Wednesday, September 15, 2010

KHỔ NẠN LOA PHƯỜNG

BÁO “LỀ PHẢI”: KHÔNG NGHE CŨNG BẮT PHẢI NGHE?

Tạ Phong Tần

15/09/2010

http://taphongtan.wordpress.com/2010/09/15/2620/

Phạm Anh Dũng (Thái Bình) bức xúc: “Tôi đã từng phải chịu cảnh “nghe radio cưỡng bức” một thời gian dài và bị dị ứng với âm thanh chát chúa của nó. Cuối cùng cả xóm tôi được giải phóng khỏi cảnh tra tấn não khi không biết ai đó leo lên trụ điện cắt cái loa cho nó im tiếng và treo toòng ten trên đó. Ai cũng biết là phạm luật nhưng cả xóm đều hài lòng!”.

Một bạn giấu tên (Bình Định) kể một cách hể hả: “Tôi vác thang trèo lên cây bạch đàn và chỉnh nó quay ra ngoài đồng. Hôm sau anh kỹ thuật viên trèo lên quay loa vào xóm. Không chịu thua, tôi đến chỗ võng giữa 2 cột điện mắc dây, dùng tay lôi cái dây bên dưới giống kiểu bắn cung, sau đó buông tay. Dây dưới chập dính với dây trên thế là loa tịt…”.

--------------------------

.

Gọi loa phường là báo “lề phải” cũng không sai, bởi lẽ, lâu lâu có vài bản tin tức có “tính chất phường” như thông báo đem trẻ em đi chích ngừa, phun thuốc diệt muỗi, phòng chống H5N1 hay dịch heo tai xanh… còn lại thì loa phường toàn đọc lại những bàn tin tức thời sự xã hội trên báo in hằng ngày, phát lại những bài hát thời chiến tranh của Đài phát thanh địa phương, v.v… bằng một giọng ngọng nghịu, phát âm sai chính tả, ngắt câu không đúng… gây phản cảm, khó chịu cho người bị bắt buộc phải nghe.

Bởi lẽ, đài phát thanh, kênh truyền hình nhà nước, người ta có thể với tay tắt phụt nếu cảm thấy chương trình dở quá hoặc bấm remote chuyển sang kênh khác. Với báo in, báo mạng của nhà nước thì người ta có quyền… không đọc. Còn nếu bị gắn cái loa chỉa vào hướng nhà mình, thì dù muốn hay không muốn tất tần tật những cư dân trong phạm vi bán kính “tầm ảnh hưởng” của cái loa, từ già đến trẻ, từ khỏe đến ốm, từ mới đẻ đến sơ sinh… đều bắt buộc phải nghe cái loa nó nói.

.

Vấn nạn loa phường

“Nhiều dấu tích của thời chiến dần phai nhạt trong một đất nước Việt Nam đang hiện đại hóa nhanh chóng, nhưng có một thứ vẫn còn: mạng lưới loa phóng thanh trên khắp cả nước”, đó là nhận xét của phóng viên AP viết về hệ thống loa phường.

Ở quê tôi, ngay trung tâm tỉnh Bạc Liêu, nơi nhà nào nghèo lắm cũng có cái ti vi nghĩa địa, tiệm internet công cộng không ít, báo in bán lề đường không thiếu. Nhưng cứ ngày ba buổi, đúng 5 giờ sáng loa phường phát ông ổng đến 6 giờ. Sau bài nhạc tập thể dục 15 phút là một giọng nữ nhão nhoẹt, chua loét (có vẻ còn ngái ngủ) đọc bản tin đã đăng báo mấy hôm trước. Tin cũ đem đọc lại, người ta hay gọi đó là tin thiu (giống như bún thiu, cơm thiu). 11 giờ trưa, loa nổi nhạc tèng téng teng vui vẻ 5 phút rồi cũng giọng chua loét ấy đọc tin tức thiu tiếp đến 12 giờ. 5 giờ chiều loa phường lặp lại y như giờ phát buổi trưa đến 6 giờ tối. 15 phút buổi sáng sớm, khi mà đường phố còn ít xe cộ lưu thông, người đi chợ mới lác đác thì tôi còn nghe được loa nó cái gì mà biết tin cũ hay tin mới. Còn sau đó và buổi trưa, buổi chiều thì than ôi, tiếng xe cộ đủ loại gầm rú, tiếng người nói, tiếng la hét, tiếng chó sủa, gà kêu, tiếng trẻ con gào khóc, tiếng chửi thề, tiếng cãi nhau (thậm chí đánh nhau) ầm ĩ… làm thành mớ âm thanh bát nháo, hỗn độn. Người này muốn trò chuyện, thăm hỏi phải gào lớn lên thì người kia mới nghe. Trong cái “dàn hợp xướng” âm thanh kinh khủng đó, loa phường ra rả chen vào choe chóe, ông ổng thì đố ai mà nghe cho được, chỉ tổ làm cho tình hình âm thanh đã phức tạp càng rối ren thêm.

.

Ông Nguyễn Thanh Hải (Thành phố Sóc Trăng) nhà ở gần loa phường nói ông sẽ rất cám ơn nếu cái loa phường chịu im miệng vì: “Mỗi ngày cứ 2 lần, không kể ngày nghỉ, ngày lễ… loa phường cứ vang vang, thông báo thông tin, những thông tin mà báo chí đã đề cập trong các ngày trước đó… Tiếp theo là quảng cáo, nào là cám ơn cơ quan này, cơ quan kia”.

.

Tại Sài Gòn, nơi được coi là trung tâm kinh tế- khoa học- kỹ thuật lớn nhất nước. Tiến bộ như vậy tưởng đâu Sài Gòn sẽ thoát nạn loa phường nhưng không phải vậy. Cụ bà Nguyễn Thị Kỳ (Cư xá trục vớt, quận 2) mô tả một cách chi tiết, khôi hài: “Rẹt… rẹt… lẹt xẹt, lẹt xẹt… a lô một, hai, ba, bốn, năm… a lô, mời bà con nghe chương trình phát thanh của phường… Tuần vài buổi, cứ khoảng 11 giờ 30 là cái loa phát thanh phường treo trên cột điện ngay phía trên nóc nhà tôi lại réo ầm ĩ. Mà có phải bật loa là được ngay đâu, hai cái loa cũ kỹ chĩa ra hai hướng còn phải lẹt xẹt mấy phút, rồi phát thanh viên đập đập míc, a lố a lô, đếm một, hai, ba, bốn… một hồi nó mới chịu làm việc. Tiếng rít từ loa thật là khủng khiếp, những người già cả như tôi và mấy cụ trong hẻm được một phen nhức đầu nhức óc”.

.

Khu vực miền Trung chẳng hề kém cạnh, người dân ở Phan Thiết, Bình Định, Đà Nẵng… kêu như bộng. Một khách du lịch tên Văn Thành kể: “Phan Thiết cũng bị vấn nạn loa phường khá trầm trọng. Hai con đường đẹp nhất thành phố Phan Thiết là đường Nguyễn Tất Thành và đường Trần Hưng Đạo được trang bị khá nhiều loa phường. Cứ đúng 5 giờ sáng mỗi ngày, bất kể ngày làm việc hay ngày cuối tuần, hệ thống loa phường ở đây lại oang oang cất tiếng vang vọng suốt mấy giờ liền.

Có một lần trú tại khách sạn Khánh Hùng gần đó, tôi chứng kiến một khách du lịch nước ngoài mất ngủ vì tiếng loa phường nên đã yêu cầu cô tiếp tân tại khách sạn tắt cái loa đi để anh ta có thể nghỉ ngơi. Dĩ nhiên là cô tiếp tân không có đủ “kung fu” để làm cho loa phường im tiếng, thế là chàng du khách nhà ta nhất quyết đòi trả phòng khách sạn. Đúng là một câu chuyện cuời ra nuớc mắt”.

.

Bạn Lê Thanh Tuấn (sống ở Sài Gòn) thì nói: “Quê của tôi ở Qui Nhơn (Bình Định). Cứ mỗi dịp Tết về quê thăm gia đình khoảng một tuần lễ, là đúng 7 ngày tôi bị “loa thành phố” đánh thức lúc 5 giờ sáng, nghe đúng là chói tai (chưa kể trưa chiều). Một người bình thường còn không cảm thấy dễ chịu huống chi người bệnh và trẻ nhỏ”.

.

“Nhà tôi ở giữa trung tâm thành phố Thái Bình, có ai cày cấy làm nông đâu mà chiều chiều loa phường “hướng dẫn bón phân, tưới tiêu, chăm sóc và phun thuốc trừ sâu…” Sáng 5 giờ thì loa phường reminder cả khu dậy “tập thể dục” rồi”. Bạn Phạm Anh Dũng (Thái Bình) phản ánh.

.

Ngay Thủ đô Hà Nội, vấn nạn loa phường còn kinh khủng hơn cả khu vực miền Nam. VnExpress cho hay: “Hàng nghìn thôn xóm và phường ở Việt Nam có hệ thống loa phát thanh, tất nhiên 577 phường của Hà Nội không là ngoại lệ”.

Một cư dân Hà Nội tên là Trần Hùng viết trên báo Tiền Phong: “Thử tưởng tượng nếu anh sống cạnh cái loa, ai đó trong nhà anh ốm thập tử nhất sinh mà ngày ngày được nghe bài hát ‘Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay’, thật kinh khủng, nếu hàng xóm nhà tôi mà gây ồn như thế, tôi sẽ đưa họ ra tòa. Thế mà loa phường cứ gây ô nhiễm tiếng ồn mãi”.

.

Tin mới nhất (ngày 8/4/2010 trên Tiền Phong) là loa phường ở Hà Nội vẫn tiếp tục “tra tấn não” người dân. “Đau đầu lắm, mới 5 giờ sáng đã phát, tiếng thì rè, chẳng nghe ra câu gì” - bà Trương Thị Hằng ở đường Ngô Gia Tự, Quận Long Biên, Hà Nội, nhăn nhó nói với phóng viên. Cũng khó chịu như bà Hằng, người dân ở xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm, Hà Nội, mỗi sáng lại bị gọi dậy từ 5 giờ 30, từ cái loa xã kêu oang oang trên cột điện. Những công nhân đi làm đêm hoặc người có con nhỏ phải bịt tai, trùm chăn mà vẫn không yên.

.

Khi người dân chống… loa phường

“Tôi phải thừa nhận rằng những người sống gần những cái loa rất khổ. Tiếng loa cứ xói vào tai họ”, ông Phạm Văn Hiện -Chủ tịch phường Khương Mai, Hà Nội nói.

Phạm Anh Dũng (Thái Bình) bức xúc: “Tôi đã từng phải chịu cảnh “nghe radio cưỡng bức” một thời gian dài và bị dị ứng với âm thanh chát chúa của nó. Cuối cùng cả xóm tôi được giải phóng khỏi cảnh tra tấn não khi không biết ai đó leo lên trụ điện cắt cái loa cho nó im tiếng và treo toòng ten trên đó. Ai cũng biết là phạm luật nhưng cả xóm đều hài lòng!”.

.

Một bạn giấu tên (Bình Định) kể một cách hể hả: “Tôi vác thang trèo lên cây bạch đàn và chỉnh nó quay ra ngoài đồng. Hôm sau anh kỹ thuật viên trèo lên quay loa vào xóm. Không chịu thua, tôi đến chỗ võng giữa 2 cột điện mắc dây, dùng tay lôi cái dây bên dưới giống kiểu bắn cung, sau đó buông tay. Dây dưới chập dính với dây trên thế là loa tịt…”.

.

Rồi họ còn “mần thơ” chế giễu:

CÁI LOA PHƯỜNG

Giật mình tỉnh giấc cái loa phường
Chưa sáng đã gào thét bốn phương
Đang lúc thời bình xài thời chiến
Tưởng đâu bom Mỹ dội ngoài đường

Thể dục buổi sáng như tra tấn
Tin tức buổi chiều nghe nhức xương
Hỏi khắp năm châu, tìm bốn bể
Chẳng thấy nơi mô có loa phường.

.

Không muốn nghe cũng bắt buộc phải nghe?

Ai cũng biết tiếng ồn gây ra các tác hại cho tai. Nếu tiếp xúc lâu ngày với tiếng ồn, có thể dẫn đến giảm khả năng nghe, phân biệt âm thanh. Nếu nặng, rách màng nhĩ. Tiếng ồn gây rối loạn giấc ngủ (từ 35 dBA), làm tăng rủi ro nhồi máu cơ tim (chịu liên tục 70 dBA), làm rối loạn cơ quan nội tiết. Tiếng ồn làm ảnh hưởng học tập trẻ em.

Trong khi cơ quan quản lý nhà nước còn mãi “đánh vật” với môi trường sống của người dân bị ô nhiễm vì chất thải, ô nhiễm không khí vì khói bụi, ô nhiễm vì hóa chất nông nghiệp… mà kết quả phần thắng hiện nay có phần… nghiêng về phía “địch”; thì có một thứ ô nhiễm khác nằm trong tầm tay cơ quan nhà nước, do chính nhà nước có quyền “sinh sát” lại để cho nó ngang nhiên đầu độc môi trường sống của người dân. Đó là “ô nhiễm tiếng ồn” do loa phường, và trách nhiệm quản lý thuộc về các Phòng Văn hóa và Thông tin của quận và Đài phát thanh huyện.

Tiêu chuẩn quốc gia về tiếng ồn đã có từ hơn 10 năm trước, Luật Bảo vệ Môi trường đã có từ 5 năm trước, nhưng tất cả giờ đây vẫn còn “nằm trang trí trong tủ kính”. Phải chăng các vị có thẩm quyền luôn sống và làm việc trong môi trường phòng máy lạnh, tường cách âm, cách nhiệt nên chưa bao giờ thấu hiểu nổi khổ của người dân ngày ngày bị “tra tấn não”? Hay nguyên tắc bất di bất dịch của báo “lề phải” là “không muốn nghe cũng bắt buộc mày nghe” nên thời đại này mà Việt Nam vẫn còn tồn tại hệ thống loa phường?

Tạ Phong Tần

.

.

.

No comments: