số 85/QĐ, ngày 10-11-1993 của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thái Bình, thì 8 tuổi bà Liên đã tham gia cách mạng; 14 tuổi là quân nhân thuộc Trung đoàn 952 - vùng I Hải quân; 18 tuổi là công nhân Xí nghiệp cơ khí Giao thông Thái Bình. Nhưng tại Báo cáo kết quả xác minh số 13/KT, ngày 21-5-2007 của Phòng kiểm tra BHXH tỉnh Thái Bình đã xác định bà Liên chỉ có thời gian công tác 10 năm, (từ 10-1983 đến 11-1993), duy nhất chỉ ở một đơn vị là Xí nghiệp cơ khí giao thông Thái Bình. Thế mà không biết dựa vào căn cứ nào, tại Quyết định nghỉ hưu của bà Liên lại được tính thời gian quy đổi là 25 năm 6 tháng ?
Cũng do áp lực của dư luận xã hội và báo chí, đồng thời để bảo toàn cho cái ghế quan trường đã buộc ông Trần Văn Vệ phải đích thân trực tiếp "điều đình" với lãnh đạo BHXH tỉnh Thái Bình. Ngày 11-6-2007, BHXH tỉnh Thái Bình ra Quyết định số 04/QĐ, chấm dứt trả lương hưu và đồng thời trả bà Bùi Thị Kim Liên về Xí nghiệp Cơ khí giao thông vận tải Thái Bình, trong khi Xí nghiệp đã thực hiện chuyển đổi sang Công ty CP gần chục năm nay. Thu hồi lại số tiền 49.188.300đ lương hưu man trá mà bà Liên đã lĩnh (thu lấy lệ) trong tổng giá trị đã thụ hưởng hàng trăm triệu đồng ? Lẽ ra vụ việc nêu trên phải được khởi tố và truy cứu trách nhiệm hình sự, thế nhưng khởi tố ai khi mà chồng bà đang nghễu nghện là Giám đốc Công an tỉnh?
.
Tiếp tục trò ảo thuật man trá: Nhân viên có trước doanh nghiệp, “qua cầu chém ván”
Tưởng rằng những sai phạm nêu trên sẽ được khắc phục và chấm dứt, để rồi người đời cũng có thể bỏ qua. Nào ngờ lòng tham của kẻ tham nhũng không có đáy, họ lại tiếp tục làm "ảo thuật" lập hồ sơ giả mạo gửi BHXH. Ông Trần Văn Vệ đã “sai” bà Hoàng Thị Hồng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Công ty CP Du lịch & Thương mại Hải Bình, một doanh nghiệp tư nhân đã từng được ông che chở, làm hồ sơ giả gửi BHXH để chờ cơ hội tiếp tục làm thủ tục hưu trí cho vợ. Điều nghịch lí là, tại Tờ trình số 68/cv-tc, ngày 26-12-2006 của Công ty CP Du lịch & Thương mại Hải Bình (dấu nhận công văn đến đề ngày 17-4-2007), bà Hoàng Thị Hồng lại khéo bịa ra thời gian công tác của bà Liên như sau: Từ tháng 1-1995 đến tháng 4-2005 công tác tại Công ty CP vận tải biển Hoàng Phát. Từ 5- 2005 đến nay ( thời điểm của Tờ trình) công tác tại Công ty CP Du lịch & Thương mại Hải Bình ? Nhưng cũng tại Tờ trình số 10/cv-tc, ngày 10-7-2007, bà Hồng lại ghi: Từ tháng 1-2002 đến tháng 4 - 2005, công tác tại Công ty CP vận tải biển Hoàng Phát. Từ tháng 5-2005 đến tháng 7-2007, công tác tại Công ty CP Du lịch & Thương mại Hải Bình. Cho dù tuổi tác chưa cao, thế mà bà Hồng lại lú lẫn đến vậy? Trong thực tế, khởi điểm thời gian công tác của bà Liên ở hai Công ty mà tờ trình nêu thì tại thời điểm đó cả hai Công ty đều chưa thành lập.
Song chỉ nhìn vào hành tự của 2 tờ trình nêu trên đã bộc lộ rõ hành vi gian dối của bà Hoàng Thị Hồng, trong khi bà Bùi Thị Kim Liên chưa hề có mặt lấy một ngày ở 2 Công ty trên và trong thời điểm đó bà Liên đang thụ hưởng lương hưu đến tận tháng 6 - 2007? Mặc dù biết rõ hồ sơ giả mạo và không có thật, không hiểu vì lẽ gì mà BHXH tỉnh Thái Bình lại chấp nhận hồ sơ ảo, tiếp tục làm thủ tục tham gia BHXH, công nhận ngược về trước 14 năm cho bà Bùi Thị Kim Liên ? Phải chăng vì uy quyền, o ép của chồng bà hay vì một lí do nào khác mà đến nay chưa ai lí giải nổi. Chỉ đáng thương thay cho 3 cán bộ, nhân viên BHXH tỉnh Thái Bình là chị Bùi Thị Nhung, Vũ Thị Thảo và anh Lý Công Trường chỉ vì "chấp hành" nghiêm lệnh của cấp trên, mau mắn làm thủ tục man trá gửi BHXH cho bà, để rồi sau đúng một năm lại được chính chồng bà ra lệnh tống giam ? Duy chỉ riêng trường hợp gian lận của bà lại được "miễn trừ" nằm ngoài vụ án. Và như thế, bà Bùi Thị Kim Liên nghiễm nhiên được "đặc cách" đứng ngoài vòng pháp luật và có lẽ chỉ vài năm nữa thôi, bà lại tiếp tục được hưởng lương hưu trí?
.
Những điều trông thấy...
Quan sát theo dõi toàn bộ diễn biến của vụ việc nêu trên, mấy ai mà chẳng đau lòng. Buồn vì cơ chế quản lí hành chính của chúng ta còn nhiều lỗ hổng để bọn cơ hội "đục nước, béo cò". Buồn vì những nhà chức trách đầy quyền uy không giữ nghiêm kỉ cương phép nước, a tòng, tiếp tay cho bọn lợi dụng bòn rút tiền của của Nhà nước và nhân dân. Buồn cho xã hội đầy rẫy bọn quan tham đang hoành hành, cho dù đã nhiều bổng lộc nhưng không từ một thủ đoạn nhỏ nhất nào để vơ vét. Buồn cho vị quan chức đầy quyền uy như ông Trần Văn Vệ đang giữ trọng trách ở một ngành quan trọng, thành trì an ninh của đất nước, chỗ dựa tin yêu của nhân dân lại có những việc làm gian dối, đến như vậy ? Trong quá trình điều tra làm sáng tỏ vụ việc này, chúng tôi còn tiếp nhận khá nhiều thông tin của quần chúng phản ánh về nhiều sự việc dính líu của ông Trần Văn Vệ trong một số vụ việc nghiêm trọng khác ở Thái Bình, xin sẽ phản ánh tới bạn đọc. Nhưng tại thời điểm này, dư luận xã hội ở Thái Bình tỏ ra rất bất bình và đòi hỏi các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương sớm làm sáng tỏ sự thật, xử lí nghiêm minh theo quy định của pháp luật xung quanh việc làm giả hồ sơ khai khống tuổi về hưu, giả hồ sơ gửi BHXH của vợ Đại tá Trần Văn Vệ. Đồng thời, kiên quyết thu hồi lại giá trị đã thụ hưởng hàng trăm triệu đồng mà bà Bùi Thị Kim Liên đã chiếm đoạt, trả lại công quỹ Nhà nước. Chấm dứt và xử lí hủy bỏ thủ tục man trá, sổ BHXH của bà Liên tại cơ quan BHXH tỉnh Thái Bình. Đó là việc làm thiết thực góp phần củng cố niềm tin của dân đối với Đảng, đẩy lùi tệ tham nhũng hiện nay, thể hiện sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật.
Nguyễn Trọng Thắng
.
.
.
No comments:
Post a Comment