Nguyễn Hưng Quốc
Thứ Tư, 15 tháng 9 2010
http://www.voanews.com/vietnamese/news/nha-tho-le-van-tai-09-15-2010-102983369.html
.
Nhà thơ Lê Văn Tài
http://media.voanews.com/images/300*306/levantai-300.jpg
.
Lê Văn Tài đến với thơ tiếng Việt bằng một con đường vòng. Anh vốn là một hoạ sĩ. Ở trong nước, từ đầu thập niên 1960, anh vẽ tranh. Định cư tại Úc từ đầu thập niên 1980, anh tiếp tục vẽ tranh. Tuy nhiên, bên cạnh đó, anh còn làm thơ.
Điều thú vị là những bài thơ đầu tay của Lê Văn Tài không được viết bằng tiếng Việt mà bằng tiếng Anh, thứ ngôn ngữ anh mới học khi sang định cư tại Úc và có lẽ còn lâu lắm mới có thể được coi là thông thạo. Vậy mà, thơ tiếng Anh của Lê Văn Tài lại được những người có thẩm quyền về thơ Úc khen ngợi nồng nhiệt. Trong số các nhà thơ người Việt thuộc thế hệ thứ nhất hiện sống tại Úc, có vẻ như anh là người duy nhất có thơ được đăng tải trên các tạp chí văn học và các tuyển tập thơ có uy tín nhất của Úc. Năm 1989, bài thơ “Separated Lover” của anh được Bộ Nghệ Thuật tiểu bang Victoria chọn in trên các poster lớn, dựng ở các ga xe lửa để mọi người thưởng thức trong chiến dịch đem thơ đến với quần chúng Úc (1). Năm 1997, tập thơ bằng tiếng Anh của anh, Waiting the Waterfall Falls, được trường Victoria University xuất bản, sau đó, được sử dụng như một tài liệu tham khảo trong khá nhiều môn học liên quan đến văn học Á châu và di dân nói chung. Giáo sư John McLaren, trong lời giới thiệu, cho Lê Văn Tài, khi di cư sang Úc, đã mang cả quê hương theo với anh, hơn nữa, anh còn mở rộng quê hương ấy ra, làm cho mọi người Úc đều biến thành những thành viên trong gia đình của anh: thơ anh, do đó, vừa mang dấu ấn riêng vừa có tính phổ quát rất cao. Ivor Indyk, chủ nhiệm của Heat, một tạp chí văn học nổi tiếng ở Úc, khen đó là một tập thơ hay, ở đó, thơ và thơ cụ thể kết hợp hài hoà với nhau. Robert Harris, trên tạp chí Overland, xem Lê Văn Tài là một nhà thơ quý giá có nhiều cống hiến cho nền văn học Úc (2).
Lê Văn Tài chỉ thực sự bắt đầu làm thơ bằng tiếng Việt từ khi tạp chí Việt ra đời vào năm 1998, tức gần 40 năm sau ngày anh hoàn tất những tác phẩm hội hoạ đầu tiên và hơn 10 năm sau ngày anh có những bài thơ tiếng Anh được xuất bản.
Con đường vòng ấy tuy khá khúc khuỷu nhưng rõ ràng không phải là vô ích. Quá trình làm-nghệ-thuật-ngoài-thơ-tiếng-Việt ấy cũng chính là quá trình tích luỹ kỹ thuật và nhất là kinh nghiệm mỹ học rất cần thiết cho mọi người sáng tạo dù ở bất cứ loại hình nào.
Nhờ sự tích luỹ ấy, Lê Văn Tài đã nhanh chóng tự khẳng định được bản sắc của mình ngay từ những bài thơ đầu tiên anh viết bằng tiếng Việt. Bản sắc ấy, như anh tự tổng kết, một cách gián tiếp, trong tựa đề tập thơ anh định xuất bản (3), được kết tinh từ một thứ thẩm-mỹ-trâu-bò-húc. Đã trâu. Đã bò. Lại là trâu bò húc. Mà vẫn là thẩm mỹ.
Nhưng tại sao lại không chứ?
Lê Văn Tài đã kết hợp được trong thơ anh bao nhiêu là sắc thái khác nhau, từ cái tục của ngôn ngữ đến cái ngổn ngang của văn xuôi, cái phức tạp của tư tưởng, cái rối rắm của cảm xúc, và cả cái thô nhám của cuộc sống hàng ngày. Trong sự kết hợp ấy, nổi bật lên vai trò của Lê Văn Tài - hoạ sĩ. Có thể nói, thơ Lê Văn Tài, trước hết, là thơ của một hoạ sĩ, ở đó, một trong những nét mạnh rõ rệt nhất chính là ở hình tượng. Trong thơ anh không hiếm những hình tượng lạ; ví dụ, anh viết về biển: “vuông lụa mặn”, về mặt trời: “chiếc vú mặt trời nhiệt đới ngậm lửa”, về một ánh chớp: “lưỡi cưa trời”, về những chiếc lá đỏ rụng vào mùa xuân:
Chiếc lá khắc đồng
màng trinh mùa xuân cổ điển rỉ máu
nát nhàu mặt đất treo
[...]
gió đứng lặng
nhìn hoe
mắt đỏ.
(“Triển lãm ngoài trời”)
Con đường vòng gần nửa thế kỷ đến với thơ đồng thời cũng là một quá trình chiêm nghiệm đầy những trăn trở và những khắc khoải về thơ và về đời người. Có lần, trong bài thơ “Sáng tạo lão”, anh tự nói về anh như sau:
Lão 60 mi phì phèo nước miếng làm mưa phun bắn miệng trời
đái vung một đường cong ngoằn ngoèo — sông chảy
nguệch ngoạc vẽ vời cùn que — đùn cát
mi hoán đổi vị trí lỗ tai mù vào trái tim câm và cái mũi điếc
vào khối óc lạnh để nghe/ngửi mùi bi bô ngọng nghịu — đàn môi
mi thả con thuyền lá vào đại dương — chiếc thau nhựa sóng sánh
mi cong chân quẫy đạp mười phương địa cầu — cái đu bay quay
mi cắt những mảnh giấy màu hình ông sao, mơ trăm năm sau
đội đầu nhật nguyệt
mi xếp những hòn đá chữ “địa”— viên bi chai
và đặt đít ngồi lên chỗ không là gì cả
giấc mơ — chiếc nôi tay mẹ đòng đưa.
(11.03)
Lê Văn Tài muốn đóng vai một đứa bé 60 tuổi hoặc một “lão 60” mà vẫn “phì phèo nước miếng làm mưa phun bắn miệng trời / đái vung một đường cong ngoằn ngoèo” (“Sáng tạo lão”). Tuy nhiên, ở “đứa bé” ấy, người ta dễ dàng bắt gặp những suy tưởng vô cùng sâu sắc, đặc biệt về thân phận của một người nghệ sĩ trong xã hội, kẻ “đặt đít ngồi lên chỗ không là gì cả” (“Sáng tạo lão”), kẻ “làm cuộc đối thoại không có nơi khởi đầu / không có nơi kết thúc” (“Ai sinh tôi ra”), kẻ “gieo hạt” mà “không mong đợi gì” (“Điểm đứng”), và cũng kẻ bị “rượu rót [...] vào ly” (“Rót”) để đắm chìm trong một cơn say triền miên. Người nghệ sĩ ấy chỉ là một “thành viên của 1 bộ lạc đã bị thất tán trên đồng cỏ du mục ngàn năm, trôi sông lạc chợ New York Sydney Toronto Paris... còn 1 chiếc khố thừa tự không thể rời xa, trên lưng gùi nặng chú bình vôi bác chân đèn cô dì cậu mợ lư hương cháu con phong linh đồng nát...” (“Bầu trời nhe răng cán cuốc”).
Tự nói về mình, Lê Văn Tài cũng phác hoạ lên được chân dung của người nghệ sĩ lưu vong nói chung. Ngày xưa, người ta xem nghệ sĩ như những trích tiên bị đoạ đày. Huống gì là nghệ sĩ lưu vong: hai lần bị đoạ đày.
Đâu có gì lạ khi nghe trong giọng thơ của Lê Văn Tài, bên cạnh tính chất triết lý, lúc nào cũng có cái gì như hiu hắt.
Ừ. Thì cũng hiu hắt như phần lớn triết lý và thơ từ xưa đến nay vậy mà.
Chú thích:
Trọn bài thơ “Separated Lover” như sau:
Outside
It rains fine
In the garden
The sunny light falls;
My heart, feeling
Heavy drops
And tears, is turned
Around and over…
On that homeward way
Has it wet
Your hair,
Has it wet
Your eyes?...
Tôi không dịch ra tiếng Việt vì e sẽ làm mất hết cái thi vị nhẹ nhàng trong nguyên tác tiếng Anh.
2. Những lời nhận định này được in ở bìa sau tập thơ.
3. Nhan đề tập thơ là “Thẩm mỹ trâu bò húc”.
-------------------------------------------------------
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
.
.
.
No comments:
Post a Comment