Sunday, September 12, 2010

GS NGUYỄN ĐĂNG HƯNG NÓI VỀ CUỘC CÁCH MẠNG ĐẠI HỌC Ở CHÂU ÂU

GS NGUYỄN ĐĂNG HƯNG NÓI VỀ CUỘC CÁCH MẠNG ĐẠI HỌC Ở CHÂU ÂU

11-09-2010

http://nguyenxuandien.blogspot.com/2010/09/normal-0-false-false-false.html

Bài phỏng vấn GS.TSKH Nguyễn-Đăng Hưng, Giáo sư thực thụ danh dự, trường ĐH Liège, Bỉ. Nguyên Chủ nhiệm các chương trình Cao học Bỉ&Việt tại ĐHBK Tp HCM và Hà Nội.

.

Cuộc cách mạng đại học xáo trộn cả châu Âu: Việt Nam không thể đứng ngoài!

(Bài phỏng vấn này đã được đăng trên báo Báo Thanh Niên, ngày 11/11/2004)

Là Giáo sư trưởng bộ môn Cơ học phá hủy (Khoa Kỹ thuật Hàng không- Không gian) của ĐH Liège (Bỉ), đi thỉnh giảng ở nhiều nước trên thế giới và hiện đang là Chủ nhiệm chương trình hợp tác đào tạo Cao học Việt - Bỉ tại ĐH Bách Khoa Hà Nội và ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh.

GS. Tiến sĩ khoa học (TSKH) Nguyễn Đăng Hưng sau chuyến trở lại từ Châu Âu đã có cuộc trò chuyện với Thanh Niên về một “Cuộc cách mạng ĐH xáo trộn cả châu Âu” (cách dùng từ của báo chí châu Âu) trong năm 2004 này.

.

- Thưa GS, nghĩ đến việc đổi mới hay cải tổ một nền giáo dục, người ta hay nghĩ đến sự yếu kém của nền giáo dục đó, phải chăng châu Âu đang phải làm cách mạng giáo dục ĐH là nằm trong trường hợp đó?

- GS,TSKH Nguyễn Đăng Hưng: Tây Âu với các nước như Đức, Ý, Pháp… đã dẫn đầu thế giới cả mấy thế kỷ về học thuật và kinh tế vì đã xây dựng được từ lâu đời một nền ĐH có chất lượng bậc nhất thế giới. Nhưng chính các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu ngày càng ý thức những điểm yếu của mình. Nền giáo dục Châu Âu vì lý do lịch sử để lại nên có tính manh mún, phân tán, mỗi nước mỗi kiểu, lại không thể thu hút sinh viên hay giữ chân nhân tài, không tương xứng với yêu cầu của tình hình mới. Theo thống kê từ năm 1980, sinh viên ngoại quốc đến Châu Âu đã ít hơn đến Mỹ. Từ năm 1991 đến 2000, 50% tiến sĩ gốc Châu Âu đến Mỹ học và không về lại Châu Âu làm việc (khoảng 11.000 người).

Năm 1999, các nhà lãnh đạo giáo dục 29 nước Châu Âu đã họp tại Bologna, nơi có trường đại học sớm nhất Châu Âu (Ý, năm 1088) để thông qua một tuyên bố lịch sử là “Tuyên Ngôn Bologna”. Văn bản này đề ra những phương hướng chung, khắc phục những yếu kém hiện hữu, đồng loạt làm một cuộc cải tổ có tính cách mạng bắt đầu thực hiện từ năm 2004 và phải xong trong thập niên đầu tiên của thiên niên kỷ mới.

.

- Nội dung chính của cuộc cách mạng này sẽ là gì?

- GS, TSKH Nguyễn Đăng Hưng: Đó là các ĐH ở Châu Âu thống nhất một lộ trình từ nay cho đến 2010 là một thập niên để cải tiến giáo dục toàn Châu Âu hướng đến một nền giáo dục chung nhất. Các ĐH sẽ tự chuyển mình, sao cho đến thời hạn cuối là 2010 phải đạt được 6 mục tiêu cụ thể sau đây:

Một là xây dựng một hệ thống đào tạo thống nhất, trên toàn lãnh thổ Châu Âu chỉ còn 3 loại bằng: tú tài+3 là Cử nhân, tú tài+5 là Thạc sĩ (Master) và Tú tà+8 là tiến sĩ.

Hai là phát triển và tổ chức hoàn chỉnh chế độ đào tạo theo tín chỉ trên toàn Châu Âu.

Ba là công nhận bằng cấp của nhau.

Bốn là liên thông giữa đào tạo nghề và đào tạo ĐH để mở rộng cơ hội học tập suốt đời cho mọi người.

Năm là củng cố việc trao đổi sinh viên, giảng viên bằng cách tăng cường học bổng và thù lao thỉnh giảng.

Sáu là củng cố chế độ tự trị ĐH cùng lúc với những phương thức kiểm định chất lượng ĐH.

Các trường chủ động xác định cho mình một lộ trình phù hợp với điều kiện cụ thể của mình. Nhưng nhìn chung một bầu không khí sôi động đã bắt đầu ở tất cả các trường ĐH trên toàn Châu Âu ngay từ đầu năm mới. Theo tôi biết 50% trường ĐH của Pháp và 100% của Ý, Bỉ đã công bố thực hiện theo quy chế mới từ đầu niên khóa 2004-2005.

.

- Theo GS thì “cuộc cách mạng” đó có ảnh hưởng tới ĐH Việt Nam?

- GS Nguyễn Đăng Hưng: Cuộc cải cách mà tôi vừa nói đang xáo trộn toàn diện không gian ĐH Châu Âu, có đến 31 quốc gia tham gia. ĐH Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Úc đã tổ chức theo hệ thống như vậy từ trước. Như vậy có nghĩa là gần như sẽ đi đến một nền ĐH thống nhất toàn thế giới cho thập niên trước mắt.

Việt Nam không thể đi một lối khác với xu thế toàn cầu này mà nên nhanh chóng hòa vào xu thế chung của ĐH thế giới. Chúng ta đang tính toán, đang bàn cãi và thậm chí chuẩn bị sửa chữa,bổ sung Luật Giáo dục thì rất nên tìm hiểu kinh nghiệm của các nước để “đi tắt, đón đầu”, sử dụng kinh nghiệm của họ áp dụng vào thực tiễn Việt Nam là có lợi nhất. Nếu chúng ta đứng ngoài xu thế này hoặc đi ngược lại trào lưu, sẽ đến lúc rất khó khăn cho việc giao lưu quốc tế, khó khăn trong việc gởi sinh viên đi đào tạo nước ngoài…

.

- Xin cảm ơn ông

.

.

.

No comments: