Friday, September 3, 2010

MÔI TRƯỜNG KHOA HỌC Ở VIỆT NAM

Môi trường khoa học ở Việt Nam

Nguyễn Văn Tuấn

03-09-2010

http://nguyenvantuan.net/science/4-science/1062-moi-truong-khoa-hoc-o-viet-nam

Nếu ai hỏi môi trường khoa học ra sao, có lẽ tôi cũng trả lời giống như Gs Nguyễn Tiến Dũng trong bài dưới đây. Đó là một môi trường độc hại cho khoa học phát triển. Độc hại vì sự thiếu tự do học thuật, chủ nghĩa lí lịch, nhập nhằng giữa thực với hư, giữa hư danh với thực tài, giữa dỏm với thật, v.v Điều đáng nói là cái dỏm đang lấn át cái thật, người dỏm tìm mọi cách trù dập người có tài. Trong một môi trường như thế, không ngạc nhiên khi thấy người có tài phải tìm cách bỏ nước ra đi. Tôi không nghĩ đó là kiểu "xuất khẩu chất xám” mà Dũng bàn đến. Đó là một exodus do môi trường khoa học quá độc hại.

.

Cách đây cũng khá lâu tôi có đọc bài viết “Những ông kẹ trong khoa học Việt Nam” rất hay. Bài viết nói về môi trường khoa học ở Việt Nam, mà trong đó những “ông kẹ” có đầy đủ chức danh cao quí nhất và những học vị cao chất ngất, nhưng bất tài, và điều đáng nói là họ đang nắm lấy những vị trí quan trọng trong đại học và trung tâm nghiên cứu. Với những vị trí đó, họ tha hồ bắt nạt những ai không tuân phục họ. Rất tiếc tôi không còn giữ bài viết, nhưng hi vọng tác giả sẽ gửi lại để tôi đăng lên trang web cho các bạn thưởng lãm.

.

Nhân nói chuyện môi trường khoa học và exodus làm tôi nhớ đến Jerzy Neyman, một nhà toán học lừng danh vào đầu thế kỉ 20. Bất cứ ai học thống kê đều biết qua "Neyman - Pearson lemma" lấy tên hai nhà thống kê học Neyman và Egon Pearson. (Egon Pearson là con trai của Karl Pearson. Karl Pearson là "cha đẻ" của hệ số tương quan và Chi Square test). Neyman là người Ba Lan (hình như có gốc Do Thái ?) nhưng chạy sang Anh tị nạn chính trị (chính xác là tị nạn chế độ Stalin ở Ba Lan). Trong thời gian ở Anh, ông đề xướng cái mà sau này chúng ta biết đến là "Test of Hypothesis" (kiểm định giả thuyết). Lúc đó Ronald Fisher, người Anh và là thật sự là một "cha đẻ" của thống kê hiện đại, đề xướng trường phái "Test of Significance" (kiểm định ý nghĩa thống kê). Fisher thấy lí thuyết của mình bị đe dọa bởi lí thuyết của Neyman. Fihser viết một số bài tranh luận học thuật (có khi nẩy lửa) với Neyman trên tập san Biometrika và Journal of the Royal Statistical Society. Fisher là một người cực kì cực kì thông minh, nhưng cực kì cực kì khó tính. Vì lí thuyết kiểm định giả thuyết của Neyman có đề cập đến sai sót loại I khoảng 5% (và sai sót loại 2 khoảng 20%), nên Fisher viết một bài bàn về hai xác suất này với giọng châm biếm Neyman rằng "ở Anh không ai quen với kế hoạch 5 năm" (hàm ý châm biếm ngưỡng alpha = 5% với kế hoạch 5 năm thời Stalin). Neyman không cách nào phát huy được tài năng của mình dưới quyền của Fisher. Neyman quyết định sang Mĩ tị nạn lần thứ hai, và chính Mĩ (Đại học Berkeley) là nơi ông được trọng dụng và sau này như chúng ta biết ông trở thành một nhà toán học, thống kê học trứ danh trên thế giới, để lại một di sản đồ sộ cho thế hệ sau. Câu chuyện cho thấy môi trường khoa học ở Việt Nam vào thế kỉ 21 chẳng khác gì ở Anh vào đầu và trung thế kỉ 20!

.

Nhưng tình trạng cũng chưa đến nỗi tuyệt vọng. Trong thực tế, ở Việt Nam vẫn còn có những người nói theo ngôn ngữ ngày nay là “tâm huyết” muốn đưa nền khoa học nước nhà lên một nấc cao hơn. Họ là những người không chức danh, không có học vị gì cao, không có chức quyền, và làm việc một cách âm thầm. Họ vẫn công bố trên các tập san quốc tế đều đều, dù báo chí chẳng ai chú ý đến họ (và họ cũng chẳng cần báo chí nhắc đến). Tôi gọi họ là những nhà “khoa học âm thầm” – silent scientists. Nhưng họ chỉ là thiểu số. Họ chưa đủ “critical mass” để thay đổi tình trạng khoa học, hay tẩy độc môi trường khoa học hiện nay.

Chỉ biết hi vọng trong tương lai, khi tự do học thuật được trân trọng, và khi chủ nghĩa lí lịch không còn tồn tại, những kẻ bất tài sẽ bị loại bỏ, để trả lại môi trường khoa học lành mạnh cho những nhà khoa học âm thầm.

NVT

===

Xuất khẩu chất xám cũng có lợi cho đất nước

http://sgtt.vn/Thoi-su/128850/Xuat-khau-chat-xam-cung-co-loi-cho-dat-nuoc.html

SGTT.VN - Để trở thành một nước tiên tiến, cần đầu tư thích đáng cho toán học và các ngành khoa học cơ bản, theo GS Nguyễn Tiến Dũng. Tuy nhiên, hạn chế của khoa học nước ta hiện nay còn nhiều, đặc biệt là môi trường làm việc và cơ chế đối với người làm khoa học.

Nhân sự kiện GS Ngô Bảo Châu nhận huy chương Fields, nhiều người có đề cập đến vai trò quan trọng của môi trường làm việc dành cho các nhà khoa học. Theo ông, môi trường đó ở Việt Nam hiện nay như thế nào?

Thú thực là tôi chưa thấy môi trường khoa học ở Việt Nam có điểm mạnh nào so với thế giới, chỉ có các điểm yếu hoặc rất yếu thôi. Các cái yếu bao gồm: không được đầu tư và coi trọng đúng mức, lương quá thấp, thật giả lẫn lộn, hình thức chủ nghĩa, thiếu tự do, trọng “hồng” hơn “chuyên” (chẳng hạn như khi tính điểm thi đua), v.v… Có một điểm mà tôi thấy có thể dựa vào đó để mà hy vọng là vẫn còn nhiều người nhiệt huyết, tận tuỵ quên mình vì sự nghiệp chung, và nhiều bạn sinh viên thực sự yêu khoa học.

Có nhiều người cho rằng hệ thống chức danh bằng cấp và chính sách học hàm học vị của Việt Nam hiện nay không khuyến khích những người làm nghiên cứu khoa học. Ông nghĩ sao?

Quy chế phong học vị ở Việt Nam gần đây đã có những bước tiến bộ, coi trọng chất lượng hơn. Tuy nhiên sự tiến bộ đó còn rất chậm. Đáng buồn là sự bảo thủ trì trệ lại xuất phát từ trong bản thân giới đại học và nghiên cứu. Rất nhiều người vẫn quan niệm học vị như là phần thưởng cho quá trình công tác lâu dài, chứ không phải là trách nhiệm và công việc. Độ tuổi trung bình của các giáo sư ở Việt Nam quá cao, gần về hưu rồi mới thành giáo sư, trong khi những người trẻ có trình độ cao có thể làm thay đổi chất lượng của nền khoa học Việt Nam thì vẫn rất khó khăn để được xét giáo sư/phó giáo sư vì không đạt những tiêu chuẩn hình thức hoặc chưa đủ tín nhiệm. Về học hàm, những hiện tượng như chạy theo số lượng, hình thức, mua danh quá nhiều, chất lượng không đảm bảo. Trong khung cảnh “vàng thau lẫn lộn”, “cò gỗ mổ cò thật”, thì những người làm nghiên cứu khoa học thật bị thiệt thòi, khó làm việc hiệu quả, dễ nản chí. Danh hiệu rởm cộng với sự luồn lách là con đường tiến quan có lợi cho cá nhân nhiều người nhưng có hại cho Việt Nam.

Đề cập đến người Việt làm toán ở nước ngoài, có lần ông đề nghị thay vì dùng cụm từ “chảy máu chất xám” nên đổi thành “xuất khẩu chất xám”. Ông có thể giải thích rõ hơn về điều này?

Việt Nam có tiềm năng về chất xám cao, nhưng sử dụng lãng phí. Nếu tự ta không dùng được, thì thà để cho nước ngoài dùng, đem lại cái gì đó, ta sẽ được hưởng lây, ảnh hưởng tốt đến trong nước, như thế đỡ lãng phí hơn là để những tiềm năng chất xám đó tàn lụi đi. Khi Việt Nam tạo được điều kiện thích hợp cho chất xám phát triển, thì chắc chắn chất xám sẽ phát triển ở Việt Nam, và có thể thu hút chất xám ở nước ngoài vào. Nếu xuất khẩu gạo có lợi cho đất nước, thì xuất khẩu chất xám cũng vậy. “Chất xám thô” nếu dùng ở nước ngoài hiệu quả gấp nhiều lần dùng trong nước thì xuất khẩu có lợi cho cả đôi bên. Những nhà toán học mà Việt Nam “xuất khẩu” ra ngoài lâu nay không những đã đóng góp nhiều tiền của cho Việt Nam, mà còn đã và đang giúp đỡ Việt Nam rất nhiều về toán học.

Việc Nhà nước Việt Nam buộc du học sinh đi du học diện học bổng, phải về nước làm việc sau khi hoàn tất việc học khiến cho nhiều người từ chối học bổng trong nước và tìm kiếm học bổng ở nước ngoài. Có phải là lợi bất cập hại?

Tiền Nhà nước cũng là tiền của dân, và những người được Nhà nước đầu tư cho học bổng, thì cũng có trách nhiệm đền đáp lại cho đất nước. Tôi luôn nói với các sinh viên Việt Nam của tôi như vậy. Học và làm việc cho nghiêm chỉnh, để người Việt Nam có được uy tín ở nước ngoài, và giúp đỡ các thế hệ sau, cũng nằm trong trách nhiệm đền đáp đó.

Nhưng không nhất thiết phải về nước mới đền đáp được. Việt Nam có thể học tập các chính sách của Trung Quốc trong vấn đề này: họ khuyến khích người Trung Quốc đi ra nước ngoài, ở lại nước ngoài, vì Hoa kiều là một trong các sức mạnh của Trung Quốc. 3/4 các đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc là qua Hoa kiều. Và cũng có thể mời chuyên gia Hoa kiều về lại Trung Quốc làm việc nếu thực sự cần đến họ và tạo điều kiện tốt cho họ. Theo tôi, chính sách nên mềm dẻo chứ không nên cứng nhắc quá.

Ý tưởng thành lập Hội toán học Việt kiều của ông nhằm hỗ trợ phát triển ngành toán học Việt Nam đã tới đâu? Ông từng cho rằng, toán học ứng dụng có vai trò rất lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế. Nhà nước nên làm gì để thực hiện được điều này?

Từ chính xác hơn, có lẽ là “mạng lưới” (network) các nhà toán học Việt ở nước ngoài, tương trợ lẫn nhau và giúp đỡ đồng nghiệp trong nước. Chúng tôi ở nước ngoài vẫn hay trao đổi với nhau. Chuyện hợp tác với trong nước được bao nhiêu, còn phụ thuộc từ phía trong nước.

Về phía giới toán học, cần đào tạo được một đội ngũ những người làm toán với mục đích làm ứng dụng và tìm hiểu các nhu cầu ứng dụng ở Việt Nam. Có những người cho rằng, trình độ phát triển công nghiệp của Việt Nam hiện tại chưa cần đến toán ứng dụng, nhưng theo tôi, nghĩ như vậy là thiển cận. Để đào tạo ra một lớp các nhà toán học ứng dụng cần ít nhất 5 – 10 năm, và trong khoảng thời gian đó Việt Nam sẽ thay đổi nhiều, nhu cầu tăng lên nhiều. Ngay tại thời điểm hiện tại, đã có các nhu cầu lớn, mà giới toán học chưa đáp ứng được, hoặc là xã hội chưa đầu tư thích đáng. Tôi lấy mấy ví dụ: vấn đề bảo mật có tầm quan trọng an ninh quốc gia cần nhiều nhà toán học, nhưng đầu tư kém nên ít người theo. Hay vấn đề tài chính, Việt Nam khi mở cửa thị trường tài chính là phải cạnh tranh với thế giới, mà trên thế giới có đến 5% số người làm về tài chính là học toán ra, cạnh tranh tài chính hiện đại một phần chính là cạnh tranh về công cụ toán học, trong khi ở Việt Nam con số này gần như bằng 0. Hay là trong lĩnh vực telecom, tối ưu mạng telecom là vấn đề toán học ứng dụng lớn. Viettel muốn có hợp tác với các nhà toán học nhưng các nhà toán học chưa đáp ứng được.

-------------

GS Nguyễn Tiến Dũng học toán tại đại học Lomonosov, Moscow (Nga), nghiên cứu sinh tiến sĩ tại viện SISSA, Trieste (Ý), bảo vệ luận án tiến sĩ tại đại học Strasbourg (Pháp) vào năm 1994 và sau đó làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại SISSA; được phong giáo sư hạng nhất bởi uỷ ban Quốc gia về đại học của Pháp từ năm 2007. Hiện nay, ông đang giảng dạy toán tại đại học Toulouse, Pháp. GS Nguyễn Tiến Dũng có nhiều bài viết và hoạt động nhằm thúc đẩy ngành toán và khoa học – giáo dục Việt Nam, cũng như kết nối các nhà khoa học Việt ở trong và ngoài nước.

Như Thuần (thực hiện)

.

.

.

No comments: