Friday, September 10, 2010

NHÂN QUYỀN VIỆT NAM DƯỚI QUYỀN CHỦ TỌA CỦA ASEAN

Từ Viễn mơ đến Thực tế: Nhân quyền Việt Nam dưới quyền chủ tọa của ASEAN

.

THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI PARIS NGÀY 10.9.2010

Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người VN

công bố bản Báo cáo

“Từ Viễn mơ đến Thực tế: Nhân quyền Việt Nam dưới quyền chủ tọa của ASEAN”

tại cuộc họp báo ở thủ đô Bangkok ngày thứ Hai 13.10.2010

Bản Báo cáo lên Mạng vào10giờ30, giờ Bangkok, thứ Hai 13.9.2010, tại:

http://www.fidh.org/VIETNAM-From-Vision-to-Facts-HUMAN-RIGHTS-IN
http://www.queme.net/eng/doc/From_Vision_to_Facts_-_Human_Rights_in_Vietnam.pdf

PARIS/BANGKOK, ngày 10.9.2010 (FIDH / QUÊ MẸ) - Vi phạm nhân quyền tại Việt Nam vẫn tiếp diễn dữ dội trong thời kỳ Việt Nam làm Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), theo tiết lộ của bản Báo cáo mới “Từ Viễn mơ đến Thực tế : Nhân quyền Việt Nam dưới quyền chủ tọa của ASEAN” do Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (International Federation of Human Rights, FIDH) và Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (Vietnam Committee on Human Rights, VCHR) thực hiện.

Bản Báo cáo mới “Từ Viễn mơ đến Thực tế : Nhân quyền Việt Nam dưới quyền chủ tọa của ASEAN” sẽ được công bố tại cuộc họp báo vào ngày thứ Hai tới, 13.09.2010, tại thủ đô Bangkok chuẩn bị cho cuộc họp của Diễn Đàn Dân sự ASEAN và Thượng đỉnh ASEAN tại Hà Nội. Bản Báo cáo cho thấy các quyền dân sự và chính trị cũng như các quyền kinh tế và xã hội bị vi phạm trắng trợn tại Việt Nam. Mở cửa kinh tế dưới chế độ độc đảng, trong bối cảnh không có nền tư pháp độc lập, chỉ đưa tới tệ nạn tham nhũng. Các giới bị xúc phạm hơn cả là phụ nữ, thiếu nhi, và các nhóm dân tộc ít người, sự tăng trưởng kinh tế chẳng đem lại bao lăm quyền lợi cho họ, nguy cơ lớn của họ là bị gạt ra ngoài lề xã hội và kinh tế. Giới phụ nữ đang gặp những hình thức kỳ thị, từ sử dụng đất đai đến quyền sở hữu, quyền thừa kế.

Nhà cầm quyền gia tăng đàn áp các quyền tự do ngôn luận, hội họp, báo chí, quyền tự do tôn giáo, và sử dụng bạo động trong nhiều trường hợp. Công an thường xuyên sách nhiễu, đe dọa và bắt bớ các nhà hoạt động chính trị, ký giả, và những công dân dám lên tiếng phê bình nhà cầm quyền. Theo thống kê của Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, trong tháng 8.2010, có ít nhất 258 tù nhân vì lương thức mòn mỏi sau chấn song tù ngục, mặc dù Hà Nội không ngừng khẳng định rằng ở Việt Nam không có tù nhân chính trị.

Ít nhất có 17 người bị tù vì sử dụng ôn hòa quyền ngôn luận trên mạng Internet. Đã có 749 trường hợp sách nhiễu và đe dọa các nhà báo trong năm 2009. Chỉ riêng trong tháng giêng 2010, đã có 359 trường hợp tương tự xẩy ra.

Các tôn giáo bị đặt dưới chế độ kiểm soát và kiểm nhận, hàng giáo phẩm thuộc các tôn giáo “không-được-thừa-nhận” bị sách nhiễu thường trực, bị bắt đi làm việc hoặc bị cầm tù. Phật giáo đồ thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tín hữu Công giáo, Tin Lành và Hòa Hảo không được quyền tự do tôn giáo.

Án tử hình xẩy ra thường xuyên, nhưng số liệu thống kê bị liệt vào “bí mật quốc gia” kể từ tháng giêng năm 2004. Năm nay, 2010, theo nguồn tin chính thức đã có 11 án tử hình riêng trong tháng giêng.

Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, nhận xét: “Là Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Việt Nam đã thất bại trong việc duy trì các ngưỡng vọng nhân quyền và bảo đảm những điều quy định trong Hiến chương ASEAN cũng như trong Hiến pháp Việt Nam. Tình trạng nhân quyền tồi tệ của Việt Nam đang phá hoại nghiêm trọng nỗ lực mà ASEAN mong muốn xây dựng một Cộng đồng cho dân, và cai quản bằng pháp quyền”.

Ngoài sự cưỡng bức triệt để và bạo hành, nhà cầm quyền Việt Nam còn sử dụng luật pháp để dập tắt mọi phê phán chính sách hay hành động của nhà nước, trong bối cảnh của nền hành chánh tư pháp tùy tiện, và thiếu vắng cả nền tư pháp độc lập. Bản Báo cáo cho biết chi tiết những điều luật mơ hồ gọi là “an ninh quốc gia” trong bộ Luật Hình sự - có bảy điều dẫn tới án tử hình - được sử dụng để bắt giam những ai ôn hòa phê phán, những tín đồ tôn giáo và các nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền.

“Dù đã tham gia ký kết bảy công ước nhân quyền, nhưng Việt Nam ít thực hiện những lời cam kết theo luật pháp quốc tế, lại tiếp tục vi phạm những nhân quyền cơ bản đối với nhân dân nước họ”, bà Souhayr Belhassen, Chủ tịch Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền nhận xét.

Trong dịp công bố bản Báo cáo mới “Từ Viễn mơ đến Thực tế : Nhân quyền Việt Nam dưới quyền chủ tọa của ASEAN”, Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) xin mời quý vị đến tham dự

Cuộc Họp báo do ông Võ Văn Ái,
Chủ tịch Ủy Ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, chủ trì
vào ngày thứ Hai, 13.9.2010, từ 10 giờ 30 sáng đến trưa
tại Câu Lạc Bộ Báo chí Quốc tế ở Thái Lan
Foreign Correspondents’ Club of Thailand
Penthouse, Maneeya Center
518/5 Ploenchit Road
Patumwan, Bangkok 10330


Mọi liên lạc hỏi tin với Liên Đoàn Quốc tế, FIDH,
xin gọi Fabien Maitre : + 33 1 43 55 25 18

với Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, VCHR
xin gọi Võ Trần Nhật : + 33 1 45 98 30 85

.

.

.

No comments: