Xuồng Tam Bản
Thứ Bảy, 25/09/2010
Từ sự kiện IDS tuyên bố tự giải thể…
Cách đây một năm, sự kiện Viện nghiên cứu phát triển (IDS) một viên nghiên cứu tư nhân độc lập đã phải tuyên bố tự giải thể sau hai năm hoạt động để phản đối quyết định 97 của TT Nguyễn Tấn Dũng. Viện IDS quy tụ các nhà khoa học tên tuổi trong nước là các chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực như: GS toán học Hoàng Tụy, TS Nguyễn Quang A - Viện trưởng, TS Lê Đăng Doanh, Chuyên gia KT nguyên cố vấn chính phủ - bà Phạm Chi Lan, GS Chu Hảo, GS Phan Huy Lê, GS xã hội học Tương Lai, Nhà văn Nguyên Ngọc, GS Phạm Duy Hiển, ..v..v.. Viện thành lập với mục đích bản biện các chính sách về kinh tế, văn hóa, giáo dục…v..v… và còn có tiếng nói nhất định trong vấn đề khai thác Boxit ở Tây Nguyên, vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa.
Quyết định 97 có các điểm chính:
“nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cần gửi ý kiến đó cho cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền”
tuy nhiên “không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ.”
“chỉ họat động trong lãnh vực được ban hành kèm theo quyết định này.”
Phản đối các quyết định TS Nguyễn Quang A chỉ rõ:
“Về nội dung việc ban hành một danh mục được phép làm là một cách làm hết sức lạc hậu, không phù hợp với sự phát triển của bất cứ lĩnh vực nào, chứ không nói đến nghiên cứu khoa học là lĩnh vực rất biến động rất rộng . Không thể chỉ liệt kê ra một danh mục bảo là ông chỉ được làm cái đó, như thế là tước mất quyền tự do nghiên cứu của công dân.
Tôi chưa nói đến điều là không được quyền công bố ý kiến phản biện công khai, điều này hết sức phi lý. Thậm chí nó còn trái với những qui định hiện hành của bản thân Hiến Pháp Việt Nam bây giờ.” (1)
Nhà văn cách mạng Nguyên Ngọc (bút danh khác Nguyễn Trung Thành) đã tỏ thái độ phản đối dứt khoác với quyết định 97:
“Thật sự chúng tôi chả tiếc rẻ gì thái độ dứt khoát của Viện IDS đối với quyết định này. Chúng tôi phản đối quyết định này. Và chúng tôi thấy rằng tiếp tục hoạt động với một cái quyết định như vậy thì sẽ là vô nghĩa và cũng sẽ không đúng đối với một sự hạn chế như thế trong hoạt động, can dự như thế thì không còn là những người trí thức chân chính”. (2)
GS. Ngô Vĩnh Long, giảng viên môn Lịch sử, ĐH Maine, Hoa Kỳ cho rằng: “các nhà nghiên cứu thì cho rằng nếu nghiên cứu xong mà không được tung ra cho dân chúng trong và ngoài nước biết thì còn nghiên cứu làm gì nữa. Hoặc rồi họ giấu họ bỏ trong tủ thì ai biết làm chuyện gì. Phản biện là phải cho công chúng mọi người được biết chứ” (3)
Đối với một tổ chức hoạt động độc lập thì việc bó buộc này được xem như là biện pháp đề phòng những phản hồi có tính cách xây dựng cho đất nước nhưng lại có thể gây thiệt hại cho cá nhân hay một tập thể nào đó trong guồng máy nhà nước.
Trong bức thư tuyên bố tự giải thể của mình, các thành viên viện IDS nhất mạnh:
“Quá trình đi lên của đất nước chưa có con đường vạch sẵn, cuộc sống có vô vàn vấn đề thuộc đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước cần được phản biện để có thể xử lý đúng đắn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có rất nhiều ý kiến phản biện về đường lối chính sách bị cất hầu như không có thời hạn trong các “ngăn kéo” của các cơ quan chức năng hoặc của những người có thẩm quyền có liên quan. Có quá nhiều phản biện dưới mọi dạng như kiến nghị, đề nghị, thư, tài liệu nghiên cứu… không bao giờ được hồi âm.” (4)
Được biết đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhiều lần viết thư kiến nghị gửi bộ chính trị để phản đối việc cho TQ khai thác Boxit ở Tây Nguyên nhưng các kiến nghị này cũng không được các báo đài đăng tải công khai và Võ đại tướng cũng không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ phía chính quyền.
…đến chỉ thị của ban tuyên giáo trung ương quy định về góp ý cho đại hội đảng XI
Mới đây, Đảng CSVN đã cho đăng tải công khai các văn kiện chuẩn bị cho Đại hội đảng XI để lấy ý kiến đóng góp toàn dân. Thế nhưng kèm theo là một chỉ thị của Ban tuyên giáo TW yêu cầu các cơ quan thông tấn báo chí “không được phép đăng tải các ý kiến phản bác chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về học thuyết Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, về vai trò lãnh đạo của Đảng”. (5)
Chỉ thị này đã dội một gáo nước lạnh vào nhiệt huyết của các nhà trí thức trong và ngoài nước vì họ nghĩ rằng đây là cơ hội 5 năm có 1 để thể hiện trách nhiệm của mình trước tình hình của đất nước bằng cách tự do góp ý và phản biện. Theo một bài trả lời nhà báo kỳ cựu Hữu Thọ trên báo Pháp Luật TP.HCM: “Góp ý cho Đảng thì không thể có vùng cấm”(6) Thế nhưng những gì chúng ta thấy đi ngược lại hoàn toàn.
Thiết nghĩ với một lực lượng hùng hậu các GS, TS, các nhà cao cấp lý luận chính trị của ĐCS VN hiện tại mà lại e dè hay nói trắng ra là “sợ” các phản biện được đăng công khai về các vấn đề cốt yếu của hệ thống chính trị như vậy thì còn gì xấu hổ hơn? Nếu họ đầy đủ cơ sở lý luận, thì hay nhất là trình bày các lý luận của mình công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng bên cạnh những góp ý, phản biện của dân. Như vậy thì còn gì dân chủ hơn? Nếu như góp ý mà không công bố, không tạo nên dư luận thì người tiếp nhận góp ý đó có thể không thèm mảy may xem xét vậy thì hóa ra cái gọi là “góp ý cho đại hội đảng” trở thành vô nghĩa.
Một chữ “cấm” to tướng như biết bao chữ “cấm” vô lý khác đã tự nhiên trở thành có lý bởi một luật bất thành văn mà ai cũng có thể hiểu được ở VN, không quản lý được thì "cấm". Tuy nhiên, chữ “cấm” chỉ ngày càng làm cho làn sóng chống đối ngày càng lớn hơn chứ không thể dập tắt được.
Thay cho lời kết, tôi xin trích một câu nói của GS Ngô Bảo Châu trả lời phỏng vấn đài BBC mà tôi luôn tâm đắc: “Chỉ nghe cái mà mình muốn nghe thì không thể làm đúng được”.(7)
Trích dẫn:
.
.
.
No comments:
Post a Comment