Friday, September 17, 2010

MỘT TRĂM TRIỆU ĐÔ CHO NHÂN QUYỀN

Một trăm triệu đô cho nhân quyền

Colum Lynch

Đinh Từ Thức dịch

17/09/2010 10:40 chiều

http://www.talawas.org/?p=24224

Món quà một trăm triệu đô la do tỷ phú George Soros tặng cho Human Rights Watch được loan báo tuần rồi sẽ làm gia tăng sự hiện diện của tổ chức nhân quyền có nhiều ảnh hưởng của Mỹ tại nước ngoài, và bảo đảm cho tình trạng tài chánh của tổ chức này trong nhiều năm tới.

Nhưng mục tiêu của món quà này còn có nhiều tham vọng hơn: làm thay đổi đường hướng thăng tiến nhân quyền vào thế kỷ 21, làm cho việc cổ võ nhân quyền ít có vẻ là một mục tiêu độc quyền của Hoa Kỳ hay Âu châu.

Khoản tiền tặng này, là món quà đơn độc lớn nhất do nhà đầu tư hảo tâm gốc Hungary tặng, được coi như dựa trên niềm tin rằng sự lãnh đạo của Hoa Kỳ về nhân quyền đã bị suy giảm trong một thập niên do những chính sách khắt khe trong cuộc chiến chống khủng bố. Soros nói ông hy vọng rằng khoản tiền này sẽ gây nhiều hơn sự hưởng ứng của các nhà làm chính sách hải ngoại và các nhà hảo tâm, là những người chấp nhận quan niệm nhân quyền nên được tôn trọng tại khắp nơi.

.

Soros nói trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Thật không may, chúng ta đã để mất cao điểm luân lý thời chính quyền Bush, và chính quyền Obama đã không làm đủ để lấy lại. Vì thế, nhân quyền như là một chính nghĩa của Hoa Kỳ thường bị kháng cự bởi vì nó đến từ Hoa Kỳ”.

Ông nói tiếp: “Thật ra, nguyên tắc nhân quyền là một nguyên tắc phổ quát, và người dân tại những phần khác trên thế giới cũng tin tưởng mạnh mẽ như vậy giống chúng ta, có khi còn mạnh mẽ hơn. Để được thêm hiệu quả, Human Rights Watch phải thực sự trở thành một tổ chức quốc tế”.

.

Nhóm nhân quyền này, hiện theo dõi nhân quyền tại hơn 90 nước từ 45 địa điểm, sẽ tăng thêm khả năng tìm hiểu, mướn thêm 120 người cho một tổ chức hiện có 300 nhân viên. Nhóm này cũng sẽ đặt thêm các trụ sở chính của vùng, tại thủ đô các nước mới nổi về thế lực chính trị và kinh tế, nơi các nhà lãnh đạo thường hay chỉ trích việc cổ võ nhân quyền như là một công cụ của Tây phương muốn áp đặt ý muốn của họ trên các nước nhỏ.

Theo ông Kenneth Roth, giám đốc điều hành của Human Rights Watch: “Chúng tôi cần phải có thể tạo ảnh hưởng trên chính sách đối ngoại của các thế lực mới nổi, cũng như chúng tôi đã có truyền thống làm như vậy đối với các thế lực Tây phương. Mục tiêu của chúng tôi là tranh thủ những nước như Brazil, Nam Phi, Ấn và Nhật, tranh thủ tất cả các chính quyền dân chủ.”

.

Human Rights Watch thường xuyên bị chính quyền các nước trên thế giới chống đối, kể cả Trung Quốc, Nga, Israel, Iran, Syria, Rwanda, Sri Lanka và Zimbabwe.

Một vị tổng trưởng Syria đã nói với Washington Post vào năm ngoái, sau khi tổ chức nhân quyền này công bố một bản tường trình phê phán về chính quyền của ông. Ông nói: “Các tổ chức của Hoa Kỳ, kể cả HRW, đều không đáng tin cậy. Để họ về xem xét các vi phạm của chính quyền [Mỹ] trước từ Guantanamo đến các nhà tù hay tới các vi phạm nhân quyền ở Gaza trước khi họ nói tới các nước khác.”

Human Rights Watch cho biết họ đã tiến hành điều tra sâu rộng những cáo buộc về việc lạm dụng tại GazaGuantanamo.

.

Ông Soros, ở tuổi 80, đã gia tăng các việc làm từ thiện, chi ra hơn 700 triệu đô la trong năm ngoái cho các công cuộc từ cung cấp phẩm vật cho học sinh Thành phố New York đến nỗ lực cứu lụt tại Pakistan.

Là một nhà đầu tư khôn ngoan đã nổi tiếng trong việc thúc đẩy sự phá giá của đồng bảng Anh vào năm 1990 bằng cách cá đậm chống lại nó, ông đã được biết đến từ lâu là một nhà kiên quyết ủng hộ các mục tiêu của đảng Dân chủ. Vào năm 2004, ông đã chi hàng chục triệu đô la cho các nhóm chính trị, kể cả MoveOn.org trong nỗ lực đánh bại cuộc vận động tái ứng cử của Tổng thống George W. Bush. Ông cũng hỗ trợ tài chánh cho cuộc vận động tranh cử của Barack Obama.

.

Tặng phẩm cho Human Rights Watch sẽ gồm có 10 triệu đô mỗi năm trong vòng thập niên tới. Human Rights Watch mong đợi sẽ tìm được nguồn tài trợ để sánh với khoản tiền tặng này. Họ cũng tìm cách gây một thế hệ mới các nhà hảo tâm hải ngoại để giúp cho hoạt động của nhóm. Hiện nay, Human Rights Watch nhận được 30% ngân quỹ từ nước ngoài, phần lớn từ Âu châu và một ít từ Nhật Bản. Mục tiêu của họ là nâng lên 40% ngân quỹ đóng góp từ hải ngoại trong vòng 5 năm, và 50% trong vòng một thập niên.

.

Món tiền lớn do Soros tặng làm nổi bật một tình trạng trái ngược vào năm 2008, khi cuộc khủng hoảng khiến cho ngân quỹ của tổ chức bị giảm mất 7%. Năm ngoái, Human Rights Watch quyên được 45 triệu đô, nhiều nhất trong một năm. Họ lập kế hoạch tăng ngân sách hàng năm lên 80 triệu đô trong vòng 5 năm.

Ông Roth nói: “Kế hoạch của chúng tôi là điều tra sâu hơn và mở rộng việc vận động.”

.

Hoa Kỳ đã ở trung tâm việc cổ võ nhân quyền từ khi chấm dứt Đệ nhị Thế chiến, khi bà Eleanor Roosevelt hướng dẫn nỗ lực soạn thảo bản Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Tiền thân của Human Rights Watch, là Helsinki Watch, đã được thành lập vào năm 1978 để theo dõi việc vi phạm nhân quyền tại Liên Xô, và sau đó tổ chức đã thiết lập các chi nhánh tương tự cho Nam Mỹ, Á và Phi châu, trước khi đặt tất cả dưới cây dù của Human Rights Watch vào năm 1988.

Theo ông Aryeh Neier, chủ tịch của “Open Society Institute” (Viện Xã hội Mở), cũng là một sáng lập viên của Human Rights Watch, và là giám đốc điều hành của tổ chức này trong 12 năm: “Khi chúng tôi lập ra Human Rights Watch, một trong những mục tiêu chính lúc ban đầu là để cân bằng quyền lực, túi tiền và ảnh hưởng của Hoa Kỳ để cố gắng thăng tiến nhân quyền tại các nước khác. Ảnh hưởng toàn cầu của Hoa Kỳ bây giờ ít hơn trước nhiều.”

Neier và Roth nói sự vươn lên về chính trị và kinh tế của Trung Quốc đã làm trở ngại cho việc thăng tiến nhân quyền. Theo Neier, Bắc Kinh đã cung ứng một mô hình kinh tế đi lên đã thành công mà không cần phải theo các giá trị của Tây phương về dân chủ và nhân quyền, và đồng thời cũng cung ứng các chính quyền một đối tác thương mại mạnh mẽ mà không cần đặt điều kiện hợp tác trên việc tôn trọng nhân quyền.

Ông Neier nói: “Tôi không biết liệu Human Rights Watch sẽ có thể thiết lập sự hiện diện của mình tại Trung Quốc để làm cho nước này thành một thế lực thăng tiến nhân quyền.” Nhưng ông nêu ra rằng có những thành phần quan trọng thăng tiến nhân quyền tại Brazil, South Africa và nhiều nước khác có thể gây tác động lớn hơn trong cuộc tranh luận tại đất nước họ.

---------------------------------

Nguồn: “With $100 million Soros gift, Human Rights Watch looks to expand global reach”, của Colum Lynch, The Washington Post, Chủ nhật 12 tháng 9, 2010

Bản tiếng Việt © talawas Đinh Từ Thức

Bản tiếng Việt © 2010 talawas

.

.

.

No comments: